15:43
Chuyện ly kỳ ở dốc Cơm
Rạng sáng ngày 1/7/2012, chiếc xe Toyota Land Cruiser của Báo CAND đi làm từ thiện tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đang trên đường trở về Hà Nội. Trên xe có Đại tá Nguyễn Thị Lý, Trưởng phòng Tài vụ, Tổng cục Xây dựng lực lượng (Bộ Công an). Xe đi qua dốc Cơm, thuộc địa phận thôn Gò Đối, xã Lạc Hưng, huyện Yên Thủy, Hòa Bình. Lúc này trời lất phất mưa. Đường vắng tanh không một bóng người.
Chiếc xe lao lên dốc, bám cua rất gấp. Trời mưa, đường trơn, chiếc xe xiêu vẹo rồi bất ngờ lật úp. Nơi ấy đúng đỉnh dốc Cơm. Đại tá Nguyễn Thị Lý đã tử nạn.
Thông tin về vụ tai nạn ấy làm rất nhiều người bàng hoàng, thương xót. Không phải vì Đại tá Nguyễn Thị Lý là phu nhân của nhà văn, Trung tướng Nguyễn Hữu Ước, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng (Bộ Công an), Tổng biên tập Báo Công an nhân dân, mà người phụ nữ này đã nổi tiếng từ lâu bởi những hoạt động xã hội, với những đợt quyên góp tiền của ủng hộ người nghèo và thăm nom, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ công an công tác tại những địa bàn khó khăn. Nhiều người còn biết rằng, những vui buồn, thăng trầm, thành công của nhà văn, Trung tướng Nguyễn Hữu Ước đều có sự chia sẻ, cổ vũ, động viên từ người bạn đời của ông. Bà lại vốn là người sống rất cởi mở, bình dị. Thế nên, thông tin bà lâm nạn khiến rất nhiều người xót xa.
Dốc Cơm, con dốc nguy hiểm bậc nhất Hòa Bình
Và không nhiều người biết rằng, chính con dốc Cơm hung hiểm kia đã nổi tiếng từ lâu, bởi đó là con dốc “nuốt người”, là điểm đen tai nạn giao thông nhất nhì miền Bắc trong cả thập kỷ qua.
Và từ sau khi chị Lý mất, xung quanh con dốc Cơm này càng có nhiều huyền thoại. Chúng tôi quyết tâm tìm hiểu xem, điều gì đã làm nên con dốc nguy hiểm dường ấy?
Quặn lòng vì tai nạn
Thông tin từ Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình cho biết: Từ năm 2003 tới nay, có hàng trăm vụ tai nạn xảy ra tại dốc Cơm, trong đó có 15 nạn nhân tử vong sau khi đưa đi bệnh viện cấp cứu, 2 người tử vong ngay tại chỗ.
Trung úy Bùi Thái Dũng, Đội CSGT Công an huyện Yên Thủy, Hòa Bình kể: “Dốc Cơm chỉ dài 150m, gồm hai vòng cua gấp nối tiếp nhau, cách cầu Áng Mây tầm nửa cây số. Tai nạn ở dốc Cơm đã là một thông tin rất quen thuộc của Đội CSGT chúng tôi. Ban đêm, chỉ cần nghe tin báo tai nạn, biết ngay là xảy ra ở con dốc ấy. Những hôm mưa gió, đường trơn hoặc mây mù, anh em thường phân công nhau trực tai nạn. Đó là điểm đen tai nạn giao thông gây nhức nhối và là nỗi lo lắng nhất của Đội CSGT chúng tôi trong nhiều năm nay”.
Để đến nỗi, cái tên dốc Cơm cũng mang những nỗi ám ảnh rất đặc biệt. Có người bảo rằng, dốc ấy nhiều người tử nạn quá, lúc nào đi qua người ta cũng nhìn thấy bát cơm cúng ở đó nên gọi là dốc Cơm. Chẳng biết nguồn cơn thế nào nhưng cái tên ấy tồn tại nhiều năm rồi.
Chuyện về những vụ tai nạn ở con dốc này nghe cứ như chuyện bịa.
Đêm mùa đông năm 2011, anh Đặng Xuân Hùng, 30 tuổi lái chiếc xe container 40 feet chở đầy xe máy mới bon bon trên đường từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Anh Hùng có một thói quen, hễ ngồi lên xe là phải bật nhạc ầm ĩ, đốt thuốc phì phèo suốt dọc đường. Đêm, trời lại mưa nên đường Hồ Chí Minh rất vắng xe đi lại, chính vì thế, cơn buồn ngủ của lái xe kéo đến rất nhanh.
Xe chạy đến dốc Cơm là khoảng 3 giờ sáng. Anh Hùng chuyển sang chạy số 4 (xe container có 8 số), máy vẫn gầm, cần số rung lên bần bật. Anh chuyển số 3, đạp ga cho xe vọt lên, tới nửa dốc gặp khúc cua gấp, anh giật mình đánh lái đột ngột. Đường trơn, vòng cua tốc độ lớn, xe lại chở nặng, thùng container thuận đà lồng lên vặn gãy chốt, lăn hai vòng rồi lao xuống vực. Anh Hùng hốt hoảng ngoái lại nhìn, chỉ còn nhõn đầu kéo tong tong chạy. Gặp khúc cua thứ hai, anh luống cuống rồ ga húc thẳng vào ta-luy. Người ta phải cưa cánh cửa mới đưa được anh xuống đem đi viện cấp cứu.
Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ tai nạn xảy ra tại con dốc này trong vài năm qua. Phải nói, những câu chuyện về tai nạn xảy ra ở đó toàn là chuyện rùng rợn, rất nhiều nạn nhân đã chết hoặc mang thương tật suốt đời, kèm theo nó là thiệt hại về tài sản cũng lớn không kém.
Tuổi thọ của con dốc “nuốt người” này cũng không phải là dài, nó được hình thành từ năm 2003, tức là mới chỉ 10 năm nay. Thế mà sinh mạng bao người đã kết thúc tại đó.
Anh Bùi Văn Hồng, Trưởng Công an xã Lạc Hưng nhớ lại: “Trước khi đường Hồ Chí Minh mở xuyên qua đây năm 2003, con đường này chỉ là đường liên thôn nhỏ tẹo với um tùm cỏ dại, lau lách. Người dân trong thôn chuyên dùng trâu kéo gỗ đi qua con đường này. Khi con đường nhựa mở ra, tai ương bắt đầu”.
Anh Hồng nhớ lại rằng, vụ tai nạn đầu tiên là anh Phạm Văn Mạnh, 43 tuổi, nhà ở thị trấn Yên Thủy. Tháng 7/2004, anh Mạnh đi ăn giỗ bên xã Bảo Hiệu về qua đây. Anh đâm xe máy vào ta-luy và chết ngay tại chỗ. Những người qua đường chứng kiến vụ tai nạn của anh đều khẳng định, anh Mạnh đi xe máy tương đối chậm, không có biểu hiện say rượu, cú đâm xe cũng không mạnh nhưng anh thì tử nạn vì đập đầu xuống nền đường.
Từ sau cái chết của anh Mạnh, tai nạn ở dốc Cơm liên tiếp xảy ra, hầu như tuần nào cũng có.
Đầu năm 2006, có xe chở dưa hấu từ Nga Sơn, Thanh Hóa đi Lạng Sơn bị tai nạn, cả thùng dưa hấu vãi ra đường, lái xe bị gãy hai đùi, phải đi cấp cứu.
Cũng năm ấy có xe tải chở luồng đi qua đây, chẳng hiểu thế nào cả người và xe đều văng xuống vực. Xe chở ngô, chở gạch, chở sắt thép, xi măng qua đây húc vào vách núi khá nhiều.
Trong nhiều vụ tai nạn, anh Hồng có kể cho chúng tôi nghe chuyện về vụ tai nạn của đoàn xe chở hài cốt liệt sĩ từ tỉnh Gia Lai về Thái Bình. Ấy là vào đầu năm 2010, cả gia đình anh Nguyễn Văn Đạo ở huyện Hưng Hà, Thái Bình thuê chiếc xe 16 chỗ đi tìm hài cốt người thân ở Tây Nguyên. Trên đường trở về, qua dốc Cơm thì họ gặp tai nạn. Xe đi tốc độ nhanh, cua gấp nên bị lật đúng một vòng rồi đứng khựng một chỗ, không hề va đập vào đâu, 10 người trên xe không ai hề hấn gì, tiểu sành đựng hài cốt còn nguyên và cũng không bị bật nắp, cả bát hương trên đầu xe vẫn nằm nguyên vị trí. Mọi người ai cũng đinh ninh rằng, vị liệt sĩ ngự trên xe rất linh thiêng nên đã “đỡ” được vụ tai nạn.
Nhân chứng đặc biệt
Trong rất nhiều vụ tai nạn ở đây, người ta thấy hầu hết tại hiện trường đều có sự xuất hiện của một người phụ nữ dân tộc Mường là bà Bùi Thị Chuột. Bà thường là người đầu tiên có mặt, để lập tức gọi điện cho cứu thương, bế nạn nhân lên xe và có khi đứng trông đồ đạc, tài sản cho những người chẳng may bị tai nạn. Phải dăm lần bảy lượt đi lại, chúng tôi mới gặp được người phụ nữ này.
Phóng viên trò chuyện với bà Bùi Thị Chuột
Ngôi nhà sàn của bà Chuột nằm vẹo vọ dưới chân một quả đồi, bốn bề bạt ngàn là mía xanh ngút mắt. Cả quả đồi ấy chỉ có ngôi nhà của bà. Từ đường cái đi vào nhà bà chừng gần một cây số cuốc bộ, con đường trâu đi vòng vèo hình vành thúng nhưng thực chất, dốc Cơm ở ngay trên đầu nhà bà. Đại loại là, đường Hồ Chí Minh chạy qua lưng chừng đồi, còn nhà bà lại chòm hỏm dưới chân đồi. Thế nên, xe ôtô bị tai nạn ở dốc Cơm văng xuống cửa nhà bà nhiều lần.
Có một chuyện mà khi tôi gặng hỏi mãi bà mới tiết lộ về nền của một ngôi nhà cũ bỏ không, cạnh ngôi nhà mới bây giờ. Nó nằm sát chân đồi, vừa đúng tầm rơi… của xe máy, ôtô trên dốc Cơm bị tai nạn văng xuống. Vợ chồng bà cứ lo nơm nớp chẳng may có ngày xe container rơi xuống sập nhà thì nguy. Năm ngoái, vào dịp sang sửa nhà cửa, ông bà bàn nhau nhổ cột nhà cũ, dựng nhà mới dịch vào bên trong vài chục bước chân cho… an toàn.
“Bao nhiêu năm nay, hình như đã thành phản xạ, tôi không thể nào ngủ yên giấc. Đang ngủ nghe đánh thụp một cái là bật dậy, tỉnh giấc liền, biết ngay là có tai nạn. Bao giờ cũng thế, tôi thường là người đầu tiên có mặt trên con dốc”.
Khi tôi hỏi về số lượng những vụ tai nạn mà bà chứng kiến ở dốc Cơm trong những năm vừa qua, bà khoát tay bảo: “Nhiều lắm chú ơi, làm sao nhớ hết được. Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà tai nạn lắm thế. Cả cái thân tôi ấy, như thể mắc nợ với đời, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ có tai nạn xảy ra. Tôi luôn lo rằng, người ta chẳng may bị thương nặng, có người hô hoán đưa đi cấp cứu kịp thời thì còn sống, chậm thêm chừng 5 phút có khi đã sang kiếp khác rồi”.
Khu vực chân núi trước cửa nhà bà Chuột mà nhiều xe bị tai nạn văng xuống
Trung úy Bùi Thái Dũng, Đội CSGT Công an huyện Yên Thủy, Hòa Bình cũng là người thường xuyên có mặt để đo đạc, xử lý khi tai nạn xảy ra ở khu vực dốc Cơm. Anh dẫn chúng tôi ra dốc, để chúng tôi lái thử xe máy, xe ôtô đi ngược, đi xuôi để hiểu hơn cảm giác của người lái xe khi đi qua con dốc kỳ lạ này. Anh Dũng còn tự vẽ lại chi tiết địa đồ dốc Cơm rồi phân tích rất tỉ mỉ những nguyên nhân khiến con dốc này trở thành điểm đen tai nạn giao thông trong nhiều năm qua.
Dốc Cơm mang nhiều những đặc điểm dị biệt hoàn hảo để trở thành con dốc giết người. Độ dốc lớn đã đành, lại còn có hai khúc cua tay áo nối liền nhau tạo thành hình chữ S và hình như độ nghiêng mặt đường cần thiết cho một con dốc kiểu như vậy đơn vị thi công đường Hồ Chí Minh đã không chú ý tới, hoặc độ nghiêng ấy không đảm bảo chỉ số.
Anh Trần Văn Tuân, một lái xe khách tuyến Thanh Hóa - Hà Nội thường xuyên qua đây cho rằng, nếu lái xe không quen dốc này thì rất dễ xảy ra tai nạn. Là bởi, thông thường, lái xe luôn mặc định trong đầu là hết một lượt cua gấp thường là đường thẳng hoặc chí ít cũng chỉ là đường lượn vòng cung. Gặp một vòng cua trái chiều kế tiếp, nhiều lái xe bị giật mình, bất ngờ. Có hai tình huống xảy ra, một là họ hoàn toàn bị động, húc thẳng vào hàng rào chắn bảo vệ; hai là đánh lái gấp và xe bị lật. Trường hợp xe lật thường hậu quả sẽ rất nặng.
Có một chi tiết nữa ở con dốc kỳ quái này mà nó là tác nhân chủ yếu gây ra sự chết chóc. Ấy là mỏm đá chìa ra, lừng lững ngay trên đỉnh dốc che khuất tầm nhìn của lái xe. Khi tầm nhìn bị che khuất, lái xe sẽ bị động hoàn toàn trong những tình huống kế tiếp có thể xảy ra.
Nói một cách công bằng, những nguyên nhân lý tính này mãi về sau mới được đem ra phân tích, mổ xẻ khi liên tục xuất hiện những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Còn nhiều năm về trước, nguyên nhân được đổ dồn cho những chuyện tâm linh rất khó đoán định về mảnh đất xứ Mường vốn đã lắm huyền tích bí hiểm.
Trước đó nữa thì dốc Cơm chỉ là đỉnh của một ngọn đồi hoang. Làm đường, giải tỏa mặt bằng ắt phải động đến thổ công, long mạch và mọi chuyện xuất nguồn từ đó.
Số là, người Mường ở Hòa Bình bao năm nay không có nghĩa địa riêng của thôn, bản. Theo tục lệ, người già mất đi ở nhà nào thì chôn luôn ở trên đất nhà ấy, thường là dưới gốc cây cổ thụ để linh hồn người mất được mát mẻ. Năm này qua năm khác, số mộ phần cứ nhiều dần lên, nhà nào cũng quy hoạch vào khu riêng trong đất vườn nhà mình. Khi thu hồi đất để làm đường, nhiều hộ gia đình đương nhiên phải di dời những ngôi mộ ấy đi, đó là điều đại kỵ trong phong tục, tập quán ở xứ ấy. Ai phạm phải thì chẳng biết hậu quả sẽ thế nào.
Có thể nhiều người không biết được rằng, ngoài cái tên thường gọi, dốc Cơm còn có một tên khác nữa là dốc Đa vì trên đỉnh dốc có một cây đa cổ thụ. Vùng này xưa kia là rừng, cây cổ thụ rất nhiều và người dân dần dà đã đốn xuống lấy gỗ làm nhà. Chẳng hiểu sao, cây đa ấy không ai dám đụng đến và nó vẫn hiên ngang đứng trên đỉnh dốc. Nhiều người cho rằng, người ta xẻ núi làm đường đã động đến rễ cái của cây đa cổ, thần thánh ngự trên cây đa nổi giận nên gây tang tóc đau thương cho những người qua dốc.
Những chuyện ấy cứ đồn thổi qua thời gian, thêu dệt thêm những yếu tố rùng rợn khác nữa. Người không biết thì thôi chứ cánh lái xe đã biết tiếng con dốc này, dù có quen đường đến mấy khi đi qua đây cũng phải cúi đầu. Dù có “hổ báo” đến mấy, cánh lái xe tải đang bật nhạc thình thình, cởi trần, phì phèo thuốc lá thì đi qua đây cũng tự giác tắt nhạc, mặc lại áo và dụi thuốc. Thậm chí đang đội mũ cũng phải bỏ xuống khi đi qua con dốc.
Chuyện “đi qua chốn thánh thần phải biết cúi đầu” âu cũng là nét văn hóa của người Việt ta và những chuyện tâm linh, rùng rợn về dốc Cơm cũng thật khó để kiểm chứng, người tin ít, người tin nhiều, có người chả tin. Nguyên nhân thì đã được cơ quan chức năng kẻ vẽ, đo đạc, phân tích cụ thể.
Nhưng có chuyện này thì có thật. Kể từ khi Đại tá Nguyễn Thị Lý chẳng may lâm nạn ở đây, số lượng các vụ tai nạn bất ngờ giảm hẳn, hầu như không có. Người xác nhận được điều này chính là bà Chuột, bà cứ nắc nỏm: “Chắc do cô Lý là người sống vốn thiện tâm, khi mất đi thì cũng linh thiêng, quỷ thần vì thế mà cũng không bắt tội người sống nữa. Từ lúc cô Lý mất tới giờ đã hơn một năm rồi, ở dốc Cơm chỉ có duy nhất một vụ tai nạn xe máy và nạn nhân chỉ bị xây xước nhẹ, tài sản chẳng thiệt hại gì, tịnh không có vụ tai nạn ôtô nào nữa. Tôi cũng chỉ mong có thế, để từ giờ không phải giật mình hốt hoảng mỗi khi nghe thấy tiếng động trên ấy. Con dốc sẽ trở lại hiền lành như xưa”.
Những chuyện tâm linh ấy chúng tôi chỉ nghe thôi chứ không dám khẳng định. Nhưng có một sự thực là, sau khi Đại tá Nguyễn Thị Lý gặp nạn ở đó, có một công ty đã bỏ tiền của thuê máy xúc, công nhân đến chém bạt cả mỏm núi chìa ra trên đỉnh dốc, tác nhân che khuất tầm nhìn gây tai nạn. Tầm nhìn được mở rộng ra, chính vì thế tai nạn cũng giảm nhanh chóng và hy vọng, từ giờ những vụ tai nạn rùng rợn ở con dốc “nuốt người” nổi tiếng ấy sẽ trở thành dĩ vãng.
“Sau tay lái là cuộc sống”, câu nói ấy thật thấm thía. Nếu tham gia giao thông đến đoạn dốc Cơm, chúng ta cần tin rằng, nơi ấy đã từng xảy ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Nếu không tin vào những chuyện tâm linh, bạn cũng nên tin rằng, đoạn dốc ấy tồn tại nhiều vấn đề về độ an toàn như: cua gấp khúc liên tục, tầm nhìn bị che khuất. Đó là tác nhân tạo nên những vụ tai nạn giao thông chết người. Hãy cẩn thận tay lái và giảm tốc độ khi đi qua dốc Cơm.
Phóng sự của Vũ Minh Tiến (Petrotimes)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét