Vụ loa chứa 5 triệu yen không
thuộc quyền công an xử lý?
Cập nhật lúc
09:00
Việc xác định ai là người có thẩm quyền xử lý đối với 5 triệu yen
này lại được quy định ở nghị định số 96/2009 về việc xử lý tài sản bị chôn
giấu, bị chìm đắm.
Thẩm phán Phạm Công
Hùng (tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM) cho rằng trong vụ 5 triệu yen
tìm thấy trong chiếc loa mua ve chai, thẩm quyền xử lý không thuộc về công
an. Chúng tôi giới thiệu ý kiến của ông Hùng để bàn thêm về câu chuyện
này.
Căn cứ vào điều 187
Bộ luật dân sự về quyền chiếm hữu đối với tài sản bị đánh rơi thì người nhặt
được của rơi giao nộp cho công an hoặc cơ quan chính quyền địa phương, vì vậy
bà Huỳnh Thị Ánh Hồng, người mua bộ loa có chứa 5 triệu yen, đã trình báo
Công an quận Tân Bình (TP.HCM) là đúng.
Tuy nhiên, việc xác
định ai là người có thẩm quyền xử lý đối với 5 triệu yen này lại được quy
định ở nghị định số 96/2009 về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm...
Theo quy định tại
khoản 2, 3, điều 3 nghị định 96 thì việc “...ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị
chôn giấu, bị chìm đắm là việc tổ chức, cá nhân không có thông tin, tài liệu,
chứng cứ liên quan đến tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm nhưng tìm thấy tài
sản trong quá trình sinh hoạt, sản xuất”. Như vậy, có thể thấy số tiền 5
triệu yen kia được bà Hồng tìm thấy trong quá trình sinh hoạt, sản xuất.
Khoản 1 điều 5 nghị
định này quy định: “Tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chôn giấu, bị chìm
đắm có trách nhiệm bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng và thông báo kịp thời, đầy
đủ các thông tin có liên quan với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau đây:
cơ quan quân sự nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm thuộc
khu vực quân sự; ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an
nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn giấu không thuộc khu vực quân sự...”.
Như vậy, bà Hồng đã
thực hiện đúng trách nhiệm của mình là báo cho cơ quan chức năng, cụ thể ở
đây là cơ quan công an.
Tuy nhiên, tại khoản
2, điều 9 của nghị định này quy định cơ quan tiếp nhận bảo quản và xử lý khối
tài sản này là sở tài chính tại địa phương đó. Cụ thể trong trường hợp này
thì Sở Tài chính TP.HCM sẽ là nơi tiếp nhận, quản lý và xử lý tài sản 5 triệu
yen này.
Điều 12 nghị định này
cũng cho thấy các cơ quan chức năng sau khi tiếp nhận tài sản và các thông
tin liên quan đến khối tài sản này sẽ phải chuyển giao cho cơ quan tài chính
để cơ quan tài chính có những bước tiếp theo. Như vậy, công an không có chức
năng giữ và giải quyết số tài sản này.
Để thực hiện đúng
trình tự, đúng chức năng, đúng nhiệm vụ theo quy định tại nghị định 96/2009
và Bộ luật dân sự thì Công an Tân Bình phải chuyển vụ việc này sang cho cơ
quan tài chính giải quyết, và lúc này cơ quan công an có chức năng tham mưu
đối với cơ quan tài chính trong việc xử lý các thông tin tiếp theo.
Như vậy, nếu vụ việc
được chuyển cho Sở Tài chính giải quyết thì đó hoàn toàn không phải là vụ
việc dân sự. Nếu cho rằng đây là vụ việc dân sự và giải quyết bằng bản án của
tòa thì ai sẽ là người khởi kiện, khởi kiện ai?
Cho đến nay, Công an
Tân Bình cũng chưa ban hành một quyết định nào về việc xử lý số tiền, chưa
trả lời bà Ngọt về việc đồng ý hay bác yêu cầu của bà Ngọt, bởi vậy nếu bà
Ngọt muốn đưa vụ việc ra giải quyết dân sự thì cũng không tòa nào thụ lý.
Việc đến “phút 89” có
người đến nhận tài sản này là của mình, Sở Tài chính có quyền xác minh các
thông tin liên quan và trả lời cho người nhận, cụ thể là bà Phạm Thị Ngọt,
xem số tiền này có phải của bà Ngọt hay không bằng một quyết định hành chính.
Khi nhận được quyết
định, bà Ngọt mới có thể khiếu nại tiếp. Việc khiếu nại của các đương sự liên
quan đến số tiền sẽ được Sở Tài chính giải quyết theo thủ tục khiếu nại. Nếu
các bên liên quan không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại thì có thể khởi
kiện quyết định hành chính. Khi đó, tòa sẽ thụ lý giải quyết vụ kiện hành
chính chứ không phải vụ kiện dân sự.
Nếu bà Ngọt không đủ
bằng chứng chứng minh số tiền là của mình, Sở Tài chính có thể căn cứ vào
điều 187 và điều 239 của Bộ luật dân sự để trả toàn bộ số tiền này cho bà
Hồng. Bởi theo điều 239 thì số tiền này là vật vô chủ là động sản. Người đã
phát hiện vật vô chủ là động sản có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của
pháp luật.
(Theo Tuổi Trẻ) HOÀNG ĐIỆP ghi
|
Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét