Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012


08:43
Méo mó thị trường thực phẩm:
Người sản xuất, người tiêu dùng “vỗ béo” trung gian

TT - Dù giá heo, gà, cá tra... khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL đang rớt giá mạnh nhưng trên thị trường, người tiêu dùng đang phải mua giá rất cao, nhiều loại nông sản thực phẩm bị đẩy lên gấp đôi, gấp ba.

Chỉ trong quãng đường từ vài ki lô mét đến vài chục ki lô mét trong nội thành TP.HCM, giá thực phẩm đã bị đẩy lên đủ các mức khác nhau tùy nơi bán, tùy người mua... Các khâu trung gian tha hồ thổi giá và thu lợi nhuận.
Trung gian thổi giá
"Thật vô lý khi người chăn nuôi chúng tôi đang bán với giá rẻ và thua lỗ thì người tiêu dùng vẫn phải trả giá cao. Chính sự chênh lệch bất hợp lý này mà sức mua các sản phẩm nông nghiệp thời gian qua vẫn ở mức thấp khiến tình hình ngày càng tồi tệ hơn"
Ông Nguyễn Văn Ngọc (chủ trại gà ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
Chiều 30-6, anh Phan Văn Thọ (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) bán 2.000 con gà công nghiệp cho một thương lái ở TP.HCM với giá 25.000 đồng/kg. Ngay trong buổi tối hôm đó, toàn bộ số gà trên được vận chuyển đến một trung tâm giết mổ gia cầm tại TP.HCM.
Sau khi giết mổ bỏ lòng và chân, gà được các doanh nghiệp tại đây niêm yết với giá 39.000 đồng/kg. Từ các trung tâm giết mổ, gà được phân phối trực tiếp tới các đầu mối phân phối, siêu thị, chợ lẻ. Từ đầu mối phân phối, gà được chuyển thêm một nấc trung gian là người bán lẻ rồi tới tay người tiêu dùng.
Qua mỗi khâu trung gian, giá gà lại bị đẩy lên một mức mới, thông thường 5.000-6.000 đồng/kg.
Ông Phương, chủ một cơ sở giết mổ tại TP.HCM, cho biết với giá niêm yết trên thì các công ty giết mổ đang có lời 6.000-7.000 đồng/kg, các nhà bán lẻ cứ đẩy giá thêm 5.000-6.000 đồng/kg qua mỗi nấc trung gian trong khi thông thường mức lợi nhuận ở các khâu này chỉ chiếm 1.000-1.500 đồng/kg.
Giải thích về sự chênh lệch trên, ông Phương cho hay tiền vận chuyển từ Đồng Nai lên TP.HCM là 1.000 đồng/kg, tỉ lệ thu hồi gà sau giết mổ so với trước giết mổ vào khoảng 0,8 (1kg gà lông cho 0,8kg gà thịt sau giết mổ) nên với giá mua tại trại là 25.000 đồng/kg thì giá thành sau giết mổ sẽ là (25.000 + 1.000)/0,8 = 32.500 đồng/kg.
“Một số chi phí khác như công giết mổ, môi trường, thú y... sẽ được bù vào bằng tiền bán phụ phẩm gà” - ông Phương cho biết. Do vậy theo ông Phương, nếu các khâu trung gian đều lấy một mức lợi nhuận “hợp lý” thì giá gà đến tay người tiêu dùng sẽ chỉ ở mức 37.000 đồng/kg.
Thế nhưng theo khảo sát của chúng tôi tại các siêu thị ở TP.HCM, xương gà công nghiệp là bộ phận rẻ tiền nhất cũng có giá 29.000 đồng/kg, trong khi các bộ phận khác có giá cao hơn nhiều như đùi gà góc tư 54.500 đồng/kg, đùi tỏi 73.000 đồng/kg, chân gà 66.000 đồng/kg, lòng gà 52.500 đồng/kg.
Còn ngoài chợ lẻ, chị Nguyễn Thị Lê Trinh, tiểu thương tại chợ Bình Trị Đông (Bình Tân), cho biết giá gà biến động ở từng chợ nhưng thông thường đều ở mức trên 45.000 đồng/kg đối với gà nguyên con. Một số chợ nhỏ ở các khu phố, gà công nghiệp được bán với giá 50.000 đồng/kg.
Tương tự, giá các loại thực phẩm khác như thịt gà tam hoàng, thịt heo cũng bị đẩy lên quá cao khi bán lẻ khiến cả người tiêu dùng và người chăn nuôi đều chịu thiệt. Chẳng hạn gà tam hoàng tại trại có giá 37.000-38.000 đồng/kg, giá thành sau giết mổ là 50.000 đồng/kg nhưng tại chợ Bình Trị Đông, các tiểu thương đang bán tới 80.000 đồng/kg.

Sơ đồ giá thực phẩm từ trang trại đến tay người tiêu dùng
Không kiểm soát
Không chỉ có các sản phẩm vật nuôi bị thổi giá qua các khâu trung gian mà thủy sản cũng trong tình trạng tương tự. Mấy tuần gần đây, người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang điêu đứng vì giá cá tra giảm không phanh. Hiện giá cá tra chỉ còn 17.000-18.000 đồng/kg khiến người nuôi lỗ nặng. Theo các công ty xuất khẩu thủy sản, giá cá tra giảm mạnh vì họ không có tiền mua khiến nguồn cung bị dư thừa cục bộ. Cá tra hiện đang thuộc nhóm những loài cá rẻ nhất và nguồn cung dư thừa, nhưng tại thị trường nội địa nhiều nơi không có hàng bán còn giá thì trên trời.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các thương lái miền Tây sau khi mua cá tra ở các ao với mức 17.000-18.000 đồng/kg đã chuyển lên bán cho các chủ vựa tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP.HCM) với giá 20.000-28.000 đồng/kg (tùy loại). Sau đó các chủ vựa tại chợ đầu mối bán cho tiểu thương với giá dao động 21.000-32.000 đồng/kg tùy kích cỡ. Thế nhưng từ chợ Bình Điền về các chợ lẻ, giá cá đã tăng vọt thêm 6.000-7.000 đồng/kg, lên mức 28.000-38.000 đồng/kg. Tại các siêu thị, nhà phân phối bán cá tra còn ở mức cao hơn như tại Metro (chi nhánh trên đường Bình Phú, P.11, Q.6) có giá 37.000-40.000 đồng/kg, tại một số cửa hàng thuộc hệ thống Co.op Mart ở mức trên 40.000 đồng/kg.
Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng thị trường phân phối hàng nông sản tại VN đã thể hiện sự méo mó từ rất lâu nhưng hầu như không có cách nào kiểm soát. Cách buôn bán kiểu mua đứt bán đoạn cho thương lái, không niêm yết giá... đã khiến cả người làm ra sản phẩm lẫn người tiêu dùng chịu thiệt thòi. Hiện tại, nhiều nông dân đang phải bán sản phẩm của họ làm ra với giá thấp hơn giá thành nhưng người tiêu dùng vẫn phải móc túi trả tiền giá cao cho từng bó rau, con cá hay miếng thịt trong bữa ăn hằng ngày.
Anh Trần Quang Trung - chủ trại heo tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai - cho biết giá bán heo hơi hiện tại chỉ còn 38.000-40.000 đồng/kg trong khi giá thành lên đến 47.000-48.000 đồng/kg. Với mỗi con heo 100kg bán ra, người chăn nuôi đang lỗ ít nhất 700.000 đồng.
Phát biểu trong hội nghị đánh giá chương trình bình ổn giá vừa qua, ông Diệp Kỉnh Tần, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thừa nhận do hệ thống phân phối không hợp lý nên có tình trạng một số mặt hàng nông sản từ vườn ra chợ tăng giá tới 100% là điều bất thường.
“Nông dân thì khó khăn thua lỗ nhưng người tiêu dùng phải mua giá rất cao. Đề nghị các bộ liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Công thương, có những nghiên cứu để rà soát nhằm điều chỉnh sự bất hợp lý này, nguyên nhân do đâu và biện pháp khắc phục như thế nào?” - ông Tần bức xúc.
Giá chanh chênh lệch 6 lần
Nông dân trồng chanh ở huyện Đức Hòa, Long An bán tại vườn chỉ có 3.000 đồng/kg nhưng về đến siêu thị ở TP.HCM đã lên tới 17.500 đồng/kg (tăng gần sáu lần) nhưng còn chưa bằng ở các chợ lẻ và điểm bán rau quả khi giá chanh lên đến 25.000 đồng/kg (tăng hơn tám lần).
Giá lúa chất lượng cao tại ĐBSCL hiện chưa đến 6.000 đồng/kg, giá một số loại gạo chất lượng cao tại các chợ ở An Giang có giá 11.500-15.000 đồng/kg (tùy loại) thì đến các cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM tăng lên ít nhất 5.000 đồng/kg.
TRẦN MẠNH - NGỌC QUÝ
Đã có Pháp lệnh giá, rồi nay đã có Luật giá nhưng nghe ra các cơ quan chức năng vẫn lúng túng, chưa biết thực thi Luật thế nào cho dân đỡ khổ. Tại sao cơ quan quản lý không áp dụng biên độ giá (theo tỷ lệ %) tương tự như Ngân hàng (quy định giá đầu vào và giá đầu ra) của mỗi loại hàng hóa cụ thể?  
(Tựa đề Thương Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét