Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Tuổi Công Phượng - vì sao sự thật bị ghẻ lạnh?

Cập nhật lúc 08:01 

(Người Việt) - Sự thật tuổi của Công Phượng đang làm giới báo chí chia rẽ suốt vài ngày nay, người ủng hộ, người phản đối cái sự thật mà VTV24 đã vạch ra.  



Gia đình Công Phượng hạnh phúc bên chiếc TV được các cầu thủ U19 góp tiền quyên tặng.

Xét về góc độ nghề nghiệp, bản thân tôi, cũng là một người làm báo, cảm thấy không có gì để chê trách các đồng nghiệp của mình ở chương trình VTV24- một chương trình mới của Đài Truyền hình Việt Nam trong loạt phóng sự đi tìm tuổi thật của Công Phượng.
Họ đã làm đúng trách nhiệm của mình, đeo đuổi đề tài, tìm ra đầy đủ những nhân chứng quan trọng, lật lại hồ sơ sổ sách ở các cơ quan chức năng để khẳng định rằng, Công Phượng năm nay 21 tuổi chứ không phải 19 tuổi như trên giấy tờ mà tài năng bóng đá trẻ này đang sở hữu.
VTV24 đã nhân danh những người làm báo để tìm ra sự thật về tuổi của Công Phượng, đó là một điều không nhà báo nào dám chê trách hay phản đối. Vậy tại sao, vẫn có những đồng nghiệp của VTV24, trong đó có tôi, lại thấy không vui trước cái “sự thật” được tìm ra này?
Sự thật thì ai cũng cần, nhất là trong thời điểm như hiện nay, hầu như cả xã hội đều đang mắc một căn bệnh trầm kha, đó là “bệnh” nói dối.
Quan chức có thể phủi sạch trách nhiệm, sai sót trong các quyết định, phát ngôn của mình khi đổ cho “lỗi đánh máy”, “lỗi kỹ thuật”, “lỗi do máy in”, “lỗi do con chuột máy tính”…  
Trong các nhà trường, thầy cô giáo luôn dạy học trò phải trung thực nhưng cũng chính các thầy cô ấy, vì bệnh thành tích của trường, lớp, địa phương đã làm điểm giả, cấy điểm, nhắc bài cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp để trường có thành tích cao.
Còn hàng ngàn, hàng vạn lĩnh vực khác nữa, nơi mà cái sự “nói dối” đang trăm hoa đua nở, lời nói dối đang trở thành chuyện thường ngày, cho nên việc đi tìm sự thật về tuổi của Công Phượng trở thành chuyện nổi đình nổi đám.
Chúng ta không ai phản đối sự thật, vì vậy, việc các nhà báo ở VTV24 đưa ra sự thật về tuổi của Công Phượng trong loạt phóng sự gần đây là rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, đối tượng mà loạt phóng sự này nhằm vào, hình như đang chệch mục tiêu, nên cái sự thật mà họ đưa ra bị nhiều người ghẻ lạnh.
Có cảm giác cái đích mà những người làm chương trình này nhắm vào là Công Phượng và gia đình em, muốn chỉ cho khán giả cả nước thấy rằng, đó là tội đồ, là những người dối trá.
Nhưng hỡi ôi, Công Phượng và gia đình em cũng chỉ là nạn nhân mà thôi. Họ là nạn nhân của thói dối trá đã tồn tại trong thể thao Việt Nam suốt nhiều chục năm nay, sửa tuổi, khai man lý lịch, nếu không có một sự ăn ý thống nhất, xuyên suốt từ trên xuống dưới thì làm sao những trường hợp thế này lại có thể trót lọt như thế suốt mười mấy năm nay.
Một nền thể thao không dựa vào sự trung thực mà chỉ tìm mọi cách để có được thành tích, bất chấp thủ đoạn đã gây ảnh hưởng xấu thế nào đến đời sống xã hội, ai cũng biết. Và nạn nhân mới nhất của nó, chính là Công Phượng và gia đình em.
Vậy những người còn chưa bị lộ diện cuộc “vạch mặt” này là ai? Những người ở vị trí rất cao đã đồng ý để cho việc sửa tuổi gian lận này là ai? Chính họ mới là người cần phải lên tiếng trước tiên chứ không phải là Công Phượng.
Sự thật thì ai cũng cần, sự thật thì ở đâu cũng cần, nhưng có những trò bưng bít xấu xa hơn gấp ngàn lần cái sự thật về tuổi của Công Phượng, giá mà vạch hết được ra cả, thì dân chúng sẽ hả hê hơn.
Chợt thấy buồn và xót xa cho tất cả chúng ta, tại sao một điều đơn giản nhất là nói ra sự thật cũng khó khăn và nhiều tranh cãi như vậy.
Mới vừa đây, dư luận cũng xôn xao về vụ ông quan to ở Thừa Thiên- Huế làm giả hồ sơ, khai man thành tích để được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang bị phát giác. Tôi ước sao Đài truyền hình Việt Nam cũng dành một thời lượng đáng kể làm một loạt phóng sự, tìm ra chân tơ kẽ tóc vụ việc của ông quan gian dối ấy như đã làm với trường hợp của Công Phượng, sẽ công bằng với Công Phượng và gia đình em hơn.
Công Phượng và cha mẹ em, những người nông dân thuộc diện nghèo đói ở huyện Đô Lương (Nghệ An), có lẽ không nhờ vào tài năng đá bóng của em sẽ không bao giờ mở mặt được. Cha em đã từng phải vay tiền để cho con đi đá bóng, nhà em đã phải bán đi một con trâu để trả nợ xây nhà, đến giờ họ vẫn còn khó khăn lắm. Các đồng đội của em ở U19 đã phải quyên góp để tặng gia đình em một chiếc TV để bố mẹ em có thể xem con trai mình đá bóng.
Vậy bây giờ họ sẽ đối mặt ra sao trước vụ scandal “vạch trần sự thật” này?
Công Phượng liệu có được đá bóng tiếp nữa hay không khi truyền hình quốc gia đã vạch mặt chỉ rõ “đây là một cầu thủ gian lận tuổi”?
Chẳng lẽ đã bị vạch vòi đến thế mà các quan chức ngành thể thao lại để yên vụ này?
Tôi tin rằng rồi đây Công Phượng sẽ bị đem ra “thí tốt”, đã là nạn nhân của trò dối trá do người lớn gây ra cách đây mười mấy năm, giờ em sẽ tiếp tục làm nạn nhân thêm một lần nữa, chứ chẳng có bác nào hay chú nào của Liên đoàn Bóng đá phải chịu trách nhiệm cả.
Cái sự thật ấy, có thể đem đến sự hả hê cho những người tìm ra nó, có thể vinh danh sự thật, công lý nhưng tại sao lại để lại quá nhiều dư vị đắng cay?
Chúng ta có quá nhiều điều cần vạch vòi vào lúc này, quá nhiều việc cần phải làm để đem lại sự trong sạch cho đời sống xã hội, nhưng giá như nó được làm từ trên xuống, thay vì từ dưới lên thế này.
Công Phượng, vào lúc này tôi chỉ ao ước sự bình an cho em và gia đình em.
(Theo Đất Việt) Mi An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét