Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

 Ngờ vực bao trùm đối thoại Mỹ-Trung

Cập nhật lúc 14:25
       
VNN- Hơn 400 quan chức TQ đang có mặt Washington để bắt đầu các cuộc thương thuyết về chính trị, an ninh và kinh tế với giới chức Mỹ, kéo dài trong 3 ngày. Cuộc đối thoại song phương đã mở màn tối 22/6 trong sự ngờ vực và căng thẳng bao trùm.
 Mỹ, TQ, Biển Đông
Cuộc đối thoại chiến lược Mỹ - Trung thường niên quy tụ các quan chức ngoại giao và tài chính hàng đầu của hai nước. Nó được xem là diễn đàn quan trọng, kiểm soát mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Các cuộc thương thuyết song phương, hiện đang bước sang năm thứ 7, phản ánh những nỗ lực khắc sâu và củng cố mối quan hệ Mỹ - Trung. Tuy nhiên, cuộc đối thoại năm nay đang bị làm vẩn đục bởi sự ngờ vực và căng thẳng tăng cao do sự quả quyết của TQ ở Biển Đông cũng như những nghi ngờ rằng Bắc Kinh đứng đằng sau một vụ tin tặc quy mô lớn, đánh cắp hàng triệu file hồ sơ nhân sự từ các máy tính chính phủ Mỹ.
Hôm 22/6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Thứ trưởng Ngoại giao TQ Trương Nghiệp Toại đã chủ trì các cuộc hội đàm về các vấn đề an ninh giữa giới chức dân sự và quân sự của hai nước. Tối 22/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã tổ chức một bữa tiệc tối thân mật, tiếp đón ủy viên Quốc vụ viện TQ Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương trước khi các cuộc thương thuyết về chính trị và kinh tế chính thức diễn ra hôm nay (23/6).
Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các cuộc thảo luận hôm 22/6 "thắng thắn và đi vào điểm chính" và rằng, mục tiêu của các cuộc đối thoại về an ninh là "thực sự cố gắng làm rõ những vấn đề vốn nhiều khả năng nhất dẫn đến sự hoài nghi chiến lược giữa Mỹ và TQ". Cả hai bên đang nhấn mạnh đến các lĩnh vực hợp tác, chẳng hạn như vấn đề ngoại giao với CHDCND Triều Tiên và thỏa thuận hạt nhân với Iran, sự biến đổi khí hậu, Afghanistan và chống virus Ebola.
Quan chức này cũng nhấn mạnh, hai bên sẽ không "che đậy" các khác biệt liên quan đến Biển Đông và an ninh mạng.
Trước thềm đối thoại Mỹ - Trung, Danny Russel, quan chức ngoại giao hàng đầu Mỹ về châu Á, từng tuyên bố, cách tiếp cận trực tiếp là tốt nhất. "Chúng tôi không phải luôn luôn nhất trí với nhau, nhưng sự thật là, các thách thức toàn cầu đòi hỏi chúng tôi phải hợp tác".
Quy mô xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo của TQ ở Biển Đông đã làm dấy lên các quan ngại trong khu vực về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh. Tháng trước, Mỹ cũng tiến hành một chuyến bay do thám quân sự công khai và hiếm có tới khu vực nhằm làm nổi rõ quy mô hoạt động của phía TQ. TQ gọi các đảo này thuộc chủ quyền lãnh thổ của họ, nhưng Mỹ quả quyết, TQ đang xây dựng ở các vùng biển tranh chấp và đe dọa tự do hàng hải ở các tuyến đường biển then chốt cho thương mại quốc tế.
Ngoài ra, mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và TQ về an ninh mạng mới đây trầm trọng hơn sau khi phía TQ ngưng các cuộc đàm phán riêng rẽ về vấn đề này cách đây 1 năm, tiếp sau việc Mỹ cáo buộc 5 quan chức quân đội TQ tội tin tặc. Mặc dù các nhóm công tác song phương về an ninh mạng vẫn chưa nhóm họp lại kể từ đó, nhưng ông Russel và các quan chức Mỹ khác nói, vấn đề an ninh mạng sẽ được đề cập đến xuyên suốt trong các cuộc đối thoại đang diễn ra, kể cả trong lĩnh vực an ninh và kinh tế.
Các cuộc thảo luận của Mỹ và TQ cũng sẽ tập trung nhiều vào quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước, trong bối cảnh ảnh hưởng kinh tế của TQ đang tăng lên khắp châu Á. Các câu hỏi về sự lãnh đạo kinh tế của Mỹ trong khu vực dấy lên khi Quốc hội Mỹ bác bỏ việc đẩy nhanh một thỏa thuận thương mại châu Á - Thái Bình Dương mang tính bước ngoặt của Tổng thống Barack Obama. Việc hướng tới một thỏa thuận đầu tư thương mại song phương giữa Mỹ - Trung cũng đang diễn ra khá chậm chạp.
Cả hai nước hiện rất quan tâm tới việc xoa dịu các căng thẳng trước chuyến công du của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tới Nhà Trắng vào tháng 12 tới. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Tập kể từ khi lên nắm quyền cách đây 2 năm.
Tân Hoa xã cuối tuần trước dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ nhấn mạnh, đối thoại Mỹ - Trung là cơ hội để "thúc đẩy một mô hình mới cho quan hệ cường quốc lớn".
Đông Hải (theo CNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét