Quốc lộ 1A vừa sửa xong đã lún do…
biến đổi khí hậu!
Cập nhật lúc 09:21
QL1A
đoạn qua Hà Tĩnh vừa sửa xong đã hằn lún khiến mặt đường tạo thành những “con
lươn”. Ảnh: Trần Tuấn
Bác bỏ nguyên nhân do bớt xén vật liệu thi công, cơ quan quản lý cho rằng
tình trạng đường quốc lộ vừa sửa xong lại tiếp tục lún có nguyên nhân là bởi
nắng nóng và... biến đổi khí hậu. Cách giải thích này ngay lập tức bị giới
chuyên gia cầu đường chỉ rõ là thiếu thuyết phục.
Đường vừa chống lún lại tiếp tục lún
Tuyến QL1A mở rộng đoạn nam cầu Bến
Thủy 2 đến đường tránh bắc TP.Hà Tĩnh dài 34km do TCty Xây dựng công trình
giao thông 4 (Cienco4) làm chủ đầu tư mới đưa vào sử dụng tháng 1.2014, nhưng
sớm hằn lún nặng nề khiến đơn vị này phải cho thảm lại một số đoạn và cào bóc
tạm bợ lớp gồ ghề “sống trâu”. Tuy nhiên, những vị trí vừa được chống lún lại
tiếp tục hằn lún khá sâu.
Có mặt trên tuyến QL1 nói trên vào sáng
23.6, PV Báo Lao Động ghi nhận mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe kéo dài qua
các xã Thạch Liên (Thạch Hà), Tiến Lộc, Vượng Lộc, thị trấn Nghèn (Can Lộc).
Nhiều vị trí vừa được chống lún hồi tháng 4.2015, nay bị lún sâu khoảng 2cm.
Riêng đoạn qua xã Vượng Lộc chưa được khắc phục tạo thành những con lươn,
đọng nước.
Nhà nằm sát QL1A, anh Nguyễn Văn Ngọc
(43 tuổi, trú thị trấn Nghèn) cho biết, đường hằn, lún khiến việc điều khiển
xe máy gặp khó khăn, xe bị rung rất dễ bị tai nạn. Cũng theo anh, một cô giáo
sống ở đối diện nhà anh vừa bị tai nạn khi đi qua đoạn đường này. Ông Hoàng
Minh Việt - Phó ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh - từng khẳng định, việc chủ đầu tư
chống lún bằng cách cào lớp gồ ghề chỉ mang tính tạm bợ. Các phương tiện giao
thông khi đi trên mặt cào bóc này vẫn không đảm bảo an toàn, nhất là đối với
xe máy.
Nguyên do là bởi ông trời
Trực tiếp kiểm tra vấn đề hằn, lún
đường QL1A tại các tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng:
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng hằn, lún đường là do tác động
của... biến đổi khí hậu. Cụ thể thời tiết ở VN nắng nóng, mặt đường buổi trưa
lên tới trên 70 độC và độ giảm nhiệt vào buổi tối không nhanh như ở một số
khu vực trên thế giới. Trước câu hỏi nguyên nhân của việc hằn, lún đường có
phải là do bớt xén vật liệu trong quá trình thi công? Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh:
“Tôi dám khẳng định là không có, vì thảm bêtông nhựa mà ăn bớt là rất nguy
hiểm. Đến giờ chưa khẳng định được chuyện này và chưa bắt được vụ nào”.
Nói về trách nhiệm để xảy ra tình trạng
lún sụt, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định: Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ
đầu tư, nhà thầu, tư vấn thiết kế. “Ngày 22.6, tôi có làm việc tại Quảng
Ngãi, các nhà đầu tư, nhà thầu đều trăn trở và lo lắng khi sản phẩm làm ra
được bảo hành trong vòng 4 năm. Nhưng khi thảm bêtông nhựa hỏng, chỉ cần 1km
sẽ mất mấy tỉ đồng để khắc phục. Do vậy, thiệt hại đầu tiên là các nhà thầu, các
nhà đầu tư phải chịu”. Cũng theo ông Thọ, trong thời gian tới Bộ GTVT sẽ làm
rõ trách nhiệm vì khi nhà thầu và chủ đầu tư chịu trách nhiệm về mặt kinh tế,
cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Ngụy biện và thiếu trách nhiệm
Tuy nhiên trao đổi với Báo Lao Động,
chuyên gia cầu đường - thạc sĩ Phạm Sanh khẳng định: Đổ lỗi đường lún do
nhiệt độ cao là ngụy biện. Ông cho hay, theo tiêu chuẩn kỹ thuật, bêtông mặt
đường được thiết kế có khả năng chịu nhiệt độ nóng đến khoảng 120 độ C. Trong
khi đó, tại một số địa phương, thời tiết nắng nóng hơn mọi năm, song nhiệt độ
ngoài trời tối đa cũng chỉ khoảng 60-70 độ C, không thể khiến mặt đường bị
lún.
“Ở một số nước trên thế giới, như khu
vực Châu Phi nhiệt độ ngoài trời nắng nóng hơn VN rất nhiều, có nơi nóng cả
100 độ C, nhưng đường sá của họ có bị lún như ở nước ta đâu. Nếu nói tuyến
quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An bị lún hơn cả là do nhiệt độ tăng cao, tại
sao những tuyến đường xung quanh khu vực đó không bị lún” - thạc sĩ Phạm Sanh
đặt vấn đề.
Hơn nữa, việc đổ lỗi đường lún do quá
nhiều xe lưu thông cũng là cách giải thích vô lý. Bởi khi xây dựng các tuyến
đường, mục đích là nhằm phục vụ nhu cầu lưu thông của các phương tiện, chứ
đâu phải làm đường để cấm xe chạy. Tình trạng mặt đường bị lún trên một số
đoạn quốc lộ 1 cũng giống như lún hằn vệt bánh xe như xảy ra tại Đại lộ Mai
Chí Thọ (TPHCM) vừa qua. “Tôi cho rằng, nguyên nhân lún này có thể xuất phát
từ việc thiết kế chưa phù hợp hoặc trong quá trình thi công có sự gian dối ăn
bớt vật liệu hoặc làm cẩu thả”.
Về trách nhiệm, theo thạc sĩ Phạm Sanh,
lãnh đạo Bộ GTVT cũng có chỉ đạo kiểm tra, đánh giá xử lý song đến nay gần
như việc xử lý trách nhiệm chưa đâu vào đâu. Thậm chí, ngành giao thông cũng
tổ chức hội thảo để đánh giá tình trạng song cũng chỉ là dịp để các chủ đầu
tư, nhà thầu giãi bày là chính, chứ Bộ GTVT chưa có kết luận làm rõ ngọn
ngành. “Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT phải kiên quyết hơn nữa trong việc kiểm
tra xác định rõ những lý do đường lún. Nếu không xử lý kiên quyết sẽ là tiền lệ
xấu, hễ đường bị lún, nứt là lại đổ lỗi do ông trời mưa nắng bất thường”.
Tại Hải Phòng, hơn 20km đường QL5
vừa sửa chữa xong, vẫn trong thời gian bảo hành, cũng bị lún sụt thành rãnh
sâu từ 5-15cm, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Theo quan sát,
đoạn đường từ km94 (ngã ba Sở Dầu) đến km104 (khu vực cảng Đình Vũ, quận Hải
An) có nhiều đoạn bị lún sâu. Phần bị lún trông như hai rãnh mương giữa mặt
đường. Đặc biệt, những đoạn bị lún sâu nhất là khu ngã tư đường Tôn Đức Thắng
sang xã An Đồng (huyện An Dương), khu vực nút giao thông Ắc quy, Cơ điện, nút
giao PG, nút giao cầu Niệm (km97 +150), Thiên Lôi (km98 +150). Đoạn đường trên
được Tổng cục Đường bộ sửa chữa cuối năm 2013, tuy nhiên, ngay khi vừa hoàn
thành, đoạn đường tiếp tục bị lún sụt nghiêm trọng dù thời hạn bảo hành vẫn
còn (12 tháng).
Nhóm PV Báo Lao động
|
Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét