Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

16:10

Hệ lụy của một xã hội thiếu niềm tin

 (PetroTimes) - Sẽ không có ý nghĩ tốt đẹp và khó có thể tiếp cận cái hay, cái đẹp của nghệ thuật nếu tồn đọng quá nhiều những hoài nghi!
Việc cô gái 23 tuổi Huyền Chip hoàn tất chuyến đi dài qua 25 quốc gia với đồng “vốn” ít ỏi 700 USD trong 2 năm, ra 2 cuốn sách... những ngày qua như một sự tất yếu trở thành “tâm bão” của dư luận. Và những ai tham dự buổi ra mắt sách “Đừng chết ở Châu Phi” cũng không khỏi “hoảng hốt” bởi sự hoài nghi bủa vây cô gái mới lớn này.
Đã có những câu hỏi xoáy, thậm chí là yêu cầu tác giả cuốn sách phải chứng minh với tất thảy: Làm sao với một người “vô sản” như cô lại có thể xin visa đi được đến 25 nước như thế? Rồi yêu cầu cô công khai tài chính, cho xem visa và trần tình về những nghi vấn... Hàng loạt những câu hỏi được đặt ra mà trong đó không ít những câu đại loại kiểu “tát nước theo mưa”. Với những lối suy diễn rất chủ quan kiểu: Làm thế quái nào mà cô ấy làm được như thế nhỉ? không thể dễ dàng gặp may đến thế, không thể như thế được... Và nhiều người tìm kiếm sự thật bằng cách nói "không" với cuốn sách mà họ cho rằng đầy dãy những dối trá này.
Thực tế, những hoài nghi của công chúng dành cho cuốn sách này là hoàn toàn có cơ sở. Và sự hoài nghi càng bị đẩy lên cao khi tác giả của cuốn sách không nhanh chóng đưa ra những bằng chứng thuyết phục dư luận cũng như ngày càng xuất hiện khá nhiều điểm đáng nghi ngờ về tính chân thực trên các trang sách. Chẳng hạn chuyện những bức ảnh trong sách có góc máy giống hệt những ảnh trước đó trên mạng...
Chưa thể kết luận hoàn toàn về sự thiếu chân thật trong quyển sách này của Huyền Chip, dù là ở những chi tiết rất nhỏ thôi. Nhưng từ những nhìn nhận về cuốn sách để thấy rằng, công chúng chỉ chăm chăm nhìn vào những cái chưa được, mà quên mất những điều tốt đẹp mà bản thân tác giả đã làm được. Điều đáng nói, trong số những người hoài nghi và quay lưng lại với cuốn sách đó, có cả những thành phần mới chỉ là "nghe hơi nồi chõ" chứ chưa thực sự cầm trên tay cuốn sách để đọc cho thông tỏ ngọn ngành.
 
Hai cuốn sách của Huyền Chip đang bị bủa vây bởi nghi ngờ có sự dối trá
Văn hóa nghệ thuật ở xứ ta đang chết chìm trong sự... thiếu niềm tin. Và "hội chứng đám đông" là tâm lý thường gặp ở việc đón nhận những sản phẩm văn hóa. Đến nay nó đã trở thành căn bệnh cố hữu. Bởi, bất cứ một sản phẩm nghệ thuật hay cá nhân nào được vinh danh là y như rằng có những ồn ào..
Điển hình gần đây nhất là trường hợp của quán quân The Voice Kids mùa đầu tiên - Quang Anh. Một cậu bé còn rất non nớt đã bất đắc dĩ trở thành mồi câu của dư luận. Mặc dù, chiến thắng của Quang Anh không phải là không thuyết phục, nhưng vẫn có những đồn đoán rằng cậu bé biết trước kết quả hay mua giải để được BTC ưu ái có được số lượng tin nhắn khủng... Vô số những “giả thiết” được đặt ra khiến một cậu bé đang tuổi ăn, tuổi chơi phải đau đáu cầu khẩn: "Xin mọi người đừng ghét em!".
Công chúng đã vậy, những người trong cuộc cũng hoài nghi nhau. Trường hợp Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ dù ghi dấu ấn bởi những nghĩa cử cao đẹp là tưởng nhớ nhà viết kịch tài hoa. Thế nhưng, vì quá nặng "ăn thua" về huy chương, giải thưởng... mà những lùm xùm đằng sau Liên hoan khiến công chúng phải uể oải. Thay vì ý nghĩa tốt đẹp khi phục dựng 12 vở diễn của các đoàn nghệ thuật để kịch của Lưu Quang Vũ sống mãi thì những tính toán, những hoài nghi và ganh đua rằng cá nhân không xứng với giải thưởng, vở này được khen thưởng thì vô lý, vở kia không được bằng khen thì bất công... Chính những suy nghĩ này đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp mà liên hoan kịch hướng tới...
Trước đó, sự đăng quang của cặp đôi hoàn hảo Thanh Thúy – Dương Triệu Vũ cũng không ít ồn ào bởi chiến thắng không thuyết phục và đồn đoán có sự mua giải từ chính đồng nghiệp của mình.
Trở lại chuyện của Huyền Chip, cách đây hơn 1 năm, đã không ít người “tung hô” Huyền Chip ở sự can đảm của một cô gái tuổi đời mới đôi mươi nhưng dám một mình chu du khám phá những mảnh đất mới.
Rõ ràng sự “khủng hoảng” nằm ở chỗ có quá nhiều ngờ vực khiến cho lòng tin dễ dàng bị lấn át. Công chúng không còn thấy ở việc làm của Huyền Chip sự can đảm dám bước ra thế giới mà chỉ chăm chăm lo lắng rằng: Sau những chi tiết tác giả kể về việc trốn vé, visa chui... sẽ gây hiệu ứng xấu tới lớp trẻ, rồi lớp trẻ sẽ học theo bằng cách bỏ học rồi xách ba lô lên mà... đi, giống như thần tượng của mình.
 
Sóng gió dư luận ập đến với Quang Anh sau khi cậu bé đăng quang
Thực tế, đánh giá một sản phẩm văn hóa là điều cần thiết và điều đó chứng tỏ sản phẩm đó đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhưng tiếp nhận sản phẩm văn hóa trên tinh thần “suy diễn” lại là điều không nên. Nếu trên cơ sở tiếp cận trực diện thì bài trừ hay tiếp nhận một sản phẩm văn hóa là quyền tự do cá nhân của mỗi người. Nhưng việc đòi hỏi và phán xét người khác như thể một "quan tòa" như trong trường hợp của Huyền Chip là bất nhẫn và cả bất nhã. Và chắc rằng, những hành động này chỉ xuất phát từ sự thiếu niềm tin từ phía tác giả. Và khi niềm tin đã bị thay thế bởi những hoài nghi thì những ý nghĩ tốt đẹp khác sẽ bị lấn át, rồi vô tình tiếp tay cho những ý nghĩ thiếu tích cực.
Tất nhiên, không phải ngẫu nhiên thực trạng tiếp cận nghệ thuật lại có kết cục đáng buồn đến thế. Trước đó đã có quá nhiều tiền lệ kiểu “lập lờ đánh lận quân đen” mà sản phẩm nghệ thuật đích thực không được lên ngôi. Để rồi không biết tự khi nào, bầu không khí ngờ vực đã bao trùm trong những thứ được xem là nghệ thuật. Bất cứ sự ra đời hoặc chiến thắng của một cuộc thi nghệ thuật trên sóng truyền hình, một bộ phim, một ca khúc hay một cuốn sách... cũng có sự hoài nghi rằng: Có hay không sự có mặt của tiền bạc để mua bán, có hay không sự dối trá, có hay không sự thiếu trung thực.
Sẽ không có ý nghĩ tốt đẹp và khó có thể tiếp cận cái hay, cái đẹp của nghệ thuật nếu tồn đọng quá nhiều những hoài nghi!
(Theo Năng lượng mới) Huy An
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét