07:44
Thị trường gas:
Tù mù, dễ móc túi người tiêu dùng
SGTT.VN - Thị trường gas lộn xộn, cấp phép dễ dãi, việc tăng giá
còn tù mù… là cảm nhận chung của không ít người khi theo dõi buổi toạ đàm
“Hướng tới thị trường gas minh bạch và an toàn”, tổ chức ngày 19.9 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Lộc An, phó vụ trưởng vụ Thị trường trong nước (bộ
Công thương) cho hay, hiện có 23 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và cung cấp
gas. Theo số liệu trong năm 2012, PVGas cung cấp cho thị trường khoảng
610.000 tấn, đáp ứng được khoảng gần 50% nhu cầu cả nước. Còn nếu tính bao
gồm cả các đơn vị thành viên của PVGas như PVGas Trading, PVGas North, PVGas
South thì PVGas cung cấp được khoảng trên 70% nhu cầu cả nước.
“Lộn xộn nhất khu vực”
Ông Trần Trọng Hữu, phó tổng thư ký hiệp hội Gas Việt
Ông Đỗ Thanh Lam (phó cục trưởng cục Quản lý thị trường) cho
biết, từ đầu năm đến nay, quản lý thị trường đã xử lý 400 vụ, phạt hành chính
2 tỉ đồng, tịch thu lượng lớn tang vật gồm hơn 35.000 bình (20.000 bình gas
mini). Dù phát hiện nhiều vụ việc nhưng nhìn chung, tình trạng sang chiết gas
trái phép vẫn diễn biến khá phức tạp, sang chiết gas trái phép ở vùng ven đô,
hẻo lánh, sang chiết bằng dụng cụ tự chế, mua lại vỏ bình trôi nổi, chiếm
dụng vỏ bình doanh nghiệp có uy tín cắt quai, sơn lại, mài chữ để làm giả.
Chi hội gas miền Nam nêu vấn đề đã nhiều lần đề nghị phải công
khai các cơ sở sản xuất, sửa chữa vỏ chai đủ điều kiện để tạo điều kiện cho
việc giám sát của các công ty gas nhưng không được đáp ứng. Ông Nguyễn Lộc An
trả lời: Sắp tới, cục An toàn kỹ thuật và môi trường công nghiệp sẽ phối hợp
với cục Thương mại điện tử để xem xét đưa danh sách các cơ sở chế tạo chai
chứa lên website của bộ Công thương. Còn ông Nguyễn Hữu Dũng (cục An toàn kỹ
thuật và môi trường công nghiệp) khẳng định: Hoàn toàn không có chuyện “giấu
giiếm”. Danh sách này đều được cục gửi cho các đơn vị chức năng như quản lý
thị trường, vụ Thị trường trong nước. Thời gian tới sẽ đưa thông tin lên
trang web của các sở Công thương.
PVGas không độc quyền?
“PVGas thuộc doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, nhưng hoạt động
của doanh nghiệp bị điều chỉnh theo quy định (nghị định 107) nên không ngại
về việc họ chiếm thị phần lớn nhất”, ông An trấn an. Ông Trần Trọng Hữu cũng
thanh minh: Vì PVGas chỉ là đơn vị cung cấp nguồn, chỉ cung cấp cho các nhà
phân phối, thương nhân cấp 1 (có thương hiệu bình gas trên thị trường), chứ
không tham gia bán hàng trực tiếp trên thị trường, không tham gia vào vấn đề
giá cho người tiêu dùng nên không ngại độc quyền.
Tuy nhiên, đại diện quyền lợi của người tiêu dùng, ông Nguyễn
Mạnh Hùng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu
dùng Việt Nam vẫn lo ngại. Ông Hùng nói: Nếu doanh nghiệp chiếm thị phần
khoảng 30% trở lên thì người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Ông
Hùng cũng dẫn một câu chuyện thực tế, đó là vào năm ngoái, gần 150 hộ dân
trong một khu chung cư tại Hà Nội đã có đơn tập thể lên hội phản ánh công ty
cổ phần Dầu khí Sông Hồng đã cắt nguồn cung cấp gas trong khi hai bên chưa
thống nhất chuyện tăng giá. “Người mua không đồng tình nên không thanh toán
tiền dẫn đến tình trạng cắt gas sử dụng của người dân. Đáng nói là tuy ngừng
cung cấp gas nhưng cũng không cho doanh nghiệp khác vào cuộc do tính độc
quyền”, ông Hùng nhận định.
Giá: tăng nhiều, giảm ít
Có dư luận cho rằng thời gian qua giá gas giảm ít, tăng nhiều.
“Song thực tế như trong năm 2012, giá bán lẻ được điều chỉnh tăng tám lần thì
cũng có sáu lần giảm. Hay năm tháng đầu năm 2013 giá liên tục giảm, nhiều
nhất vào thời điểm đầu tháng 5 (giảm 120.000 đồng/bình 12kg) giá bán lẻ đến
tay người tiêu dùng trong khoảng từ 305.000 – 360.000 đồng/bình 12kg. Từ
tháng 6.2013 đến nay, giá thế giới có xu hướng tăng trở lại, nên giá bán lẻ
đến tay người tiêu dùng cũng tăng, trong khoảng từ 350.000 – 405.000
đồng/bình 12kg”, ông An dẫn chứng và nhấn mạnh: Qua số liệu được cung cấp và
phân tích ở trên, có thể nói diễn biến giá gas thời gian qua thực sự được vận
hành theo cơ chế thị trường và diễn biến giá thế giới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng công nhận rằng qua theo dõi của hiệp hội thì
không phải giá gas chỉ tăng mà không giảm, song theo ông, do giá gas ảnh
hưởng rất lớn đến giá cả sinh hoạt nên rất được người dân quan tâm, vậy nhưng
thông tin (tăng/giảm giá) lại không được cung cấp kịp thời, minh bạch. “Theo
ý kiến của hội, nhãn hàng hoá dán trên bình gas nên đề cả giá cả một cách
minh bạch”, ông Hùng đề nghị.
Đại diện hiệp hội gas cho biết, hiện Nhà nước quy định về quản lý
giá mặt hàng gas này bằng thông tư số 104 – là một trong 14 mặt hàng bình ổn,
tuân thủ kê khai giá (theo cơ cấu giá) và đăng ký giá với tất cả các sở Công
thương, sở Tài chính hàng tháng trước khi thay đổi giá; những biên độ thay
đổi giá đều có giải trình nguyên nhân. “Không có chuyện các doanh nghiệp gas
(là doanh nghiệp đầu mối) muốn tăng giảm tuỳ ý. Do tính chất cạnh tranh khốc
liệt theo giá thị trường nên doanh nghiệp gas hiện nay thường xuyên phải tìm
cách giảm giá để bán hàng”, ông Hữu nói. Dẫu vậy, vị này cũng thừa nhận: Tất
nhiên, cũng có trường hợp người tiêu dùng bị thiệt, ví dụ như có thông tin
giá (thế giới) tháng sau tăng thì có doanh nghiệp lợi dụng vấn đề đó để điều
chỉnh giá cho hệ thống đại lý!
(Theo SGTT) CHÍ HIẾU
Tựa đề của Kinh Bắc
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét