08:01
Doanh
nghiệp xăng dầu thổi bùng “ngọn lửa” khó khăn?
Đã có ba DN đầu mối NK xăng dầu
gửi phương án đăng ký tăng giá bán lẻ xăng dầu lên Bộ Tài chính, đó là Cty
TNHH MTV dầu khí Đồng Tháp, TCty Thương mại kỹ thuật và đầu tư Petec và
Saigon Petro. Mức tăng được đề xuất từ 1.100 - 1.200 đồng/lít với xăng và 700
- 800 đồng/lít/kg dầu các loại.
Trong 8 ngành, lĩnh vực sản xuất có tỉ trọng chi phí về xăng dầu
lớn nhất, giá thành một số sản phẩm, dịch vụ có thể tăng từ 1-5% sau 3 lần
tăng giá xăng dầu vừa qua.
Nếu phương án tăng giá trên được chấp thuận thì đây là lần
thứ ba liên tiếp trong vòng một tháng giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh
tăng với mức 3.000 đồng/lít.
Ưu tiên ngân sách
Theo quan điểm điều hành giá xăng dầu phải được quy định
trong Nghị định 84 năm 2009: Nếu giá cơ sở tăng 7% so với giá hiện hành thì
DN được quyền điều chỉnh giá, còn nếu mức tăng vượt tỉ lệ trên thì tùy từng
mức độ, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn thích hợp. Lần này với mức
đề xuất tăng thêm 1.200 đồng/lít xăng, tức là các DN đã đưa ra phương án tăng
giá nằm trong “khung” 7% được quyền điều chỉnh. Do đó, có nhiều ý kiến cho rằng,
nếu cơ quan quản lý nhà nước không có biện pháp, giá xăng sẽ được điều chỉnh
tăng.
Đề cập đến chuyện này, ngay ở lần điều chỉnh giá xăng ngày
13.8 ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN đã nói với Lao
Động rằng cần thận trọng hơn về thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu. Việc tăng
giá không vi phạm về mức tăng và thời điểm tăng nhưng Bộ Tài chính nên sử
dụng công cụ điều tiết khác để bình ổn giá. “Thứ nhất là quỹ bình ổn xăng dầu
hiện đang thu của người dân với mức thu 300đồng/lít nhưng vẫn chưa được sử
dụng. Thứ hai là thuế nhập khẩu cũng chưa được giảm”, ông Hùng nói. “Lẽ ra
khi giá xăng dầu biến động lớn thế này cần giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để
chia sẻ, giảm bớt tác động tới toàn xã hội”.
Công cụ thuế mà ông Hùng đề cập cũng được nhiều chuyên gia
nhắc đến trong mấy ngày nay. Theo các chuyên gia, hiện nay xăng dầu đang phải
gánh quá nhiều thuế, phí khoảng 6.000-8.000 đồng/lít gồm: Thuế nhập khẩu,
thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, quỹ
bình ổn giá, chi phí kinh doanh định mức... Theo mức giá nhập khẩu trung bình
30 ngày gần đây, số tiền người dân phải đóng vào giá mỗi lít xăng cho các
loại thuế phí khoảng 7.750 đồng. Còn trong trường hợp tính theo giá nhập khẩu
trung bình 20 ngày trở lại đây thì số thuế phí lên tới 7.900 đồng/lít. Hiện
nay, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng là 12%.
Có ý kiến cho rằng, không hy vọng đến việc giảm thuế về 0%
mà chỉ cần giảm được 2% thuế nhập khẩu thì lần tăng giá ngày 13.8 sẽ giảm mức
tăng giá khoảng 400 đồng/lít xăng. Vậy tại sao công cụ này không được sử
dụng? Hay vì cơ quan quản lý lo ngại ngân sách sẽ bị hao hụt nếu giảm thuế
nhập khẩu xăng dầu?
Lạm phát xếp sau?
Ngày 24.8, Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu
dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,63% so với tháng trước, mức tăng cao nhất kể từ sau
tháng Tết Nguyên đán đến nay. Trong đó, việc tăng giá xăng dầu đã góp phần
đẩy chỉ số. Tạm để chỉ số CPI tháng 8 sang một bên, vấn đề đặt ra là việc
xăng dầu tăng giá sẽ tác động như thế nào tới ổn định kinh tế vĩ mô? Trên
thực tế, việc giá xăng đã tăng gần 12% trong khoảng một tháng qua. Và theo
công thức của Bộ Tài chính từng công khai trước dư luận, nếu giá xăng dầu
tăng khoảng 12%, ước tính tác động trực tiếp và gián tiếp lên lạm phát có thể
đến mức 1,5-2%. Nhưng không dừng ở đó, tác động dây chuyền tới các ngành sản
xuất mới là điều đáng ngại.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng thì bài toán khó nhất thuộc các
DN ngành vận tải hành khách bởi trong thời gian qua, vận tải hành khách có
dấu hiệu sụt giảm, ít khách, xe rỗng nhiều. Kể cả trong những đợt tăng giá
hồi đầu năm, DN vận tải hành khách cũng chưa dám tăng giá. Ông Tạ Long Hỷ -
Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM cũng đã kêu ca thay các DN rằng: “Mỗi một lần
điều chỉnh giá xăng DN vận tải taxi rất đau đầu và tốn kém không ít chi phí
lập trình lại giá cước. Chẳng hạn Hãng Vinasun với 4.500 xe, nếu lập trình
lại giá cước, kiểm định lại đồng hồ tốn kém chi phí khoảng hơn 1 tỉ đồng”. DN
vận tải luôn phải tạo một khoảng dôi ra của biến động giá xăng dầu với giá
thành dịch vụ để đón đầu những lần tăng giá khác. Và từ chi phí vận tải, giá
nhiều loại hàng hóa khác cũng theo đó mà “tịnh tiến”.
Chính vì thế, nghịch lý là Chính phủ luôn coi ổn định vĩ
mô vẫn là ưu tiên số một nhưng những nỗ lực kiềm chế lạm phát từ đầu năm tới
nay rất có thể bị xóa nhòa chỉ với vài lần tăng giá xăng dầu. Không dừng ở
đó, khả năng bất ổn có thể lại tái hiện khi DN đang phải chịu quá nhiều sức
ép: Lãi suất cao, hàng tồn kho lớn… Do đó, nếu xăng dầu tiếp tục tăng giá sẽ
thổi bùng “ngọn lửa” khó khăn của các DN.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét