08:51
Hội chứng
chào mừng
Có câu chuyện buồn cười, hồi
đầu năm 2009, chủ đầu tư một công trình trường học tại Q.Hoàng Mai, Hà Nội
sau nhiều tháng giậm chân tại chỗ trong việc chạy thủ tục dự án đã nghĩ ra một
cách, vận động để có tên trong danh sách các công trình “chào mừng đại lễ
1.000 năm Thăng Long”.
Sự thật là chính quyền thì cần có thành tích để báo cáo để
chào mừng, doanh nghiệp thì cần được ưu tiên, được tạo điều kiện, nhất là trong
việc vượt qua ma trận thủ tục hành chính, nên mới đẻ ra những kiểu bắt tay
hài hước như vậy.
Nhưng cũng chỉ sau khi hoàn tất phần thủ tục, chủ đầu tư
này chủ động xin rút tên khỏi danh sách “công trình chào mừng” kể trên. “Ép
tiến độ thì cũng xong, nhưng như vậy thì không đảm bảo chất lượng, hoặc sau
đó phải sửa chữa, cải tạo tốn tiền”, đại diện chủ đầu tư lý giải. Họ làm thế
vì đó là vốn tư nhân. Nhưng còn đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách
nhà nước thì câu chuyện lại khác.
Không phải đợi đến khi sự cố xảy ra đối với đường trục
phát triển phía bắc Q.Hà Đông (đường Lê Văn Lương kéo dài) người ta
mới đặt vấn đề về chất lượng các công trình chào mừng đại lễ 1.000 Thăng Long
(tháng 10.2010). Vào thời điểm đó, đã có nhiều ý kiến cảnh báo về hậu quả của
những công trình “chạy tiến độ”.
Sự thực là, ngay trong ngày gắn biển công trình nghìn năm
ở Công viên Hòa Bình, hàng trăm quan khách cũng đã chứng kiến quá nhiều hạng
mục chưa hoàn thành hoặc hoàn thành một cách tạm bợ. Rất may, sự vội vàng, cẩu
thả đã không gây ra một vụ tai nạn chấn động, ngay trong lễ khánh thành giống
như ở công trình Tượng đài Hoàng Quốc Việt (Bắc Ninh) hồi năm 2005 nhưng nó
khiến cho nhiều người không khỏi lo ngại, tiếc cho những khoản đầu tư khổng
lồ sớm bộc lộ khiếm khuyết.
Trả lời chất vấn tại HĐND TP.Hà Nội, tháng 7.2011, Giám
đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng từng thừa nhận: đấy đều là những công
trình quy mô lớn nhưng chịu áp lực thời gian nên “không tránh khỏi sai sót”. Nhưng
rất tiếc, trong cuộc chất vấn ấy, không có dân biểu nào làm cho ra nhẽ, tại
sao các công trình ấy phải “chịu áp lực” về thời gian, đến độ bất chấp yêu
cầu về chất lượng công trình. Ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm về căn
bệnh thành tích lan rộng? Đã có lúc các mốc 200 ngày, 100 ngày, 50 ngày, 20
ngày trước đại lễ trở thành nỗi kinh hoàng của các nhà thầu, chỉ để nhằm thỏa
mãn những buổi lễ cắt băng khánh thành tưng bừng của lãnh đạo. Trong khi thực
tế họ có thể có nhiều năm trước đó để đẩy nhanh tiến độ nhưng bất thành,
chính bởi thái độ thiếu trách nhiệm, chậm trễ của các cơ quan chính quyền.
Chúng ta đã không thiếu những bài học đau xót về kiểu
“chào mừng” mang niềm vui ngắn và nỗi buồn dài (hàng nghìn tỉ đồng phải lâm
vào cảnh làm gấp, làm dối ở những công trình phục vụ Sea Games 22 là bài học
đến giờ còn chưa thanh lý nổi). Thi đua cũng quan trọng, tiến độ cũng cần thiết
nhưng quan trọng hơn vẫn là đảm bảo chất lượng mỗi công trình.
(Theo TNO) An Nguyên
Trả giá cho “cuộc
đua” mừng đại lễ
Sự cố nứt gãy, sụt lún tạo
thành hố tử thần khổng lồ trên đường
Lê Văn Lương kéo dài - công trình gắn với kỷ niệm đại lễ 1.000
năm, nối dài thêm danh sách các công trình đại lễ hàng nghìn tỉ đồng vừa hoạt
động đã xuống cấp.
Từ chất lượng đáng lo ngại...
Ông Nguyễn Hoài
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà chất lượng các công
trình này lại khiến dư luận phải đặc biệt quan tâm. Đại lộ Thăng Long (nhà
thầu là Tổng công ty Vinaconex) được thông xe và khai thác tạm vào tháng 10.2010,
nhưng chỉ tới tháng 4.2011, đã xuất hiện lún nứt mặt đường, tạo thành ổ trâu,
ổ gà ở nhiều đoạn từ Km 8 - Km 9. Thời điểm đó, cả chủ đầu tư và đại diện
tổng thầu đều cho rằng, do phải thi công trên những đoạn có nền đất yếu, dẫn
tới co giãn, trồi sụt không đều giữa phần đường và phần cầu, nên đường vẫn
tiếp tục lún theo quy phạm. Tháng 5.2011, mặt đường hầm chui trên đại lộ
Thăng Long xuất hiện hàng chục vết nứt, có vết kéo dài cả chục mét, rộng 2-3
cm. Theo lý giải, do kết cấu bề mặt đoạn đường chạy qua hầm chui bằng bê tông
nên khi bê tông co ngót sẽ tạo các vết nứt. Ngoài ra, dù đã đi vào hoạt động
gần 2 năm, nhưng hệ thống đường dẫn lên cầu vượt trên đại lộ (đoạn từ xã
Trung Văn sang xã Mễ Trì) cũng vẫn đang là đường tạm.
Trao đổi với Thanh Niên hôm qua 20.8, đại diện
Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết, do thiếu vốn nên tới thời
điểm này, mới chỉ khắc phục được một nửa tình trạng nứt lớp bê tông xi măng ở
mặt hầm chui.
Ông Bùi Trung Dung, Cục phó Cục Giám định nhà nước về chất
lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, trong báo cáo gửi Bộ trưởng
Bộ GTVT, Cục đã chỉ ra, nguyên nhân lún, nứt mặt đường đại lộ Thăng Long khởi
nguồn do tư vấn thiết kế, thiếu trách nhiệm giám sát. Dẫn tới khi xây dựng
đại lộ, đã có rất nhiều biến chuyển về nhà cửa hai bên đường so với ban đầu,
nhưng không có hướng thoát nước. Cũng theo ông Dung, “công tác thi công và
giám sát thi công cũng có phần thiếu trách nhiệm. Có thể năng lực trên danh
nghĩa của nhà thầu đạt, nhưng thực tế có đạt hay không lại là vấn đề. Chúng
tôi đang tập hợp hồ sơ về năng lực của các bên liên quan trong quá trình thi
công như chỉ huy trưởng, tư vấn giám sát, rồi các ý kiến đánh giá, nghiệm
thu, kết quả đo đạc, khảo sát hiện trường”.
Trong khi đó, theo một chuyên gia cầu đường, bản thiết kế
của tư vấn đã có tính toán đầy đủ việc xử lý nền đất yếu, cũng như dự báo,
tính toán lún trong quá trình thi công, nên việc lún xuất hiện trên tuyến đường
là do thi công. “Việc thông xe bằng mọi giá để đảm bảo tiến độ công trình có
thể là nguyên nhân dẫn tới việc ép tiến độ, khiến chất lượng không đảm bảo”,
ông này nói.
... đến bỏ không lãng phí
Bảo tàng Hà Nội là công trình trọng điểm chào mừng đại lễ
1.000 năm Thăng Long, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 3.000 tỉ đồng. Nhưng
ngoại trừ xôm tụ vào những ngày khai trương, dịp đại lễ, còn lại phần lớn
thời gian từ đó đến nay là để giải quyết tình trạng thấm dột, bong tróc. Cho tới
hôm qua (20.8), một nguồn tin có trách nhiệm cho biết hợp đồng thiết kế nội
dung chi tiết vẫn chưa được ký kết. Trong thời gian chờ đợi, Bảo tàng Hà Nội
đành đem hiện vật của mình bày tạm trong những tủ kính.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, Bảo tàng Hà Nội với
quy mô lớn nhất nước thu hút được khoảng 130.000 lượt khách. Trong khi đó
riêng từ năm 2010-2011 các bảo tàng quy mô nhỏ hơn tại Hà Nội như Bảo tàng
Dân tộc học Việt Nam thu hút được 500.000 lượt khách, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
là 73.000 lượt.
Một công trình khác là Cung Trí thức thủ đô với 2 khối nhà
(16 tầng và 3 tầng, tổng diện tích sàn gần 16.000 m2), có tổng vốn đầu tư
trên 200 tỉ đồng, với mục đích “tụ hội” giới trí thức thủ đô, cũng đang trong
tình trạng xuống cấp và hoang phí, sau gần 2 năm đưa vào sử dụng.
Theo ghi nhận của chúng tôi chiều 20.8, rất nhiều vị
trí tại tòa nhà xảy ra tình trạng thấm dột, nhiều khu vực sàn nhà lênh láng
nước. Tại một số vị trí đã xuất hiện những vết nứt kéo dài, gạch ốp bong
tróc. Khi bước vào khu nhà thấp tầng, ngay sảnh tầng 1 đã thấy nước chảy lênh
láng. Khu nhà với chức năng phục vụ hội nghị, hội thảo này như ngôi nhà hoang
với những lớp bụi phủ dày khắp nơi. Tại tầng 2, nước chảy tràn ngay tủ điện
và trần sụt rơi lả tả xuống sàn nhà. Tương tự, khu nhà 16 tầng cũng có nhiều
tầng bỏ hoang, nhiều vị trí thấm dột. Thậm chí, ngay phòng hội trường nối 2
tòa nhà tại tầng 2, nơi làm việc của ban quản lý tòa nhà xuất hiện vết nứt
dài…
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại chiều cùng ngày, bà
Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển
nhà Hà Nội (đơn vị được TP giao nhiệm vụ tổ chức quản lý, khai thác công trình)
cho biết, hiện tòa nhà vẫn đang trong quá trình bảo trì nên mọi hư hại do
chất lượng công trình đều do Tổng công ty cơ khí xây dựng (Coma) tiến hành
sửa chữa, bảo dưỡng. Trong đó, theo lời bà Hà: “Tại tầng 16 dù đã xử lý rất
nhiều lần nhưng vẫn xảy ra thấm dột, có lẽ phải xem lại thiết kế”.
(Theo TNO) Mai Hà - Văn Sơn -
Trinh Nguyễn
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét