Tướng quân đội phản đối việc công ty nước ngoài xây khu nghỉ dưỡng
trên núi Hải Vân
Cập nhật lúc 14:11
Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh
Quân khu 5, khẳng định đèo Hải Vân là khu vực trọng điểm quân sự cấp độ 1
được Chính phủ quy định. Thừa Thiên - Huế tự động cho doanh nghiệp nước ngoài
vào xây khu nghỉ dưỡng là "dứt khoát không được".
Tỉnh Thừa Thiên -
Huế vừa cấp phép cho Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine nằm ở
khu vực Cửa Khẻm - mũi vươn ra biển xa nhất của đèo Hải Vân. Dự kiến khoảng
200 ha đất được giao cho Công ty cổ phần Thế Diệu (thuộc Công ty TNHH World
Shine Hong Kong đăng ký đầu tư tại Thừa Thiên - Huế từ tháng 10/2013),
thời hạn 50 năm. Đánh giá dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD sẽ
góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh này đã đầu tư 50 tỷ
đồng mở con đường 5 km vào Cửa Khẻm.
Trong khi đó, trao đổi
với VnExpress ngày 14/11, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên -
Huế chỉ nói ngắn gọn: "Cho đến nay tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định đã làm
đúng quy định của Nhà nước. Còn Đà Nẵng đã có ý kiến gửi Thủ tướng thì tôi
không bình luận thêm mà chờ ý kiến chính thức của Chính phủ để có hướng xử
lý".
Chính quyền tỉnh Thừa
Thiên - Huế cũng cho rằng, toàn bộ diện tích cấp cho dự án đều nằm trong quy
hoạch Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng phê duyệt năm 2008.Mọi việc
tưởng chừng "suôn sẻ" và trong tương lai không xa tại Cửa Khẻm sẽ có
sự hiện diện của một khu nghỉ mát tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế
2.000 chỗ ngồi... thì phía Đà Nẵng phát hiện nơi đất cấp cho Công ty Thế Diệu
là vùng chưa được Chính phủ phân định ranh giới rõ ràng giữa hai địa phương.
Sau đó, Đà Nẵng gửi công văn đến Thủ tướng đề nghị rút giấy phép dự án với lý
do không thể giao đất cho một doanh nghiệp được đại diện bởi các doanh nhân
nước ngoài ở khu vực trọng điểm về quân sự.
"Đèo Hải Vân là
khu vực trọng điểm quân sự cấp độ 1 được Chính phủ quy định. Đất tại khu vực
này muốn làm bất cứ việc gì phải báo cáo và được sự nhất trí của Bộ Quốc
phòng để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ mới được làm", Trung tướng Lê
Chiêm, Tư lệnh Quân khu V, khẳng định. "Khu vực này cũng chưa phân định
rõ ràng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu dừng lại rồi nhưng phía Thừa Thiên -
Huế vẫn tự động cho doanh nghiệp nước ngoài làm dự án là không đúng quy
định", ông nói thêm.
Tướng Chiêm cho hay,
khu vực của dự án là trọng yếu về quốc phòng của Đà Nẵng nên Quân khu V đã có
ý kiến gửi Bộ Quốc phòng, nêu quan điểm "dứt khoát không được làm",
đồng thời đề nghị công an, Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng tham mưu cho UBND thành
phố Đà Nẵng có ý kiến trình Thủ tướng. "Tôi chưa nắm thông tin Chính phủ
đã phản hồi hay chưa. Giới truyền thông đang phản ánh đúng tinh thần để giúp
bảo toàn vị trí quân sự này", vị Tư lệnh nói.
Đồng quan điểm,
trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, cho biết khu vực
đèo Hải Vân chính là điểm quân sự then chốt và sẽ chia cắt đất nước trong
trường hợp có chiến tranh. Theo phân tích của nhà quân sự này, về vị trí trên
đất liền thì ai làm chủ được Hải Vân sẽ thâu tóm luôn Đà Nẵng và Huế. Còn về
thế trận trên biển, Cửa Khẻm là điểm vươn xa nhất của đèo Hải Vân và gần nhất
với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Có được Hải Vân sẽ nắm quyền kiểm soát cả
vùng biển.
Ông bày tỏ sự quan
ngại đặc biệt vị trí Cửa Khẻm, bởi đây là nơi gần nhất với bán đảo Sơn Trà
(Đà Nẵng). Một khi doanh nghiệp xây dựng dự án thì mọi bí mật của căn cứ quân
sự vùng 3 Hải quân sẽ khó giữ được. Theo tướng Thước, Hải Vân có tầm quan
trọng về quân sự nên phải tập trung trấn thủ.
Vị tướng này liên hệ
ngay đến Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) và nói rằng nhẽ ra Thừa Thiên - Huế
đã phải rút kinh nghiệm. "Hải Vân còn nguy hiểm hơn Vũng Áng với sự chia
cắt hai miền Nam - Bắc. Đồng ý là phát triển kinh tế nhưng không thể vì kinh
tế mà xem nhẹ quốc phòng. Ở vị trí chiến lược mà không đặt mục tiêu quốc
phòng lên trên hết là rất nguy hiểm. Việc cấp phép này không phải là giúp ích
mà làm cho kinh tế nước nhà đứng trước nguy cơ bị suy thoái", tướng
Thước dự đoán.
Từng giữ chức Chỉ
huy phó Bộ Chỉ huy Quân sự Đà Nẵng, đại tá Thái Thanh Hùng - Chủ tịch Hội cựu
chiến binh Đà Nẵng, nhận định việc cấp phép cho đối tác nước ngoài vào xây
dựng ở vị trí trọng yếu nhất của đèo Hải Vân không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng
đến việc phòng thủ ở miền Trung mà còn cho cả nước. Dẫn chứng lịch sử thời
điểm đất nước bị xâm lược, cả Pháp và Mỹ đều chọn Hải Vân làm nơi đổ bộ đầu
tiên, ông Hùng nói dứt khoát không thể để doanh nghiệp nước ngoài xây dựng dự
án ở đây.
Ông Hùng cho rằng
việc phân chia địa giới của Đà Nẵng và Huế ở thời điểm hiện tại không quan
trọng bằng việc Chính phủ sớm chỉ đạo xử lý để dừng dự án World Shine lại.
"Đây là vấn đề của quốc gia, phải kiên quyết phản đối. Về khái niệm thì
kinh tế mạnh ắt quốc phòng sẽ mạnh, nhưng chưa chắc. Thời điểm này kinh tế
Việt Nam chưa mạnh nhưng quốc phòng phải mạnh", ông nói.
(Theo VnExpress) Nguyễn Đông
|
Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét