Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Bộ trưởng Công Thương:

Quản lý thị trường dùng miệng kiểm định chất lượng… phân bón

Cập nhật lúc 20:02

TTO - Bộ trưởng Bộ Công Thương  Vũ Huy Hoàng cho biết như vậy trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều nay 17-11.


Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng 

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn cho biết đã nhận được nhiều câu hỏi từ các đại biểu quan tâm, chủ yếu liên quan đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, về sản xuất chế tạo trong nước, về giải pháp quản lý thị trường và sự tham gia của doanh nghiệp trong nước về hệ thống bán lẻ và nhiên liệu sinh học.
Không loại trừ tiêu cực
Là người chất vấn đầu tiên, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề điện.
Ông Đương hỏi thẳng: “Có ý kiến phản ánh doanh nghiệp điện nhà nước, như thủy điện Hòa Bình, công suất lớn, nhưng hoạt động cầm chừng, trong khi ngành công thương lại nhập điện từ Trung Quốc với giá cao. Điều này có đúng không? Có nhóm lợi ích hay không? Nếu có, trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?”
Ông Vũ Huy Hoàng khẳng định ý kiến này không có cơ sở. Vì trong nước đã có nhiều công trình thủy điện có công suất lớn đã và đang hoạt động, với nhiều lợi thế. Không có lý do gì không khai thác triệt để các thủy điện đã đầu tư này, có thủy điện đạt sản lượng một năm 9-10 tỉ kwh, “nên không có câu chuyện cầm chừng về phát điện”.
Ông Hoàng cũng cho biết thêm thủy điện Sơn La đưa vào vận hành trước ba năm, và năm nào cũng phát hơn sản lượng thiết kế, “nên không có cơ sở nói rằng phát điện cầm chừng ở các thủy điện lớn này”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi về tỉ lệ nội địa hóa ở những lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, như ô tô, điện tử, cơ khí, hiện đã đạt được tỉ lệ ra sao? Một số ngành trong nước đã sản xuất được như thuốc lá, đường, nông sản, sản xuất nhưng tình hình nhập lậu qua biên giới không nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước, Bộ trưởng thấy thế nào?
Theo bộ trưởng Hoàng, hiện ô tô chở khách 80 chỗ nội địa hóa 40%, xe tải nông dụng, chuyên dùng 70%, ô tô con, tỉ lệ thấp, 10%.
Đây chính là việc chưa thành công của quy hoạch. Xe máy 90%, kể cả động cơ, xuất khẩu 150.000 xe/năm, kim ngạch gần 300 triệu USD.
Nội địa hóa xe máy đã đẩy bật được các nước láng giềng. Còn điện tử gia dụng đạt 30-35%, như điều hòa, máy giặt, tủ lạnh. Điện tử tin học khoảng 15%. Dệt may 50%, da giày 60%.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận tình hình nhập lậu qua biên giới trong thời gian qua là vấn đề nhức nhối, tồn tại nhiều năm dù lực lượng quản lý thị trường đã làm hết sức.
Ông Hoàng “nhận trách nhiệm về hạn chế liên quan đến lực lượng quản lý thị trường, còn các lực lượng khác như hải quan, biên phòng, dù có phối hợp, nhưng hiệu quả chưa cao, dù địa phương có nhiều cố gắng”. Đồng thời cho biết số vụ xử lý vi phạm năm sau luôn cao hơn năm trước từ 12-14%.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Hoàng cho biết có nhiều điểm, nhưng tựu trung lại xuất phát từ dung lượng thị trường hiện đang rất mạnh, độ mở của nền kinh tế rất lớn nên việc giao thương hàng hóa ngày càng tăng là một xu thế.
Giao thương tăng lên thì một số phần tử làm ăn không chính đáng, lợi dụng sự mở cửa để đưa hàng kém phẩm chất vào thị trường nội địa.
Do công tác đấu tranh của lực lượng quản lý thị trường, về phương tiện, vừa yếu vừa thiếu nên hiệu quả không cao.
“Tôi nói thật hiện anh em rất thiếu thiết bị kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng. Như để đánh giá chất lượng phân bón, có nhiều quản lý thị trường phải dùng miệng để thử chất lượng phân bón. Do công cụ thiếu, trang thiết bị yếu nên hiệu quả chưa cao”, ông Hoàng phân trần.
Cũng không loại trừ trong đội ngũ quản lý thị trường có tình trạng tiêu cực, chưa hết trách nhiệm, thậm chí bao che các hành vi sai phạm, nên dẫn đến hiệu quả không cao. Và sự phối hợp giữa các địa phương, dù đã nỗ lực chặt chẽ, nhưng cũng có nơi chưa đều, nên sự vào cuộc chia sẻ giữa các địa phương chưa được hiệu quả như ý.
Sau nghe trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đại biểu Nguyễn Thị Khá băn khoăn: nếu Bộ trưởng nói cán bộ quản lý thị trường phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón, vậy với thuốc trừ sâu thì phải làm thế nào?
Công nghiệp hỗ trợ thật sự có vấn đề
Đại biểu Đồng Hữu Mạo đặt vấn đề có phải vì thiếu chính sách cụ thể để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ nên ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thể phát triển? Và trách nhiệm Bộ trưởng ra sao trong vấn đề này?
Thừa nhận lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm và “lĩnh vực này thật sự có vấn đề”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết gần đây nhất Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định để thúc đẩy chính sách công nghiệp hỗ trợ phát triển, nhưng “đúng là cấp độ pháp lý của các chính sách này đang thấp, chưa có nghị định, chưa có luật, chưa đầy đủ nên chưa tạo điều kiện thuận lợi để phát triển”, ông Hoàng thừa nhận.
Nguyên nhân thứ hai, theo ông Vũ Huy Hoàng, là khi nói đến công nghiệp hỗ trợ thì hay nói đến phụ tùng linh kiện. Tuy nhiên để phát triển được “thì phải có quy mô thị trường lớn, mới có giá thành cạnh tranh được”.
Bộ trưởng Bộ Công thương dẫn chứng, như với ô tô, hiện nay cơ sở lắp ráp chỉ sản xuất đươc 70.000 xe/năm nên khó có thể có doanh nghiệp nào cung cấp linh kiện, phụ tùng cho hơn 10 nhà sản xuất ô tô với nhiều chủng loại, trong khi sản lượng cần một năm 100.000/xe thì mới phát huy được công nghiệp hỗ trợ.
Riêng dệt may, da giày, các doanh nghiệp trong nước, dù đã có cố gắng, như dệt may đã lo được 50%, da giày 60% nguyên liệu, “nhưng quy mô sản xuất vẫn còn hạn chế”.
Nguyên nhân tiếp theo, là sự phân công trong chuỗi giá trị gia tăng trên toàn cầu tùy thuộc vào các doanh nghiệp đa quốc gia.
“Chúng ta đi sau, nên việc len chân vào đây cũng đã khó khăn”, Bộ trưởng bày tỏ. Và nguyên nhân cuối cùng, người đứng đầu Bộ công thương cho rằng công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi liên quan việc sử dụng nguyên vật liệu mới, nhưng “phần lớn chúng ta chưa sản xuất được, nên phải nhập”. 
Sửa lại từ ‘dùng tay” để thử chất lượng phân bón vô cơ do thiếu công cụ thử nghiệm sau giờ nghỉ giải lao, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị các đại biểu thông cảm cho bộ máy quản lý thị trường, và cam kết sẽ khắc phục tình trạng nói trên trong thời gian sớm nhất. 
Tiếp tục đặt câu hỏi về công nghiệp hỗ trợ, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đặt vấn đề vì sao sau hơn 10 năm, ngành cơ khí chế tạo vẫn chưa thể phát triển? Đâu là nguyên nhân của sự trì trệ này?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng với ngành cơ khí chế tạo, đã sản xuất được thiết bị đồng bộ  trong ngành xi măng, máy biến thế 500kv. Một số thiết bị trong ngành chế biến nông sản như cà phê, sản xuất phân bón cũng đã sản xuất được.
Bộ trưởng Bộ công thương cũng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngành chế tạo cơ khí chưa phát triển như mong muốn là do cơ chế đầu tư.
Theo Bộ trưởng, trong ngành cơ khí chế tạo trước đây đều được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Khi đổi mới cơ chế kinh tế, không được sử dụng vốn ngân sách nữa thì chuyển sang cơ chế đi vay. “Mà ngành này đòi hỏi đầu tư lớn, tỉ suất lợi nhuận thấp, nên các doanh nghiệp không quan tâm, không ai muốn đầu tư cả”.
Tỉ lệ nội địa hóa là 0%
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa -Vũng Tàu), nêu câu hỏi vì sao trong 20 dự án nhiệt điện đầu tư thời gian qua, tỉ lệ nội địa hóa là 0% và phần lớn đều do Trung Quốc thực hiện?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận “thực tế này là đúng”. Sở dĩ có tình trạng này là do các nhà máy nhiệt điện công suất lớn đã và đang xây dựng đều sử dụng hình thức nhà thầu EPC, nên phần lớn các tổng thầu đảm nhận.
“Trong số máy móc thiết bị này, các doanh nghiệp trong nước có thể làm được, nhưng sự tham gia thực tế lại rất ít. Dù đã có nhiều chỉ đạo trong hồ sơ mới thầu, cần tách bạch các phần trong nước làm được trong quá trình gọi thầu, rất tiếc dù đã có chủ trương, nhưng có nhiều trường hợp, nhiều lý do, các chủ đầu tư vẫn không tách các gói thầu này ra”, Bộ trưởng giải bày.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu tình trạng mô hình chợ - Trung tâm thương mại xây dựng tràn lan thời gian qua và gần như thất bại, không đạt được hiệu quả như mong muốn, Bộ trưởng có ý kiến thế nào?”
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng mô hình chợ truyền thống, nhỏ lẻ, có thể phục vụ số đông người dân, nhưng không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, nên các địa phương đều muốn xây dựng mô hình nói trên.  
“Cá nhân tôi cho rằng, lựa chọn vị trí xây dựng trung tâm chưa thật sự phù hợp, chưa tính đến tập quán mua bán của người dân là sự tiện dụng, giá bán có thể cao hơn ở chợ truyền thống là những nguyên nhân đưa đến sự thất bại ở một số nơi trong thời gian qua" - ông Vũ Huy Hoàng thẳng thắn nói.
Ông cũng cho rằng, về mặt quản lý nhà nước, hiện Bộ đã ban hành các quy hoạch thương mại, hạ tầng thương mại ở từng địa phương, “nhưng sẽ lưu ý đến vấn đề này với từng địa phương để không gây xáo trộn đời sống người dân trong thời gian tới”. 
(Theo Tuổi trẻ) TRẦN VŨ NGHI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét