Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

21:06

 "Có Bộ phải tới 11 Thứ trưởng, vậy trách nhiệm Bộ Nội vụ thế nào?"


“Công chức sáng nào cũng đi ăn sáng, uống cà phê đến 9 giờ mới làm việc. Chiều lại túc tắc tìm việc gì đó làm, rồi 4 giờ lại chuẩn bị nghỉ. Làm như vậy mà hưởng mức lương như thế còn là cao”.
Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển phản ánh tình trạng công chức “cắp ô” khi TVQH cho ý kiến về việc tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chiều 20/9.
Đề cập đến số lượng cán bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo đánh giá số lượng 1/3 cán bộ “cắp ô” có đúng không, có phù hợp không? Bên cạnh đó vấn đề đạo đức, phẩm chất của cán bộ công chức hiện nay có vấn đề gì không? “Một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên thoái hóa biến chất được NQ TW 4 đánh giá thì được thể hiện trong báo cáo này thế nào?” – ông Lưu nói.
 
Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển lo ngại về tính hiệu quả trong việc cải cách tiền lương
Dẫn dụ quy định bộ nhiệm, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho biết, cấp thứ trưởng thường 4 người. Tuy nhiên qua “danh bạ điện thoại năm 2012”, ông cho biết có Bộ phải tới 11 thứ trưởng. Tương tự các cục, tổng cục quy định cũng không được quá 4, nhưng giờ tổng cục phải hàng chục cấp phó. Vậy trách nhiệm của Bộ Nội vụ về việc này như thế nào? Công tác bổ nhiệm vượt khung bất hợp lý, dân sẽ không đồng tình, từ đó nghi vấn có tiêu cực, tham nhũng.
Cho rằng việc bổ nhiệm cán bộ không có gì khác mấy so với 20 năm trước, ông Ksor Phước nói, khi bổ nhiệm các chức vụ, chẳng hạn như chức vụ trưởng thì người Bộ trưởng cũng chỉ là 1 phiếu. Bởi vậy nên khi cấp dưới không làm được việc thì không thể quy được trách nhiệm cho Bộ trưởng.
Có quan điểm hơi khác, Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc số lượng cán bộ, công chức, viên chức tăng lên cũng là một yêu cầu đặt ra, bởi tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa…đang ngày một phát triển. Tuy nhiên vấn đề quan trọng được ông Hiển quan tâm là tăng lên phần nào thì hợp lý để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, còn phần nào không hợp lý?
Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, đánh giá được chất lượng cán bộ công chức là cả vấn đề. Trước con số 30% công chức “cắp ô” không làm được việc, thậm chí có giảm đi thì công việc vẫn đảm bảo, vậy Bộ Nội vụ và đoàn giám sát cần đánh giá thực trạng này thế nào, có đúng như phản ánh không?
Về công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, Chủ nhiệm UBTCNS đưa ra nhận định vẫn còn nặng về hình thức, bằng cấp. Thậm chí còn thực trạng cán bộ có rất nhiều loại bằng cấp, nhưng khi giao việc thì làm lại không đạt yêu cầu. “Cái này không phải ít, rất phổ biến. Cán bộ càng không làm được việc thì càng được cử đi học” – ông nói.
Trước thực tế đó, ông Hiển quan ngại vì với bộ máy này không biết có thực hiện được cải cách tiền lương không. “Công chức sáng nào cũng đi ăn sáng, uống cà phê đến 9 giờ mới làm việc. Chiều lại túc tắc tìm việc gì đó làm, rồi 4 giờ lại chuẩn bị nghỉ. Làm như vậy mà hưởng mức lương như thế còn là cao”.
Khắc phục tình trạng này, ông Hiển cũng cho rằng phải thực hiện cơ chế khoán, chỉ cho với chừng ấy tiền, chi tiêu thế nào tùy vào người đứng đầu, miễn là phải hoàn thành nhiệm vụ!
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, kể từ khi Luật công chức có hiệu lực từ năm 2010, phạm vi điều chỉnh rất rộng. Chính phủ đã ra 17 nghị định, Bộ ra 15 thông tư khác nhau về Luật công chức.
Về trình độ của cán bộ, công chức, viên chức ông cho biết hiện vẫn chưa có một dữ liệu tổng hợp, đánh giá đúng, trúng cán bộ từ trung ương đến địa phương. Cho rằng con số bao nhiêu % cán bộ làm việc yếu kém đang rất được xã hội quan tâm, ông Bình cho biết, trong các văn bản của Đảng, Nhà nước đã đề cập, đặc biệt NQ TW 4 cũng nói đến. Bộ đã
đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố có báo cáo phân tích chất lượng cán bộ, công chức, viên chức năm 2012, và đây là nội dung cần tập trung thực hiện.
Theo kết quả ban đầu, ông đưa ra con số cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ là 1%. Cũng theo Bộ trưởng Nội vụ, công tác đào tạo, tuyển dụng là vấn đề nhức nhối trong dư luận. Chính bởi vậy, Chính phủ đã đề nghị xây dựng một nghị định về phòng chống tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ, và thi đua khen thưởng.
                                     (Theo Infonet) Thành Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét