Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Điều hành, kinh doanh xăng dầu chưa hoàn toàn vì lợi ích chung

 Cập nhật lúc 13:45                 

KTĐT - Người tiêu dùng trong nước đang kỳ vọng giá xăng dầu sẽ giảm trong thời gian sớm nhất khi mà giá mặt hàng này trên trên thị trường quốc tế giảm tới 20% trong vòng 10 tháng, trong khi các DN kinh doanh xăng dầu trong nước mới giảm 3.300 đồng sau 8 lần điều chỉnh là chưa đủ.
Và việc giá xăng dầu giảm sẽ tác động tới các mặt hàng thiết yếu khác giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân trong bối cảnh khó khăn hiện nay (thực tế vận tải cùng giá dịch vụ và hàng hóa tiêu dùng vẫn chưa giảm).
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 3/11, lãnh đạo Bộ Công Thương đã tuyên bố, nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và DN, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ xin ý kiến giảm giá xăng dầu lần thứ 9 trong thời gian sớm nhất mà không cần chờ đủ 15 ngày giữa 2 lần điều chỉnh theo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới ban hành. Thực tế, dù giá xăng dầu giảm liên tiếp xong hiện DN đầu mối kinh doanh mặt hàng này vẫn lãi khoảng 1.087 đồng/lít xăng.
Song đó mới chỉ là tính toán của cơ quan quản lý còn theo giới chuyên môn, nếu với những DN liên tục nhập hàng trong thời gian từ cuối tháng 9 và trong khoảng cuối tháng 10 (khoảng thời gian giá xăng dầu trên thị trường quốc tế giảm mạnh), mức lãi sẽ cao hơn nữa. Với lượng tiêu thụ trung bình khoảng 38 triệu lít xăng dầu các loại/ngày, các DN xăng dầu đầu mối mỗi ngày lãi vài chục tỷ đồng.
Mừng vì Bộ Công Thương không "bênh" DN, nhưng giảm như thế nào lại là vấn đề khác. Trước kia, mỗi lần giá trong nước giảm chậm, giảm nhỏ giọt, DN thường lấy lý do quy định giá cơ sở bình quân 30 ngày (rồi 15 ngày theo quy định mới), cũng như  phải cộng thêm nhiều loại thuế, phí, chi phí vận chuyển kho bãi… Nay chu kì điều chỉnh giá xăng dầu tiếp tục được rút ngắn nhưng giá xăng trong nước có giảm nhiều như nguyện vọng của người dân hay không khi mà mỗi lít xăng đang phải cõng tới hơn 8.000 đồng tiền thuế, phí. Và bởi DN được quyền tính lại giá theo mức phí hoa hồng mới (dù chi phí này rất khó đoán định).
Giá xăng trong nước giảm chưa được một nửa so với giá xăng dầu thế giới. Người tiêu dùng mong muốn cơ quan quản lý cần làm sao để giá xăng dầu trong nước giảm tương xứng với giá thế giới, không nên giảm theo kiểu đối phó, hình thức.
Nghị định 83/2014/NĐ - CP về kinh doanh xăng dầu đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11 được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều "nét mới" trong quản lý kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, về bản chất, cơ chế điều hành giá trong Nghị định 83 không thay đổi so với Nghị định 84, mà chỉ thay đổi biên độ, chu kỳ, tần suất điều chỉnh giá. Thị trường xăng dầu trong nước tuy có cạnh tranh, nhưng còn yếu, chưa thể nói đã có cạnh tranh thực sự. Vẫn còn đó khoảng trống khiến DN chưa phải chịu nhiều sức ép trong việc công khai mức tăng, giảm giá xăng dầu so với thị trường thế giới.
Nếu không thay đổi tư duy quản lý, điều hành giá xăng dầu, thì một cơ chế kinh doanh mới, minh bạch và tuân thủ quy luật thị trường vẫn còn là khoảng cách chưa được khỏa lấp.
(Theo Kinh tế đô thị) Trâm Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét