Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

 07:54

 Giải bóng đá U19 Đông Nam Á:
Sau 120 phút miệt mài “chặt, đốn”, gã “tiều phu” Indonesia giành chức vô địch trong may mắn*

Bất phân thắng bại sau 90 phút thi đấu chính thức và hai hiệp phụ, đội chủ nhà Indonesia đã đoạt cúp vô địch U-19 Đông Nam Á vào đêm 22-9 sau lượt sút luân lưu thứ 9 trước U-19 VN...
Một ngày trước trận chung kết U-19 Đông Nam Á 2013, HLV trưởng đội chủ nhà Indonesia Sjafri đã nói với PV rằng ông thừa nhận đội VN hay hơn. Nhưng ông cũng cho rằng trong bóng đá, đội hay hơn chưa chắc giành được cúp, và ông đã nghiên cứu kỹ đội VN và có cách để khắc chế.

Đêm qua, khi trận đấu mới diễn ra được 10 phút, tôi đã hiểu biện pháp mà ông Sjafri dùng để trị các cầu thủ tài hoa của đội khách, đó chính là lối chơi thô bạo! Vâng, mới phút thứ 10, một cầu thủ của đội VN đã phải lên cáng rời sân, đó là Trung Tình (12). Chưa hết, phút 80 thêm một cầu thủ nữa cũng phải rời sân do là nạn nhân của lối chơi thô bạo, đó là Hồng Duy (7).


Các cầu thủ Indonesia (áo đỏ) thi đấu rất thô bạo trong trận chung kết - Ảnh: Anh Đức (Báo Thanh niên)
Theo thống kê, số lần phạm lỗi của các cầu thủ chủ nhà xấp xỉ gấp ba lần đội khách. Thật ra, tỉ lệ đó chưa phản ánh đúng những gì diễn ra trên sân, bởi vị trọng tài chính người Thái Lan đã quá nương tay cho lối chơi thô bạo. Ví dụ như ở phút 84, Thanh Tùng (18) bị Juti (2) tung chân đá vào người như chơi taekwondo - với bóng đá đỉnh cao, tình huống ấy nhẹ nhất là thẻ vàng, còn với bóng đá trẻ đương nhiên là thẻ đỏ - vậy mà trọng tài bỏ qua!? Ngoài những tình huống quá trầm trọng vừa kể, còn lại những cú đá từ sau vào gót chân, vào nhượng đầu gối, những cú ập vào đầy ác ý là vô số kể.

U.19 Việt Nam thua trong tiếc nuối-2
Trùm Tĩnh chấn thương và phải rời sân là mất mát lớn với U.19 Việt Nam - Ảnh: Anh Đức (Báo Thanh niên)
Thậm chí ở phút 118 của trận đấu, một hậu vệ VN bị đau chân phải tự đá bóng ra biên, trọng tài cũng thoải mái cho đội chủ nhà ném biên tổ chức tấn công luôn; trong khi theo tinh thần fair play của FIFA, tình huống đó phải trả bóng lại cho đội đã đá bóng ra ngoài cuộc. Tình huống ấy cho dù chủ nhà chơi không đẹp thì trọng tài cũng phải can thiệp.

Tôi mở đầu bài viết bằng những câu chuyện không đẹp như thế để thấy rằng các cầu thủ U-19 VN đã không chỉ chơi bóng với 11 cầu thủ Indonesia chọn lối chơi bạo lực, mà còn phải đối đầu với trọng tài và áp lực từ khán đài!

Ấy vậy mà các cầu thủ của chúng ta đã đứng vững trong 120 phút. Có người gọi đó là lòng quyết tâm, là ý chí, nhưng tôi thì thích từ “bản lĩnh” hơn. Các cầu thủ trẻ của chúng ta đã không rối đội hình, luôn giữ được khoảng cách hợp lý trong đội hình chiến thuật, bình tĩnh bẻ gãy các đợt tấn công của đối phương, không hề hoảng loạn trước bạo lực. Và bản lĩnh là thứ đã được huấn luyện, giáo dục mà có, chứ không phải cắn răng thể hiện trong một thời điểm nào đó mà thôi.

Ngoài một hiệp hai cùng hai hiệp phụ có phần bị lép vế bởi lối chơi bạo lực của chủ nhà, thì nguyên hiệp một các cầu thủ 16, 17 tuổi khoác áo U-19 VN đã trình làng một bộ mặt tươi mát, mới mẻ. Không chỉ hoàn toàn kiểm soát trận đấu, cầm bóng nhiều hơn, tổ chức tấn công nhiều hơn, các cầu thủ trẻ của chúng ta còn gieo vào lòng người hâm mộ một niềm tin vào tương lai.

Đó chính là một phong cách chơi bóng hiện đại, đầy kỹ thuật. Những đường chuyền một chạm thật chuẩn, những cú phát bóng xa thật nhẹ nhàng, chuẩn xác đã cho thấy họ khác hẳn với những thế hệ trước đây. Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh có mặt trên khán đài xem trực tiếp trận đấu này đã nói như reo với tôi qua điện thoại: 
“Hoàn toàn không quá lời, đây là lứa cầu thủ hiện đại nhất của bóng đá VN trong mấy chục năm qua”. Có nhiều chi tiết để nhận diện ra dáng dấp của một thứ bóng đá hiện đại, đó là họ chơi bóng trên khắp mặt sân, đặc biệt là dọc theo hai biên đến sát đường vôi; không như xưa nay cầu thủ Việt thường túm tụm vào giữa. Rồi cách cầm bóng, giữ bóng, đi bóng cũng rất nhẹ nhàng, thoáng đãng. Đúng là cái chất của một ông thầy Tây đến từ Học viện Arsenal - HLV Guillaume.

Vì vậy, tuy thua nhưng cũng chẳng có gì đáng buồn. Bởi qua lứa cầu thủ này, với những Lê Văn Trường, Văn Sơn, Đông Triều, Văn Thiệt, Hồng Duy, Tuấn Anh, Văn Toàn, Công Phượng, Đức Huy, Thanh Tùng..., chúng ta có quyền hi vọng vào tương lai.
Khán giả Indonesia ấn tượng với phong cách thi đấu của đội U-19 VN

Sau khi trận U-19 Indonesia và U-19 VN kết thúc, hàng ngàn khán giả Indonesia đứng chờ bên ngoài sân vận động đã vỗ tay chào đội U-19 VN. Một khán giả Indonesia nói với : “Đội U-19 VN thi đấu hay và đẹp mắt nhất giải đấu. Những gì đội U-19 VN thể hiện tại giải xứng đáng được ca ngợi”.

Phát biểu sau trận đấu, HLV đội U-19 VN người Pháp Guillaume nói: “Trọng tài người Thái Lan đã bỏ qua nhiều lỗi từ phía đội U-19 Indonesia. Nhưng bóng đá là vậy, đôi khi chúng ta phải chấp nhận những điều nghiệt ngã nhất”. Bầu Đức có mặt ở Indonesia xem trận chung kết cho biết: “Tôi tự hào với những gì các cầu thủ U-19 VN làm. Tôi sẽ có đầu tư mạnh để tiếp tục cải thiện trình độ chơi bóng của các cầu thủ U-19 VN."

Hôm nay (23-9), các tuyển thủ đội U-19 VN sẽ về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Theo kế hoạch đã được HLV Guillaume trình lên VFF, đội U-19 VN sẽ tập luyện tại Pleiku đến ngày 30-9 rồi bay về TP.HCM. Sáng 1-10, đội sẽ bay sang Malaysia tham dự vòng loại U-19 châu Á thuộc bảng F lần lượt gặp các đội Hong Kong (3-10), Đài Loan (5-10) và Úc (7-10).
S.H
(Theo Tuổi Trẻ Online) Huy Thọ
*Bóng đá không đơn thuần là thể thao, nó còn là hoạt động văn hóa và có tính nhân văn. Xem cách đá kỹ thuật và phong cách hào hoa, phong nhã, gắn kết đồng đội của U19 VN ta có quyền tự hào và hy vọng về một thế hệ bóng đá trẻ nước nhà. Trái lại cách thể hiện phi văn hóa, phi thể thao của những gã “tiều phu đốn củi” Indonesia để lại ấn tượng đáng buồn cho đội chủ nhà. Tại sân nhà mà họ cũng chỉ thể hiện được như vậy. Danh hiệu vô địch giành được đầy rủi ro, may mắn cùng sự “trợ giúp” đắc lực của trọng tài Thái Lan. Tương lai của họ cao nhất cũng chỉ đến vậy mà thôi.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét