Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012


08:02
'Hai sổ sách':
 Chiêu gian lận của doanh nghiệp


TP - Việc gian lận bằng hai hệ thống sổ sách kế toán để đối phó với cơ quan thuế, nhằm có tiền trả lãi vay ngân hàng và có lợi nhuận đang là thực tế tồn tại ở không ít doanh nghiệp.

Không gian lận, khó có lời
Do chi phí vốn quá cao, nên rất ít doanh nghiệp có lãi nếu minh bạch tài chính theo kiểu “1+1=2”, mà phần lớn, họ phải tìm nhiều cách lách luật để tìm kiếm lợi nhuận.
Bà Nguyễn Thu Hương, cán bộ kế toán của một công ty chuyên sản xuất ống nhựa tiết lộ: “Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có 2 hệ thống sổ sách: một để nội bộ doanh nghiệp kiểm tra (phản ánh đúng số lỗ- lãi). Hai là sổ để báo cáo cơ quan thuế, sổ này luôn ở dạng lãi ít hoặc lỗ”.
Tùy từng mục đích sử dụng, doanh nghiệp sẽ “chế biến” số liệu trên các báo cáo dùng cho cơ quan khác nhau như thanh tra, thuế, ngân hàng… Chẳng hạn, để ngân hàng tin tưởng cấp vốn, báo cáo của doanh nghiệp lúc nào cũng phải “đẹp” như có lãi, khả năng thanh toán tốt, không có nợ đọng...
Để ngân hàng cho vay nhiều vốn, doanh nghiệp sẽ khai tăng sản lượng hàng cần mua thêm 30-50%. Nếu ngân hàng cho vay hạn mức chỉ 50-70% giá trị hàng thế chấp, thì doanh nghiệp vẫn có đủ tiền mua hàng.
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội kế toán và kiểm toán Việt Nam chỉ ra nhiều biểu hiện gian dối về tài chính của doanh nghiệp. Một “chiêu” thông thường là giấu sản lượng hàng trên hóa đơn đầu vào và đầu ra.
Trên sổ sách báo cáo thuế, doanh nghiệp sẽ rút bớt sản lượng. Ví dụ, mua 10 tấn nguyên liệu, chỉ lấy hóa đơn 6 tấn, phần còn lại sẽ trả tiền ngoài.
Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp sẽ “vẽ” thêm nhiều chi phí như tiếp khách, đi công tác, sửa chữa phương tiện, phí đào tạo, phí quản lý của nước ngoài… Để hợp thức hóa chứng từ, họ sẽ lấy hóa đơn có chi phí cao hơn thực tế, thậm chí là mua thêm hóa đơn.
Bằng cách này, báo cáo tài chính của doanh nghiệp luôn cho thấy chi phí rất lớn, dẫn tới lãi ít hoặc lỗ để giảm tiền nộp thuế.
Tình trạng “hai sổ sách” đã tồn tại trong doanh nghiệp từ lâu, gây thất thu lớn cho ngân sách. Theo ông Thanh, cơ quan thuế chỉ có thể thu thuế trên cơ sở báo cáo thuế, hóa đơn của doanh nghiệp… Mà sổ sách, hóa đơn chứng từ đã được hợp thức hóa ngay trong quá trình kinh doanh, nên khó phát hiện.
Bà Hương cho rằng, vì ngân hàng là cơ quan dân sự, thuế là cơ quan giám sát nhưng lại không quan hệ trực tiếp với nhau. Bản thân cơ quan thuế cũng hạn chế chia sẻ thông tin doanh nghiệp ra bên ngoài.
Do đó, hai đơn vị này khó mà phát hiện doanh nghiệp khai gian. Trong lúc kinh doanh khó khăn, lãi suất cao khiến chi phí tăng lên, thì doanh nghiệp phải tìm cách gian lận để đảm bảo lợi ích của mình.
Về lý thuyết, trốn được thuế qua việc giảm chi phí đầu vào, đầu ra thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Nhưng thực tế, vì vay ngân hàng nhiều và lãi vay cao, cùng nhiều chi phí cộng gộp… nên doanh nghiệp phải dùng khoản tiền này để bù đắp chi phí.
“Sự gian lận diễn ra quá nhiều, số liệu tài chính mù mờ, chính sách không rõ ràng… là điều rất tồi tệ trong một nền kinh tế. Tài chính không minh bạch sẽ dẫn tới những tiêu cực, gian lận, gây thiệt hại cho nhà nước và các đối tượng liên quan đến doanh nghiệp”- Ông Thanh nói.
Lãi suất chỉ nên 6-7%
Ông Đậu Công Lưu, lãnh đạo một công ty kinh doanh kho bãi tại Hải Phòng cho biết: “Lãi suất cho vay 15%/năm là trên lý thuyết, còn thực tế, doanh nghiệp phải chi thêm 1-2% nữa để vay được vốn. Do đó, doanh nghiệp làm ăn phải có lãi trên 20% mới có lời chút ít”.
Theo ông Lưu, trong điều kiện khó khăn hiện nay, nếu làm ăn nghiêm chỉnh rất khó đạt được lợi nhuận cao như vậy.
May ra, chỉ khối doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có lời được 18%-20%, còn khối sản xuất, đầu tư dự án, nhất là bất động sản thì không thể sống nổi. Hơn nữa, mức chênh tối thiểu 3% lợi nhuận chỉ đủ trang trải chi phí, chứ không có lãi để trả cổ tức, tích lũy.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Cty cổ phần Tập đoàn Thế kỷ cho biết: “Lợi nhuận đầu tư bất động sản giờ rất thấp, có lãi 10% trên doanh số là quá tốt”.
Nhưng theo ông Hưng, thời điểm hiện nay, giá bất động sản đã giảm mạnh (giảm tới 30-40% so với 2 năm trước), chi phí đầu tư tăng, thị trường đóng băng nên tiêu thụ rất khó.
“Nếu doanh nghiệp vay lãi suất 15%/năm, tỷ lệ vốn vay chiếm 50% tổng giá trị đầu tư công trình thì lãi phải trả là 7,5%/năm. Với lợi nhuận 10% như trên, người mua chỉ chậm trả một năm thì chủ dự án hết cả lợi nhuận”- Ông Hưng nhẩm tính.
Theo ông Hưng, lãi suất 15% doanh nghiệp rất khó sống. Lãi suất cho vay chỉ nên dưới 10%, còn lãi suất huy động khoảng 6-7%, như thế ngân hàng có lãi, mà doanh nghiệp cũng chịu được. Việc giảm lãi này chẳng có gì khó cả, nếu ngân hàng xử lý được vấn đề nợ xấu.
(TPO) Thu Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét