11:47
“Cần bình tĩnh trước chuyện amib “ăn” não người”
SGTT.VN - Những
ngày qua, nhiều người dân xôn xao về thông tin một trường hợp bị nhiễm amib
Naegleria fowleri “ăn” não người và tử vong. Đáng quan tâm hơn khi loài ký
sinh trùng này có thể tồn tại trong môi trường nước ngọt như hồ bơi. Để làm
rõ điều này, Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn TS.BS Nguyễn Hoan Phú, phó khoa
nhiễm Việt – Anh bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, nơi tiếp nhận và điều trị
cho bệnh nhân.
Ông nói: “Không thể nói đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam
nhiễm Naegleria fowleri, nhưng có thể khẳng định đây là lần đầu tiên bệnh
viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ghi nhận một trường hợp như thế”.
Ông có thể nói
cụ thể hơn?
Cách đây hai năm, có một thông tin trên mạng đề cập đến một
trường hợp tương tự, nhưng sau đó không thấy báo chí thông tin, nên tôi không
rõ thực hư ra sao. Tuy nhiên, muốn xác định chính xác nhiễm Naegleria fowleri
thì cần phải xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Theo tôi, trong thực tế có thể
có những ca sốt cao, co giật và vào cơ sở y tế rồi tử vong. Tuy nhiên, do
chưa ai nói đến amib Naegleria fowleri nên có thể các bác sĩ không chú ý và
bỏ sót.
Amib Naegleria
fowleri xâm nhập vào cơ thể người như thế nào và phát hiện ra nó có khó
không, thưa ông?
Loài amib này sống trong nước, xâm nhập vào mũi người rồi theo
dây thần kinh khứu giác lên não gây bệnh. Phát hiện amib không khó vì nó lớn
hơn vi trùng, chỉ cần lấy dịch não tuỷ của bệnh nhân mang đi soi tươi là thấy
ngay. Vấn đề ở đây là đối với những ca như thế này, bác sĩ có cho làm xét
nghiệm tìm amib Naegleria fowleri hay không vì từ đó đến nay chưa ai nói
nhiều về bệnh này.
Sự tồn tại của
Naegleria fowleri ngoài thiên nhiên như thế nào?
Nó có ở nhiều trên thế giới và người ta đã phân lập được nó trong
nước ngọt, hồ bơi có hệ thống sưởi, suối nước nóng, hồ nhân tạo, đất, bụi
trong không khí, chất thải... Naegleria fowleri là loài ưa nhiệt và thậm chí
có thể phát triển trong nhiệt độ đến 450C. Do đó, không có gì lạ
khi các trường hợp viêm não màng não nguyên phát do Naegleria fowleri thường
xảy ra vào những tháng nóng, khi người ta thích ra ngoài để tham gia các hoạt
động trong nước sông, suối, ao, hồ. Vào mùa lạnh, amib này tồn tại ở dạng bào
nang và ngủ yên trong lớp cặn của sông, suối, ao, hồ.
Vậy khi mắc
bệnh, bệnh nhân có triệu chứng gì?
Các trường hợp viêm não do Naegleria fowleri thường có khởi đầu
nhanh, giai đoạn ủ bệnh ngắn từ 3 – 7 ngày. Bệnh nhân thường có dấu hiệu nhức
đầu, sốt, buồn nôn, nôn và cứng gáy. Đi xa hơn, bệnh nhân bị co giật toàn
thân, lơ mơ, hôn mê và tử vong trong vòng 48 – 72 giờ.
Thưa ông, thông
tin amib Naegleria fowleri có trong hồ bơi khiến nhiều người rất hoang mang,
vậy điều này được hiểu như thế nào?
Đúng là một số ca nhiễm Naegleria fowleri được phát hiện trên thế
giới là có hoạt động bơi ở hồ bơi trước đó. Tuy nhiên, theo tôi cần thận
trọng với điều này, vì thực tế Naegleria fowleri nhạy cảm với chlorine và bị
tiêu diệt ở nồng độ 1mg chlorine/lít trong nước có nhiệt độ 260C
hay thấp hơn. Nếu nhiệt độ nước cao hơn 260C, nồng độ chlorine cần
tăng lên 2mg/lít. Do đó điều quan trọng là các hồ bơi cần được duy trì nồng
độ chlorine thích hợp vào mọi thời điểm. Dĩ nhiên, với những nguồn nước tự
nhiên như ao, hồ, sông, suối thì người ta không thể sát khuẩn được, do đó cần
phải có biện pháp phòng ngừa nhiễm Naegleria fowleri khi tham gia những hoạt
động tắm, lặn ở đây.
Trước thông tin về ca tử vong do nhiễm Naegleria fowleri, ông có
lời khuyên nào cho người dân?
Theo tôi, người dân cần phải bình tĩnh vì đây không phải là một
bệnh phổ biến và gây dịch. Mặt khác, nếu mắc bệnh thì cũng có thuốc để chữa.
Tuy nhiên, đối với những người làm công việc dưới nước như nông dân mò ốc,
thợ lặn, người tham gia các hoạt động du lịch sinh thái như tắm sông, suối,
ao, hồ thì phải lưu ý và nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý sau khi lên bờ.
Nếu tham gia những hoạt động này và sau đó xuất hiện những triệu chứng nghi
ngờ, thì nên lập tức đến ngay một cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và
điều trị.
Qua trường hợp này, có thể xác định rằng Naegleria fowleri thật
sự tồn tại ở Việt Nam, và điều này cũng lưu ý các bác sĩ trong chẩn đoán,
tránh bỏ sót những trường hợp nghi ngờ.
(SGTT) Phan Sơn
thực hiện
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét