11:00
Phiếm:
Giấc mơ ở Văn miếu
SGTT.VN - Một bảo vệ Văn miếu sau nhiều ngày canh gác không cho
sĩ tử sờ đầu rùa, mệt mỏi chợp mắt thì mơ thấy một cụ già bước tới hỏi:
– Sao mấy bữa nay các ngươi lại canh gác ở một nơi đáng ra phải
đón nhận càng nhiều sĩ tử càng tốt?
– Vài bữa nữa là thi đại học nên các em cứ chen vào sờ đầu rùa
lấy hên, ban quản lý phải tăng cường bảo vệ.
– Lạ nhỉ. Với quỷ thần, kính nhi viễn chi, không vồ vập nhưng
cũng không nên quá tin vào. Mà đậu rớt là do tài năng chứ, sao lại dựa vào
chuyện... sờ?
– Ông lại lạc hậu nữa. Bọn trẻ bây giờ làm đủ cách để kiếm tấm
bằng. Nói gì chuyện sờ rùa, chúng còn thi nhau quay cóp, gian lận nữa kìa.
– Nếu vậy người lớn phải xem lại mình, vì trên có ra trên thì
dưới mới ra dưới. Đừng trách bọn trẻ gian, nếu người lớn cũng gian!
– Ông nói hay lắm. Vậy theo ông, còn nước lớn gian thì làm thế
nào?
– Cậu hỏi vậy là sao?
– Vì ngay cả nước lớn như cái quốc gia sinh ra ông Khổng Tử mà
Văn miếu đang thờ, cũng ỷ nước lớn mà chơi gian, mang của cải láng giềng ra
rao bán như thể của mình. Không gian là gọi là gì?
– Thật vậy sao? Bậy quá! Phải lấy câu “Kỷ sở bất dục vật thi ư
nhân” làm đầu. Điều mình không muốn người làm cho mình thì cũng chớ làm cho
người. Pháp luật dựa vào đó mà ra đời. Công pháp quốc tế cũng phải dựa vào đó
mà hành xử. Cậu quả là Hạng Thác tái thế. Thật đáng xấu hổ, xấu hổ!
– Ủa, mắc gì ông phải xấu hổ?
– Vì ta được mệnh danh là vạn thế sư biểu, thầy của muôn đời, vậy
mà không dạy được con cháu thời nay!
– Vậy ra ông là...
Thay cho lời đáp, cụ già ngửa mặt mà than:
– Tên ta là Khâu chứ đâu phải Khấu, thế mà hậu duệ lại có lúc lòi
ra một phường thảo khấu!
NGƯỜI GIÀ CHUYỆN
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét