Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012


20:41

 Thêm bản đồ cổ Trung Quốc không Hoàng Sa - Trường Sa


(NLĐO) - Trong tập sách “Địa dư đồ khảo” do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam công bố sáng nay, 28-8, các bản đồ được xuất bản dưới triều vua Quang Tự nhà Thanh (1875-1908) hoàn toàn không có vết tích của hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.


“Địa dư đồ khảo” nằm trong số gần 2.000 tập sách Hán - Nôm mà nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Phó ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thừa kế chính thức từ cụ cố Trần Đình Bá (1867 - 1933).

Tập sách do nhà Thanh xuất bản vào thời kỳ đầu triều Quang Tự của Trung Quốc. Cụ Trần Đình Bá khi làm Thượng thư Bộ Hình triều Khải Định (1916 - 1925) đã cho sao chép lại cất vào tủ sách Phước Trang ở tư thất tại Huế. Truyền đến đời thứ 4 là nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã di chuyển vào Sài Gòn từ năm 1968.


Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và tập sách "Địa dư đồ khảo"
với tấm bản đồ đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc
 
Bao gồm 65 tờ viết chữ Nho hai mặt, chữ còn rõ đẹp, “Địa dư đồ khảo” gồm 20 mục khảo cứu về địa dư và 20 bản đồ đính kèm, trong đó có bản đồ tỉnh Quảng Đông và Việt Nam (trong phần Việt Nam, Tiêm La, Miến Điện khảo lược).

Với những bản đồ chi tiết rõ ràng, tập sách chính thức xác nhận Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam), khi ấy thuộc tỉnh Quảng Đông, là biên giới cuối cùng của lục địa Trung Quốc.

Trong phần trình bày của mình, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn còn dẫn chứng hai tấm ảnh chụp tại Du Lâm (cực nam của Hải Nam) vẫn còn các tảng đá rất lớn khắc các dòng chữ: “Thiên nhai hải giác” (Chân trời góc biển) và “Hải khoát thiên không” (biển rộng trời không, mênh mông vô bờ bến).

Như vậy, sau bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” xuất bản năm 1904 dưới thời Khang Hy (Trung Quốc) được Tiến sĩ Mai Hồng công bố tại Hà Nội và tháng 7 vừa qua, “Địa dư đồ khảo” một lần nữa khẳng định cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.
Tin-ảnh: M.Nhung (Người Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét