Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012


20:31

 Thứ rẻ nhất trong thời đắt đỏ:

Cơm công nhân VN

 

Bữa cơm của công nhân được đặt mua 8.000-15.000 đồng/suất, nhưng qua các khâu ăn chia hoa hồng, hao hụt nấu nướng, vận chuyển..., giá trị thật của bữa ăn đến tay công nhân chỉ còn 5.000-10.000 đồng/suất.

Trong khi đó các chuyên gia y tế cảnh báo bữa ăn thiếu chất, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang mài mòn sức lực người công nhân và dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Trong gian bếp ở tiệm cơm OM (xã An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) - nơi cung cấp suất ăn công nhân cho một số công ty
Nâng khống bao nhiêu cũng được

Ngộ độc nhiều nhất tại Đông Nam bộ
Cục ATVSTP thống kê giai đoạn 2007-2011 cả nước xảy ra 927 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 30.000 người mắc và 229 người chết. Số vụ ngộ độc thực phẩm tại các khu chế xuất - khu công nghiệp từ năm 2007-2011 có xu hướng giảm nhưng đang có dấu hiệu tăng trở lại từ năm 2011, tập trung nhiều nhất tại vùng Đông Nam bộ với số vụ chiếm tỉ lệ 66,7%.

Ông Tuấn, chủ cơ sở suất ăn công nghiệp tại khu phố Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (Bình Dương), quả quyết: “Làm một suất cơm 10.000 đồng, chúng tôi sẽ xuất hóa đơn 12.000 đồng hay làm 12.000 đồng chúng tôi xuất hóa đơn 15.000 đồng. Muốn nâng khống giá bao nhiêu cũng được hết”.
Ông Tuấn cho biết thêm nếu công nhân công ty nào dễ tính thì đặt cơm giá 8.000-9.000 đồng/suất ông cũng nấu được, hóa đơn xuất ra bao nhiêu tùy phía đặt cơm. Tuy nhiên với giá này chất lượng suất cơm rất tệ, công nhân dễ phản ứng xảy ra đình công. Theo ông Tuấn, phải chi đậm hoa hồng như vậy mới giữ được mối làm ăn lâu dài với mình, nếu không phía đặt cơm sẽ tìm nơi cung cấp khác.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH HP đóng trên đường Thoại Ngọc Hầu (phường Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) - chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho các công ty trong Khu công nghiệp Tân Bình và lân cận - cũng đưa ra mức ăn chia như vậy khi chúng tôi bày tỏ ý định đặt cơm cho công nhân.
Theo đó, khi khách hàng ký hợp đồng mua suất ăn giữa ca giá 15.000 đồng, Công ty HP sẽ nấu với chất lượng chỉ 12.000 đồng, 3.000 đồng còn lại chi cho khách hàng trực tiếp đến đặt bữa ăn. Sang - nhân viên kinh doanh của HP - cho biết định lượng suất ăn (cơ cấu dinh dưỡng) và hóa đơn sẽ được làm theo khẩu phần 15.000 đồng/suất gửi cho phía đặt hàng, còn thanh toán trên thực tế chỉ 12.000 đồng.
Chiều 24.8 tại cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp OM gần vòng xoay An Phú (khu phố 2, phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương), bốn nhân công phục vụ đang khẩn trương chia thức ăn vào khay để chuẩn bị đi giao cơm cho các công ty gần đó. Thức ăn đựng trong những thau nhựa đặt trên nền nhà bẩn, ẩm ướt và cách nhà vệ sinh chưa đến 2m.
Dưới gầm giường gần đó chất ngổn ngang rau quả. Còn chỗ nấu ăn sát ngay nơi rửa chén lênh láng váng mỡ dưới nền nhà và nhầy nhụa đồ ăn bỏ đi đọng trên nắp gạn nước thải. Đây là cơ sở cung cấp suất ăn được nhiều công ty ưa chuộng vì giá nào cũng làm được, đặt làm rẻ nhưng muốn xuất hóa đơn bao nhiêu tùy ý.
Lấy miếng gà chiên nhỏ cho vào khay, bà Trịnh Thị Ngọc Nga - chủ cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp OM - nói với chúng tôi: “Suất ăn giá 8.000 đồng như vầy được không? Mình làm 8.000 đồng nhưng phải coi sao cho đẹp”.
Thức ăn của suất cơm được bà Nga nói là 8.000 đồng này ngoài miếng thịt gà nhỏ còn có thêm vài miếng cà tím xào được thái “siêu nhỏ”. Theo điều tra của chúng tôi, cơ sở của bà Nga cung cấp cơm cho bốn công ty ở hai huyện Dĩ An và Thuận An, tỉnh Bình Dương và đều thực hiện theo kiểu “đặt cơm giá thấp nhưng xuất hóa đơn giá cao”.
Cụ thể, giá cơm ghi trên hóa đơn thanh toán được bà Nga xuất ra cho bên mua 11.000-15.000 đồng/suất nhưng thực tế bà Nga chỉ nhận tiền 8.000-12.000 đồng, phần chênh lệch người đi đặt cơm của công ty hưởng. Như người của Công ty BM đặt cơm chỉ 10.000 đồng/suất nhưng lấy hóa đơn báo về công ty 11.000 đồng/suất.
Chiều 24.8 tại cơ sở nấu cơm này, bà Nga và các nhân công đóng hộp khoảng 100 khay cơm 10.000 đồng chuyển đến giao cho Công ty BM. Trung bình mỗi tháng Công ty BM lấy tại cơ sở bà Nga gần 3.000 suất cơm. “Làm cơm kiểu này phải làm cho khéo, nếu không công nhân sẽ phản ứng liền” - bà Nga nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các suất cơm 8.000 đồng, 10.000 đồng và 12.000 đồng được phù phép trên hóa đơn lần lượt thành 10.000 đồng, 12.000 đồng và 15.000 đồng với khẩu phần món mặn thường là gà chiên, cá chiên rất khô khan, suất nào khá hơn thì có con cá điêu hồng nhỏ kho cà chua, còn lại là một ít đồ xào và canh “đại dương” với chỉ một ít rau và toàn nước.
Ông Nguyễn Văn Đạt - chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Bình Dương - cho biết trong hai năm 2010-2011, qua kiểm tra thì 30% chi phí của mỗi suất ăn công nhân dùng để chi cho nhân công nấu nướng, nhiên liệu, gia vị, vận chuyển...
Có nơi suất cơm chỉ 7.000 đồng khi chưa trừ chi phí. Như vậy một suất cơm mà công ty đặt cơ sở nấu ăn của bà Nga 12.000 đồng trừ phần kê khống thì chi phí thật cho bữa ăn đó chỉ là 10.000 đồng, trừ thêm hao hụt nữa suất cơm đến với công nhân chỉ còn 7.000 đồng. Nếu đặt suất 10.000 đồng trừ hoa hồng và chi phí hao hụt thì suất ăn chỉ còn lại 5.000-6.000 đồng. “Phần còn lại của công nhân chủ yếu là... cơm trắng” - ông Đạt nói.

Điểm đến sau những bữa cơm CN

Sức khỏe bị bào mòn

Công nhân cạo mủ cao su bị ngộ độc thức ăn
Tối 25.8, Bệnh viện Đa khoa cao su Suối Tre thuộc Công ty Cao su Đồng Nai cho biết tính đến 21g cùng ngày đã có tổng cộng 58 công nhân thuộc Nông trường cao su Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm (ảnh).
Theo bác sĩ Đỗ Cao Khải - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện, vào thời gian trên bệnh viện tiếp nhận các bệnh nhân là công nhân cạo mủ của Nông trường cao su Dầu Giây. Theo các công nhân, giờ làm việc buổi sáng họ nghỉ giữa ca để ăn cơm trưa với các món ăn gồm: canh khổ qua, đậu đũa xào và chả cá. Sau khi ăn cơm một số công nhân có triệu chứng chóng mặt, mắt mờ. Đến khoảng 17g, một số công nhân khác có triệu chứng ngộ độc nặng như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói... buộc phải nhập viện cấp cứu.
Trung Anh
Tại hội thảo bàn về chất lượng bữa ăn công nhân do Cục ATVSTP (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế Bình Dương tổ chức hồi giữa tháng 8, nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo hàng triệu người lao động làm việc tại 256 khu chế xuất - khu công nghiệp trên cả nước đang đối diện với tình trạng thiếu dinh dưỡng trong bữa ăn giữa ca, dễ mắc ngộ độc thực phẩm.
Nguyên nhân do doanh nghiệp ít quan tâm đến bữa ăn của công nhân, đặt hàng giá rẻ không đảm bảo ATVSTP về nấu cho công nhân ăn hoặc thuê các cơ sở cung ứng suất cơm bên ngoài với giá “bèo”. Tuy nhiên chưa có cơ quan nào nhận định việc ăn chia trên suất cơm công nhân ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn.
Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia tiến hành với 900 công nhân tuổi từ 18-60 cho thấy: khẩu phần ăn của nữ công nhân ở mức lao động nhẹ chỉ đáp ứng được 77,7% nhu cầu năng lượng, còn ở nam chưa đến 90%. PGS.TS Lê Bạch Mai - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - đánh giá tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân, gây giảm năng suất lao động.
Khi năng lượng từ khẩu phần ăn không đủ thì cơ thể tự động dùng nguồn năng lượng dự trữ của mình, từng lớp cơ sẽ được “đốt cháy” để lấy sức làm việc. Nét mặt xanh xao, thân thể gầy gò là biểu hiện của nhiều công nhân làm việc lâu năm bị bào mòn sức người trong phân xưởng vì ăn không đủ chất.
Nhận định chung của các chuyên gia tham gia hội thảo là đa số công nhân hiện nay “nhỏ con, gầy gò, phờ phạc”. Sức khỏe bị bào mòn kéo dài ảnh hưởng đến thể chất, công nhân cưới nhau sinh con sẽ dễ dẫn đến đứa con bị suy dinh dưỡng.
Ông Trần Quang Trung - cục trưởng Cục ATVSTP - cho biết nhiều cơ sở nấu ăn (do công ty tổ chức nấu hoặc cơ sở chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp nấu) chấp nhận sử dụng thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo ATVSTP. Trong khi đó trách nhiệm đảm bảo ATVSTP của các cấp chính quyền địa phương, ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp, các chủ doanh nghiệp chưa cao. Cùng với đó là sự yếu kém, hạn chế trong hệ thống quản lý ATVSTP ở các cấp, hệ thống thanh tra chuyên ngành, kiểm nghiệm...
Chưa có quy định về giá suất ăn công nghiệp
Ông Nguyễn Văn Đạt cho hay hiện chưa có văn bản quy định về giá thành suất ăn công nghiệp và theo khảo sát của Chi cục ATVSTP Bình Dương năm 2010-2011 thì phải đúng 15.000 đồng mới đảm bảo chất lượng bữa ăn cho công nhân.
Tuy nhiên hiện nay giá cả tăng lên thì giá bữa ăn cũng cần phải xem xét lại cho phù hợp. Bên cạnh đó, ông Đạt kiến nghị cơ quan chức năng cần phải ban hành quy định về định lượng khẩu phần ăn tối thiểu. Nếu để thực trạng trên kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân, suy giảm năng suất lao động cùng nhiều hệ lụy khác...
Ông Nguyễn Hùng Long, phó cục trưởng Cục ATVSTP, cho biết cơ quan này đã phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện nghiên cứu để đưa ra khẩu phần ăn phù hợp, đủ chất dinh dưỡng cho từng nhóm công nhân làm việc ở các cấp độ khác nhau. Cục ATVSTP sẽ kiến nghị Tổng liên đoàn Lao động VN, Bộ LĐ-TB&XH ban hành quy định suất ăn tối thiểu cho công nhân, quy chuẩn thực hiện khẩu phần ăn đáp ứng đủ dinh dưỡng để công nhân có thể tái tạo sức lao động.

Cạnh tranh suất ăn, công nhân lãnh đủ
Lãnh đạo một công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho biết một suất cơm 15.000 đồng gồm món mặn, món xào và cơm canh đủ no mới đủ định lượng cho công nhân đủ sức làm việc.
Nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp cung cấp suất ăn sẵn sàng hạ giá cho doanh nghiệp đặt mua, gom thực phẩm không đảm bảo chất lượng về nấu cho công nhân ăn nên dễ gây ngộ độc thực phẩm, bữa ăn không đủ chất. Bên cạnh đó việc chi hoa hồng giữa nhà cung cấp suất ăn cho công ty sử dụng lao động cũng ngấm ngầm cắt xén chất lượng bữa ăn của công nhân. Một khẩu phần ăn vì thế bị hao hụt đi vì nhiều khâu và công nhân là người lãnh đủ.
Theo Tuổi Trẻ (Tựa đề của Thương Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét