10:19
Bộ trưởng Vương Đình Huệ
nói và làm
TP - "Không thể vì 11 doanh nghiệp
xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân... doanh nghiệp đừng có dọa cơ
quan quản lý nhà nước, nếu cần tôi sẽ lập doanh nghiệp khác..."
Cách đây gần một năm, vừa nhậm chức Bộ
trưởng Tài chính, ông Vương Đình Huệ đã làm nức lòng người dân cả nước khi
tuyên bố như vậy tại hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường
ở Việt Nam” (ngày 20-9-2011).
Sau hội thảo nảy lửa đó, thấy ông Huệ
làm thật, bằng việc lập đoàn kiểm tra việc tính giá xăng dầu, trích quỹ bình
ổn của 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn nhất.
Và người dân tiếp tục chờ đợi và kỳ
vọng vị Bộ trưởng từng là Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ làm cho “cơm ra cơm,
cháo ra cháo”.
Cuối tháng 12-2011, Bộ Tài chính công
bố kết quả kiểm tra giá xăng dầu tại 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn và
cũng chỉ ra được một vài bất cập trong quản trị doanh nghiệp, cách tính giá
cơ sở, chi hoa hồng quá lớn; bất hợp lý trong cơ chế trích nộp, quản lý quỹ bình
ổn...
Nhưng kết quả ấy cũng không để làm gì,
vì sau đó không thấy Bộ Tài chính công bố biện pháp xử lý nào đối với doanh
nghiệp đã bị kiểm tra.
Từ đó “quả bóng kỳ vọng” của người dân
vào Bộ trưởng dần xì hơi. Nhìn vào hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối
xăng dầu, thì mọi chuyện vẫn y như cũ. Thậm chí, việc quản lý và giám sát
tăng, giảm giá của Bộ Tài chính đôi khi còn lơi lỏng, theo hướng có lợi cho doanh
nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Không ít lần, doanh nghiệp lãi lớn
nhưng Bộ Tài chính vẫn lặng thinh. Điển hình là thời điểm giá xăng dầu thế
giới liên tiếp giảm trong vòng gần 1 tháng (hồi tháng 5-2012) giúp doanh
nghiệp có lợi nhuận tới 2.100 đồng/lít xăng nhưng doanh nghiệp “quên” không
đề xuất giảm giá bán và Bộ Tài chính cũng “quên” động thái giám sát của mình.
Chỉ sau khi báo chí đồng loạt lên tiếng thì cơ quan quản lý mới ra yêu cầu
doanh nghiệp tính toán giảm giá.
Tình trạng Bộ Tài chính bị báo chí
“nhắc việc” phải yêu cầu doanh nghiệp giảm giá bán xăng dầu do có lãi lớn lại
tiếp tục lặp lại vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua.
Một ví dụ khác, thể hiện sự “lập cập”
trong điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính, ở chỗ không nhất quán trong
việc lấy căn cứ thời gian để tính điều chỉnh giá: Có thời điểm căn cứ điều
chỉnh giá xăng được tính theo 20 ngày, có thời điểm được tính theo 10 ngày.
Gần một năm đã trôi qua, những tuyên bố
mạnh mẽ của Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng không còn nhiều người nhớ, bởi có
nhớ cũng chẳng để làm gì. Vì thực tế thị trường xăng dầu bao năm nay vẫn thế.
Điệp khúc tăng nhanh, giảm chậm vẫn
diễn ra đều đều; mỗi khi doanh nghiệp kêu lỗ, tình trạng găm hàng, cây xăng
ngừng bán vẫn diễn ra. Ngay cả việc minh bạch chuyện lỗ lãi, giá nhập khẩu
hàng của doanh nghiệp... cũng vẫn tù mù. Một năm trôi nhanh, thì một nhiệm kỳ
Bộ trưởng cũng sẽ trôi nhanh.
Người dân không mong gì hơn, chỉ mong
Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã nói thì giữ lời: Điều hành vì quyền lợi của 80
triệu dân chứ không phải vì quyền lợi của 11 doanh nghiệp đầu mối.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét