Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

18:05

Bệnh viện tư nhân đã “móc tiền” người bệnh như thế nào?
(PetroTimes) - Ra đời với mục đích khám chữa bệnh nhưng phần lớn cơ sở y tế tư nhân thực sự chỉ điều trị những bệnh “vặt”, mang tính phổ biến như kiểu hắt hơi, sổ mũi… còn bệnh trọng phải vào viện. Tuy nhiên, nếu chỉ chữa trị những bệnh thông thường như vậy thì cơ sở y tế tư nhân mới chỉ tồn tại được chứ chưa bàn đến phát triển do cơ sở hạ tầng hầu hết phải thuê mướn, trả lương “đội quân” giáo sư, bác sĩ, y tá, nhân viên làm việc ở phòng khám… Cho nên, để duy trì hoạt động cũng như làm giàu, chủ cơ sở y tế tư nhân  phải nghĩ ra đủ “chiêu trò” để rút hầu bao của bệnh nhân.
Đau đầu nhưng khám… phụ khoa
Từ trước tới nay nghe chuyện nhiều phòng khám tư nhân ở Hà Nội bắt bệnh nhân làm đủ các xét nghiệm khi đến khám ở đây, mặc dù các xét nghiệm ấy nhìn chung chẳng liên quan gì đến triệu chứng bệnh của họ, hiếm người tin. Bởi rất nực cười khi mà chẳng hạn có người đi khám vết thương ở chân nhưng bác sĩ ở cơ sở y tế tư nhân lại bắt khám cả những bộ phận không “dây mơ rễ má” gì với nó. Tất nhiên vẫn biết, các bộ phận trong cơ thể người như một chuỗi mắt xích với nhau, hỏng bộ phận này có thể do bộ phận kia. Song rõ ràng, có những cơ quan trên cơ thể con người hoàn toàn biệt lập như kiểu tay với chân vậy mà lại buộc bệnh nhân phải khám đủ. Hóa ra, chuyện đó là có thật. Chưa bàn đến chất lượng khám chữa bệnh nhưng với cách hành xử ấy với bệnh nhân chắc chắn là điều không thể chấp nhận được ở một số cơ sở y tế tư nhân.
Phòng khám Đa khoa 28B Điện Biên Phủ là một ví dụ. Phòng khám này là một trong những cơ sở y tế tư nhân ra đời đầu tiên ở Hà Nội và chính bởi vậy, khi mới ra đời được khá nhiều người đến khám chữa bệnh do những giáo sư, bác sĩ được mời làm việc ở đây đều là những người nguyên giữ trọng trách ở một số bệnh viện lớn tại Hà Nội. Thế nhưng, dẫu sao thì cơ sở y tế tư nhân vẫn chỉ là cơ sở y tế tư nhân, không tránh khỏi phải sử dụng “ngón nghề” để kiếm tiền. Có lần chứng kiến cảnh một bệnh nhân ở Mộc Châu, Sơn La xuống khám bệnh vì triệu chứng thường xuyên bị đau đầu, nữ nhân viên mặc áo blouse trắng ở đây hướng dẫn làm thủ tục để vào khám. Và sau khi được đo huyết áp, nghe tim, phổi… bác sĩ của phòng khám chỉ định bệnh nhân phải làm hàng loạt xét nghiệm kèm chụp X-quang, siêu âm cùng với ti tỉ thứ khác. Nhưng trong đó, đặc biệt nhất là bệnh nhân phải khám phụ khoa. Vì bác sĩ giải thích: “Bệnh đau đầu nhiều khi xuất phát từ… phụ khoa nên phải khám cả cái này cho chắc”.
 
Phiếu "vẽ” xét nghiệm bệnh của Phòng khám 28B Điện Biên Phủ
Thực ra, lúc nghe như vậy, không chỉ bệnh nhân mà nhiều người ngồi đấy cũng thấy nghi ngờ, thắc mắc vì “đau đầu và phụ khoa liên quan gì đến nhau?”. Tuy nhiên, nghĩ mình là người ngoại đạo nên chẳng ai dám hỏi han gì. Chỉ đến khi chính bác sĩ chuyên khoa lên tiếng thì mọi người mới ngã ngửa ra rằng: “Làm sao đau đầu lại đi khám phụ khoa. Các chị phải cẩn thận, nếu có những chỉ định không liên quan gì đến bệnh tật của mình hoặc thấy không hợp lý thì phải biết từ chối. Nhiều khi, họ “vẽ” ra cho mình trả tiền đấy”. Đến đây thì ai cũng hiểu rằng, hóa ra chỉ định bệnh nhân làm đủ các xét nghiệm, khám cả những thứ chẳng liên quan đến triệu chứng đau đớn của mình là “chiêu trò” của phòng khám này.
Ngày 19/8 vừa rồi, khi quay trở lại Phòng khám Đa khoa 28B Điện Biên Phủ, chúng tôi lại “gặp” đúng những ngón nghề kiểu vậy. Trong vai người có triệu chứng đau đầu, mỏi gáy cổ, chóng mặt, phải đi điều trị, chúng tôi được nữ nhân viên ở đây hướng dẫn vào phòng khám của Đại tá, bác sĩ Đào, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện 354. Cũng vẫn là khám thông lệ, chúng tôi được đo huyết áp, nghe tim, phổi, kiểm tra bụng xem có bất thường hay không… Sau đó, bác sĩ Đào chỉ định tôi phải làm các thăm khám cận lâm sàng với 16 mục gồm: chụp X-quang cổ thẳng, cổ nghiêng, điện tim, siêu âm tổng quát 4 màu, chức năng gan, đường máu, máu lắng…
Tuy nhiên, điều đáng nói là, khi kiểm tra bụng xem có bất thường không thì ngay trong quá trình khám cũng như trong kết luận khám thể trạng, bác sĩ Đào đã khẳng định bình thường, thậm chí bác sĩ còn ghi cụ thể: “Bụng mềm Mendel (-)/Ấn thượng vị không đau/ Gan, lách không to…”. Thế mà khi chỉ định thăm khám cận lâm sàng, bác sĩ lại yêu cầu tôi phải siêu âm toàn bộ ổ bụng để kiểm tra chính những điều mà bác sĩ đã... kết luận!? Khi tôi thắc mắc điều này, thì bác sĩ Đào lại trả lời như để “xoa dịu”: “Nếu chị thích thì làm không thích thì thôi”.
Đi khám hay điều trị bệnh không giống như đi chơi hay đi du lịch để rồi thích hay không thích mà chỉ có thể là chỉ định hoặc chống chỉ định, trong trường hợp khám ngoài những bệnh tật đang mắc theo kiểu “kiểm tra sức khỏe” nói chung, bác sĩ phải hỏi ý kiến bệnh nhân rồi trên cơ sở đó mới chỉ định chứ không được bắt buộc ngay từ đầu. Bởi bắt buộc như vậy, đương nhiên với tâm lý chung của người bệnh, họ sẽ răm rắp làm theo. Mà làm theo họ, chắc chắn sẽ tốn không phải ít. Đơn cử như chỉ định thăm khám cận lâm sàng của bác sĩ Đào trên đây, nếu thực hiện cả 16 mục đó, tôi phải tốn vài triệu đồng, chưa kể đến gần 100 nghìn đồng tiền khám. Cho nên việc chỉ định “thừa” của bác sĩ Đào chỉ có thể hiểu là trục lợi. Và sự trục lợi đó, ai cũng hiểu rằng được thực hiện theo chủ trương chung của chính chủ cơ sở y tế chứ cá nhân bác sĩ không thể làm điều này.
Tương tự, đến Phòng khám Hoa Hồng ở 2B Triệu Quốc Đạt, chúng tôi cũng lại gặp cảnh: xét nghiệm lấy tiền. Dường như không có gì khác có thể “vẽ” ra để lấy tiền một cách… hợp lý của bệnh nhân như việc xét nghiệm ở các cơ sở y tế tư nhân. Sau khi “xem xét” qua loa, bác sĩ Thu, người được cho là có thâm niên trong ngành sản đồng thời là bác sĩ “trụ cột” ở đây lại “đè” tôi ra để yêu cầu làm tất cả những xét nghiệm mà phòng khám có thể làm. Nào là siêu âm, xét nghiệm phát hiện ung thư sớm, nào là xét nghiệm xem nhiễm khuẩn hay không v.v… Xin nói thêm, không biết những kết quả xét nghiệm ấy đúng đến đâu thì chưa biết nhưng phòng xét nghiệm ở đây chỉ với hai từ “tồi tàn” đã lột tả chính xác nhất về nó.
Điều trớ trêu là, trong khi tôi vừa khám ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bác sĩ kết luận bình thường thì Phòng khám Hoa Hồng lại kết luận tôi rất nhiều bệnh và để điều trị phải mua một đơn thuốc ở chính cửa hàng dược của phòng khám. “Cẩn thận” hơn, bác sĩ Thu còn tận tay chỉ tôi sang cửa hàng thuốc của phòng khám. Vậy, có gì khó hiểu ở đây? Đó là trong vòng kinh doanh khép kín, bác sĩ chỉ kê đơn loại thuốc mà cửa hàng thuốc của phòng khám có. Loại thuốc đó lại không tùy thuộc vào “thương hiệu”, chất lượng của nó mà phụ thuộc vào tiền lợi nhuận bác sĩ được hưởng là bao nhiêu để rồi được bán ở cửa hàng. Do đó, loại thuốc bệnh nhân mua ở cửa hàng dược của chính phòng khám chưa chắc đã là loại ưu tú nhất, hữu hiệu nhất với căn bệnh của bệnh nhân. Bên cạnh đó, giá cả, hiếm cửa hàng dược nào của phòng khám kinh doanh khép kín lại rẻ hơn các cửa hàng dược bán lẻ, chỉ có thể đắt hơn mà thôi.
Khám là có bệnh
Lần này, trong vai cặp vợ chồng “hiếm muộn” chúng tôi xuống một phòng khám dưới đường Giải Phóng để “chữa” đẻ. Nhìn bề ngoài phòng khám được quảng cáo khá hoành tráng với đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, thiết bị hiện đại nhưng khi vào trong thì tôi khá thất vọng, trang thiết bị cũ kỹ, lại không lấy gì làm sạch sẽ cho lắm. Bên trong lác đác một hai bệnh nhân nam ngồi chờ kết quả, mặt buồn rười rượi. Một lúc sau, một nam bác sĩ tên Dũng đưa giấy khám cho một bệnh nhân, chẹp miệng: “Bệnh anh nặng lắm, xác định chữa đến cùng cũng phải tính hàng năm, chi phí cũng khá cao đấy”. Lân la bắt chuyện, anh này tỏ vẻ hoài nghi về “bệnh án”: “Dưới Bệnh viện Phủ Lý chỗ nhà tớ, làm xét nghiệm tinh dịch đồ đều trong giới hạn bình thường và bác sĩ kết luận chỉ bị viêm đường tiết niệu nhẹ. Để yên tâm hơn, chắc mẩm xuống Hà Nội để điều trị cẩn thận vậy mà bác sĩ lại bảo tớ “hỏng hẳn” đến nỗi vô sinh do để tình trạng quá lâu, để dứt điểm bệnh phải vài chục triệu đồng. Mà thực ra tớ có vô sinh đâu vì vợ còn đang mang bầu đứa thứ 2 mà”, anh này ngao ngán.
Nhân câu chuyện này, tôi lại nhớ đến một vài trường hợp bệnh nhân đi chữa nam khoa tại Phòng khám Đa khoa Thiên Tâm (212 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản số 38 Cảm Hội (Hà Nội) mà báo chí từng phản ánh. Đó là một trường hợp điều trị 3 lần bằng nằm sóng ngắn và truyền kháng sinh nhưng bệnh ngày càng nặng. Phòng khám cũng không đưa sổ y bạ hay hóa đơn cho mỗi lần khám, chữa. Một trường hợp khác được chẩn đoán mắc vi khuẩn gram âm 2+. Bác sĩ kết luận bệnh: “Đây là vi khuẩn mãn tính, xác định chung sống cả đời, nhưng để nặng có thể làm mất khả năng sinh sản. Phải áp dụng hóa vật trị liệu kết hợp với dùng thuốc, làm liên tục trong vòng 1 tuần thì tỷ lệ khỏi bệnh là 75%. Chi phí tổng cộng là 14 triệu đồng”. Tỉnh táo, bệnh nhân này sang Bệnh viện Việt-Đức điều trị tận gốc thì chi phí chỉ hơn 1 triệu đồng. Theo một bác sĩ ở Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, vi khuẩn gram âm là một vi khuẩn đường sinh dục phổ biến, hầu như ai cũng mắc. Bệnh rất dễ chữa bằng thuốc kháng sinh, chỉ mất cỡ 1 triệu đồng.
Một bác sĩ thuộc Trung tâm “Dấu Hỏi Xanh”, thuộc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Đội Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em quận Hoàn Kiếm ở 18 phố Quán Sứ cho biết, trong thời gian qua anh đã tiếp nhận khá nhiều “nạn nhân” của các phòng khám đa khoa tư nhân đến điều trị, đa phần đều do nghe quảng cáo trên phương tiện truyền thông... Điển hình là một chàng thanh niên mới đến trung tâm khám lại. Anh này cho biết bị ngứa niệu đạo, đã đến khám tại một nơi được quảng cáo trên mạng. Ở đây, họ khẳng định anh bị viêm niệu đạo do lậu, phải điều trị lâu dài. Khi bệnh nhân thấy số tiền chữa quá lớn, muốn xin lại kết quả xét nghiệm thì họ không trả. Người này không chịu nổi chi phí cao, chạy tới bệnh viện công xét nghiệm lại thì không hề bị lậu.
Cách đây 2 tuần, một bệnh nhân bị viêm sau cắt bao quy đầu ở một phòng khám tư cho biết, anh thực hiện thủ thuật tại đó mất gần 2 triệu đồng nhưng sau khi cắt xong, bác sĩ chỉ định bằng việc “vẽ” điều trị dài ngày, hằng ngày phải đến phòng khám để thay băng, chiếu tia sóng ngắn và mất tới hơn chục triệu cho quá trình này. Trong khi thực tế tại các bệnh viện công, cắt bao quy đầu chỉ là thủ thuật nhỏ, sau khi làm bệnh nhân có thể về, được cho đơn thuốc vài trăm nghìn đồng và sau đó tự thay băng tại nhà
Còn chị L ở đường Trần Huy Liệu cũng từng rơi vào hoàn cảnh “bệnh bé xé ra to” để rồi đến nỗi mất tiền oan cho một phòng khám tư ở phố Ngô Quyền. Mặc dù chỉ bị viêm phụ khoa nhẹ, nhưng đến khi khám tại đây được bác sĩ kết luận: viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ nặng nhất, phải đốt điện ngay nếu không khó có thể có bầu. Vậy là chị L vội vàng điều trị ngay tại đó với chi phí sơ sơ ban đầu hơn 2 triệu đồng gồm tiền khám bệnh, siêu âm… Còn lại tiền thuốc thang, các điều trị khác đi kèm những ngày sau đó chưa kể. Được một thời gian, linh cảm có gì đó không đúng, chị sang khám ở Nhà hộ sinh A bên cạnh, chỉ mất 50 nghìn đồng cùng 100 nghìn đồng tiền thuốc. 6 ngày sau chị L khỏi hẳn bệnh hoàn toàn. Chị L tâm sự: “Chỉ vì ngại xếp hàng do đông bệnh nhân ở các bệnh viện Nhà nước nên mình mới đến cơ sở y tế tư nhân khám cho nhanh. Thế nhưng được cái nhanh thì lại mắc vào cái “bẫy” khám chữa bệnh của họ. Nói chung họ chỉ vì mục đích kiếm tiền chứ không vì sức khỏe của bệnh nhân. Từ nay mình “cạch” không đến những nơi đấy nữa”.
(Theo Petrotimes) Tú Anh - Mạnh Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét