12:01
Xăng dầu
chưa thể giảm giá dù giá thế giới có giảm sâu!
(Thị trường)
- Bộ Công thương khẳng định giá xăng dầu trong nước chưa thể giảm dù cuối
tháng 9 giá xăng dầu thế giới có thấp hơn so với đầu tháng 9.
Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều
30/9, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công
Thương) cho biết, trước mắt, Liên bộ Tài chính - Công Thương vẫn chưa thể
giảm giá xăng dầu. Việc tăng, giảm giá xăng dầu vẫn phải tuân thủ theo quy định
của Nghị định 84.
Theo ông Chiến, Bộ Công Thương vẫn đang phối hợp với Bộ
Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới theo giá cơ sở quy
định bình quân 30 ngày. Mặc dù cuối tháng 9 này, giá xăng dầu thế giới có
thấp hơn so với đầu tháng 9, tuy nhiên giá xăng dầu không giảm liên tục mà có
lúc tăng, có lúc giảm nên sẽ được Liên bộ theo dõi sát, khi có điều kiện,
Liên bộ sẽ tiến hành giảm giá ngay.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng thông tin, việc
tính giá cơ sở đối với kinh doanh xăng dầu căn cứ giá bình quân của giá xăng
dầu thế giới 30 ngày. Tuy nhiên, việc quyết định giá bán lẻ xăng dầu lại
không hoàn toàn phụ thuộc vào căn cứ trên.
Việc tính giá kiểu tăng thì dễ, giảm thì khó vì phụ thuộc
nhiều căn cứ khiến người ta liên tưởng tới điều hành giá vàng. Với quan điểm
bình ổn thị trường không bình ổn giá, giá vàng trong nước cũng luôn bám sát
việc tăng giá thế giới nhưng lại chậm chạp mỗi khi giá thế giới giảm. Xăng
dầu cũng vậy.
Ông Chiến lý giải: “Việc áp dụng công thức tính giá bán lẻ
xăng dầu hiện nay còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như thuế nhập khẩu, quỹ
bình ổn giá cũng như tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của đất nước, đảm bảo
sự hài hòa giữa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước. Trong
dự thảo nghị định mới lần này cũng chưa đưa ra quy định thời điểm cụ thể sau
khi căn cứ giá bình quân 30 ngày để tiến hành tăng, giảm giá xăng dầu trong
nước. Việc quy định thời điểm tính giá sẽ được xem xét, nghiên cứu, nếu thấy
cần thiết sẽ được bổ sung vào nghị định mới đề nghị Chính phủ phê duyệt”, ông
Chiến nói.
Hiện điều mà giới chuyên môn vẫn băn khoăn đó là nhiều lần
sau quyết định điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu tại thị trường nội địa, Tổ
điều hành giá xăng dầu - Liên Bộ Tài chính - Công thương đều khẳng định tính
ưu việt của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, rằng: “nếu không có Quỹ bình ổn, chắc
chắn giá xăng dầu đã tăng cao hơn”.
Thế nhưng, đa số các quan điểm đều cho rằng, Quỹ bình ổn
tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Hoạt động chủ yếu chỉ là trì hoãn
thời điểm tăng giá, để rồi cuối cùng vẫn phải tăng do Quỹ bình ổn giá có hạn.
Thậm chí giá xăng dầu đã phải tăng cao hơn do phải vừa trích vừa xả!
Đó là chưa kể, một Quỹ bình ổn được xây dựng, hình thành
từ tiền của người sử dụng xăng dầu, nằm trong giá cơ sở của giá xăng dầu. Vì
thế, nếu giá xăng dầu thế giới ít biến động, lượng tiền trong Quỹ sẽ không
ngừng tăng lên theo từng lít xăng dầu được bán ra, khi chưa cần huy động vào
mục đích bình ổn giá, nếu không được huy động cho nền kinh tế thì một lượng
lớn tiền mặt nằm im một chỗ, không lưu thông sẽ gây thiệt hại lớn.
Việc yêu cầu “Quỹ bình ổn giá được hạch toán vào tài khoản
riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá, nghiêm cấm sử dụng vào
mục đích khác” trong điều kiện nguồn thu lớn cũng cần được xem xét lại nhiều
lần được đề xuất. Thế nhưng Bộ Tài chính vừa qua mới công khai cách trích nộp
và sử dụng Quỹ này trong điều hành giá mà chưa công khai nguồn Quỹ bị âm ở
nhiều doanh nghiệp.
Việc sử dụng Quỹ bình ổn thì chưa thể minh bạch trong khi
các doanh nghiệp vẫn lãi lớn thì người tiêu dùng phải hiểu rằng, cũng giống
như vàng, với xăng dầu nhu cầu trong dân vẫn còn rất lớn. Thế nhưng người
tiêu dùng cũng không nên thắc mắc và đòi hỏi quá nhiều bởi ông Trần Ngọc Năm,
Phó Tổng giám đốc Petrolimnex từng “dọa”: Nếu mọi người muốn xăng dầu không
có lãi thì có thể kiến nghị với Chính phủ để nhà đầu tư họ thoái vốn chứ đừng
để Petrolimex suốt ngày rơi vào tình trạng phải đi giải thích.
Và như vậy đương nhiên giá xăng dầu chưa thể giảm được dù
giá thế giới có giảm sâu đi chăng nữa.
(Theo
Đất Việt) Phương Nguyên
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét