07:20
Người dùng
xăng bị đóng loại thuế như rượu ngoại!?
Trong lúc kinh tế khó khăn thì
quá nhiều loại thuế, phí tiếp tục đẩy giá xăng lên cao, trong đó vô lý nhất là
thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Không thể chấp nhận được khi xăng cũng bị coi
là “hàng xa xỉ” như rượu, thuốc lá...
Ông Lương Hoàng Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội
Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho rằng về nguyên tắc, giá bán lẻ xăng dầu được
tính dựa trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên nhà nước - doanh nghiệp (DN)
- người tiêu dùng. Tuy vậy, thực tế hiện nay là DN không bao giờ chịu lỗ, nhà
nước thì luôn thu đủ các thuế, phí đã định. Cho nên mỗi khi có biến động giá
dầu thế giới thì mọi thiệt thòi đều đẩy về phía người tiêu dùng.
Hàng thiết yếu bị đánh thuế tiêu thụ
đặc biệt
Trong bối cảnh giá xăng dầu không ngừng “leo thang” như
hiện nay, theo ông Trung, cần có sự chia sẻ từ phía nhà nước bằng cách cân
nhắc lại các loại thuế, phí đánh vào mặt hàng thiết yếu này. Hiện nay, mỗi lít
xăng dầu phải “cõng” 12% thuế nhập khẩu, 10% thuế VAT, 1.000 đồng phí xăng
dầu (còn gọi là phí giao thông), 1.000 đồng trích trả nợ tiền bù giá ngân
sách, 200 đồng trích quỹ bình ổn. Đặc biệt với mặt hàng xăng còn bị đánh thêm
10% thuế TTĐB. Như vậy, trung bình mỗi lít xăng đang phải gánh đến 6.500 đồng
tiền thuế, phí, tương đương gần 40% giá bán.
“Đây là một gánh nặng thực sự đối với người tiêu dùng, DN
vận tải. Trong đó, một mặt hàng thiết yếu như xăng lại bị đánh thuế TTĐB là
rất vô lý. Bởi bản chất của thuế TTĐB là thu trên các mặt hàng không khuyến khích
sử dụng, hàng xa xỉ như rượu bia, thuốc lá... Trong khi đó, xăng là loại
nhiên liệu thiết yếu nhất phục vụ cho nhu cầu lưu thông, sản xuất, được sử
dụng đại trà và quan trọng nhất mọi sự biến động giá xăng đều tác động dây
chuyền đến giá vận tải, giá cả hàng hóa. Thế mà lại thu thuế TTĐB với xăng và
đánh đồng mặt hàng thiết yếu này với thuốc lá, rượu Tây... là không hợp lý và
không đúng bản chất của loại thuế này. Do đó, cần nhìn nhận lại về mặt hàng
xăng dầu và vai trò của nó trong đời sống xã hội cũng như sản xuất kinh tế để
áp những loại thuế, phí một cách hợp lý. Nếu bỏ thuế TTĐB cũng là một cách để
kéo giảm giá xăng hiện nay”, ông Trung nói.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến
lược, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng nhận định việc thu thuế TTĐB đồng nghĩa với
việc nhà nước hạn chế tiêu thụ xăng, một mặt hàng thiết yếu trong lưu thông,
là không hợp lý.
Có thể sớm xin ý kiến Quốc hội
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, rất cần thiết phải
bỏ thuế TTĐB trong xăng. Nhưng do thuế TTĐB đã được quy định trong luật, muốn
sửa luật phải chờ Quốc hội trong khi thuế nhập khẩu nằm trong tầm tay điều tiết
của Bộ Tài chính, có thể giảm ngay và giảm sâu để giảm sức ép tăng giá xăng.
TS Lưu Bích Hồ cho rằng có thể sớm xin ý kiến Quốc hội để
xem xét giảm, thậm chí bãi bỏ thuế TTĐB trong giá xăng. “Có cảm giác cơ quan quản
lý chỉ tính toán kinh tế đơn thuần, mà không tính tới lợi ích chung để ổn
định giá xăng dầu hơn, nếu tăng lên mãi sẽ rất phức tạp cho an sinh xã hội”,
ông Hồ nhìn nhận.
Chuyên gia về giao thông Nguyễn Minh Đồng (Việt kiều Đức)
đề nghị bên cạnh việc cân nhắc bỏ thuế TTĐB trong xăng, cần xem lại khoản
trích cho quỹ bình ổn giá xăng dầu được thu từ nhiều năm nay. Về bản chất,
quỹ bình ổn là khoản tiền tính vào giá bán xăng dầu và người tiêu dùng phải chịu,
hay nói cách khác, người tiêu dùng phải ứng trước một khoản tiền để các DN
đầu mối nhập khẩu xăng, dầu lập quỹ. Khi giá thế giới giảm, thuế nhập khẩu
trong nước không tăng, DN có lãi thì phải trích vào quỹ bình ổn giá một khoản
tiền theo quy định của Bộ Tài chính. Ngược lại, khi DN lỗ thì sẽ trích từ quỹ
để bù lỗ. Song, thực tế những năm qua quỹ này gần như không có tác dụng gì
trong việc điều tiết giá cả và thị trường xăng dầu.
Ngoài ra, theo ông Đồng, nếu so sánh với thế giới, xăng VN
còn rất “đắt” ở phần chi phí và lợi nhuận cho DN xăng dầu. “Xăng ở các nước
tiên tiến chất lượng tốt hơn gấp nhiều lần, đạt tiêu chuẩn Euro 5 - 6, trong khi
xăng ở VN chỉ đạt Euro 2. Chi phí nhân công, thiết bị chuyên chở của các nước
cũng đắt đỏ hơn VN (giá một chiếc xe bồn vận chuyển đạt tiêu chuẩn ở các nước
châu Âu lên đến 1 triệu USD, lương của một nhân viên bán xăng cũng 3.000 -
4.000 USD/tháng). Ở VN, chất lượng thấp hơn nhưng giá xăng dầu vẫn đắt đỏ
tương đương với các nước tiên tiến, như vậy vấn đề nằm ở chi phí và lợi nhuận
của các DN kinh doanh xăng dầu hiện nay. Nói cách khác là bộ máy DN hoạt động
kém hiệu quả và lợi nhuận DN còn mập mờ. Cần nói thêm, các hãng kinh doanh
xăng dầu trên thế giới không bao giờ thua lỗ, thậm chí một hãng xăng dầu lớn
của Mỹ còn có thể đạt lợi nhuận 34 tỉ USD/quý”, ông Đồng phân tích.
Phương Thanh -
Mai Hà (TNO, tựa đề của Thương Giang)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét