Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Tiền điện tăng vọt

Cập nhật lúc 08:33  

Tiền điện tăng vọt trong tháng 5 vừa qua khiến người dân bất bình và nghi ngờ cách tính toán theo biểu giá điện lũy tiến hiện nay mà Tập đoàn điện lực VN (EVN) đang áp dụng. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực điện lực cho rằng, sự bất bình của người dân không phải không có cơ sở.


 Hóa đơn tiền điện của một hộ dân tháng trước và tháng sau chênh nhau gần 1 triệu đồng -  Ảnh: Ngọc Thắng
Cầm trên tay hóa đơn tiền điện tháng 5 do nhân viên thu tiền điện gửi tới, chị Trần Thanh Hương (P.Khương Thượng, Q.Đống Đa, Hà Nội) bần thần: “Bình thường mỗi tháng nhà tôi chỉ trả khoảng 400.000 đồng, tháng này vọt lên hơn 1,8 triệu đồng. Không hiểu ngành điện họ có tính sai không”.
Trường hợp tiền điện “nhảy vọt” như nhà chị Hương là khá phổ biến. Thậm chí có không ít hộ hóa đơn lên tới 3 - 5 triệu đồng. Trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn khác, những người phản ánh hóa đơn tiền điện tăng đột biến rất nhiều mà chưa có một thống kê chính thức nào của ngành điện công bố về số lượng người dùng phải chi trả tiền điện lớn bất thường như vậy.
“Bậc thang” và... nắng nóng



Về nguyên tắc, tiêu càng nhiều điện giá càng giảm nhưng ở ta dùng càng nhiều giá điện càng tăng, là ngược với thế giới. Lẽ ra doanh thu của anh cao thì anh phải hãm bớt lợi nhuận chứ anh lại tăng lợi nhuận cao quá là không được


Một chuyên gia trong ngành điện

Đây là năm thứ hai liên tiếp xảy ra tình trạng cứ đến các tháng nắng nóng mùa hè, người dân lại bức xúc với hóa đơn thanh toán tiền điện và bày tỏ nghi ngờ về việc đo đếm, biểu giá lũy tiến mà EVN đang thực hiện. Riêng năm nay, mức độ bức xúc đang ngày càng cao hơn và đây là hiện tượng đáng lưu ý bởi kể từ tháng 3.2015, EVN đã áp dụng mức giá điện mới với biểu giá điện từ 50 kWh tiêu thụ đầu tiên cho đến mức sử dụng trên 400 kWh. Một thống kê của một cơ quan truyền thông cho thấy, trong tháng 5, hóa đơn tiền điện các gia đình trong nội thành ở Hà Nội tăng từ 30 - 100%; nhiều gia đình tăng 3 - 4 lần.
Trả lời báo chí về hiện tượng trên, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), nói trong những thời điểm nắng nóng từ đầu tháng 5 đến nay, mức tiêu thụ điện tăng đột biến, có thời điểm công suất điện huy động trên toàn hệ thống lên tới 25.000 MW như ngày 28.5.2015. “Nắng nóng có tính kỷ lục trong vòng mấy chục năm qua dẫn đến tiêu thụ điện năng trong tháng 5 tăng 13,58% so với cùng kỳ năm 2014. Nếu so với trung bình ngày trong tháng 4, tiêu thụ điện tháng 5 tăng 8%. Đặc biệt khu vực miền Bắc, sản lượng điện tiêu thụ bình quân tăng 17%, riêng Hà Nội tháng 5 tăng bình quân 28%”, ông Phúc nói.
Đại diện EVN Hà Nội thừa nhận tình trạng hóa đơn tiền điện sinh hoạt tăng rất cao trong tháng 5 nhưng cũng cho rằng do nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng mạnh, dẫn đến khi tính theo cách lũy tiến bậc thang thì tiền điện phải trả lớn hơn. “Giả sử tháng trước, một gia đình sử dụng trên 100 kWh điện, mức bậc thang cao nhất là 1.786 đồng/kWh, tổng chi phí phải trả là 300.000 đồng. Nhưng sang tháng sau (ví dụ tháng 5), chỉ số công tơ trên 400 kWh, giá cao nhất trong biểu giá là 2.587 đồng/kWh thì mức tiền trả khoảng 1 triệu đồng. Chỉ số điện năng tăng gần gấp đôi nhưng theo cách tính bậc thang thì số tiền phải trả có thể tăng gấp 3, thậm chí 4 lần”, đại diện EVN Hà Nội giải thích với báo chí như vậy.
Cách tính ngược với thế giới


Yêu cầu kiểm tra ngay nếu thấy nghi ngờ
Tiến sĩ Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực VN, cho rằng hiện nay cách tính giá điện theo bậc thang đã được quy định rồi và cần phải có thời gian xem xét lại, khó xem xét sửa đổi ngay nên các hộ dân khi nhận được hóa đơn thấy giá quá bất thường thì nên đối chiếu số tiền điện với số lượng điện tiêu thụ và khung biểu giá đã ban hành. “Quy định hiện nay, nếu thấy số đo không chuẩn, các hộ dân làm đơn yêu cầu kiểm tra thì ngành điện phải kiểm tra lại và không được thu phí”, ông Long nói.

Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành điện, việc tiêu thụ điện tăng cao và các gia đình phải trả thêm nhiều tiền, phản ánh theo hóa đơn cơ bản là đúng. “Cũng có một số nguyên nhân, có thể có chuyện do thời tiết nóng bức, nhân viên đi thống kê, đọc công tơ nhanh, không kỹ, có khi ghi sai nhưng cơ bản lý do hóa đơn tiền điện tăng cao và bất hợp lý lại chính ở biểu giá điện tính theo công thức lũy tiến”, ông này nói và phân tích: “Nếu bình thường dùng 100 - 200 kWh/tháng thì còn đỡ, nhưng tăng lên trên 400 kWh thì rất khác vì mức giá trên kWh thứ 401 là 2.587 đồng/kWh. Nhưng đó là nói sách vở thôi chứ thực tế, cách tính bậc thang nó rất cao”.
Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng: “Về nguyên tắc, tiêu càng nhiều điện giá càng giảm nhưng ở ta dùng càng nhiều giá điện càng tăng, là ngược với thế giới. Lẽ ra doanh thu của anh cao thì anh phải hãm bớt lợi nhuận chứ anh lại tăng lợi nhuận cao quá là không được. Do đó EVN nên điều chỉnh lại biểu giá cho hợp lý, ví dụ như trên 200 kWh thì không nên tăng giá nữa mới hợp lý, còn anh tăng trên 2.500 đồng là không ổn. Cộng thêm việc đo, đếm sai thì người dân thiệt quá. Ngành điện các nước họ không để dân quá thiệt như vậy”.
Đáng chú ý, một cán bộ cấp trưởng ban từng làm việc tại EVN cho rằng vấn đề không chỉ ở biểu giá điện mà hiện nay còn ở cách đo đếm và thiết bị. “Cần phải xem lại độ tin cậy của hệ thống thiết bị đo đếm, sự đồng bộ của thiết bị ghi nhận chỉ số và một loạt vấn đề về dây dẫn, trạm… ảnh hưởng đến điện áp, mức độ tổn thất khi tiêu thụ. Bởi tất cả các yếu tố này đều có ảnh hưởng nhất định. Nếu dây dẫn, thiết bị không đồng bộ thì tổn thất điện lớn, thời tiết càng nóng thì tổn thất càng lớn”, ông này nói và khẳng định: “Chỉ cần sai số độ 5% thôi, số tiền điện của khách hàng cũng tăng đột biến theo chứ không chỉ ở biểu giá. Do đó, rất cần xem lại vấn đề đầu tư thiết bị đồng bộ”.
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, việc tăng giá điện 7,5% từ ngày 16.3.2015 sẽ đưa doanh thu của EVN năm 2015 tăng thêm 13.000 tỉ đồng. Nhưng với thực tế mức tiêu thụ điện tăng rất cao những tháng cao điểm nắng nóng năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng mức thu của EVN còn cao hơn nữa. Bộ Công thương và EVN cần phải xem lại biểu giá điện với công thức tính lũy tiến để đảm bảo lợi ích cho người dân. Hiện nay công suất dự phòng vẫn có trên 4.000 MW, nhu cầu tiêu thụ điện của người dân là thiết yếu nên không thể vì lý do hạn chế tiêu thụ, tiết kiệm điện để đặt mức giá lũy tiến quá cách biệt. Cách tính hiện nay là quá lợi cho EVN và quá thiệt cho người tiêu dùng.

(Theo Thanh niên) Mạnh Quân

Ai thông minh hơn Ông EVN?

      Tôi cứ ngỡ bài toán xin tăng thuế xăng dầu của Petrolimex là thông minh nhất. Tuy nhiên, khi tham khảo bảng giá điện (sau khi được duyệt tăng 7,5%) mới té ngửa ra là mình đã nhầm, một cái nhầm rất lớn!
      Thì ra quản lý Nhà nước đang để một “lỗ hổng” không nhỏ cho ngành điện thao túng, đó là bậc thang giá điện.
      Giá điện lần này tăng có 7,5%, một mức khiêm tốn đến nỗi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã phải thốt lên “giá mà điện tăng 9,5% thì tốt quá!!!”. Thôi, chẳng bàn luận gì về phát ngôn của ông chủ Ngân hàng vì chắc ông ta có bao giờ phải lo chuyện cơm áo gạo tiền. Hãy coi thử giá điện xem thế nào. Trước hết xin phô tô bảng giá điện để mọi người tham khảo:

STT
Mức sử dụng một hộ trong tháng
Mức giá từ 16-3-2015 (đ/kwh)
1
Cho 0-50kwh
50 số đầu
1.484
2
Cho kwh từ 51-100
50 số tiếp
1533
3
Cho kwh từ 101-200
100 số tiếp
1786
4
Từ 201 đến 300
100 số tiếp
2242
5
Từ 301 đến 400
2503
6
Trên 400
2587

      Họ nói tăng 7,5% thực ra đây là mức tăng khiêm tốn của 50 số điện đầu tiên. Với nhu cầu thiết bị điện phổ biến hiện nay, rất hiếm có hộ gia đình nào lại chỉ sử dụng 50 số điện (có chăng chỉ còn với hộ nghèo ở vùng núi, hải đảo). Với những số điện khi đã thuộc diện bậc thang (trên 50kw) thì đều tăng, thấp nhất là 49 đồng, khoảng tăng cao nhất giữa mức trước và sau là 456 đồng cho mỗi kw. Còn nếu so giá điện mức cao nhất 2587 đồng (dùng trên 400 kw) với mức khởi điểm 1484 đồng (50kw) thì mức tăng phải là 1103 đồng/kw! Mức tăng lúc này là hơn 74%. Đáp án này chỉ ngành điện hiểu rõ nhất.

      Tính giá bậc thang để hạn chế người dân sử dụng điện! Câu khẩu hiệu mới nghe cứ tưởng đó là vì mục tiêu nhân văn, họ muốn hạn chế sử dụng điện, muốn người dân tiết kiệm. Xưa nay tiết kiệm có bao giờ là lời khuyên sai?
      Điện năng cũng là phương tiện, là tư liệu sản xuất. Nhưng sao ta lại phải hạn chế sản xuất? Có quá mâu thuẫn không khi mà ta đang phấn đấu nâng tăng trưởng lên 6-7%? Hạn chế sử dụng điện thì sao tăng trưởng kinh tế được?
      Nói là tiết kiệm điện nhưng thực tế có phải EVN quan tâm tới tiết kiệm điện? Tổn thất điện năng của ta hiện chừng 8-9%, một con số tổn thất đứng hàng đầu khu vực! Nhân 9% với 210 tỷ kw (sản lượng điện làm ra hiện nay) sẽ ra con số thất thoát điện năng của ta. Hàng chục năm qua EVN chưa có giải pháp hữu hiệu nào để hạn chế tổn thất điện năng cả. Vậy sao có thể nói EVN muốn tiết kiệm điện được? Để bù đắp vào sự tổn thất đó, xem ra giải pháp móc từ túi người sử dụng điện vẫn là đơn giản và dễ dàng nhất!

      Cũng vì nó là giải pháp đơn giản, dễ dàng nên chuyện giá điện sẽ còn tiếp tục tăng cao là điều hiển nhiên. Ngành điện và người dùng điện có thể ví như con cáo con thỏ trong bộ phim hoạt hình thời Liên Xô. Câu kết phim bao giờ con cáo cũng nói: “Hãy đợi đấy”! Chỉ có một điểm khác trong chuyện này, con cáo EVN không bao giờ thất bại!

(Theo dongquanho.blogspot) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét