Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012


19:15

Hô biến “đất vàng” công nghiệp biến thành chung cư, văn phòng

 

(Dân trí) - Những chung cư, văn phòng ùn ùn mọc lên từ đất vàng công nghiệp, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng công viên hay trường học nào…


Những chung cư cao tầng nằm san sát nhau sẽ mọc lên trên đường Nguyễn Trãi

Chuyển đổi nhanh chóng mặt
Cả Hà Nội trước khi quy hoạch được chính phủ phê duyệt năm 1998 có hơn 900 ha đất các khu công nghiệp và điểm công nghiệp nhỏ lẻ. Từ đầu những năm 2000, TP đã có chủ trương di dời các khu công nghiệp, điểm công nghiệp ra ngoại thành HN để khai thác tốt hơn hiệu quả sử dụng đất và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Theo quy hoạch, ngoài một số ít diện tích được phép xây nhà ở thì phần lớn diện tích sẽ nhường chỗ cho các công trình công cộng như: Công viên, trường học, hầm xe…
Nếu nhìn và tin vào chủ trương này của TP Hà Nội hơn 10 năm trước thì hiện tại diện mạo của hơn 900 ha đất hiện nay hoàn toàn trái ngược. Đầu đường Nguyễn Trãi, qua cầu vượt Ngã Tư Sở là hàng loạt các công trình ngày đêm liên tục thi công trên nền đất một thời được coi là biểu tượng công nghiệp Hà Nội, khu Cao-Xà-Lá (Cao su, Xà phòng, Thuốc Lá).
Dường như bối cảnh chung thị thị trường BĐS không ảnh hưởng tới khu vực này, hàng đêm nườm nượp xe tải lớn nhỏ chở vật liệu xây dựng ùn ùn chạy vào các công trình sáng đèn. Theo dự kiến, trên diện tích đất cũ của các nhà máy xí nghiệp này sẽ mọc lên những tòa chung cư, văn phòng cao hàng chục tầng san sát nhau.
Nhìn lại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội sau khi dời sẽ thấy điều trùng khớp là: Đất công nghiệp cũ đều đã thành chung cư, văn phòng.
Khu vực dệt 8/3 trên đường Minh Khai với khoảng 20ha trước đây dự kiến trở thành khu vực công cộng và dịch vụ thương mại thì đến nay biến thành khu chung cư.
Cây xanh, trường học ở đâu
Trong khi đó chỉ tiêu nâng cao chất lượng sống người dân trong quy hoạch đang bị giảm đi đáng kể. Hiện tại, cây xanh công cộng trong nội thành chỉ là khoảng hơn 1m2/ người, ngoại thành chỉ 5m2. Theo chỉ tiêu quy hoạch năm 1998 chỉ tiêu trong nội đô phải là 8m2 cây xanh/người, cả HN phải là 11 đến 13 m2 cây xanh/người.
Hiện tại, các khu đô thị, chung cư nhà cao tầng mọc lên càng nhiều việc xây mới trường học lại phát triển với tỷ lệ nghịch. Đặc biệt, phường Ngã Tư Sở thiếu cả trường mầm non, lẫn tiểu học, THCS.
Trong khi  phường này có nhiều nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc diện phải di chuyển. Điển hình như khu đất của Công ty CP Nhựa Y tế với diện tích hơn 2.700 m2. Đơn vị này sắp di dời nhà xưởng tới Bắc Ninh song lô đất cũ lại được lập dự án xây dựng trung tâm thương mại. Hay lô đất của Công ty CP XNK Mây tre 100 Thái Thịnh đã có quy hoạch xây dựng trường mầm non song vẫn được doanh nghiệp lập dự án xây dựng nhà ở.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, ở 25 khu đô thị (KĐT), khu nhà ở, khu tái định cư mới của TP còn thiếu gần 60 trường công lập từ cấp mầm non đến THCS. Nếu tính cả các trường tư thục, vẫn đang có tới 13 KĐT, khu tái định cư không có trường mầm non, 11 KĐT không có trường tiểu học và 10 KĐT không có trường THCS.
Cơ chế đặc thù
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội thì trong quá trình chuyển đổi chức năng có cách làm không hợp lý. Ông Nghiem nói đáng lẽ sau quy hoạch chung thì phải triển khai hàng loạt các quy hoạch chi tiết, nhưng các quy hoạch chi tiết thì triển khai rất chậm.
Nguyên nhân chính dẫn đến quy hoạch rối loạn như hiện nay, theo KTS Nghiêm là có những điều chỉnh cục bộ trái quy hoạch chung chi phối bởi lợi ích nhóm. Dẫn dắt nguyên nhân của điều chỉnh cục bộ này, ông Nghiêm cho rằng:  “Quá trình cách làm có vấn đề, chủ đầu tư tự đề xuất rồi TP phê duyệt nhưng Hà Nội thiếu sự kiên quyết. Mà chủ đầu tư đề xuất thì bao giờ cũng phải có lợi nhiều nhất cho họ”.
Ông Nghiêm cho rằng sự thiếu kiên quyết của HN hiện nay là bởi những khu đất này đang thuộc quyền quản lý của các bộ ngành. “Đất đai là công thổ quốc gia nhưng các bộ ngành nghĩ là của mình dẫn đến các xí nghiệp, nhà máy cũng vậy. Nên họ thích làm gì thì làm”.
Theo ông Nghiêm để giải quyết tình trạng vi phạm quy hoạch, quy hoạch lộn xộn như của HN hiện nay thì cần có cơ chế đặc thù mà Luật Thủ đô sắp tới trình QH sẽ là cách giải quyết hợp lý. “Trao quyền cho HN được quyết những việc cụ thể như di dời công nghiệp, bệnh viện, trường học, trụ sở bộ ngành. Nếu không có cơ chế đặc thù thì HN cũng khó quản lý được hết khu đất mà các bộ ngành đang nắm giữ”, ông Nghiêm nói.

Bộ trưởng Xây dựng: Thiết kế đô thị lúng túng, cứ có đất là xây…

Trong buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 5/6 vừa qua,bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận những yếu kém trong quy hoach đô thị.
Bộ trưởng Dũng nói: Chúng ta phát triển thiếu kế hoạch, cứ có đất là phát triển, không căn cứ vào việc tăng dân số tự nhiên và cơ học để có lộ trình phát triển phù hợp, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất đai và phù hợp nhu cầu, đảm bảo yêu cầu về nguồn lực.
Một vấn đề nữa, chúng ta phát triển đô thị nhưng thiếu quy hoạch chi tiết, đặc biệt thiếu thiết kế đô thị, điều lệ quản lý đô thị; công tác thiết kế đô thị còn lúng túng. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến lập các thiết kế đô thị để quản lý kiến trúc cảnh quan phù hợp với mục tiêu phát triển của mỗi đô thị.
Thông Chí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét