Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012


23:09

CPI giảm: Niềm tự hào khi xuống 'đáy'?


Vef.vn- Trong khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã lập đáy và vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, thì nhà kinh tế Lê Đăng Doanh lại chưa nhìn thấy cơ sở nào cho cái đáy ấy.

Lạm phát giảm chỉ do… suy thoái

Qua giai đoạn biến động vừa qua, dường như các chính sách và điều hành thường thể hiện sự ứng phó chậm chạp so với biến động của nền kinh tế. CPI tháng 6/2012 là một minh họa.

Vào tháng 4/2012, khi chỉ số tiêu dùng CPI chỉ tăng rất nhẹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn khẳng định chưa có dấu hiệu của giảm phát. Cùng thời điểm, cơ quan này đã lần đầu tiên phải công bố con số hơn 10.000 doanh nghiệp (DN) thực lâm vào vòng phá sản và giải thể tính từ đầu năm 2012.

Nhưng ngay cả thực trạng khốn quẫn của các DN mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư liệt kê cũng chỉ phản ánh một phần nhỏ của thực tế. Nếu vào thời điểm cuối năm 2011, có đến hơn 50.000 DN bị phá sản và giải thể, thì cho đến lúc đó vẫn chưa có bất kỳ một báo cáo nào mang tính thực chất, cũng chẳng tồn tại những con số có tính trung thực làm tấm gương đủ tin cậy phản chiếu về thực tế khốn đốn của nền kinh tế.

Còn sau quý 1/2012, khi những cơ quan quản lý kinh tế không thể tiếp tục trấn an dư luận xã hội bằng sắc màu hồng hào được nữa, thực tế lại khắc nghiệt hơn hẳn: có đến một phần ba số doanh nghiệp không còn đủ sức đóng thuế.

Giờ đây, 6 tháng đầu năm 2012 đã ghi nhận chỉ số CPI chỉ tăng có 2,52% so với thời điểm cuối năm 2011 - một kỷ lục cho công tác chống lạm phát. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng loạt ngành nghề vẫn phải chấp nhận bán sản phẩm dưới giá thành.
Không kể đến ngành vật liệu xây dựng với núi hàng tồn kho về sắt thép, xi măng, ngay cả ngành thủy sản như cá tra, ngành thực phẩm như thịt heo và chăn nuôi - những mặt hàng tưởng như thiết yếu với đời sống dân sinh và do đó có thể giữ được giá - cũng tuột dốc không phanh. Trong khi đó, nông dân miền Tây Nam bộ đua nhau chặt dừa vì thương lái Trung Quốc bỏ hợp đồng. Với những người nông dân chân lấm tay bùn, cái có thể đo đếm được chỉ là một sớm một chiều không đủ gạo ăn…

Khác hẳn với thời điểm cuối năm ngoái, thời gian này lại hiển hiện quá nhiều minh họa sống động về những ngành nghề đang bị tiêu tán sức đề kháng cuối cùng của chúng.

Thực trạng trên có lẽ đã phản ánh đúng nghĩa của hiện tượng chỉ số CPI quốc gia giảm 0,26% trong tháng 6/2012 - hình ảnh tuột dốc lần đầu tiên sau 38 tháng tăng liên tục. Nhưng trái ngược với báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước, phản ứng của giới phân tích lại khá trầm uẩn.

Dù tạm thời không còn bị đe dọa bởi bóng ma lạm phát, nhưng ai cũng nhận ra câu chuyện lạm phát giảm chỉ do nó bắt buộc phải giảm, trong bối cảnh nền kinh tế đang hiện ra những dấu hiệu kiệt quệ về sức mua và khả năng kích thích phục hồi.

Niềm tự hào ở “vùng đáy”?

Với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, CPI của một tháng ở mức âm chưa đủ cơ sở để khẳng định nền kinh tế rơi vào thời kỳ giảm phát.
Nhưng nhìn từ CPI tháng 6/2012 có thể thấy rằng dấu hiệu giảm phát đã xuất hiện, với nguyên nhân cơ bản là tổng cầu đi xuống do hệ quả của việc thắt chặt tiền tệ quá mạnh. Cũng theo ông, đây là một vòng luẩn quẩn, giảm tổng cầu dẫn đến giảm giá cả hàng hóa, nợ xấu tăng lên, sản xuất đình trệ, thất nghiệp tăng, thu nhập dân cư giảm và lại kéo theo giảm tổng cầu…

Từ tháng 5/2012, người ta đã không còn nhận thấy sự xuất hiện của một số quan chức quen thuộc kèm theo lời tuyên bố hùng hồn về kinh tế vẫn tiếp tục phát triển ổn định mà chưa có dấu hiệu giảm phát.

Ngược lại, lãi suất liên tiếp được kéo hạ và chỉ trong một thời gian ngắn đã lập kỷ lục thế giới với mức giảm đến 5%. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn hầu như chưa có biến chuyển nào tích cực. Phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa tìm thấy lối ra khả dĩ ở đoạn cuối con đường.

Cách thức duy nhất để hạn chế tình trạng đình đốn và nguy cơ giảm phát là cung tín dụng, và hơn nữa tín dụng phải được cung cấp một cách hợp lý. Trong một thuyết minh trước Quốc hội vào đầu tháng 6/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã “tiết lộ” rằng trong 4 tháng đầu năm 2012, cơ quan này đã bơm vào nền kinh tế một con số khủng khiếp - 180.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, nhiều đại biểu Quốc hội lại tỏ ra hết sức ngạc nhiên xen lẫn thất vọng vì đã không có bất cứ một bằng chứng nào cho thấy số tiền khổng lồ đó đến được tay các doanh nghiệp đang đói vốn. Nói cách khác, dường như tiền từ ngân hàng được bơm ra, chạy lòng vòng giữa các ngân hàng với nhau vì những mục tiêu thầm kín nào đó, rồi sau đó lại trở về trạng thái y nguyên trong ngân hàng.

Cũng có nghĩa là ít nhất trong Quý 1/2012, cơ chế siết tín dụng quá đà vẫn phát huy tác dụng. Những chuyên gia như Vũ Đình Ánh, Bùi Kiến Thành - những người đã quá nhiều lần phải cảnh báo về hệ quả có thể xảy ra từ việc vận dụng và có thể cả lợi dụng Nghị quyết 11 của Chính phủ - đã không thể hài lòng chút nào trước thái độ lầm lì của nhóm ngân hàng.

Nói cách khác, ai nói gì cứ nói, đường của ai người đó cứ đi.

Còn bây giờ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý bắt đầu chiến dịch bơm tiền cho nền kinh tế. Hơn nữa, tiền còn có thể được bơm một cách phóng khoáng, cần thiết thì “quyết liệt”, khác hẳn thái độ “điều hành linh hoạt và thận trọng” trước đây.

Nhưng cũng chỉ mới vài tháng qua, điều ẩn giấu lâu ngày mới bộc lộ: hầu hết các ngân hàng lớn đều nằm trong tình trạng ứ tiền mà không thể tiêu thụ được. Cũng bởi thế, mục tiêu phục hồi nên kinh tế lại gần như đồng nghĩa với phương cách cứu vãn ngân hàng.
Xét cho cùng, chưa có gì đáng để tự hào với hình ảnh CPI giảm mạnh.
Việt Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét