15:45
Chốt danh sách kiểm toán 44 “ông lớn”
(baodautu.vn)
Năm 2014, Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán 161 đầu mối (trong đó có 44
doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính, ngân hàng), tăng 12 đầu mối so
với năm 2013.
Ông Nguyễn Hữu
Vạn, Tổng kiểm toán nhà nước cho biết, năm 2014, KTNN sẽ tập trung đánh giá
việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô,
thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, tháo gỡ khó khăn,
thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng
trưởng…
Theo ông Vạn,
ngoài kiểm toán ngân sách tại 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 15
bộ, ngành, cơ quan Trung ương, năm 2014, KTNN tập trung nhân lực và thời gian
vào những lĩnh vực nổi cộm được dư luận xã hội đặt biệt quan tâm, như đầu tư
xây dựng, các chương trình mục tiêu quốc gia, nợ công, tái cơ cấu các tập
đoàn, tổng công ty nhà nước.
Hiện KTNN đã
“chốt” 44 doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính, ngân hàng để trình kiến
nghị Quốc hội cho phép kiểm toán trong năm 2014.
Đồng tình với
đề xuất kiểm toán 161 đầu mối, nhưng trước thực trạng lãnh đạo một số doanh
nghiệp công ích nhận lương khủng mới bị phát giác, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ
nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề xuất, nên cân nhắc kiểm
toán một số doanh nghiệp nhà nước công ích tại các thành phố lớn, kiểm toán
chính sách tiền lương, biên chế đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
“Trong 8 tháng
đầu năm, KTNN mới hoàn thành 70% kế hoạch kiểm toán năm 2013, vì vậy, năm
2014 chưa nên mở rộng đầu mối kiểm toán, mà thay vào đó, kiểm toán có trọng
tâm, trọng điểm để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán. Trước mắt, ưu tiên
kiểm toán những lĩnh vực thời sự, gây bức xúc trong dư luận trong thời gian
gần đây”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước đề xuất.
Phó chủ tịch
Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đồng tình với quan điểm này khi cho rằng, dự kiến
kiểm toán 11 đầu mối trong lĩnh vực quốc phòng và 6 đầu mối trong lĩnh vực an
ninh là quá nhiều và dàn trải.
Ông Sơn đề nghị
giảm đầu mối kiểm toán trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thay vào đó, tập
trung kiểm toán các doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý. Điều
này theo ông Sơn, vừa bảo đảm kiểm toán đủ đầu mối kiểm toán trong lĩnh vực
quốc phòng, an ninh, vừa bảo đảm mở rộng kiểm toán đối với khu vực doanh nghiệp
nhà nước.
Phó chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, không nên kiểm toán quá nhiều đầu
mối, vượt quá khả năng của Kiểm toán Nhà nước, mà chỉ nên lựa chọn vấn đề
thật sự thời sự, thật sự gây bức xúc trong dư luận.
“Cần phải hết
sức tránh tình trạng, một đơn vị, đặc biệt là đơn vị sản xuất, mà trong một
năm phải tiếp cả KTNN, Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành, cơ quan
kiểm tra của Đảng, cơ quan giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”,
bà Ngân lưu ý.
(Theo Đầu tư) Hàn Tín
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét