Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012


08:19

 Hà Nội:

Phá tan di tích quốc gia để… xây mới!*


Sau bài phóng sự "“Đập cổ kính xưa” dựng… chùa mới” (LĐ số 197, ngày 24.8.2012), liên tiếp thông tin đã ùa về chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) - ngôi cổ tự tuyệt bích được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia đã gần nửa thế kỷ.


Nhà tổ và gác khánh được xây mới 100%. Ảnh: Đ.D.H

Cán bộ xã, huyện xôn xao đến kiểm tra, đoàn thanh tra của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, với sự tham gia của Cục Di sản văn hóa và cơ quan hữu trách cũng đã về thị sát chùa Trăm Gian ngay sau khi báo Lao Động số 197 phát hành được… vài tiếng đồng hồ. Các chuyên gia văn hóa, bảo tồn có uy tín, ngay cả bản thân người trụ trì chùa Trăm Gian cũng liên lạc với người viết bài để bày tỏ quan điểm. Và cuối cùng, sự “thảm sát” di sản kể trên đã dẫn những người có lương tri đến một con toán buồn chẳng đặng đừng: Những kẽ hở trong quản lý di tích của chúng ta đã có thể khiến cả trăm gian chùa (như chùa Trăm Gian!) bị chui tọt vào một “lỗ kim” tưởng như bé xíu của các nhà quản lý!

Không biết và… chưa biết!


Người trụ trì chùa Trăm Gian gọi cho phóng viên khóc lóc bi thiết qua điện thoại. Bà hủy cuộc hẹn với chúng tôi, vì theo bà, “thanh tra bộ” đang làm việc tại chùa. Lãnh đạo xã Tiên Phương xác nhận, trước các "quan" thanh tra, người chỉ huy “xây chùa mới” đã nghiêm túc nhận lỗi. Khuyết điểm của người “chỉ huy” dỡ toàn bộ các hạng mục ra xây mới (như bài báo phản ánh) ở chùa Trăm Gian thì đã quá rõ. Tuy nhiên, dù xử lý thế nào thì sự cũng đã rồi, tức là di sản quý báu đã bị tàn sát trọn vẹn để đổi thiên thu chỉ lấy… một ngày.

Suốt nhiều tháng thi công, dỡ bay trọn vẹn nhà tổ và gác khánh khổng lồ, thế mà cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền địa phương hầu như không biết hoặc không có động thái cứu di tích một cách hữu hiệu. Chùa Trăm Gian, tính theo 4 cái cột là một gian, thì nó có tới 104 gian! Chùa khổng lồ như thế, nườm nượp thợ, rầm rập gỗ gạch, đinh tai cưa đục và búa tạ phá dỡ như thế, sao cán bộ xã không biết? Làm việc với PV Lao Động tại trụ sở UBND xã, khi được hỏi: Ai đang dỡ chùa, dự án nào?; số tiền đầu tư là bao nhiêu, do tổ chức cá nhân nào cấp…? cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và cả Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Tiên Phương đều trả lời là “không biết”, hoặc “hình như là…”.

Trao đổi qua điện thoại với PV Lao Động, ông Hiến, Trưởng phòng Văn hóa huyện - cũng chịu không biết việc đang có “đại công trường” tàn phá di sản chùa Trăm Gian. Sau cả ngày lục tìm, ông có gọi cho chúng tôi, nói là hình như từ năm 2009 hay 2010 gì đó, bên thành phố, có cái dự án nào đó liên quan đến chùa thì phải.

Kẽ hở sẽ nuốt cả chùa "nghìn gian"…


Chuyện còn lạ lùng đến mức: Chúng tôi cả ngày liên lạc, “bám gót” cán bộ Sở VHTTDL Hà Nội, rồi Cục trưởng và Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTTDL… để hỏi về vụ việc chùa Trăm Gian, mà vẫn không một thông tin nào được hé lộ. Cả cục trưởng và cục phó, khi “bắt máy” nói chuyện với phóng viên, cũng chỉ một thông tin duy nhất vụ chùa Trăm Gian bị tàn sát, “chúng tôi sẽ kiểm tra”. Đến khi đoàn thanh tra rời chùa nhiều tiếng đồng hồ rồi, trao đổi với nhà báo, lãnh đạo Cục Di sản vẫn chỉ một câu “chúng tôi sẽ kiểm tra”.
TS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích - chủ động gọi cho chúng tôi, chỉ còn biết phán đoán: Có thể người ta đã tự ý sửa chùa Trăm Gian. Bởi nếu có dự án, thì huyện phải trình lên, rồi khi được duyệt thì xã, huyện phải biết, cục phải biết ngay chứ.

Những gì còn lại của di tích sau cơn lốc... trùng tu. Ảnh: Đ.D.H

Với cung cách quản lý hiện nay - nói như các bô lão ở Tiên Phương mà chúng tôi đã gặp - thì đúng là người ta đang “vẽ” việc ra để làm, vì quyền lợi của người ta, rồi giá trị cổ kính tan tành hết cả. Một chuyên gia văn hóa buồn bã thở dài: Tưởng nhà quản lý chặt chẽ lắm, ai ngờ họ để trăm gian chùa chui qua “lỗ kim”, cứ như trò cười. Cứ đà này thì đến chùa nghìn gian cũng bị phá.

Tối 24.8, qua điện thoại, PV LĐ đã trò chuyện với ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL - cùng một cán bộ thanh tra vừa trực tiếp về kiểm tra việc “làm mới” chùa Trăm Gian kể trên. Theo đó, Đoàn thanh tra đã lập biên bản, đình chỉ toàn bộ công trình, người tổ chức thi công đã nhận khuyết điểm. Thậm chí, giấy tờ, văn bản, thỏa thuận để “trùng tu” di tích đều… không có gì! Có thể nói, người ta đã “tự ý phá” chùa, “hủy toàn bộ cấu kiện cũ”,“làm mới 100%” các hạng mục quan trọng của di tích quốc gia kể trên.
(LĐO, tựa đề của Th.Giang) ĐỖ DOÃN HOÀNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét