Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

15:02

 Chống tham nhũng:

Chưa đánh vào những “con cá lớn”

Chống tham nhũng: Phải đánh thẳng vào nơi nhiều tiền, nhiều quyền 

Huỳnh Ngọc Sĩ (áo trắng) - nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT - Giám đốc BQL Dự án đại lộ Đông-Tây TPHCM - đối tượng trong vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng có yếu tố nước ngoài. Ảnh: P.V


“Cần tập trung vào các trọng điểm những nơi có nhiều tiền, nhiều quyền là nơi dễ tham nhũng nhất và là tham nhũng lớn. Chúng ta cứ đi đánh lơ vơ ở đâu đấy, nên đánh thẳng vào đó, đấy mới là “con cá” lớn - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH - ông Ksor Phước - đã đề nghị như vậy, khi  góp ý cho báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng tại phiên họp của UBTVQH sáng 18.9.
Tham nhũng tăng, nhưng xử lý trách nhiệm lại giảm 

Tuy nhất trí nhiều mặt với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện chỉ rõ những mặt còn hạn chế của báo cáo. Đó là, chưa có sự đánh giá, phân tích sâu sắc nguyên nhân nhất là những hạn chế, yếu kém mà nhiều năm qua vẫn chưa khắc phục được. Báo cáo của Chính  phủ vẫn chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương làm tốt và chưa tốt công tác PCTN. Báo cáo thẩm tra còn chỉ rõ: Việc điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, một số vụ việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu áp dụng chưa đúng với quy định của pháp luật; việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải là tội danh về tham nhũng còn chiếm tỉ lệ cao... 

Lấy ví dụ vụ lương ''khủng'' của lãnh đạo một số doanh nghiệp công ích ở TPHCM kéo dài nhiều năm, nhưng công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện ra. Ông Hiện cho rằng đó là biểu hiện tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiện nay. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đưa ra con số rất đáng chú ý: Số lượng các vụ án tham nhũng năm nay tăng, nhưng các vụ xử lý trách nhiệm để xảy ra tham nhũng của người đứng đầu lại giảm 34%.

 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý: Phát hiện tham nhũng rất ít, có thể đếm từng vụ một và xử lý thu hồi tài sản của những vụ phát hiện được cũng rất ít. Ảnh: TTXVN

Lực lượng chống tham nhũng có tham nhũng?

Phát biểu mang tính chất gợi ý cho thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: Đề nghị các đồng chí tập trung vào phân tích, đánh giá các hoạt động phòng, chống tham nhũng cho rõ, rằng chúng ta đã làm được những gì và những gì đang tồn tại? Tiếp đó, ông đề cập đến những nội dung vẫn được cho là khá nhạy cảm: Thế giới đánh giá như thế nào, điều tra xã hội học trong nước và dư luận trong nước nhìn nhận ra sao, cơ quan mặt trận tổ quốc đánh giá gì...?

Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là hệ thống đánh giá hết sức quan trọng, nhưng trong báo cáo chưa thấy đề cập. Tiếp đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đưa ra một số câu hỏi rất cụ thể mà báo cáo chưa thấy nói rõ: Lực lượng PCTN có tiêu cực, có bao che không, có tham nhũng trong quá trình PCTN không? Tiếp đó, Chủ tịch QH thốt lên: Nếu lực lượng này mà không nghiêm thì thôi... Tiếp tục mạch vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: Chúng ta cần phân tích trách nhiệm của mấy cơ quan, trong đó lực lượng chủ lực trong công tác PCTN đã làm hết trách nhiệm chưa? Cần làm rõ từng ngành một. 

Các lực lượng này có tiêu cực không? Nếu tốt, hoặc chưa tốt thì nói thẳng. Ông chốt lại: Chúng ta hãy đánh giá cho đúng! Mặt khác, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra, trong báo cáo không nhắc gì đến vai trò của Ban chỉ đạo PCTN TƯ. Chủ tịch QH cho rằng, đánh giá về tình hình tham nhũng còn nhẹ hơn những nhận định các nghị quyết của Trung ương Đảng. Ông đặt vấn đề thẳng: Không có tham nhũng thì lấy gì chạy chức, chạy quyền? 

Tiếp đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH - ông Ksor Phước - cũng đưa ra một loạt câu hỏi... khó: Qua sàng lọc trong các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cho thấy có bao nhiêu ý kiến của lãnh đạo can thiệp bằng miệng, bằng văn bản nhằm giảm nhẹ tính chất vụ án? Tôi đặt ra vấn đề này vì người dân đang mất niềm tin vào cách xử lý của chúng ta. 

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, đúng như báo cáo của Chính phủ, tình hình phạm tội thì nhiều nhưng xử lý thì ít. Ông Lý không giấu bức xúc: Phát hiện tham nhũng là rất ít, có thể đếm từng vụ một và xử lý thu hồi tài sản của những vụ phát hiện được cũng rất ít. 

Đánh thẳng vào“con cá” lớn!

Trả lời một số câu hỏi được đặt ra, ông Huỳnh Phong Tranh thừa nhận  báo cáo chưa đề cập đến vai trò Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN. 

Tuy nhiên, ông Tranh giải thích: Chúng tôi cũng rất  khó, vì Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị. Vấn đề này có nên đưa vào báo cáo hay không? Ông Tranh hứa, trong báo cáo gửi QH sắp tới sẽ đưa vào việc đánh giá của dư luận trong, ngoài nước, Mặt trận Tổ quốc và công luận. Với câu hỏi về sự can thiệp của lãnh đạo vào các vụ án, ông Tranh cho biết, nếu có thì thuộc các cơ quan tố tụng; tuy nhiên, họ không báo cáo nên không nắm được! Với câu hỏi về lực lượng PCTN, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết, các thành viên của Ủy ban Tư pháp cũng thường đặt ra có hay không tiêu cực ngay chính trong lực lượng PCTN? 

Tuy không trả lời thẳng là có hay không, nhưng ông nói, thực tế thì có nhiều vụ án đình chỉ không đáng đình chỉ, thậm chí có vụ án tham nhũng tới vài tỉ vẫn được đình chỉ, trong khi đó với dân thường thì vài triệu mà vẫn án tù như chơi. Chưa nhất trí với cách tiếp thu như vậy, ông Ksor Phước nói thẳng: Không trả lời được câu hỏi về có bao nhiêu ý kiến can thiệp vào các vụ án thì không ổn. Nếu không báo cáo được trước QH thì trước BCHTƯ Đảng hoặc trước Bộ Chính trị và Bộ Chính trị cũng cần có thái độ rõ ràng. Ông Ksor Phước cũng đưa ra những ví dụ để thấy dấu hiệu tiêu cực rất rõ: Tại sao một số bộ đồng ý cho làm thủy điện dù chưa có đánh giá tác động môi trường - điều mà các dự án này phải có. 

Chính vì vậy, chúng ta đang phải rà soát và loại bỏ hàng trăm dự án thủy điện. Những việc đó khiến dân không tin, tôi là ĐBQH cũng không tin. Ông Phước cho rằng, cần tập trung vào các trọng điểm, những nơi nào có nhiều tiền, nhiều quyền lực là dễ tham nhũng nhất và là tham nhũng lớn. Chúng ta cứ đi đánh lơ vơ ở đâu đấy, nên đánh thẳng vào đó, đấy mới là ''con cá lớn''. Ông Phước còn nói thêm: Nhiều cán bộ ở các tỉnh mua nhà ở Hà Nội, TPHCM rất nhiều, có điều tôi không muốn nêu tên mà thôi.   

Ông Ksor Phước:  Năm nay xuất hiện tham nhũng cả trong xóa đói giảm nghèo, người có công, giáo dục, văn hóa và cả y tế, không biết còn chỗ nào không có tham nhũng nữa. V.H
(Theo Lao động) Vương Hà
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét