Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

10:21

 CHÔN THUỐC TRỪ SÂU:

Thanh Hóa đang tạo ra một vùng “dioxin mới”

Hơn một tuần kể từ ngày người dân các xã Yên Lâm, huyện Yên Định và xã Cẩm Tâm, Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) phát hiện Cty CP Nicotex Thanh Thái đóng trên địa bàn xã Cẩm Vân cho xe chở 15 phuy đựng hóa chất tẩu tán, bà con vẫn giăng bạt canh phòng khuôn viên Cty này.
Tính tới thời điểm cuối ngày 2.9, người dân đã phát hiện ít nhất 9 điểm chôn hàng chục phuy hóa chất dưới lòng đất. Tuy nhiên, trước cung cách làm việc “khó hiểu” của cơ quan chức năng đang khiến người dân bức xúc và cho cho rằng có sự “bao che” cho việc “đầu độc” của Cty này. 

Từng chôn loại thuốc cực độc

Ngày 2.9, PV Báo Lao Động có mặt tại xã Cẩm Vân - nơi đang có hàng trăm người dân dựng lều bạt canh gác các ngả đường nhằm giữ nguyên hiện trường những điểm họ phát hiện Cty Nicotex chôn các phuy đựng hóa chất độc hại. 

Cũng trong khuôn viên Cty Nicotex, bà con phát hiện thêm đường ống nhựa dẫn nguồn nước thải đục bốc lên mùi hôi nồng nặc đặc trưng của mùi thuốc trừ sâu. Đường ống này dẫn nguồn nước thải chảy thẳng xuống khe Hón Sỏi. Nước đóng đầy, nhưng đường ống thì bắt đầu bị mục nát, nứt vỡ ở mặt trên. 

Tại một điểm khác nằm bên cạnh hố do cơ quan chức năng thực hiện đào bới ngày 1.9 nhưng không có kết quả, nhân dân tìm thấy loại chất bột được nghi là thuốc sâu chảy ra từ phía dưới hai lớp bêtông đổ bịt kín trên mặt đất.
 Cựu giám đốc Nicotex cảnh báo đào hóa chất lên rất nguy hại, chết người
Người dân tiếp tục phát hiện chất bột màu trắng ngà - nghi là thuốc sâu - phì ra từ vách hố được cơ quan chức năng khai quật ngày 1.9 nhưng không có kết quả. Ảnh: Anh Tuấn

Sự việc người dân đổ về khu vực Cty Nicotex tự đào bới, chỉ cho cơ quan chức năng tận mắt thấy những phuy sắt hoen gỉ còn nằm dưới lòng đất chỉ là giọt nước tràn ly. Trước đó, kể từ thời điểm năm 1998, tại các cuộc tiếp xúc hội đồng nhân dân, cử tri đã nhiều lần phản ánh việc Cty Nicotex sang chiết thuốc trừ sâu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Sau đó, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính rồi cho tồn tại. 

Chị Nguyễn Thị Nguyệt - trú thôn 5 Quan Phác, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy - bức xúc: “Tới những năm gần đây, tình hình ô nhiễm thuốc trừ sâu từ Cty Nicotex càng nặng nề hơn. Trời nóng nực thế này nhưng gia đình tôi ngủ phải đóng kín mít hết cửa, đeo khẩu trang, đắp chăn lút đầu mà mùi thuốc sâu vẫn xâm lấn tới tận mũi nên rất mệt mỏi. Cá gia đình tôi nuôi trong hồ thân cứ teo dần, đầu to ra rồi thối phần thân”.

Chiều ngày 2.9, PV Lao Động đã tìm gặp được ông Mai Danh Hanh - từng làm bảo vệ của Cty Nicotex từ năm 2001-2003. Thời gian ông Hanh công tác tại đây đã trực tiếp chứng kiến cảnh Cty Nicotex chở một xe ôtô IFA hóa chất (khoảng 5 tấn) về xã Cẩm Vân. Sau đó, số phuy thuốc này được chôn ngay trong khuôn viên Cty Nicotex. 

“Họ đào hố, có láng một lớp mỏng ximăng dưới đáy, tứ phía thưng gạch hời hợt rồi chôn 15 thùng phuy xuống hố này. Dưới đáy họ làm sơ sài vậy, nhưng trên mặt lại đổ lớp bêtông dày khoảng 50cm. Ngoài ra, họ còn rải vôi bột ở đáy và trên nắp phuy. Họ làm vậy là để cho các phuy này nhanh chóng bị ôxy hóa, thẩm thấu chất độc hại ngấm vào lòng đất” - ông Hanh nhận định. 

Thế nhưng, trong cuộc làm việc với đoàn kiểm tra của Công an tỉnh ngày 28.8, ông Nguyễn Đức Việt - Giám đốc Cty Nicotex Thanh Thái thời kỳ 1997-2005 - xác nhận ông chỉ cho chôn 380kg hóa chất? Song ông Việt đưa ra một thông tin vô cùng khủng khiếp “đây là loại hóa chất cực độc nên không được đào lên, vì sẽ đặc biệt nguy hại đến sức khỏe, thậm chí dẫn tới chết người”. 

Theo những điểm của người dân đào trong mấy ngày qua cho thấy đã phát hiện ít nhất 21 phuy hóa chất (dung tích mỗi phuy chứa 200 lít - tương đương khoảng 220kg). Trong đó, nhiều phuy chôn đang nổi hẳn miệng lên mặt đất. 

Quan sát của phóng viên cho thấy: Còn hàng trăm phuy để lộn xộn khắp khuôn viên Cty Nicotex, nhiều phuy bị căng phồng, hoen gỉ, rỉ hóa chất bốc mùi hôi nồng nặc. Khi người dân dùng que sắt gõ vào các phuy nêu trên chỉ phát ra tiếng kêu cộc cộc, điều này chứng tỏ bên trong phuy còn chứa đầy hóa chất. 

Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo nguồn tin riêng của Lao Động thì ở thời điểm ông Trường làm giám đốc (kế tiếp ông Việt), có tới 50 tấn thuốc trừ sâu bị chôn xuống đất trong khu vực Cty Nicotex?
 
Xe tải chở 15 thùng hoá chất do Cty Nicotex tấu tán bị người dân bắt giữ. Ảnh: Anh Tuấn

Dấu hiệu “bao che” cho Nicotex

Sự việc ở Cty Nicotex sẽ không được phanh phui khi người dân không bùng lên phản ứng một cách dữ dội. Trước đó, vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7.2013, ông Mai Danh Hanh từng làm bảo vệ ở Cty Nicotex thời điểm 2001-2003 đã trực tiếp gọi điện tố cáo sự việc đến Công an (CA) tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên phải tới ngày 22.8, Phòng Cảnh sát môi trường mới lên làm việc với Cty Nicotex và ông Mai Danh Hanh; tại đây, ông Hanh đưa ra yêu cầu không được làm thay đổi hiện trạng ở Cty Nicotex. 

Thế nhưng ngay sau đó- ngày 25.8, có 3 ôtô tải vào Cty Nicotex, 3 ôtô này khi quay ra bị người dân làng Nạp, xã Cẩm Vân cản lại. Bà con đòi mở thùng chiếc xe thứ ba thì bị lực lượng CA xã Cẩm Vân gây khó khăn, CA xã này đã áp tải cho xe chạy ra khỏi địa bàn. Khi chiếc ôtô nêu trên đi tới địa phận thôn An Cư, xã Cẩm Tâm thì bị nhiều người dùng xe máy ngăn đường, yêu cầu cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm tra. 

Trước sự quyết liệt của nhân dân, tài xế buộc phải mở thùng xe ôtô BKS 36C-03958. Qua kiểm đếm cho thấy, có tới 15 phuy hóa chất không rõ nguồn gốc còn bám đầy đất đỏ tươi bên ngoài vỏ phuy đang được Cty Nicotex đưa đi tẩu tán.
 
Nhiều thùng hóa chất còn vùi dưới lòng đất, chòi miệng lên khỏi mặt đất. Ảnh: Anh Tuấn

Hơn thế, khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động 30 ngày, đáng nhẽ cơ quan chức năng phải cho phong tỏa toàn bộ hiện trường nhằm đảm bảo tính khách quan phục vụ công tác điều tra làm rõ vụ việc. 

Thế nhưng tình hình ở Cty Nicotex vẫn diễn ra bình thường, thậm chí ngày 30.8 vẫn có xe ôtô tải ngang nhiên chạy vào trong Cty, buộc người dân phải chọn giải pháp tự mình lập chốt bảo vệ... thay lực lượng chức năng. Khi thấy cơ quan chức năng giao cho Cty Nicotex xử lý trong vòng 3 tháng, người dân đã không yên tâm về kết quả làm việc của phía doanh nghiệp. 

Chính vì vậy, bà con đã phải trực tiếp vào đào bới, chỉ điểm tìm chứng cứ. Đào hai hố đầu tiên chưa tìm thấy các phuy hóa chất, chính ông Lê Đình Sơn - trú thôn Cao Khánh, xã Yên Lâm - đã phải mang tính mạng của mình ra cá cược. 

Một người dân chứng kiến sự việc cho biết: “Khi chúng tôi đào, một người mặc sắc phục ngành CA nói đào không thấy thì lấy lỗ đó chôn sống luôn ông Sơn. Song, khi đào tới hố thứ ba thì có một số phuy thuốc phát lộ; lúc này, nét mặt của nhiều người đại diện cho các cơ quan chức năng thay đổi rồi rút đi nơi khác”.

Tính tới tối ngày 2.9, người dân nhiều địa phương vẫn đang phải sống chung với mùi thuốc sâu nồng nặc để bảo vệ hiện trường tại Cty Nicotex. Nhân dân các xã Cẩm Tâm, Cẩm Vân, Yên Lâm đề nghị cơ quan Cảnh sát Môi trường cần rốt ráo vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc Cty Nicotex chôn hóa chất xuống lòng đất. 

Ông Nguyễn Đăng Hùng - thôn Hành Chính, xã Yên Lâm, huyện Yên Định - nói: “Các đời lãnh đạo ở Cty Nicotex, ai sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Song, nếu không có kết luận chính xác của cơ quan chức năng thì bà con sẽ còn tiếp tục phải sống trong sự hoang mang cao độ. Sẽ có hàng chục thế hệ con trẻ chưa biết tương lai đi về đâu khi mà chúng tôi phải sử dụng nguồn nước có thể bị nhiễm độc từ khối lượng lớn hóa chất do Cty Nicotex chôn vùi, thẩm thấu xuống lòng đất rồi ngấm vào nguồn nước ngầm”.
 
Ông Nguyễn Đình Thống - Giám đốc Cty Nicotex Thanh Thái thách thức: Cứ thông tin một chiều cho nó thoải mái đi… 
Lúc 18h47 hôm qua (2.9), phóng viên Lao Động đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Đình Thống - Giám đốc Cty Nicotex Thanh Thái - đăng ký làm việc để có thông tin nhiều chiều về vụ chôn thuốc sâu của Cty này. Ông Thống nói rằng ông đang bận làm việc với các cơ quan chức năng và không thể làm việc lúc này; trước nỗ lực của PV về một cuộc gặp để có thông tin hai chiều, ông Thống nói rằng: “Thôi, cứ thông tin một chiều cho nó thoải mái đi”. 

Về câu hỏi: “Nguồn tin của Báo Lao Động chiều 2.9 nói rằng dưới thời ông Trường làm giám đốc đã chôn xuống đất 50 tấn thuốc sâu, có đúng không?”, ông Thống nói: “Làm gì có 50 tấn. Họ vẽ ra, đừng có tin, viết sai sự thật. Tôi vừa nghe thông tin việc các nhà báo viết sai thông tin Công an tỉnh (Thanh Hóa) vào cuộc can thiệp đấy”. PV: “Thời ông làm giám đốc, ông có chôn phuy nào không?”, ông Thống: “Hỏi câu đó tôi hơi buồn. Lương tâm của tôi không bao giờ làm bậy bạ”. PV: “Ngày 2.9, một người từng làm việc ở Cty Nicotex Thanh Thái nói rằng dưới thời ông Việt làm giám đốc, có ít nhất là 5 tấn thuốc sâu được chở từ nơi khác về chôn ở Cẩm Thủy, ông có biết không?”, ông Thống: “Làm gì có”. Anh Tuấn

Ông Lâm Vĩnh Ánh - Cục Kỹ thuật, Binh chủng Hoá học (Bộ Quốc phòng): Có lẽ họ nghĩ vùng sâu, vùng xa không ai biết nên tự ý chôn lấp

Chiều 2.9, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lâm Vĩnh Ánh - Cục Kỹ thuật, Binh chủng Hóa học, Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng), nguyên cán bộ lãnh đạo Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường Bộ Tư lệnh Hóa học (đơn vị đã từng trực tiếp xử lý rác thải độc hại của chính Cty cổ phần Nicotex) - cho biết: Việc tự ý chôn lấp nêu trên của Cty cổ phần Nicotex Thanh Thái sẽ gây nguy hại cho môi trường, nhất là khi gặp mưa sẽ phát tán ra môi trường xung quanh. Còn nếu doanh nghiệp xử lý kỹ thuật rồi mới tiến hành chôn lấp, thì việc làm đó phải được cơ quan chức năng biết và tiến hành kiểm tra, đánh giá xem việc xử lý đến đâu, có đạt các tiêu chuẩn quy định không... 

Cũng theo ông Ánh thì trước đây, đơn vị của ông đã xử lý loại rác thải hóa chất này cho Cty cổ phần Nicotex Thanh Thái khi họ đặt nhà máy tại Thái Bình. Nhưng từ khi chuyển nhà máy vào Cẩm Thủy (Thanh Hóa), đơn vị này không hợp tác với Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường nữa. Theo ông Ánh, việc tiêu huỷ thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo các quy định rất nghiêm ngặt chứ không được phép chôn lấp bừa bãi. Các nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đều biết rất rõ sự độc hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường. Họ cũng biết rất rõ quy trình xử lý rác thải, chất phế thải liên quan đến thuốc trừ sâu và việc phải thực hiện nghiêm khắc các quy trình này để bảo vệ môi trường. 

Tuy nhiên, có thể do việc tiêu hủy theo phương án chôn đốt khá tốn kém (khoảng 25-50 triệu đồng/tấn) nên các doanh nghiệp đã “bỏ trốn” việc tiêu hủy theo đúng quy trình mà tự chôn lấp. Theo nhận định của ông Ánh, có lẽ sau khi chuyển vào Cẩm Thủy, họ nghĩ đây là miền núi - vùng sâu, vùng xa, dân không quan tâm, không biết nên họ đem chôn lấp mà không xử lý nữa. Công Thắng - Đặng Tiến
(Theo Lao động) Lâm Chí Công - Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét