Quốc hội
làm luật hay thẩm định luật?
Cập nhật lúc 16:35
Phát biểu của ông Nguyễn Sỹ Dũng - phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc
hội: “Quốc hội phải có năng lực thẩm định luật chứ không phải quan điểm Quốc
hội là nơi làm luật” tạo nên một cơn sóng trên mạng xã hội.
Tại cuộc họp báo quốc tế sau phiên bế
mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Dũng trả lời như trên khi
được hỏi đến việc khoảng 90% các dự luật là do Chính phủ trình.
Quốc hội không làm luật thì làm gì?
“Ông hình dung như thế nào về năng lực,
hiệu lực quản trị, điều hành của các cơ quan nhà nước tới đây khi có hệ thống
luật đó (11 đạo luật vừa được Quốc hội thông qua - NV)?
Liệu những vấn đề như năng lực làm luật
của Quốc hội có được cải thiện; hay vấn đề oan sai, tham nhũng, bội chi tràn
lan và nhiều vấn đề khác liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước có được cải
thiện?” - phóng viên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online hỏi trong phiên
họp báo.
Ông Dũng đáp rằng với đại đa số các dự
án luật được Chính phủ đệ trình, Quốc hội là nơi thẩm định và phải năng lực
tốt để thẩm định luật chứ không phải quan điểm Quốc hội là nơi làm luật.
“Giống như con về xin cưới cô này, bố
mẹ có thể cho hay không cho, nhưng không bảo là phải cưới cô khác. Quốc hội
thẩm định luật được hay không được, chứ không phải là Quốc hội lại đưa ra một
chính sách mới để yêu cầu thực hiện.
Quản trị quốc gia được tương tác sẽ
được nâng cao chất lượng. Còn bây giờ nói cái đó (hệ thống luật) có giúp sau
này tất cả các chuyện được giải quyết không? Tôi không tin là ngày hôm sau có
bụt hiện lên giải quyết” - ông Dũng nói.
Sau khi phần hỏi đáp này được đăng tải,
trên mạng xã hội có nhiều người đặt câu hỏi: “Quốc hội không làm luật thì làm
gì?”.
Lập pháp là chức năng cơ bản và quan
trọng nhất của Quốc hội. Nhưng “lập pháp” và “làm luật” là hai khái niệm khác
nhau. Đã có những ý kiến cho rằng không nên để tình trạng 80 - 90% các đạo
luật Quốc hội ban hành đều xuất phát từ Chính phủ, do các cơ quan của Chính
phủ soạn thảo và trình.
Quan điểm này cho rằng nếu cứ để các
bộ, ngành soạn luật thì họ sẽ giành phần lợi thế cho quản lý của mình, đẩy
khó khăn cho dân hoặc cho ngành khác. Những người có quan điểm này đề nghị
Quốc hội phải nắm trọn quyền làm luật, tức là đa số đạo luật phải do các đại
biểu Quốc hội hoặc cơ quan của Quốc hội soạn thảo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ
Dũng cho biết với đa số nghị viện trên thế giới, thì các dự luật được “làm” bởi
các chủ thể khác nhau và đa số vẫn là chính phủ trình.
Với quyền năng lập pháp, Quốc hội thẩm
định và quyết định, tất nhiên trong quá trình thẩm định thì Quốc hội có thể
yêu cầu cơ quan trình dự luật điều chỉnh, bổ sung nội dung dự luật đó, cho
đến khi nó làm đa số đại biểu Quốc hội hài lòng.
Nói rằng năng lực thẩm định luật là
quan trọng nhất bởi Quốc hội không chỉ ban hành luật mà Quốc hội còn từ chối
ban hành các dự luật (nếu nó cản trở sự phát triển của quốc gia, bị đa số cử
tri phản đối...).
Ngay ở Hoa Kỳ, nơi có tỉ lệ các đạo
luật do các nghị sĩ (hoặc nhóm nghị sĩ) soạn và trình khá cao, thì không ít
các đạo luật vẫn được “làm” bởi chính phủ. ObamaCare - tên một đạo luật y tế
- đã từng làm dậy sóng chính trường Mỹ trong nhiều năm, gắn liền với tư tưởng
cải cách sâu rộng hệ thống y tế của Tổng thống Obama nhưng bị các nhà lập
pháp phe Cộng hòa phản đối quyết liệt.
Sự ra đời của một đạo luật, đôi khi như
một cơn đau đẻ vật vã sau những “cuộc chiến” khốc liệt ở chính trường.
Tại sao thẩm định lại quan trọng?
Một đạo luật ra đời có thể đem lại lợi
ích cho một cộng đồng này nhưng lại có thể gây bất lợi cho cộng đồng khác
trong xã hội; có thể giúp Nhà nước dễ bề quản lý trong một lĩnh vực nào đó
nhưng lại có thể gây ra khó khăn hoặc gánh nặng cho người dân...
Nắm quyền lập pháp, Quốc hội phải đưa
ra những quyết định
đảm bảo cân bằng về mặt xã hội, đồng thời phải thúc đẩy sự
phát triển chung.
Vấn đề với điều 60 của Luật bảo hiểm xã
hội là một ví dụ. Cả cơ quan soạn thảo (Chính phủ) và cơ quan thẩm tra (Ủy
ban Về các vấn đề xã hội) đều khẳng định đạo luật này được ban hành đúng quy
trình, thủ tục và nội dung điều 60 là tiến bộ, hoàn toàn phù hợp với xu hướng
thế giới, đảm bảo tốt hơn cho cuộc sống của người lao động sau khi về hưu
(bởi nhận bảo hiểm một lần thì sẽ không có lương hưu).
Nhưng tại kỳ họp này Quốc hội vẫn phải
ban hành nghị quyết cho phép người lao động được nhận bảo hiểm xã hội một lần
bởi đó là nhu cầu của chính họ.
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN
Đặng Ngọc Tùng cho biết ai cũng muốn về già có lương hưu, ai cũng biết nhận
bảo hiểm một lần là thiệt, nhưng cái khó bó cái khôn, nhiều công nhân khó
khăn quá đành phải rút tiền ra để trang trải cuộc sống trước mắt. Như vậy,
cái tiến bộ mà chưa phù hợp với thực tiễn cụ thể thì cũng không được đón nhận.
Năng lực thẩm định của Quốc hội trước
hết ở tâm và tầm của các đại biểu, nhưng nó cũng liên quan đến cả quy trình,
thủ tục làm việc của Quốc hội.
Nếu những bức xúc của người dân, những
vấn đề thực tế đặt ra được “va đập” kỹ lưỡng tại nghị trường, được giải quyết
đến cùng thì những sai sót lập pháp sẽ được giảm thiểu.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - người phát ngôn
của Quốc hội - cho rằng điểm nhấn của kỳ họp này là bên cạnh những quyết định
rất vĩ mô như các đạo luật tổ chức bộ máy (Chính phủ, chính quyền địa
phương)... thì Quốc hội cũng bàn những chuyện rất cụ thể như chuyện phí và lệ
phí với con gà, quả trứng và bức xúc cụ thể này đã lập tức được giải quyết.
Câu chuyện về phí giao thông đối với xe
máy giữa đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm và Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng là một
ví dụ hay.
Rõ ràng, Quốc hội chỉ có thể thẩm định
tốt một vấn đề khi vấn đề đó được đặt ra, được tranh luận đến cùng, lật đi
lật lại để soi rọi nhiều chiều.
Mỗi lần đặt tay “ấn nút” (tán thành hay
không tán thành) của đại biểu Quốc hội vì thế không hề dễ dàng.
(Theo Tuổi trẻ) LÊ KIÊN
|
Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét