Kinh doanh bằng hành vi đầu độc hàng
loạt
Cập
nhật lúc
08:21
Vụ cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận bắt quả tang một cơ sở dùng a xít photphoric để sản xuất đường cát vàng khiến người tiêu dùng lo lắng, bức xúc cho rằng việc làm này cũng giống như đầu độc hàng loạt người tiêu dùng.
Chiều 18.5, trả
lời PV Thanh Niên liên quan đến vụ Phù phép đường trắng thành đường cát vàng bằng a xít
(Báo Thanh Niên đã phản ánh), ông Nguyễn Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Quản
lý chất lượng nông lâm và thủy sản (thuộc Sở NN-PTNT Bình Thuận), cho biết
chi cục đã tiến hành tịch thu tang vật và dự kiến xử phạt từ 30 - 40 triệu
đồng đối với cơ sở sản xuất đường cát vàng bằng a xít photphoric (H3PO4) do
bà Lý Lệ Châu (52 tuổi, ngụ KP.6, P.Đức Long, TP.Phan Thiết) làm chủ, đồng
thời yêu cầu cơ sở này cam kết không được tái phạm việc sản xuất gây mất an
toàn cho người tiêu dùng như thế nữa.
“Từ đầu năm
2015 đến nay, chi cục đã phát hiện 4 trường hợp vi phạm, tiến hành xử phạt
hành chính hơn 30 triệu đồng mỗi cơ sở”, ông Mạnh nói thêm.
Hết đường cát đến măng bị “ướp” hóa chất
Trong một
diễn biến khác, chiều 17.5, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản
Bình Thuận phối hợp cùng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường
(PC49 - Công an tỉnh Bình Thuận) đã bắt quả tang cơ sở chế biến măng chua của bà Dương Thị
Lập (61 tuổi, ngụ thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí, H.Hàm Thuận Bắc) sử dụng chất tẩy
rửa công nghiệp và hóa chất độc hại để sản xuất măng chua.
Cơ sở này
thu mua măng tươi với số lượng lớn từ tháng 7 đến tháng 9 của năm trước, rồi
đem ngâm trong các thùng chứa để bán dần cho đến mùa măng năm sau. Do măng
ngâm lâu thường bị chuyển sang màu đen rất khó bán, bà Lập đã dùng chất tẩy
rửa công nghiệp để tẩy trắng măng, sau đó tiếp tục ngâm với phẩm màu công
nghiệp để cho ra măng có màu vàng tươi bắt mắt!
Mỗi ngày,
cơ sở này bán ra thị trường khoảng 150 kg măng đã qua ngâm tẩm hóa chất độc
hại. Giá măng bà Lập thu mua vào từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, sau khi ngâm tẩm
hóa chất bán ra thị trường với giá 24.000 đồng/kg. Cơ quan chức năng cho biết
cơ sở sản xuất măng của bà Lập hoạt động không phép từ năm 2013 và là cơ sở
sản xuất măng tươi có quy mô lớn nhất tại Bình Thuận. Lực lượng chức năng đã
lập biên bản tạm giữ tang vật gồm 200 kg măng đã qua ngâm, tẩm hóa chất cùng
chất tẩy và phẩm màu công nghiệp, đồng thời cho giám định công thức hóa học
của loại hóa chất trên để xử lý theo quy định.
Trước đó,
năm 2014, PC49 Công an tỉnh Bình Thuận cũng đã bắt quả tang cơ sở của bà Trần
Thị Côi (44 tuổi, ngụ KP.2, P.Lạc Đạo, TP.Phan Thiết) dùng hàn the (loại phụ
gia không được dùng cho thực phẩm) để sản xuất chả cá với khối lượng lớn. Mỗi
ngày, cơ sở bà Côi cung cấp hàng trăm ký chả cá cho rất nhiều cửa hàng bán
lẻ, quán bánh canh, bún cá ở khắp TP.Phan Thiết.
Theo ông
Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngay cả với
hóa chất, phụ gia được dùng trong thực phẩm thì cũng cần được công bố chất
lượng của phụ gia đó, quá trình chế biến cần được tuân thủ chặt chẽ về hàm
lượng, phải được sử dụng tại cơ sở có đủ điều kiện về trang thiết bị và nhân
lực có đủ trình độ để kiểm soát hàm lượng và ổn định chất lượng sản phẩm.
“Các hóa
chất nếu không đảm bảo độ tinh khiết, bị lẫn tạp chất, thậm chí bị ô nhiễm
kim loại nặng, nếu sử dụng trong chế biến thực phẩm sẽ gây nguy hại cho sức
khỏe. Tùy loại, tùy liều lượng bị đưa vào cơ thể, tùy thời gian sử dụng có
thể gây hại gan, thận, tiêu hóa, thần kinh, nôi tiết, và gây ung thư”, ông
Phong nói.
Ông Phong
cho biết thêm cơ quan chức năng đã từng phát hiện ớt bột khô bị nhuộm đỏ bằng
rhodamine B (chất cấm dùng trong thực phẩm vì có nguy cơ gây ung thư, gây độc
cho gan nếu sử dụng lâu dài); hay cốm bị nhuộm xanh bởi hóa chất dùng trong
ngành công nghiệp dệt, nhuộm vải cũng từng bị phát hiện trong nước.
Cần xử lý hình sự
Theo luật
sư Nguyễn Thanh Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM), nếu chỉ xử phạt hành chính đối
với những trường hợp cố tình dùng hóa chất độc hại cho vào thực phẩm là quá
nhẹ. Bởi vì đây là hành vi vô cùng nguy hiểm cho xã hội, nó có thể gây ảnh
hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của rất nhiều người hoặc gây ảnh
hưởng lớn đến môi trường sống.
“Vì vậy,
ngoài việc xử lý hành chính thì tùy từng mức độ vi phạm, cơ quan chức năng
phải xử lý hình sự đối với cá nhân, thậm chí cũng phải có hướng xử lý cả pháp
nhân có hành vi cố tình trộn hóa chất độc hại vào thực phẩm”, luật sư Thanh
nhấn mạnh.
Cũng theo
luật sư Thanh, dù việc bỏ hóa chất vào thực phẩm chưa gây hậu quả tức thì đến
sức khỏe, tính mạng con người nhưng khoa học đã chứng minh nếu dùng thường
xuyên thực phẩm chứa chất độc hại có thể dẫn đến cái chết về sau với nhiều
người. “Vì vậy, khi xét nghiệm, kết luận thực phẩm có hàm lượng chất độc vượt
ngưỡng cho phép, có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người
thì đã đủ cơ sở xử lý hình sự người có hành vi đó chứ không nhất thiết phải
chờ hậu quả xảy ra", luật sư Thanh khẳng định.
Tương tự, luật
sư Hồ Mai Huy (Đoàn luật sư tỉnh Ninh Thuận) nhận xét hành vi bỏ hóa chất độc
hại vào thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của cả một cộng đồng. Vì
thế, đây cũng có thể bị xem như đầu độc hàng loạt. Hành vi này đã vi phạm vào
điều 157 bộ luật Hình sự về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là lương
thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" và thuộc trường hợp
đặc biệt nghiêm trọng. Theo điều khoản này, người phạm tội có thể bị phạt tù
đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
(Theo Thanh Niên) Bạch Long - Hải
|
Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét