22:01
Điện,
nước thất thoát:
Túi tiền dân "teo" lại
TT - Giá điện
vừa tăng, người dân thêm lo ngại khi Bộ Tài chính mở đường cho doanh nghiệp
tăng giá nước. Trong khi đó, tổn thất điện nước vẫn ở mức cao, doanh nghiệp
lại được phép “chia” cho người dân gánh chịu.
Điện: tổn thất
cả ngàn tỉ đồng
Sau nhiều năm tích cực giảm tổn thất điện năng, thế nhưng mức tổn
thất này ở VN vẫn là 9-10% và sắp tới có thể tăng lên... Tổn thất trên sẽ
phải được tính vào giá thành và cuối cùng người phải chi trả không ai khác là
người tiêu dùng.
Theo ông Dương Quang Thành - phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực
VN (EVN), tổn thất điện năng dự kiến năm 2012 đạt mức 9,2%. Như vậy, với kế
hoạch tổng lượng sản xuất ra mua vào năm 2012 của EVN là trên 118 tỉ kWh,
tổng số điện tổn thất sẽ lên tới khoảng 11 tỉ kWh. Theo một quan chức Hiệp
hội Năng lượng VN, tất nhiên mức tổn thất trên sẽ được EVN nhân với giá thành
mua điện và số tiền phải tính vào giá thành bán điện chắc chắn cũng lên đến cả
ngàn tỉ đồng.
Trong khi đó, việc giảm mức tổn thất theo tính toán của Bộ Lao
động - thương binh và xã hội (từ báo cáo của EVN từ năm 2008 đến nay), mỗi
năm tập đoàn này giảm được khoảng 0,93% tổn thất điện năng và đã giúp tiết
kiệm được khoảng 200 tỉ đồng.
Giảm tổn thất:
điều không thể
Ông Đinh Thế Phúc, cục phó Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương,
xác nhận tổn thất điện năng hiện nay đang được tính vào giá thành điện của
EVN, bởi họ không thể tính vào đâu khác và về nguyên tắc điều này được phép.
Ông Phúc cho rằng hiện tổn thất điện năng chủ yếu là tổn thất về mặt kỹ
thuật... Theo ông Phạm Lê Thanh, tổng giám đốc EVN, trong một phát biểu tại
Bộ Công thương cho rằng trong quá trình truyền tải điện trên đường dây bao
giờ cũng phát sinh tổn thất. Vì vậy giảm hết tổn thất điện năng là điều...
không thể.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức EVN cho biết muốn giảm tổn
thất điện năng, điều quan trọng nhất là phải cải tạo hệ thống truyền dẫn
điện, chống được tình trạng quá tải... Chi phí để làm việc này cực cao, vượt
quá khả năng tài chính của EVN nên chỉ có thể làm dần dần, từng bước, không
thể giảm nhanh được. “Muốn giảm tổn thất xuống 5% cũng được, nhưng phải đầu
tư cả trăm ngàn tỉ đồng để chống quá tải, thay hệ thống dây điện cũ nát, thay
mới các trạm biến áp...” - quan chức này nói.
Nếu như năm 1995, tổn thất chung của cả nước lên tới 21,5% thì
đến năm 2008, mức tổn thất xuống còn 9,21%. Về tiềm năng giảm tổn thất điện
năng, ngay Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng trong cuộc trả lời trực
tuyến tại website Chính phủ ngày 28-6 đã thẳng thắn: “Hi vọng thời gian tới
tổn thất sẽ tiếp tục giảm xuống. Đây là vấn đề rất quan trọng, EVN cần tiếp
tục quan tâm trong thời gian tới, tiến tới mức trung bình của các nước trong
khu vực là khoảng 5%”.
Bao giờ đạt đến
5%?
Tuy nhiên để thực hiện con số “trong mơ” 5% này quả là nhiệm vụ
bất khả thi. Vì ngay cả trong báo cáo năm 2009 của EVN cho thấy mức tổn thất
của EVN còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cả... quyết tâm. Cụ thể sáu
tháng đầu năm do suy thoái kinh tế, nhiều khách hàng công nghiệp cắt giảm
tiêu thụ dẫn đến nhiều trạm biến áp bị non tải, đẩy mức tổn thất lên tới
10,3%, vượt mức năm 2008. EVN phải có chỉ thị về các nhiệm vụ trọng tâm trong
giảm tổn thất điện năng và ban hành tài liệu hướng dẫn. “Các đơn vị thực hiện
quyết liệt” nên theo EVN, kết quả cả năm 2009 tổn thất chỉ còn trung bình
9,7%, thấp hơn 0,1% so với chỉ tiêu Bộ Công thương giao.
Theo ông Dương Quang Thành, do năm 2013 các nhà máy điện ở miền
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Bộ Công thương đã phê duyệt kế hoạch
giảm tổn thất điện năng, tới năm 2015 mức tổn thất phải giảm còn 8,9%, đến
năm 2016 còn 7,9%... Cho rằng tính toán trên là trên tình hình thực tế theo
báo cáo của EVN, quan chức Hiệp hội Năng lượng đề nghị cần đẩy mạnh đầu tư, tăng
phí truyền tải điện mà EVN cần trả cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia
lên mức hợp lý để họ có tiền đầu tư vào đường dây, trạm điện. Điều này vừa
giúp giảm tổn thất điện năng vừa tránh nguy cơ nhiều nhà máy điện hoàn thành
nhưng vẫn không thể phát điện do thiếu đường dây như chính tổng giám đốc Tổng
công ty Truyền tải điện quốc gia từng cảnh báo.
CẦM VĂN KÌNH
Nước: còn tăng
giá nữa
Bộ Tài chính vừa ban hành khung giá nước sinh hoạt có mức tăng
tối đa lên 18.000 đồng/m3 ở các đô thị loại 1 như Hà Nội, TP.HCM từ ngày
11-7. Mặc dù giá nước hiện tại ở TP.HCM chưa tăng nhưng với khung giá trên,
Bộ Tài chính đã “bật đèn xanh” cho các đơn vị cấp nước xây dựng lộ trình tăng
giá trong thời gian tới.
Tỉ lệ thất thoát nước quá cao như hiện nay là một trong những
nguyên nhân góp phần đẩy giá nước lên cao vì một phần thất thoát này được đưa
vào cơ cấu giá nước. Theo quyết định 103 (năm 2009) của UBND TP.HCM, giá nước
trong các năm từ 2010 đến 2013 liên tục tăng mức 10%/năm. Vì vậy, sau năm
2013, lộ trình tăng giá nước theo khung giá mới mà Bộ Tài chính vừa ban hành
sẽ được TP.HCM tính toán tiếp. Hiện tại giá nước vẫn áp dụng theo quyết định
103.
Theo báo cáo của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), tỉ lệ
thất thoát năm 2008 lên đến 42,54%. Nhờ triển khai nhiều giải pháp, đến nay
tỉ lệ thất thoát còn ở mức 38,43%. Như vậy gần bốn năm qua, Sawaco giảm hơn
4% tỉ lệ thất thoát nước. Sawaco cho rằng để đạt kết quả trên đây là một sự
nỗ lực rất lớn của Sawaco. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng kết quả trên chưa
đáp ứng được sự mong đợi. Cụ thể, Sawaco được HĐND TP.HCM cho phép đưa 29% tỉ
lệ thất thoát nước vào giá thành (bắt đầu năm 2008) và đề nghị giảm tỉ lệ
thất thoát 0,5% mỗi năm. Như vậy đến cuối năm 2012, tỉ lệ được đưa vào giá
nước hiện nay là 26%.
Theo các chuyên gia tính toán, với công suất cấp nước trên địa
bàn TP hiện nay là 1,53 triệu m3/ngày và tỉ lệ thất thoát nước là 38,43% thì
mỗi ngày TP thất thoát 587.979m3. Nếu nhân với đơn giá sinh hoạt thấp nhất
hiện nay (4.800 đồng/m3 - chưa VAT) thì số tiền thất thoát hơn 2,8 tỉ đồng
mỗi ngày, còn nếu theo đơn giá sinh hoạt cao nhất (11.000 đồng/m3) thì số
tiền thất thoát hơn 6,4 tỉ đồng/ngày. Một chuyên gia ngành cấp nước phân tích
số lượng nước thất thoát nước như trên gần gấp đôi công suất của Nhà máy nước
Tân Hiệp (công suất 300.000m3/ngày) được đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng. Theo kế
hoạch cấp nước từ nay đến năm 2015, Sawaco sẽ tiếp tục xây dựng Nhà máy nước
Tân Hiệp 2 với công suất tương đương Nhà máy nước Tân Hiệp hiện tại. Vì vậy
nếu thực hiện chống thất thoát nước tốt thì Sawaco không phải tốn cả ngàn tỉ
đồng để xây dựng nhà máy nước mới mà còn thu về hàng chục tỉ đồng mỗi tháng
nhờ giảm được lượng nước thất thoát. “Rõ ràng khi đó giá nước cũng sẽ giảm ở
mức độ tương ứng” - chuyên gia trên nhận định.
Trong hoạt động đặc thù như hoạt động cấp nước thì việc thất
thoát là đương nhiên, các nước tiên tiến cũng vậy. Tuy nhiên việc duy trì tỉ
lệ thất thoát nước cao ngất ngưởng trong nhiều năm liền ở một đô thị lớn như
TP.HCM là điều khó chấp nhận. Càng khó chấp nhận hơn khi phần lớn tỉ lệ thất
thoát đó bắt người dân phải gánh chịu. Khi nào tỉ lệ thất thoát nước còn cao
thì việc tăng giá nước rất khó nhận được sự đồng thuận từ người dân.
QUANG KHẢI
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét