Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012


13:11
 Cần lập ban quản lý nợ công của quốc hội


TP - Theo các chuyên gia, nợ công và nợ công nước ngoài của Việt Nam lần lượt tăng nhanh lên mức 57% và 42% GDP vào cuối năm 2010. Dự báo, những con số này có thể tăng mạnh trong vòng 10 năm tới, nếu Việt Nam không kịp thời thay đổi chính sách.

Sức ép trả nợ
Tại hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và UNDP tổ chức mới đây với chủ đề Nợ công Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai, các chuyên gia cho rằng, thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh đang tiếp tục là những nguy cơ tiềm ẩn làm xấu thêm các chỉ số kinh tế vĩ mô và đe dọa sự ổn định của nền kinh tế trong tương lai.
Các số liệu thống kê của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho thấy, tổng nợ công của Việt Nam trong các năm từ 2009 – 2011 lần lượt ở các mức 52,6%, 57,3% và 58,7% của GDP. Trong đó, nợ nước ngoài chiếm lần lượt 39%, 42,2% và 41,5%.
Cùng với nợ nước ngoài gia tăng, nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam các năm tới đây cũng tăng rất mạnh. Theo tính toán trong Bản tin nợ nước ngoài số 6 của Bộ Tài chính, dự kiến năm 2012, Việt Nam phải trả 935,8 triệu USD tiền nợ gốc và 394,62 triệu USD tiền lãi và phí.
Tính chung năm 2012, Việt Nam phải trả nợ nước ngoài cả tiền nợ gốc và lãi 1,33 tỷ USD. Số tiền năm 2013 là 1,135 tỷ USD nợ gốc và 357,23 triệu USD tiền lãi và phí.
Năm 2014, Việt Nam có thể phải trả 1,06 tỷ USD nợ gốc và 321,6 triệu USD lãi và phí. Đặc biệt, năm 2016, Việt Nam sẽ phải trả khoản nợ gốc lên tới 1,764 tỷ USD và 251,2 triệu USD tiền lãi và phí.
Từ năm 2017 đến 2022, mỗi năm Việt Nam phải dành hơn 1 tỷ USD trả nợ gốc và lãi.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, bên cạnh nợ nước ngoài, gánh nặng nợ công trong nước đang đè nặng lên cán cân tài khoá hằng năm. Cụ thể, tổng nợ công/thu ngân sách của Việt Nam hiện vượt 220,6% thu ngân sách. Nghĩa vụ nợ công/thu ngân sách cũng lên tới hơn 21,6%.
Đặc biệt, các khoản nợ công trong nước với lãi suất cao và kỳ hạn ngắn đang gây sức ép lớn đối với việc đảo nợ.
“Ước tính, trong giai đoạn 2012 - 2014, mỗi năm Việt Nam cần phát hành khoảng xấp xỉ 100-120 ngàn tỷ đồng trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh, tương đương với khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách, chỉ để trả nợ gốc và thanh toán nợ lãi trong nước”, báo cáo cho biết.
Theo tính toán, nếu thâm hụt ngân sách cơ bản được duy trì ở mức 1% GDP mỗi năm theo kịch bản tốt, trung bình và xấu thì tỷ lệ nợ công/GDP sẽ tăng lên mức 61,1%, 66,6% và 72,6% vào năm 2020 tương ứng với các kịch bản.
Nếu thâm hụt ngân sách cơ bản tăng lên mức 2% GDP mỗi năm thì tỷ lệ nợ công GDP sẽ tăng lên mức 69,5%, 75,6% và 82,1% GDP vào năm 2020 tương ứng với các kịch bản tốt trung và xấu.
Theo TSKH Võ Đại Lược (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới), hiện có tình trạng khoán trắng đầu tư công dẫn đến nợ công tăng rất mạnh các năm qua.
Lập Ban quản lý nợ công
Theo TS Lê Đăng Doanh, có rất nhiều vấn đề liên quan quản lý nợ công hiện nay. Các số liệu và thực tế về nợ công và đầu tư công cho thấy có thể xác định đầu tư công là một sản phẩm của cơ chế xin-cho, trong đó cả hai phía xin và cho đều có lợi ích chung và lợi ích nhóm. Những điều này dẫn đến hệ quả là đầu tư công kém hiệu quả, thất thoát lên đến 20-30%.
Theo ông, để quản lý nợ công hiệu quả, trước tiên cần tái cấu trúc đầu tư công gắn liền với cải cách luật pháp, thể chế, cơ chế quản lý đầu tư theo hướng thực hiện công khai, minh bạch, đặt quá trình đầu tư dưới chế độ trách nhiệm cá nhân trong từng khâu.
Cùng với đó, cần chuyển mạnh từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời sớm ban hành luật Đầu tư công và Luật Mua sắm công.
Để làm tốt việc kiểm soát đầu tư công, cũng cần sửa đổi, bổ sung các luật pháp liên quan như Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, các quy định liên quan trong Bộ Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc thành lập ban quản lý nợ công thuộc Ủy ban Ngân sách hoặc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để theo dõi, quản lý và giám sát nợ công một cách sát sao, khách quan và độc lập. Ban quản lý nợ công cần thực hiện và trình bày báo cáo tổng thể về quản lý nợ công trước Quốc hội hằng quý.
(TPO) Phạm Tuyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét