Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Vụ "trụ sở nghìn tỷ": Nếu không cân nhắc kỹ thì chắc chắn sẽ phải trả giá

  Cập nhật lúc 09:06

“Chúng ta cứ tin một điều, lần này Đảng, Chính phủ rất kiên quyết và quyết tâm triệt để tiết kiệm. Nếu họ (địa phương) không cân nhắc kỹ thì chắc chắn sẽ phải trả giá".
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chia sẻ với Báo điện tử Infonet trước thông tin các địa phương đang "đua nhau" xây mới trụ sở hành chính ngàn tỷ hoành tráng, trong số đó tỉnh Hải Dương đang xin chủ trương xây dựng khu hành chính tập trung của tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Điều đáng nói, ngay trên khu vực “trụ sở nghìn tỷ”, đã có một phần không nhỏ đất được cắt ra chia làm 26 lô biệt thự rồi bán đấu giá. Mỗi lô có diện tích từ hơn 200m2 đến gần 400m2. Khu đất này nằm trên đường Trương Đỗ, đã được làm đường, và là khu biệt thự chiếm vị trí "đất vàng" có mặt tiền nhìn ra quảng trường và “khu hành chính nghìn tỉ”. 
Đáng chú ý, có một phần không nhỏ trong số các lô đất biệt thự hoành tráng này đã được bán cho các quan chức, trong đó một số quan chức hiện vẫn đang tại vị tại UBND tỉnh Hải Dương.

"Biệt thự lung linh" xây dựng trên nền đất phân lô đối diện dự án "trụ sở ngàn tỷ" của Hải Dương

Chia sẻ với Báo điện tử Infonet bên hành lang Quốc hội ngày 19/11, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, những địa phương muốn “thay mới” trụ sở hành chính thì phải xem xét đầy đủ 2 mặt. Cụ thể:
Thứ nhất, những khu hành chính cũ đã xuống cấp hay chưa, địa phương đã thật “bức xúc” về địa điểm làm việc của các cơ quan hành chính do trụ sở làm việc trước đây đã cũ, xuống cấp hay chưa?. Nếu địa phương nào chưa thật “bức xúc” về địa điểm làm việc của các cơ quan hành chính nhưng muốn xây trụ sở mới thì phải tính toán lại xem có thật cần hay không.
“Chúng ta cứ tin một điều, lần này Đảng, Chính phủ rất kiên quyết và quyết tâm triệt để tiết kiệm. Nếu họ (địa phương –PV) không cân nhắc kỹ thì chắc chắn sẽ phải trả giá. Chủ trương sai thì phải chịu trách nhiệm với chủ trương đó. Cho nên khi làm gì thì cũng phải tính toán thật kỹ” – Bộ trưởng Nên nói.
Liên quan tới sự việc trên, trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, ĐBQH Bùi Đức Thụ - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng, sự việc trên phải phân định rõ 2 vấn đề: xây trụ sở hành chính của tỉnh Hải Dương và triển khai cấp quyền sử dụng đất cho các tổ chức cá nhân được sử dụng theo quy định của Luật Đất đai của tỉnh Hải Dương có đúng luật hay không.
Ông phân tích: Theo Luật Đất đai, quy hoạch đất đai sẽ được phân cấp từng địa phương quy hoạch, báo cáo lên trung ương để tổng hợp trình lên Quốc hội và nằm trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm đã được Quốc hội phê chuẩn.
Trên tinh thần đó Chính phủ giao lại kế hoạch và chỉ đạo từng địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất 5 năm.
“Dự án của Hải Dương xây trụ sở có nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh được duyệt không? Rất cần làm rõ và rà soát việc này. Nếu nằm trong quy hoạch được duyệt thì phải đấu giá, thực hiện quy định Luật đất đai”- ông nói.
Ngoài ra, nếu việc phân lô bán nền này nằm trong đúng quy hoạch thì theo phân cấp thì UBND tỉnh có quyền triển khai thực hiện và thu tiền quyền sử dụng đất. Đây là khoản thu vào NSNN nhưng để lại 100% cho ngân sách địa phương và một phần nhỏ chi phí cho việc đo vẽ bản đồ lập quy hoạch đối với đất đai; phần lớn còn lại chỉ được sử dụng để đầu tư phát triển, xây dựng cơ bản.
Về chuyện xây dựng trụ sở hành chính thì phải căn cứ vào tính cấp bách trong trụ sở làm việc hay không? Hiện tại nợ công đang cao, cuối năm 2015 nợ công đã tiến sát mức trần khoảng 64% GDP. Vì thế, ĐBQH và Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải hạn chế chi tiêu trên tinh thần kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết như xây mới trụ sở, mua ô tô quá định mức tiêu chuẩn, hạn chế tối đa đoàn đi nước ngoài, chi phí khởi công…
“Các khoản chi như vậy làm gia tăng nợ công, đe dọa an ninh tài chính quốc gia” - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội đánh giá.
“Đề nghị Chính phủ kiểm tra chặt chẽ các địa phương, bộ ngành trong việc triển khai xây dựng các dự án mới, đặc biệt là xây dựng trụ sở. Nếu đã có trụ sở rồi, điều kiện vẫn có thể làm việc được, nhu cầu chưa cấp bách thì không nên cho phép các địa phương xây mới trụ sở mới” – ông Bùi Đức Thụ chốt lại.
Nhóm PV Infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét