Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Nợ từ trên trời rơi xuống

 Cập nhật lúc 08:16

Quận 9 đang chờ kết luận của UBND TP HCM về số “nợ” bỗng dưng rớt xuống đầu người dân

Nhà đất được người dân mua và đã sử dụng ổn định bỗng một ngày chủ đầu tư gửi thông báo đòi tăng giá bán! Người dân bỗng dưng mắc nợ hàng trăm triệu đồng. Chuyện vô lý này đang xảy ra tại khu tái định cư Long Bửu giai đoạn 1, phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ, quận 9.
Phá giá đã được duyệt
Ông Nguyễn Văn Cương bị giải phóng gần 10.000 m2 đất để xây dựng khu tái định cư Long Bửu giai đoạn 2 nên được bố trí 2 nền đất tại khu tái định cư Long Bửu giai đoạn 1, cùng do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 9 làm chủ đầu tư (Công ty Công ích quận 9). Năm 2011, ông được giao trước một nền diện tích 259 m2 để xây dựng nơi ở mới.


Nhiều hộ dân tại khu tái định cư Long Bửu giai đoạn 1 bỗng dưng "được" món  nợ

Năm 2007, UBND TP HCM duyệt giá tái định cư dự án xây dựng khu công nghệ cao gồm cả dự án khu tái định cư Long Bửu. Theo đó, nếu diện tích đất được bồi thường nhỏ hơn diện tích nền tái định cư, phần diện tích chênh lệch được tính với giá bằng giá bán tái định cư x 1,2 lần. Nguyên tắc này cũng được thể hiện rõ trong hợp đồng giao nhận nền tái định cư giữa ông Cương và Công ty Công ích quận 9: diện tích 200 m2 trong hạn mức đất ở có giá 1,2 triệu đồng/m2, phần diện tích chênh lệch là 59 m2 có giá 1,4 triệu đồng/m2, tổng giá trị nền đất là 326 triệu đồng. Ông Cương đã đóng trước 293 triệu đồng (90% hợp đồng) và được cấp phép xây dựng nhà ở. Số tiền còn lại sẽ thanh toán khi chủ đầu tư hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. “Rõ ràng trong hợp đồng ghi tôi chỉ còn nợ chủ đầu tư 32,6 triệu đồng. Thế mà không hiểu sao tháng 12-2013, chủ đầu tư đột ngột gửi cho tôi thông báo rằng tôi còn nợ 280 triệu đồng và giá đất chênh lệch là 5,6 triệu đồng/m2 chứ không phải 1,4 triệu đồng như hợp đồng đã ký. Tôi phải đóng số tiền này trong vòng 15 ngày mới được nhận chủ quyền nhà đất. Tôi là cán bộ về hưu, làm sao một lúc có hàng trăm triệu đồng để đóng cho chủ đầu tư?” - ông Cương nói. Theo ông Cương, rõ ràng giá đất nền đã được UBND TP HCM phê duyệt nhưng chủ đầu tư đã tự ý nâng giá là vượt quyền. Không riêng ông Cương, các hộ dân bốc thăm được nền đất lớn hơn diện tích đất ở bị thu hồi đều nhận được thư “đòi nợ” từ chủ đầu tư với mức giá 5,6 triệu/m2 chênh lệch, bất kể giá trước kia bao nhiêu.
Trường hợp ông Đỗ Thành Châu có lẽ là bi kịch nhất vì số “nợ” lên đến 860 triệu đồng. Diện tích nền đất tái định cư của ông Châu là 384 m2. Theo hợp đồng giữa ông Châu và chủ đầu tư, 200 m2 đất trong hạn mức giá 1 triệu đồng/m2, 184 m2 đất chênh lệch giá 1,2 triệu đồng/m2. Tổng tiền nền đất là 421 triệu đồng, ông Châu đã đóng 370 triệu đồng và chờ đến ngày nhận chủ quyền nhà đất để đóng 41 triệu đồng còn lại. Cũng như ông Cương, cuối năm 2013, ông Châu nhận được thông báo nợ gần 860 triệu đồng khiến ông choáng váng. “Nếu biết giá cao như vậy làm sao tôi dám ký hợp đồng mua nền đất đó? Phải di dời nơi sinh sống, làm ăn, chúng tôi đã khổ lắm rồi, giờ bỗng dưng lại thêm một gánh nợ” - ông Châu bức xúc.
Người dân có quyền khởi kiện
Ông Trần Hùng, Phó trưởng Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận 9, cho biết việc điều chỉnh giá đất chênh lệch liên quan đến việc “điều chỉnh một số chủ trương, chính sách nhà nước”. Theo ông Hùng, giá ghi trong hợp đồng chỉ là tạm tính, nay tính lại nhưng người dân không chịu nên đang chờ xin ý kiến UBND TP. Tuy nhiên, nhiều người dân khu tái định cư Long Bửu cho rằng ông Hùng trả lời không chính xác bởi trong tất cả hợp đồng không có bất kỳ chữ “tạm tính” nào về giá cả mà chỉ có tạm tính về phần diện tích.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, nhận xét bản hợp đồng người dân và chủ đầu tư đã ký kết có giá trị pháp lý cao nhất. Hợp đồng quy định rõ hai bên cam kết thực hiện đúng các nội dung điều khoản đã ký kết trong hợp đồng. Những bổ sung, điều chỉnh (nếu có) phải được sự đồng ý bằng văn bản của cả hai bên. Do đó, thông báo của Công ty Công ích quận 9 về việc đơn phương điều chỉnh đơn giá đất nền tái định cư là vi phạm hợp đồng đã ký kết, vì vậy người dân có quyền không thực hiện nội dung thông báo này. Nếu vì lý do người dân không thực hiện thông báo nên chủ đầu tư cố tình trì hoãn việc xin cấp hoặc không giao chủ quyền nhà đất cho người dân thì họ có thể khởi kiện chủ đầu tư ra tòa để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. 

Có giấy chủ quyền nhưng không giao để đòi thêm tiền
Ông Đỗ Thành Châu cho biết giữa năm 2012, ông liên hệ với Công ty Công ích quận 9 về việc cấp chủ quyền nhà đất thì phía công ty cho biết đất của ông đã có giấy chủ quyền. “Họ cho tôi xem giấy chủ quyền, tôi thấy đúng tên, đúng thửa, đúng diện tích nhưng sai địa chỉ nên đề nghị họ sửa lại. Sau đó, họ gọi tôi đến xem địa chỉ chỉnh lại đã đúng hay chưa thì tôi thấy địa chỉ đúng đã được điều chỉnh trong phần “nội dung thay đổi và cơ sở pháp lý” của giấy chủ quyền. Tôi có xin photocopy lại một bản. Vậy là sổ hồng đã có nhưng chủ đầu tư không giao cho chúng tôi mà lấy cớ để đòi thêm tiền” - ông Châu kể. Theo bản photocopy, giấy chủ quyền của ông Châu được cấp tháng 7-2012, điều chỉnh địa chỉ vào tháng 10-2012.
(Theo Người LĐ) Minh Khanh

Chuyện này nghe na ná như chuyện lừa đảo ngoài "chợ giời" chứ không phải chuyện của một Công ty mang danh Công Bộc!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét