Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

GIÁ ĐIỆN THÁNG 5- TRỤC LỢI TỪ THIÊN TAI!

Cập nhật lúc 19:57

Những bất ngờ, nghi ngờ của người dân về hóa đơn tiền điện vọt tăng thể hiện chất lượng sống của người dân đang vô tình hay hữu ý bị hạ thấp.
Mấy hôm nay, dư luận bức xúc về hóa đơn tiền điện vọt tăng trong tháng 5. Đành rằng, ngành điện nhiều lần cho rằng, tăng giá điện, thậm chí chi li mức giá điện đã tính theo múi giờ để người dân phải tiết kiệm điện. Nhưng nghịch lý ở chỗ, khi Đảng, Nhà nước và toàn dân nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì sự tăng giá điện đột biến trong biên lai thu tiền điện tháng 5 (và nhiều lần trước đây) khiến người dân bức xúc, nghi ngờ.
Tiền điện tháng 5 tăng đột biến so với tháng trước
Thời điểm này, không khó để tiếp cận người dân để nhận được chia sẻ những bức xúc, nghi ngờ về hóa đơn tiền điện vọt tăng. Trao đổi với phóng viên VOV.VN, chị Trần Thị Ngọc (phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Gia đình chị rất bất ngờ và bức xúc về hóa đơn tiền điện trong tháng 5 vọt tăng. Bởi lẽ, chị Ngọc mở lớp dạy thêm tiếng Anh thường xuyên tại nhà. Nhưng trong tháng 5 vừa qua, học viên của chị nghỉ hè, phòng học có thiết bị điện (gồm máy vi tính, điều hòa, loa đài phục vụ việc giảng dạy và học tập) không hoạt động, sinh hoạt gia đình không có đột biến, nhưng hóa đơn tiền điện lại vọt tăng gấp đôi tháng 4. Cụ thể, trong tháng 4, tiền điện của nhà chị Ngọc chỉ hết 830.000 đồng, nhưng tháng 5 đã tăng lên 1,5 triệu đồng.

 tien dien vot tang: nganh dien luong truoc dan buc xuc? hinh 0
Hơn đơn tiền điện tháng 4,5,6/2015 của một gia đình tại Hà Nội

Cùng nỗi bức xúc với nhà chị Ngọc, anh Vũ Lương (phóng viên báo Tiền Phong) chia sẻ trên facebook hóa đơn tiền điện nhà anh tháng 4 chỉ hơn 932.000 đồng, nhưng tháng 5 vọt tăng lên 1,114 triệu đồng, và tháng 6 đã “nhảy” lên hơn 2,236 triệu đồng.
Một độc giả khác là chị Vũ Thị Hương, nhà ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: Không hiểu sao tiền điện tháng 5 của nhà chị tăng nhiều. Vì mọi sinh hoạt sống trong gia đình chị không có gì thay đổi, mức sử dụng điện đều đều như các tháng trước, nhưng hóa đơn tiền điện tháng 5 lại tăng gần gấp đôi. Cụ thể, tháng 4 hóa đơn tiền điện của gia đình chị chỉ khoảng 500.000 đồng, nhưng tháng 5 bỗng vọt lên gần 1 triệu đồng.
Chung nỗi bức xúc vì sự khó hiểu của hóa đơn tiền điện tháng 5/2015 còn có anh Nguyễn Mạnh Hùng (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội). Theo anh Hùng, nhà anh có 2 sống nhiều người, có 2 sổ hộ khẩu nên đã có 2 đồng hồ điện. Nhưng, thật bất ngờ, trong tháng 4/2015, gia đình anh chỉ mất khoảng 1,6 triệu tiền điện, thì tháng 5 vọt lên hơn 3 triệu đồng.
Ngành điện biết trước hóa đơn tiền điện sẽ tăng
Những chia sẻ của độc giả VOV.VN trên đây cho thấy, những bức xúc thời gian gần đây của người dân về sự khó hiểu của hóa đơn tiền điện tháng 5/2015 là phổ biến. Điều đáng ngạc nhiên hơn, trong khách hàng bức xúc về sự tăng đột biến tiền điện tháng 5 thì ngành điện lực lại tỏ ra thông hiểu và biết trước. Đơn cử, sự biết trước này thể hiện trong thông báo của Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (khu nội chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) gửi tới khách hàng tháng 5 vừa qua. Công văn của Điện lực Thanh Xuân có đoạn viết: “Trong thời gian qua, thời tiết Hà Nội có những đợt nắng nóng xảy ra liên tục, kéo dài, có lúc nhiệt độ tăng trên 43 độ C, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời so với trong nhà cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ bê tông hóa ở Thủ đô tương đối lớn dẫn đến độ hấp thụ nhiệt cao, không khí ban đêm vẫn duy trì ở mức 30 độ C. Đây là thời điểm cuối tháng 5 các cháu học sinh tiểu học và THCS bắt đầu nghỉ hè, nhiều gia đình sử dụng điều hòa cả ngày và đêm. Do đó, nhu cầu sử dụng điện để làm mát của khách hàng tăng vọt trong khi hiệu suất giảm, thời gian dùng điều hòa nhiệt độ tại gia đình tăng cao so với thời điểm thời tiết bình thường, nhiều trường hợp sử dụng trên 10 giờ/ngày. Đây là một vài nguyên nhân chính dẫn đến việc hóa đơn tiền điện cũng như sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao trong những tháng hè”.
Không những thế, công văn này còn dự báo: “Dự kiến hóa đơn tiền điện cũng như sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao trong 6 tháng do đỉnh điểm của nắng nóng rơi vào các ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6; trong khi phiên ghi chỉ số công tơ của Công ty Điện lực Thanh Xuân từ ngày 6 đến ngày 19 hàng tháng”.
Dự báo trước, dân vẫn không hài lòng
Những thông tin trong công văn này của Công ty Điện lực Thanh Xuân không phải là cá biệt tại Thủ đô Hà Nội. Được biết, nhiều quận, huyện tại Hà Nội cũng có những thông báo tương tự trấn an dư luận về việc hóa đơn tiền điện của người dân sẽ tăng đột biến trong tháng 5.
Điều đáng nói, những dự báo này là thiếu khách quan, khoa học. Bởi lẽ, không thể căn cứ vào dự báo thời tiết để đưa ra dự báo hóa đơn tiền điện của người dân sẽ tăng. Hơn nữa, qua những phản ánh, bức xúc của người dân cho thấy, việc nhiệt độ thời tiết tăng không thể luôn đồng nghĩa với việc mức tiêu thụ điện của người dân sẽ tăng, từ đó hóa đơn tiền điện sẽ tăng theo.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân bức xúc về sự tăng đột biến tiền điện của gia đình mình. Nhưng sự lặp lại này đang dấy lên trong dự luận một sự hoài nghi về tính minh bạch trong kiểm soát chỉ số công tơ điện và mức tiêu thụ điện năng của người dân không chỉ ở Thủ đô Hà Nội. Hơn thế, nhìn từ hóa đơn tiền điện, dễ thấy một nghịch lý ngày càng phổ biến và trở nên nghiêm trọng ở chỗ, trong khi Đảng, Nhà nước và các cấp ngành nỗ lực để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó, hẳn là việc mua sắm thiết bị điện, tiêu thụ điện năng là một trong những chỉ số quan trọng thể hiện mức sống của người dân.
Trái khoáy ở chỗ, khi ngành điện liên tục phát đi những thông báo dự báo kiểu biết trước hóa đơn tiền điện sẽ tăng, người dân liên tục bất ngờ, bức xúc, thậm chí hoài nghi về tính thực của hóa đơn tiền điện. Đây chính là một nghịch lý cần sớm được cơ quan chức năng vào cuộc minh định để người dân không còn phải lo lắng, hoài nghi.

Không trợ giá cho dân thì thôi, sao lại tăng?
Trước những hóa đơn tiền điện tăng giá đột biến, nhiều độc giả gửi bức xúc về VOV.VN: Độc giả Nguyễn Xuân Thành cho rằng: Giá điện tính như hiện nay của nghành điện đã góp phần vào việc làm giảm cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh nghĩa là làm cho đất nước chậm phát triển! Độc quyền kiểu này là phá hoại !
Còn độc giả Phong cho rằng: Lẽ ra khi nắng nóng phải có chính sách trợ giá điện cho nhân dân để đảm bảo sức khỏe, và bơm nước chống hạn, đừng để khi có người chết như Ấn Độ rồi mới rút kinh nghiệm. Thu lợi nhờ nắng nóng, hạn hán là vô nhân đạo.
Độc giả Xuân thì cho hay: Cách tính tiền như vậy làm khó cho công tác xây dựng nông thôn mới. Nhiều gia đình tìm mọi cách tách hộ khẩu cho bố mẹ, ông bà già để có thêm một chủ hộ điện mới dẫn đến nhiều hệ lụy không hay. Mong rằng ngành điện tìm cách tính khác đi./.
Xuân Thân/VOV.VN
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét