08:01
Sự méo mó của thị trường, những cơn
tăng nóng về giá, doanh nghiệp (DN) độc quyền được hưởng lợi nhuận kép và chỉ
số niềm tin của dân chúng đang xuống thấp trong lĩnh vực quản lý giá. Giá
điện, xăng, dầu… được trao quyền cho DN, song việc giám sát thị trường vướng
như gà mắc tóc. Những bất bình đẳng và bất bình thường trong thị trường xăng,
điện hiện nay là do thiếu điểm tựa – "thị trường cạnh tranh đúng nghĩa”.
Thiệt thòi người tiêu dùng
Một tháng qua, lộ trình tăng giá điện 1
lần và xăng 3 lần đã đánh dấu bước đi đầu tiên về thị trường hóa giá cả tại
Việt Nam. Nhưng dường như những thay đổi về giá của hai mặt hàng này đã bộc
lộ nhiều bất cập bởi còn liên quan đến yếu tố độc quyền. Nói rõ nghĩa hơn là
chưa có thị trường cạnh tranh đã vội ép giá cạnh tranh.
Cụ thể trong lĩnh vực kinh doanh xăng
dầu, loại hàng hóa đã được "thả nổi” thì đến giờ, cả nước giờ mới có 12
DN đầu mối nhập khẩu, nhưng "anh cả” Petrolimex đảm bảo 53% nguồn cung
cả nước, chiếm lĩnh hơn 60% thị phần bán lẻ đã có quyền quyết định giá tăng ở
mức nào, thời điểm nào. Điện từ phân phối, truyền tải, định giá đều do
"một tay” Tập đoàn Điện lực VN (EVN) chi phối.
Khi giá cả theo thị trường và DN được
trao quyền định giá thì yêu cầu hơn cao hơn về sự minh bạch và các cơ chế
kiểm soát giá cả. Nhưng sự minh bạch và các cơ chế kiểm tra giá xăng dầu,
điện vẫn tù mù khiến cho DN đầu mối được lợi trăm bề.
Với xăng dầu, dù vẫn đều đặn công bố
bảng giá thành nhưng với các chuyên gia, đó chưa phải là tất cả, chỉ là một
phần nổi của giá. Còn rất nhiều vấn đề khác, về các định mức kỹ thuật, chế độ
hoa hồng, dữ trữ lưu thông, giá thực tế của mỗi lô hàng nhập khẩu và phân
phối... tác động đến giá chưa được nói đến. Chế độ kế toán, hiệu quả quản lý
của các DN và nhất là những ưu đãi và nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho DN
vẫn chưa rõ ràng.
Nếu chúng ta không nhanh chóng có những
chính sách kiểm soát mới thì chắc chắn việc tiến tới giá thị trường của điện
và xăng dầu vẫn chỉ là nửa vời. Từ năm 2009, chúng ta đã từng nghe: tiến tới
giá thị trường có nghĩa là thị trường có tăng có giảm. Nhưng trên suốt biểu
đồ giá của 2 mặt hàng này trong vòng 3 năm qua, dường như chỉ có chiều... đi
lên.
Vì vậy, mới đây, TS Nguyễn Đình Cung,
Viện phó Viện Quản lý kinh tế TW đề xuất cần thành lập cơ quan giám sát độc
lập để giám sát thị trường. Theo TS Cung, các cơ quan quản lý hiện nay, như
Bộ Công thương, Bộ Tài chính... đang đảm nhiệm chức năng "3 trong 1”:
vừa là chủ sở hữu DN nhà nước, vừa là người giám sát thị trường, lại vừa là
nhà làm chính sách cho thị trường. Đây là điều bất ổn và thiếu minh bạch.
Sự kỳ quặc không thể hiểu được
Thành lập hẳn một cơ quan giám sát độc
lập về giá trong bối cảnh đã có rất nhiều các cơ quan chịu trách nhiệm quản
lý thị trường chắc chắn bộc lộ sự chồng chéo. Thậm chí, theo đại biểu quốc
hội TS Du Lịch nếu "đẻ” thêm cơ quan nào nữa thì sẽ khó quản cũng như
khó tính được mức độ hiệu quả.
Còn chuyên gia Ngô Trí Long lại cho
rằng, trong khi chúng ta đang có một Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia độc
lập trực thuộc Chính phủ mà hiệu quả chưa được thể hiện trong thực tế thì
theo tôi, tốt nhất chúng ta nên củng cố, đào tạo lại đội ngũ cán bộ trong
lĩnh vực quản lý, giám sát thị trường một cách chuyên nghiệp, đồng thời giao
chức năng, nhiệm vụ cụ thể rõ ràng.
Thực tế, hệ thống giám sát giá xăng,
điện hiện nay là dày đặc: có lực lượng quản lý thị trường, có Cục Quản lý
giá, có giám sát chuyên ngành là Cục Điều tiết điện lực, cao hơn là Ủy ban
kinh tế Quốc hội, có Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ… Nhưng bất cập
trong giá xăng vẫn hiện hữu. Chỉ tăng và giảm ít, đẩy bất lợi cho người tiêu
dùng. Giải thích bất cập trong giá xăng, TS lê Đăng Doanh nói: các chính sách
xây dựng để điều hành giá xăng, giá điện đều thiếu một điểm tựa cơ bản: thị trường
cạnh tranh. Lợi ích nhóm vì vậy được kéo dài từ năm này sang năm khác. Giống
như hình ảnh, cây không được mọc trên đất.
Khách quan nhìn lại, cho tới nay việc
tiến tới giá thị trường của các mặt hàng điện, xăng của các cơ quan quản lý
nhà nước vẫn đang giậm chân tại chỗ. Hàng loạt kiến nghị sửa đổi Nghị định
84, thời sự hóa việc tước giấy phép các cây xăng găm hàng cũng không làm giảm
bức xúc trong dư luận. Vấn đề chất lượng xăng, việc bám sát giá xăng theo
tình hình thế giới luôn lỗi nhịp.
Thị trường xăng dầu nội địa vì thế lại
càng trở nên kỳ quặc hơn. Giống như một hình ảnh so sánh gã say rượu, cứ lầm
lũi đi, bất chấp chướng ngại vật phía trước. Thi thoảng điểm bằng một vài
bước giật lùi không đáng kể.
Vì vậy sự độc lập của một cơ quan không
phải là tất cả, không thể chuyển ngay được tình hình. Thuốc cho giá xăng dầu
chính là tạo được cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp cùng tham gia thị trường gồm
cả tư nhân lẫn DN nhà nước sẽ tự nó giải quyết rốt ráo bài toán giá.
Nhiều người cho rằng, phải tăng giá thì
mới gắn được thị trường hóa, nhưng việc giảm giá mới giúp được các DN cạnh
tranh đúng nghĩa. Các DN sẽ buộc phải tiết giảm tối đa trên tất cả các lĩnh
vực chi phí sản xuất, quản lý hao hụt,… Ngoài ra cũng cần xem lại hệ thống
thuế. Ở nước ta huy động qua thuế và phí quá nhiều, với mức thực tế trên 30%,
trong khi ở các nước khác thì trung bình chỉ khoảng 17%. Vì thế, nên giảm thuế,
phí khác xuống để DN có tích lũy mà đầu tư.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét