Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Lương lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước tối đa 100 triệu đồng

Cập nhật lúc 14:32

Các đơn vị có vốn Nhà nước chiếm trên 50% cũng bị khống chế thu nhập lãnh đạo, theo dự thảo Nghị định đang được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lấy ý kiến.
Theo dự thảo này, lương của cán bộ quản lý doanh nghiệp sẽ gắn chặt với kết quả kinh doanh và quy mô lợi nhuận. Các cán bộ thuộc diện khống chế thu nhập gồm Thành viên Hội đồng quản trị (hoặc thành viên Hội đồng thành viên), Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng công ty.
 luong-5031-1420942162-8595-1432054077.jp
Theo Bộ Lao động, tiền lương của người quản lý công ty có vốn Nhà nước hiện nay cao gấp nhiều lần người lao động. Ảnh minh họa: Anh Quân
Cụ thể, quỹ tiền lương kế hoạch của doanh nghiệp sẽ được xác định trên cơ sở số người quản lý. Tiền lương kế hoạch của cán bộ sẽ gắn với lợi nhuận kế hoạch, đảm bảo tương quan với tiền lương của người lao động. Nếu lợi nhuận tăng, tiền lương cán bộ sẽ tăng và ngược lại.
Sau khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch, tùy theo quy mô lợi nhuận mà tiền lương của người quản lý có thể cao gấp 5-9 lần mức trung bình của người lao động, nhưng không vượt quá trần:
Lợi nhuận
(tỷ đồng)
Lương tối đa
(triệu đồng)
Dưới 500
40-80
500 - 1.000
45-85
1.000 - 2.000
55-95
Trên 2.000
60-100
Bộ Lao động cho biết, hiện nay trên thị trường, lương bình quân mà các doanh nghiệp trả phổ biến cho người quản lý dao động khoảng 45-70 triệu đồng một tháng. Với những doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả hoạt động cao, mức lương có thể đạt 70-120 triệu đồng. Do vậy, Bộ cho rằng đề xuất nêu trên có thể đảm bảo lương của người quản lý không chênh lệch quá cao so với thị trường và người lao động.
Ngoài ra, cơ quan quản lý còn đề xuất lấy quỹ tiền lương kế hoạch và mức độ hoàn thành lợi nhuận kế hoạch làm căn cứ quy định tiền lương của người quản lý chuyên trách. Nếu lợi nhuận thực tế cao hơn kế hoạch thì lương được tăng thêm tối đa 15%; lương của người quản lý không chuyên trách tối đa bằng 20%. Tiền thưởng của người quản lý từ lợi nhuận sau khi đóng thuế của các thành viên góp vốn không được vượt quá 3 tháng lương bình quân; không trích thưởng nếu không hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, quy định của Chính phủ chỉ khống chế mức lương tối đa đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, ở mức 36 triệu đồng một tháng (trường hợp doanh nghiệp làm ăn có lãi, lương lãnh đạo cũng không vượt quá 1,5 lần mức này).
Trong khi đó, theo khảo sát của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện ở nhiều công ty có vốn Nhà nước (tỷ lệ sở hữu trên 50%), chế độ lương, thưởng, thù lao của người quản lý thường cao gấp nhiều lần so với người lao động, cũng như so với những đơn vị 100% vốn, gây nên sự bất bình trong dư luận xã hội. Do vậy tại dự thảo Nghị định Quy định quản lý lao động tiền lương, thưởng đối với công ty có cổ phần, góp vốn nhà nước (nắm trên 50%), cơ quan này đề xuất quy định quản lý tiền lương, thưởng, thù lao của người quản lý tại những đơn vị này.
Thống kê của cơ quan quản lý tại 345 doanh nghiệp cổ phần vừa và nhỏ có vốn Nhà nước, tiền lương bình quân hiện nay của người lao động đạt trên 10 triệu đồng một tháng, trong khi cán bộ quản lý đạt trên 25 triệu đồng.
Tại doanh nghiệp lớn, làm ăn hiệu quả, mức lương của quản lý dao động 70-90 triệu đồng, có nơi lên tới 155 triệu đồng. Nhiều công ty hoạt động hiệu quả không cao, thậm chí thua lỗ nhưng quản lý vẫn nhận lương 45 triệu đồng một tháng, cao gấp 14 lần người lao động.
(Theo VnExpress) Thanh Hòa

Cách trả lương theo tổng giá trị lợi nhuận cao hay thấp như trên không phản ánh đúng đóng góp của doanh nghiệp cho nhà nước. Nên lấy tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn bỏ ra. Người được Nhà nước giao 1 tỷ đồng làm ra lợi nhuận 50 triệu khác với người cũng làm ra lợi nhuận 50 triệu nhưng chỉ được giao 500 triệu. Cách trả lương như trên thì ưu thế luôn thuộc người được giao nhiều tiền.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét