Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

 Hà Nội những năm 2000 - lời khen và…

Cập nhật lúc 11:29

Người xưa có nhiều câu để hình tượng hóa một hiện thực xã hội, chẳng hạn “chân cột đèn là nơi tối nhất”, hay “gần lửa rát mặt”,…

Nhạc sĩ tài hoa Trần Tiến tuổi Đinh Hợi, nói theo cách dân gian là “cầm tinh con lợn”, trong bài hát “Hà Nội những năm 2000” của ông có đoạn lời như sau: 
Hà Nội! những năm hai nghìn; Trời cao Thăng Long bay lên; Nhà cao vươn trong mây xanh; Phố vẫn nhỏ, con đường vẫn nhỏ; Để em bước trong thu vàng…”.
Trần Tiến đã đúng khi dự đoán Hà Nội những năm 2000 “phố vẫn nhỏ, con đường vẫn nhỏ” và “nhà cao vươn trong mây xanh”. 
Có điều chưa chắc Trần Tiến đã biết không ít “nhà cao vươn trong mây xanh” được hình thành bởi “quy hoạch băm nát Thủ đô”, bởi những “vi phạm nghiêm trọng” của một số sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố Hà Nội. 
 
Thành phố Hà Nội thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường nghiêm trọng. Ảnh: Vietnamnet.vn
Phố vẫn nhỏ và con đường vẫn nhỏ vì người ta - cả dân lẫn quan - luôn tìm cách chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, kể cả đất núi, đất ven sông, hồ.
Hà Nội những năm 2000 thời Trần Tiến sáng tác bài hát, được định hướng bởi quan điểm “Hà Nội không vội được đâu”, bởi một đội ngũ không ít lãnh đạo mà Chủ tịch Hà Nội đương nhiệm Nguyễn Đức Chung buộc phải phát biểu: “nguyên tắc của tôi là không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước”. [1]
Tuy ông Chung “không đổ lỗi cho thế hệ trước” song Thanh tra Chính phủ không nghĩ như vậy, kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây do Phó Tổng thanh tra Ngô Văn Khánh ký chỉ rõ: 
Dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội”. [2]
Tuy kết luận những “dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng” xảy ra tại “cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội” là thuộc nhiệm kỳ trước, là những gì mà “thế hệ trước” “nhường” lại cho “nhiệm kỳ sau” giải quyết - theo cách nói của một ông nguyên Bộ trưởng - nhưng cũng cần phải sòng phẳng với nhau, nhiều vị giữ trọng trách hiện tại vốn là thành viên của “thế hệ trước”. 
Thanh tra Chính phủ không chỉ đích danh cơ quan nào nhưng đã khẳng định các cơ quan đó đều thuộc UBND thành phố Hà Nội.
Không khó để đoán định tên các cơ quan có liên quan như Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, Giao thông, Thanh tra, Kiểm tra, Thuế vụ,… 
Nếu quả đúng là có nhiều bộ phận liên đới chịu trách nhiệm như vậy thì không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm của Thành ủy, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND Hà Nội thời kỳ xảy ra sai phạm?
Kết luận của Thanh tra Chính phủ sẽ dẫn đến một câu hỏi - theo cách nói quen thuộc là một “băn khoăn”, rằng vai trò của “thế hệ trước” với những sai phạm ấy có “nghiêm trọng” không?
Nếu “nghiêm trọng” thì do “tập thể lãnh đạo” hay do “cá nhân phụ trách”? 
Dù là ai “phụ trách” thì “di sản” mà họ để lại cho người kế nhiệm cũng không khác mấy so với lời dạy của tiền nhân “người ăn ốc, người đổ vỏ”. 
Cái khác khi vận dụng câu thành ngữ này là ở chỗ ngày nay “ốc” không phải là “ốc” mà có thể là những bằng khen, huân chương, biệt thự, cổ phần, có thể là sự yên ấm của “hậu duệ” ở những nơi vừa mát mẻ, vừa trọng đại… 
Công bằng mà nói, những người lãnh đạo Hà Nội hôm nay phải dũng cảm, phải quyết tâm cao lắm mới dám đương đầu với khối di sản “hoành tráng” mà “thế hệ trước” để lại. 
Đương nhiên vai trò cao nhất, nặng nề nhất của “nhiệm kỳ sau” ở thủ đô là Bí thư Hoàng Trung Hải và Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.
Cả hai vị đều có chung quan điểm chỗ phê phán mạnh mẽ quan điểm “Hà Nội không vội được đâu”. 
Tin và ủng hộ song người dân vẫn sẽ tiếp tục theo dõi, góp ý, kể cả giám sát, phản biện.
Do vị thế công tác, mỗi người có cách xử lý khác nhau nhưng dư luận nhận thấy rõ là Chủ tịch Chung thực sự đang khá “vội”.
Chỉ hơn một năm sau khi gánh trọng trách, dân Tràng An đã thấy ông Chung chỉ đạo chuyện “cắt cỏ ở đại lộ Thăng Long”, chuyện “hút bùn Hồ Tây”, chuyện “bến xe Mỹ Đình”, chuyện khu chung cư Đại Thanh, …
Và từ ngày 1/3/2017 là thí điểm khoán kinh phí xe công cho lãnh đạo 4 sở và 4 quận huyện (các sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội; các quận: Hà Đông, Long Biên; các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm). 
Báo Tienphong.vn dẫn lời một lãnh đạo thành phố cho biết trong đợt thí điểm này có 43 lái xe sẽ bị điều chuyển khỏi biên chế 8 đơn vị nói trên.
Nếu việc khoán thực hiện thuận lợi thì có khoảng 500 lái xe sẽ được đưa ra khỏi biên chế cơ quan công quyền thành phố. [3]
Khoan nói đến số tiền tiết kiệm nhiều tỷ đồng từ việc thanh lý xe công, trả lương lái xe hay các khoản chi phí khác. 
Vấn đề đáng nói là việc làm của Chủ tịch thành phố đã động chạm rất mạnh đến những “barie” vốn đóng rất chắc trong quan niệm của một bộ phận quan chức về quyền lợi mà họ “đương nhiên” được hưởng.
Có những thứ có thể khắc phục, nhưng những “đường cong mềm mại” hiện diện hàng ngày trước mắt người Hà Nội như báo chí đã đề cập liệu có thể nắn thẳng? 
Và những “đường cong mềm mại” khác trong công tác tổ chức cán bộ, trong thi đua khen thưởng, đặc biệt là những “đường cong” ẩn phía hậu trường đến bao giờ mới “thẳng”, mới không bị “cong” chỉ bởi một “ý kiến” chứ không cần xe tải hay máy xúc?  
Vì sao “thế hệ trước” không nghĩ tới, vì sao người ta không dám (hoặc không muốn) thực hiện những điều mang lại lợi ích hiển nhiên cho đất nước và người đóng thuế, do “tâm”, do “tầm” hay còn do điều gì khác mà người dân chưa biết?
Liệu nguyên nhân có phải chỉ là câu chuyện “nhóm lợi ích”, là do một bộ phận (không còn nhỏ) cán bộ, đảng viên chỉ biết “cắp ô” hay còn những điều thuộc về thể chế? 
Có ý kiến cho rằng những ưu tiên dành cho lãnh đạo (nhà công vụ, xe công vụ, cửa hàng cung cấp,…) vốn đã có từ thời xa xưa, duy trì chúng chẳng qua là để bảo đảm an toàn, để các vị ấy có sức khỏe, toàn tâm toàn ý phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân tốt hơn?
Có phải vì thế mà chuyện xe công, chuyện nhà công vụ của quan chức Hà Nội sau khi nghỉ hưu dù báo chí liên tục đề cập song có có trường hợp kéo dài tới tám năm mới xử lý “tàm tạm”?
Nếu được ưu tiên mà phục vụ nhân dân tốt hơn thì chẳng có gì phải bàn, thậm chí còn phải ưu tiên hơn nữa. 
Người dân Singapore xem chuyện lương Thủ tướng cao gấp 4 lần Tổng thống Mỹ là bình thường bởi quốc đảo với hơn 5 triệu dân này có thu nhập bình quân đầu người cao thứ ba trên thế giới (tính theo sức mua tương đương).
Nhìn vào quy định lương, không một công chức nào có thể giàu nhưng thực tế thì có vẻ không vậy, mà người ta nghi ngờ mức độ giàu hình như tỷ lệ thuận với vị thế lãnh đạo. 
Điều này chỉ có thể lý giải bởi những ưu ái không có trong bất kỳ văn bản nào, chẳng hạn khi phạm tội thì thường là rút kinh nghiệm hoặc chuyển sang công tác khác, thậm chí còn được điều chuyển tới vị trí cao hơn.
Sự nương nhẹ trong xử lý vi phạm chính là “bổng lộc” lớn nhất, quan trọng nhất tạo tiền đề cho cán bộ thoải mái làm giàu. 
Chính vì chúng ta đã duy trì ưu đãi mấy chục năm, đặc biệt là từ sau khi chủ trương “đổi mới” ra đời, nên mới xuất hiện ngay tại thủ đô một đội ngũ không ít người chẳng bao giờ phải vội, họ cứ đủng đỉnh cho đến khi cầm sổ hưu mặc cho thủ đô bị “băm nát” và môi trường sống của người dân trở nên ô nhiễm trầm trọng.
Không thể không sốt ruột vì sao một thành phố có đầy đủ nhân tài vật lực, có hẳn Luật Thủ đô và các chế tài trợ giúp mà lại xếp hạng 24/63 về chỉ số cạnh tranh, thua cả những tỉnh ít “tên tuổi” như Đồng Tháp, Lào Cai, Kiên Giang, Long An,…
Việc tưởng rất nhỏ như cắt cỏ, số tiền mà “thế hệ trước” duyệt chi là gần 800 tỷ mỗi năm, nay rút xuống còn gần 200 tỷ, hay chuyện khoán xe công đã được quy định trong Quyết định Số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/8/2015, một năm rưỡi sau mới được thí điểm thực hiện?
Từ cách nói và cách làm của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, có thể tin tưởng, ban lãnh đạo mới của thủ đô có đủ quyết tâm và phương tiện để hoàn thành công việc “khoán” này trong năm 2017.
Có người cho rằng ông Chung “vội” vì có những lý do riêng, có nên suy luận như thế? 
Wolfgang Amadeus Mozart nhạc sĩ thiên tài người Áo sinh năm 1756, mất năm 1791, sự hiện diện của ông trên cõi đời này chỉ kéo dài 35 năm, nhưng Joseph Haydn - người được mệnh danh là "người cha của giao hưởng" và "cha đẻ của tứ tấu dây” - đã phải thốt lên: "hậu thế sẽ không nhìn thấy một tài năng như vậy một lần nữa trong 100 năm". 
Thực tế cho thấy hơn 200 năm qua, nhân loại chưa thấy xuất hiện thiên tài âm nhạc thứ hai ở tuổi 35 như Mozart.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn khi viết bài ca ngợi nữ anh hùng Võ Thị Sáu đã đặt tên bài hát là “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”. 
Thế hệ người Việt ngày nay có lẽ xưng hô “chị” là không phù hợp mà phải là là “bà” Võ Thị Sáu.  
Bà Sáu sinh năm 1933 mất ngày 13/3/1952 tại Côn Đảo. Ra đi ở tuổi 19 nhưng bà để lại cho lịch sử dân tộc một tấm gương sáng nối tiếp khí phách của bà Trưng, bà Triệu.
Có người, bắt đầu một nhiệm kỳ là bắt đầu những toan tính làm sao khi kết thúc nhiệm kỳ cũng là lúc để lại những quảng trường, tượng đài, công trình văn hóa tầm cỡ, trị giá hàng nghìn tỷ. 
Người ta hy vọng sau này các hướng dẫn viên du lịch sẽ kể cho du khách, rằng công trình này được xây dựng bởi quyết định của Bí thư A, Chủ tịch B, rằng nếu không nhờ những quyết sách “sáng suốt” đó thì tỉnh nhà, thành phố nhà sẽ không có được công trình hoành tráng như hôm nay? 
Hà Nội dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long không phải là không có những công trình tầm cỡ “thiên niên kỷ”, chỉ tiếc không hiểu vì sao báo Dantri.com.vn ngày 27/1/2013 lại phải chạy tít “Bảo tàng nghìn tỷ “vắng như chùa bà Đanh”?
Khoa học ghi nhận các tia sét sáng rực bầu trời đêm, với sức mạnh khủng khiếp lại có tuổi đời tính bằng giây chứ không phải bằng phút.
Trong trận chiến, nhiều người trở thành anh hùng chỉ nhờ một hành động đột xuất, như Tố Hữu đã viết: “Có những phút làm nên lịch sử. Có cái chết hóa thành bất tử. Có những lời hơn mọi bài ca”.   
Thế nên quan trọng không phải là tại vị lâu hay chóng mà là làm được gì, để lại gì cho đời sau chứ không phải cố trở thành “bô lão” để rồi “cúi đầu lầm lũi mà đi”. 
Người xưa có nhiều câu để hình tượng hóa một hiện thực xã hội, chẳng hạn “chân cột đèn là nơi tối nhất”, hay “gần lửa rát mặt”,… 
Người Việt nay, đặc biệt là dân Kẻ Chợ còn biết đến câu phát ngôn một thời đã trở thành kim chỉ nam cho “phong cách” lãnh đạo, đó là ở Hà Nội “muốn làm nhanh cũng không được, kể cả những việc nhỏ”.
Những gì mà ban lãnh đạo Hà Nội đang làm và dự định sẽ làm như ngầm hóa hệ thống “mạng nhện”, hay (trích ý kiến của Bí thư Hoàng Trung Hải)  “tập trung cải tạo, làm “sống lại” 4 dòng sông phía Tây thành phố là sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch” có thể xem là những quyết định “vượt qua chính mình” bởi họ chính là những người từng sống trong thời “muốn làm nhanh cũng không được, kể cả những việc nhỏ”. [4]
Chỉ khi nào người lãnh đạo tâm niệm triết lý: “Sống chỉ biết đến bản thân, con cháu, dòng tộc là cách sống hèn, sống không biết đến lợi ích quốc gia dân tộc là cách sống nhục” thì khi đó họ mới có đủ dũng khí để làm việc lớn, để không phung phí quỹ thời gian ngắn ngủi mà tạo hóa ban cho mình.
Vốn chẳng mấy khi tiếp xúc với “quý vị công bộc” từ cấp huyện trở lên, vốn các bài viết chủ yếu là phản biện, do vậy người viết không có “năng khiếu” khen lãnh đạo. 
Viết mấy dòng này chẳng qua là tâm niệm một điều “thấy cái đúng phải khen, thấy cái sai phải chê” cũng giống như những gì từng đề cập trong bài viết “Thắng không cần làm vua, thua dân lập đền thờ”. [5]
Còn nếu bạn đọc có chê trách, vì sao lại đưa nhiều sự tích âm nhạc vào bài viết thế thì xin trả lời: “khi tình yêu không thể diễn tả bằng lời thì âm nhạc lên tiếng”.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/ha-noi-dang-tra-gia-vi-bam-nat-quy-hoach-350173.html
[2]http://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/du-an/du-an-chung-cu-dai-thanh-thanh-tra-chinh-phu-kien-nghi-xu-ly-hinh-su-358992.html
[3]http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ha-noi-khoan-xe-cong-500-lai-xe-phai-chuyen-viec-1126157.tpo
[4]http://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-noi-muon-tai-sinh-4-dong-song-phia-tay-thanh-pho-20170217072954226.htm
[5]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Thang-khong-can-lam-vua-thua-dan-lap-den-tho-post169737.gd
(Theo Giáo dục VN) Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét