Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

 22:30

 Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên cán bộ Viện Chiến lược quân sự Bộ Quốc phòng:

Nhiều khả năng Mỹ sẽ sa lầy ở Syria (*)

(TNO) Vì Mỹ đã từng sa lầy trong cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq trên dưới 10 năm nên nếu tiến hành cuộc chiến tranh ở Syria, khả năng Mỹ tiếp tục sa lầy là điều khó tránh khỏi.

 
Phương án tấn công hạn chế của Mỹ và đồng minh - Đồ họa: Sơn Duân/The Times
 
Đại tá Lê Thế Mẫu - Ảnh: Trường Sơn
Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự, Viện Chiến lược quân sự (Bộ Quốc phòng) đã nhận định như vậy trong cuộc phỏng vấn với Thanh Niên Online.
Theo đại tá Lê Thế Mẫu, tiềm lực chính trị và quân sự của chính quyền Syria lớn hơn rất nhiều so với của Taliban năm 2001 hay của chính quyền Iraq năm 2003. Hơn nữa, Syria lại được Nga, Trung Quốc, Iran và nhiều nước khác ủng hộ.  
Thanh Niên Online: Ngày 31.8 Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông sẽ đề nghị Quốc hội Mỹ cho phép thực hiện hành động quân sự chống Syria. Điều này đồng nghĩa với việc ông Obama gác lại lời đe dọa tiến hành đòn tấn công tức thì nhằm vào Syria. Theo ông, đâu là lý do khiến Tổng thống Obama phải trì hoãn đòn tiến công này mặc dù theo Đạo luật yêu nước (Patriot Act), với vai trò Tổng tư lệnh tối cao, ông Obama được trao quyền hành động, sau đó mới báo cáo quốc hội?
Đại tá Lê Thế Mẫu: Việc Tổng thống Obama tuyên bố sẽ tiến công Syria là nhằm ba mục đích chủ yếu.
Một là, để giữ thể diện cho chính bản thân mình với việc thực hiện cam kết đưa ra cách đây không lâu rằng, một khi Syria “vượt qua giới hạn đỏ” thì Mỹ sẽ hành động. Sự kiện 21.8 chứng tỏ Syria đã “vượt qua giới hạn đỏ” và lẽ đương nhiên là ông Obama sẽ phải đưa ra tuyên bố can thiệp quân sự để “ngăn chặn Syria lặp lại hành động sử dụng vũ khí hóa học”.
Hai là, thăm dò phản ứng của dư luận trong và ngoài nước.
Ba là, “nắn gân” chính phủ Syria.
 
Hiện nay, nếu thất bại tiếp ở Syria, “Đề án Trung Đông Lớn” của Mỹ sẽ đứng trước nguy cơ phá sản và chiến lược kiểm soát Trung Đông Lớn sẽ thất bại. Đó mới chính là “lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ” ở Syria.
Đại tá Lê Thế Mẫu
Tuy nhiên, ngay sau khi ông Obama đưa ra tuyên bố can thiệp quân sự nhằm vào Syria thì ngay trong lòng nước Mỹ và ở nhiều nước trên thế giới đã dấy lên làn sóng phản đối hành động can thiệp quân sự của Mỹ. Còn chính phủ Syria tuyên bố sẽ chiến đấu tới cùng để bảo vệ đất nước. Thậm chí, Tổng thống Syria Bashar al-Assad còn đe dọa, “Syria sẽ là Việt Nam thứ hai” đối với Mỹ, còn Bộ trưởng Quốc phòng Syria nhận định Syria sẽ là “mồ chôn các ý đồ xâm lược”.
Tuy nhiên, điều mà giới phân tích nhận thấy rất rõ là Tổng thống Obama không xác định rõ mục đích chính trị của hành động quân sự lần này. Vì thế, Thượng nghị sĩ John McCain đã phải thốt lên: “Đã đánh thì phải đánh tới cùng, chứ không thể đánh vài ba ngày như ông Barack Obama tuyên bố để “giữ thể diện”. 
Trong tình hình đó, Tổng thống Obama đã khôn khéo “đẩy quả bóng” sang phía Quốc hội Mỹ, nếu có chuyện gì không hay xảy ra thì không phải một mình ông phải chịu.

Tàu sân bay USS Nimitz đã áp sát Syria
Nếu xét toàn diện mọi khía cạnh, một khi Mỹ đã sa lầy trong cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq trên dưới 10 năm, thì việc họ thất bại ở Syria là điều khó tránh khỏi bởi tiềm lực chính trị và quân sự của chính quyền Syria lớn hơn rất nhiều so với của Taliban năm 2001 hay của chính quyền Iraq năm 2003. Hơn nữa, Syria lại được Nga, Trung Quốc, Iran và nhiều nước khác ủng hộ.  
* Xin ông phân tích sơ bộ về những lợi ích của Mỹ trong việc tấn công, thay đổi chế độ hiện tại ở Syria?
- Tổng thống Barack Obama tuyên bố, sở dĩ ông phát động chiến tranh ở Syria là xuất phát từ “lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ”. Trong khi “giải mã” tuyên bố này của ông Obama, cần nhận thấy cái gọi là “lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ” ở Syria hoàn toàn không phải là nhằm “ngăn chặn hành động của chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học giết hại dân thường”, cũng không phải vì “hành động sử dụng vũ khí hóa học của Syria vi phạm luật pháp quốc tế”, mà là nhằm mục đích chiến lược toàn cầu của “Đề án Trung Đông Lớn”.
 
Tên lửa hành trình Tomahawk được bắn ra từ tàu ngầm USS Florida của Mỹ. Cuộc tấn công "phẫu thuật" nếu có của Mỹ nhắm vào Syria được giới quan sát đánh giá sẽ chủ yếu dựa trên phương cách tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk 
Đề án này đã từng được Tổng thống Mỹ G.W.Bush khởi động bằng cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq nhằm kiểm soát một khu vực địa - chính trị rộng lớn kéo dài từ châu Phi, qua Trung Đông, tới Trung Á và Nam Á. Tổng thống G.W.Bush đã công khai tuyên bố về đề án này năm 2004. Để thực hiện đề án này, ông G.W.Bush thiên về sử dụng sức mạnh quân sự và đã thất bại.
 
Năm 2011, sau khi tiêu diệt Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, Thượng nghị sĩ John McCain đã từng tuyên bố: “Mùa xuân Ả Rập” sẽ “gõ cửa” Syria, Iran, các nước Trung Á, thậm chí cả Nga và Trung Quốc (!?)
Đại tá Lê Thế Mẫu
Rút kinh nghiệm của người tiền nhiệm, Tổng thống Obama sử dụng sách lược “quyền lực thông minh”, được thể hiện trong các biến động chính trị mang tên “Mùa xuân Ả Rập” từ cuối năm 2001 tới nay, trong đó ông sử dụng lực lượng Hồi giáo chính trị làm công cụ để thực hiện. Vì thế, Hồi giáo chính trị được Mỹ ủng hộ đã lên cầm quyền ở Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen… Syria là một trong những khâu then chốt trong chiến lược “bình định” Trung Đông của Mỹ. 
Chính biến ở Ai Cập ngày 4.7 là thất bại bất ngờ của Mỹ trong chiến lược “Đề án Trung Đông Lớn” sau khi Tổng thống Mohammed Morsi của lực lượng Hồi giáo chính trị bị lật đổ. Hiện nay, nếu thất bại tiếp ở Syria, “Đề án Trung Đông Lớn” của Mỹ sẽ đứng trước nguy cơ phá sản và chiến lược kiểm soát Trung Đông Lớn sẽ thất bại. Đó mới chính là “lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ” ở Syria.

Chiến đấu cơ F-16 của không quân Mỹ
* Theo lời các chuyên gia, những cuộc không kích dự kiến của phương Tây nhắm vào Syria sẽ không thay đổi được cán cân lực lượng ở quốc gia này. Ông có bình luận gì về ý kiến đó? Theo ông, nếu Mỹ tấn công Syria, đó liệu sẽ là một cuộc chiến chớp nhoáng để hậu thuẫn cho phe đối lập hay sẽ lập lại kịch bản ở Iraq?
- Tính toán của giới quân sự Mỹ là, bằng các đòn tiến công “giải phẫu” nhằm phá hủy các mục tiêu trọng điểm trong tiềm lực quân sự của Syria sẽ khiến cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía các lực lượng đối lập. Cũng không loại trừ khả năng, đòn tiến công “giải phẫu” còn nhằm tiêu diệt cá nhân người đứng đầu quốc gia này như đã từng xảy ra ở Libya. Sau đó, các lực lượng đối lập ở Syria sẽ giải quyết nốt chuyện đánh bại quân đội Syria. Nếu giai đoạn này thất bại, không loại trừ khả năng Mỹ và đồng minh sẽ phải mở chiến dịch trên bộ. Đây sẽ là “canh bạc” vô cùng mạo hiểm. 
* Theo ông các quốc gia có quan điểm bảo vệ Syria như Nga, Trung Quốc sẽ có những động thái như thế nào nếu Hoa Kỳ tấn công Syria?
- Nga, Trung Quốc, Iran... cũng như nhiều nước ở Trung Đông và Mỹ Latinh sẽ phản đối hành động quân sự của Mỹ nhằm vào Syria. Riêng Nga, họ sẽ tiếp tục chuyển giao vũ khí trang bị cho Syria theo các hợp đồng đã ký trước năm 2011. Dĩ nhiên, Nga sẽ bảo vệ cơ sở kỹ thuật của họ ở cảng Tartus của Syria, nhưng khả năng hải quân Nga “chạm trán” với hải quân Mỹ và đồng minh ở Địa Trung Hải là có thể loại trừ.
Vì, nếu cuộc “chạm trán” đó xảy ra, chiến tranh thế giới lần thứ III sẽ khó tránh khỏi. Iran nhiều khả năng sẽ tham chiến để bảo vệ Syria vì giữa hai nước đã ký Hiệp định phòng thủ chung năm 2006. Hơn nữa, Iran và Syria đều là mục tiêu hướng tới của Mỹ trong “Đề án Trung Đông Lớn”. Năm 2011, sau khi tiêu diệt Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, Thượng nghị sĩ John McCain đã từng tuyên bố: “Mùa xuân Ả Rập” sẽ “gõ cửa” Syria, Iran, các nước Trung Á, thậm chí cả Nga và Trung Quốc (!?).
* Xin cảm ơn ông!
Trường Sơn (thực hiện)
Ảnh: AFP, Reuters

(*) Các nhận định, đánh giá thể hiện quan điểm riêng của ông Lê Thế Mẫu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét