Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Không thể 'nếm thử' để chống hàng giả

Cập nhật lúc 07:53

Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều ngày 17.11, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã gây “sốc” khi nói quản lý thị trường phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón, nhằm phân trần về việc hiệu quả chống hàng giả không cao, do vừa thiếu vừa yếu về phương tiện, công cụ, trang thiết bị hỗ trợ.

Khỏi nói cũng biết tình trạng hàng giả hoành hành gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước như thế nào, đặc biệt các vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng...) bị làm giả, nhái, hàng kém chất lượng gây khó khăn cho nông dân và đe dọa an ninh lương thực. Sự bất lực của các cơ quan chức năng cũng là điều không thể phủ nhận.
Và từ cách trả lời của ông Bộ trưởng Công thương có thể thấy sự bất lực ấy đầu tiên là bắt nguồn từ cách làm tùy tiện, không khoa học. Kể cả quản lý thị trường (QLTT) thực tế không có máy kiểm định phân bón giả thì cũng hoàn toàn có thể trưng cầu giám định tại các trung tâm đo lường chất lượng mà địa phương nào cũng có, không nên "thử bằng miệng" như vậy. 
Nhưng đáng tiếc, tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả đang tăng mạnh (khoảng 18%/năm), không chỉ do “thiếu phương tiện”, do tùy tiện mà còn do "có tình trạng thông đồng, câu kết của những cá nhân trong lực lượng QLTT với các phần tử buôn lậu" - như Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trong phần kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nói.
Trang thiết bị của lực lượng QLTT nghèo nàn có thể là một yếu tố làm giảm hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu. Thế nhưng, đó không phải là yếu tố quan trọng nhất mà là ở sự chủ động, quyết liệt trong công tác kiểm tra, phát hiện các hành vi buôn lậu của lực lượng QLTT, của việc tích cực phối hợp với các lực lượng khác: hải quan, thuế, biên phòng, công an... Thực tế, đầu tư mua sắm các máy bộ đàm, xe cộ, tàu thuyền… là những phương tiện cơ bản cho 63 chi cục QLTT chắc chắn không phải là vấn đề lớn với ngân sách nhà nước. Hằng năm, ngân sách vẫn chi hàng trăm tỉ đồng cho việc này. QLTT hoàn toàn có thể bổ sung kinh phí bằng việc sử dụng tiền bán, xử lý tang vật buôn lậu, tiền phạt hành chính lên đến hàng ngàn tỉ đồng mà quy định hiện nay cho phép để lại một phần.
Cho nên, trong khi chưa thấy người lãnh đạo ngành công thương có đề xuất cụ thể hơn về việc chi thêm bao nhiêu tiền cho mua sắm trang thiết bị, sử dụng kinh phí từ nguồn bán đấu giá, xử lý tang vật để đầu tư lại cho lực lượng QLTT... việc ông phải đưa ra ví dụ: nếm phân để phân biệt hàng thật - giả là phản cảm và không thuyết phục. Nhất là gần đây, khi liên tục xảy ra các vụ việc tiêu cực trong lực lượng QLTT như chuyện nơi này, nơi kia có tình trạng bảo kê cho buôn lậu, chuyện bê bối trong tuyển dụng công chức tại Cục QLTT…thì câu chuyện đó sẽ càng khiến người nghe mất niềm tin về công tác chống buôn lậu, hàng giả của lực lượng này.
(Theo Thanh niên) Mạnh Quân

Truyện Đông Chu liệt quốc có kể điển tích vua bại trận của nước Việt (bên TQ) là Câu Tiễn với ý chí phục thù đã cam chịu sự nhục nhã tột cùng để phục quốc. Chấp nhận làm kẻ hầu hạ cho Phù Sai (vua nước đánh bại, thôn tính nước mình), đã hạ mình nếm cả phân của Phù Sai để chẩn đoán, chữa bệnh… Cuối cùng Câu Tiễn đã đánh bại Phù Sai và phục quốc. Mong rằng ngành Công Thương sau cái nhục nếm phân (bón) này cũng sẽ mang lại vinh quang và người dân được nhờ.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét