Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

 Họp báo Chính phủ chiều nay sẽ "nóng" chuyện ông Trịnh Xuân Thanh?

Cập nhật lúc 17:00    

Vấn đề “ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đang ở đâu” là câu hỏi dư luận đặt ra trong nhiều ngày nay. Cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8 sẽ diễn ra vào 16h30 chiều nay, nhiều khả năng vấn đề này sẽ được đông đảo báo chí quan tâm.

 hop bao chinh phu chieu nay se "nong" chuyen ong trinh xuan thanh? hinh anh 1
Ông Trịnh Xuân Thanh.

Mới đây, lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang đã thông tin, ông Trịnh Xuân Thanh xin nghỉ phép để trị bệnh gần một tháng qua. Còn ông Thanh bệnh gì và trị bệnh ở đâu thì lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang chưa rõ. Cũng theo lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang khi chưa nhận được kết luận, thông báo từ Trung ương về trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh, nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang chưa thể phân công, bố trí công việc cho ông Thanh được.
Dư luận vẫn liên tục đặt câu hỏi hiện ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu? Nhiều phóng viên đã cố gắng liên lạc với ông qua các số máy điện thoại di động ông thường dùng nhưng đều không liên lạc được. Theo một vị nguyên là cán bộ điều tra, đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự mà đang bị cơ quan chức năng xem xét, chưa có kết luận, việc người đó đi đâu, làm gì đều được giám sát chặt chẽ.
Hôm qua 30.8, là thời hạn chót để Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thuyên chuyển, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Trao đổi với Dân Việt hôm nay, GS -TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị - Quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá, thông thường khi một cán bộ của cơ quan nào đó bị kiểm tra, cơ quan chủ quản của người đó có thể ra quyết định cho người cán bộ tạm nghỉ làm việc để phục vụ điều tra. Còn không có quyết định mà người cán bộ tự nghỉ làm sẽ là vi phạm kỷ luật lao động.
Còn theo nhìn nhận của một vị nguyên là Ủy viên TƯ Đảng khi một người đã rơi vào hoàn cảnh đang bị các cơ quan chức năng xem xét như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, về mặt tâm lý thì ông này ở vào tình huống khó xử khi đến cơ quan làm việc mà chưa có sự phân công.
Theo vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư này, hiện nay ông Trịnh Xuân Thanh chưa bị xử lý gì về mặt Đảng, ông vẫn là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Hậu Giang. Nếu bình thường khi đã xác định là người cán bộ, đảng viên, ông Thanh vẫn phải đến cơ quan làm việc, trừ trường hợp bị ốm phải nghỉ để điều trị.
Tuy nhiên, theo vị nguyên Ủy viên TƯ Đảng này, về lý thuyết là như vậy, còn trên thực tế một người đã rơi vào hoàn cảnh đang bị các cơ quan chức năng xem xét như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, về mặt tâm lý, mối quan hệ thì ông Thanh và Tỉnh ủy Hậu Giang đang ở vào tình huống khó xử.
"Khó xử thứ nhất là hiện ông Thanh vẫn là cán bộ, bây giờ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ gì cho ông Thanh làm để phù hợp. Thứ hai, khi làm việc thì vị trí của một Tỉnh ủy viên không thể không tiếp xúc với ai cả, mà tiếp xúc thì lại tâm lý" - vị nguyên Ủy viên TƯ Đảng nói.
Cũng trao đổi với Dân Việt, nhiều phóng viên trong mảnh nội chính cho biết, vấn đề ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đang ở đâu là câu hỏi dư luận đặt ra trong nhiều ngày nay. Và nếu điều kiện cho phép, họ sẽ đặt câu hỏi với đại diện các bộ ngành liên quan và người phát ngôn của Chính phủ trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8, sẽ diễn ra vào 16h30 chiều nay.
Trước đó, liên quan đến sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, ngày 11.7.2016, Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng đã có kết luận bước đầu. Sau kết luận này, ông Thanh đã bị Hội đồng bầu cử quốc gia bác tư cách đại biểu Quốc hội (ông Thanh được giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội ở Hậu Giang), tiếp đến ông Thanh xin không tái cử Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng, Tổng Bí thư đã yêu cầu vụ việc cần tiếp tục được làm rõ. Trong 4 nội dung công việc được Tổng Bí thư yêu cầu làm rõ,  có nội dung đáng chú lý là: Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TƯ chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành công an điều tra làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013) ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo)...
(Theo Dân Viêt) Lương Kết

Kẽ hở bảo mật ngân hàng: Rủi ro từ thẻ tín dụng

Cập nhật lúc 15:14  
 Rủi ro từ chiếc thẻ tín dụng "ai cà cũng được" /// Ảnh: Ngọc Thắng
Rủi ro từ chiếc thẻ tín dụng "ai cà cũng được". ẢNH: NGỌC THẮNG

Không mật khẩu OTP, không cần xác thực qua tin nhắn; không cần mã pin khi thanh toán trực tiếp; ai cũng có thể dễ dàng ký vào hóa đơn... quy trình bảo mật quá đơn giản, dễ dãi của thẻ tín dụng khiến hàng loạt khách hàng liên tiếp bị mất tiền oan trong thời gian gần đây.
Tiếp xúc với Thanh Niên, gia đình anh Trương Đức Anh (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cho đến ngày hôm qua (30.8) vẫn chưa nhận được câu trả lời nào về khoản tiền hơn 30 triệu đồng vừa bị đánh cắp khỏi tài khoản mở tại Ngân hàng (NH) TNHH Australia và New Zealand (ANZ) VN.
Những giao dịch bất thường



Một chiếc thẻ tín dụng có hạn mức hàng trăm triệu đồng, nhưng khi thanh toán, bất cứ ai cũng chỉ cần quẹt một cái là xong thì vô cùng rủi ro. Ít nhất, giao dịch đó phải có mã pin như thẻ ATM để khách hàng tự nhập vào mới đảm bảo an toàn


TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN

Trước đó, trong đơn khiếu nại anh Trương Đức Anh nêu rõ, thẻ tín dụng Visa Credit Card của anh mở tại ANZ đã sử dụng được hơn 3 năm. Vào lúc 12 giờ 32 phút ngày 21.8.2016, anh có nhận được tin nhắn từ dịch vụ SMS Banking của ANZ thông báo có giao dịch được hoàn thành tại trang web tiki.vn và cungmua.com. Lúc đó có khoảng 6 - 7 giao dịch thành công trong vòng 5 phút với mỗi giao dịch có giá trị từ 1.425.000 đồng đến 2.425.000 đồng. Nhận thấy sự việc bất thường, ngay lập tức, anh gọi điện cho tổng đài 19001276 của ANZ để yêu cầu tạm khóa thẻ tín dụng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian trao đổi với nhân viên hỗ trợ của ANZ, đã có thêm 4 giao dịch nữa được thực hiện thành công với giao dịch có giá trị cao nhất là 6.987.000 đồng. Như vậy, trong vòng 15 phút có tổng cộng 11 giao dịch được thực hiện từ tài khoản thẻ của anh với tổng giá trị là 30.997.000 đồng. “Ngay sáng hôm sau tôi đã lên phòng giao dịch của NH ANZ tại Hà Nội để viết đơn khiếu nại về những giao dịch bất thường này. Sau 2 ngày gửi đơn, NH đã gửi email xác nhận nhận được khiếu nại của tôi và chỉ nói sẽ xử lý khiếu nại trong vòng 120 ngày theo quy định của tổ chức thẻ quốc tế Visa”, anh Đức Anh trình bày.
Trong khi đó, anh Vương Quốc (TP.HCM) cũng đã “méo mặt” khi bị mất hơn 19 triệu đồng trong tài khoản thẻ Visa mở tại NH TNHH một thành viên HSBC (VN), do một kẻ lạ mặt đã giao dịch tại cửa hàng điện thoại. Khi trình báo thì anh được nhân viên quầy vặn hỏi “đưa đơn khiếu nại với mục đích gì” và khẳng định “lỗi là lỗi của khách hàng và đơn này sẽ không đi đến đâu đâu”. Sau đó, HSBC gửi mail cho anh viết rằng sau quá trình điều tra, phòng hỗ trợ khiếu nại tìm ra được cửa hàng mà anh đã thanh toán số tiền đó. Cuối thư HSBC luận theo các quy định và tuyên bố “rất tiếc sẽ không giải quyết trường hợp này, không đưa khiếu nại lên visa quốc tế”, và khuyên “nên liên hệ công an để giải quyết”.
Một khách hàng khác là anh V.T.P, giám đốc một công ty về kỹ thuật tại TP.HCM cũng cho biết có mở thẻ Master Debit tại Vietcombank. Sáng 16.8, vừa ngủ dậy, anh nhận được một loạt tin nhắn trong điện thoại. Mở ra thì nhìn thấy 14 tin nhắn thông báo về phát sinh giao dịch trong tài khoản với tổng số tiền gần 18 triệu đồng. Những thanh toán từ tin nhắn số 11 trở đi không thành công do số tiền trong tài khoản không đủ thanh toán theo yêu cầu.
Cũng liên quan đến thẻ tín dụng, khách hàng Phan Diệu Chương (P.Dịch Vọng, TP.Hà Nội), mở thẻ Visa tại NH TMCP Quốc tế (VIB). Sau đó gia đình khách hàng này cũng đã nhận được 3 giao dịch lạ với tổng số tiền hơn 1.500 USD. Khi NH trưng ra bằng chứng thể hiện có người mua hàng ký xác nhận giao dịch, cả hai cha con ông Chương đều khẳng định đó là chữ ký giả, và tài khoản phụ đã bị hack. Bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhận ra chữ ký mẫu in trên thẻ và chữ ký của người mua hàng khác nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, sự việc hiện còn đang gây tranh cãi giữa hai bên.
Bảo mật quá sơ sài
TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN đánh giá, quy trình thanh toán trực tuyến đối với thẻ tín dụng hiện nay khá sơ sài. Khác với thẻ nội địa, khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán trực tuyến, hệ thống chỉ yêu cầu nhập họ tên chủ thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực và mã xác thực thẻ (CVV). Tất cả các thông tin này đều được in ở mặt trước và mặt sau của thẻ. Hiện rất ít NH sử dụng phương thức xác thực bằng mật khẩu dùng một lần (OTP - one time password) để gửi mật khẩu qua tin nhắn cho khách hàng xác nhận trước khi thanh toán.
Phó tổng giám đốc một NH lớn tại Hà Nội cho biết, ở nước ngoài tất cả các NH khi phát hành thẻ tín dụng đều cảnh báo khách hàng vô cùng kỹ lưỡng vì đây là chiếc thẻ tiện ích, xác thực của nó được dựa trên số thẻ, mã xác thực phía mặt sau và đặc biệt chữ ký của chủ thẻ. Khi thanh toán ở bất cứ điểm nào thì nhân viên phải đối chiếu tên, chủ thẻ và chữ ký trên hóa đơn xem có trùng với chữ ký trên thẻ không. Nếu thẻ bị mất tiền thì khách hàng sẽ được các trung tâm thanh toán trực thuộc NH đền bù ngay lập tức. “Tuy nhiên, ở VN nhiều NH không làm việc này, không phối hợp, tập huấn cho các tổ chức trung gian thanh toán. Khi khách hàng đến quẹt thẻ cũng không đối chiếu tên, chữ ký nên bất cứ ai cũng có thể dùng thẻ để sử dụng được. Điều này đã tạo kẽ hở để kẻ gian lợi dụng gây thiệt hại cho khách hàng”, vị này nói.
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), nhìn nhận bản thân chiếc thẻ visa tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Thẻ ghi nợ, thẻ ATM bảo mật nhiều lớp từ mật khẩu, OTP như Vietcombank vừa qua cũng bị hacker lợi dụng dựa trên sự chủ quan của khách hàng thì đối với thẻ tín dụng lại quá đơn giản. Đơn cử như việc thanh toán trên các trang web trực tuyến chỉ cần nhập số thẻ, thời hạn hiệu lực thẻ, mã CVV in phía sau là có thể thanh toán được. Lẽ ra khi thanh toán thẻ tín dụng cũng cần phải có mã xác thực gửi về điện thoại hoặc các thiết bị bảo mật của khách hàng. Chính vì không có những quy trình và lớp bảo vệ đó nên mới xảy ra các vụ mất tiền qua thẻ tín dụng như vừa qua.
“Một chiếc thẻ tín dụng có hạn mức hàng trăm triệu đồng, nhưng khi thanh toán, bất cứ ai cũng chỉ cần quẹt một cái là xong thì vô cùng rủi ro. Ít nhất, giao dịch đó phải có mã pin như thẻ ATM để khách hàng tự nhập vào mới đảm bảo an toàn”, TS Kiêm khuyến nghị.
(Theo Thanh niên) Anh Vũ
Buông 12 “ông lớn”, nhà nước có ngay 7 tỉ USD
Cập nhật lúc 10:15

Việc bán 12 “ông lớn” trong đó có Vinamilk, Sabeco, FPT..., Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải theo thông lệ thị trường, công khai minh bạch...

 Buông 12 “ông lớn”, nhà nước có ngay 7 tỉ USD
Dây chuyền đóng gói sữa hộp tốc độ cao (4,2 triệu sản phẩm/ngày) điều khiển hoàn toàn tự động của Vinamilk tại Bình Dương - Ảnh: T.T.D.

“Việc bán 12 doanh nghiệp nhà nước là thông tin tốt với thị trường. Do đó, SCIC, Bộ Công thương cần sớm công bố thông tin, lộ trình cụ thể để người dân được biết
Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI
Tại cuộc họp với các bộ ngành về chủ trương bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Chính phủ tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tiếp tục bán vốn tại Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc bán 12 “ông lớn” phải theo thông lệ thị trường, công khai minh bạch... để chống tham nhũng tiêu cực, chống lợi ích nhóm, đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước.
Đấu giá, thu được nhiều hơn
Trả lời Tuổi Trẻ về danh sách 10 doanh nghiệp sẽ được bán, ông Nguyễn Đức Chi, chủ tịch hội đồng thành viên SCIC, nhắc đến một số tên tuổi lớn như: Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), Tổng công ty CP Bảo Minh, Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia VN, Công ty CP nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty CP FPT, Công ty CP viễn thông FPT...
Mặc dù ông Nguyễn Đức Chi không nêu cụ thể sẽ bán bao nhiêu, tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 1787 về đề án tái cơ cấu SCIC đã được ban hành thì SCIC sẽ phải thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp trên.
Theo một chuyên gia ngành tài chính, nếu bán hết vốn nhà nước tại 10 công ty thuộc SCIC cùng Habeco, Sabeco, Nhà nước có thể thu được tới 7 tỉ USD (khoảng 150.000 tỉ đồng).
Cụ thể, với 10 doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC, thì riêng tại Vinamilk (Nhà nước giữ 45% cổ phần) với giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hiện nay, chỉ cần Nhà nước bán ra bằng với giá thị trường đã có thể thu được khoảng 4,52 tỉ USD.
Chín doanh nghiệp còn lại, cũng theo cách ước tính trên, có giá trị khoảng 530 triệu USD (10 công ty trong danh mục quản lý của SCIC cơ bản đều đã được niêm yết hoặc cổ phần hóa). Như vậy, tổng số tiền mà Nhà nước có thể thu về qua thoái vốn tại 10 doanh nghiệp tại SCIC, theo tính toán sơ bộ, là trên 5 tỉ USD.
Với hai thương hiệu bia Habeco và Sabeco còn lại, hiện tỉ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp tương ứng là 81,79% và 89,59%.
Chưa có con số chính thức về định giá hai doanh nghiệp này, song năm 2014 hãng bia của Thái Lan là ThaiBev đã đề xuất mua lại toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco với giá 2 tỉ USD. Còn với Habeco, nếu tính theo mức giá mà Carlsberg đã chi ra để mua cổ phần của doanh nghiệp này là trên 50.000 đồng/cổ phiếu, thì giá trị của Habeco được tính toán trên 400 triệu USD.
Như vậy, nếu lộ trình thoái vốn được đưa ra phù hợp thì tổng số tiền có thể thu về qua việc thoái vốn tại 12 doanh nghiệp nêu trên khoảng 7,2 tỉ USD. Đây sẽ là nguồn thu rất lớn trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay.
Theo một chuyên gia về đổi mới và phát triển doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ, việc ước tính giá trị vốn nhà nước bán đi tại 12 doanh nghiệp một cách chính xác không đơn giản. Nếu tính theo số lượng cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp rồi nhân với giá cổ phiếu hiện tại thì chỉ thấy một phần bức tranh. Giá thực sẽ là giá qua đấu giá thành công.
Nếu đấu giá nghiêm túc, giá có thể cao hơn nhiều so với giá hiện tại, thậm chí với một số doanh nghiệp là gấp vài lần. Nhưng nếu cùng lúc bán ra nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn có thể sẽ ảnh hưởng đến giá trị. Vì vậy, rất cần quan tâm đến phương án bán để tránh thất thoát vốn nhà nước và cũng cần cẩn trọng để tránh những doanh nghiệp lớn của VN về tay nước ngoài.

Buông 12 “ông lớn”, nhà nước có ngay 7 tỉ USD

Phải giữ thương hiệu Việt
Trả lời Tuổi Trẻ về phương án bán, ông Nguyễn Đức Chi cho biết đang tính toán lộ trình cụ thể cho 10 doanh nghiệp thuộc diện sẽ bán trong phạm vi quản lý của SCIC theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo minh bạch, theo thị trường và đạt hiệu quả cao nhất.
Với lo ngại các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco... sẽ về hết tay các nhà đầu tư ngoại, ông Nguyễn Đức Chi cho rằng VN đã tham gia một loạt hiệp định thương mại, nhất là TPP.
Do đó, việc bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, không thể phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Ông Chi nhấn mạnh ngay cả khi bán vốn cho nhà đầu tư trong nước nhưng sau này họ lại bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì cũng không ai có thể kiểm soát, ngoại trừ việc có chính sách chung giới hạn sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ở một số lĩnh vực, ngành nghề cụ thể...
Ông Chi khẳng định việc bán vốn nhà nước sẽ được SCIC tính toán theo hướng vừa giữ được thương hiệu Việt vừa đảm bảo sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp...
Nguồn tin tại SCIC thì cho biết phương án bán 10 doanh nghiệp thuộc quyền bán của SCIC đang được xem xét kỹ. Giá sẽ giảm nếu bán ồ ạt. Vì vậy, theo kế hoạch thoái vốn năm 2016, SCIC cho biết có 2 trong 10 danh nghiệp trên nằm trong danh sách thoái vốn trong năm nay. Đó là Công ty CP FPT và Công ty CP xuất nhập khẩu Sa Giang.
Theo bà Mai Kiều Liên - tổng giám đốc Vinamilk, cơ cấu cổ phiếu của Vinamilk hiện đã có 49% là của nước ngoài, chỉ 6% là của các tổ chức, nhà đầu tư cá nhân trong nước nắm giữ. 45% còn lại là do SCIC quản lý.
Trong tỉ lệ nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ, bà Liên cho biết hiện không có ai có đủ tỉ lệ nắm quyền chi phối, mà chủ yếu thuộc về các quỹ đầu tư.
Bà Liên nhấn mạnh trách nhiệm sẽ thuộc về SCIC từ chuyện khi nào Nhà nước thoái vốn, thoái cho ai đến việc thoái thế nào, làm sao để đạt mức thu ngân sách lớn nhất nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển sau này cho Vinamilk...
Lợi đủ đường
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia đều cho rằng việc Nhà nước thoái vốn khỏi các doanh nghiệp là xu hướng tất yếu, lợi nhiều hơn thiệt.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói trong bối cảnh hiện nay không nhất thiết lĩnh vực nào Nhà nước cũng “ôm” mà chỉ nên giữ cổ phần ở những lĩnh vực tối quan trọng của quốc gia hoặc những lĩnh vực mà tư nhân khó đảm nhiệm. Còn ngành nghề nào tư nhân gánh vác được thì nên trao lại cho họ.
Ngay lĩnh vực ngân hàng, theo ông Hiếu, Nhà nước không cần duy trì tỉ lệ sở hữu nhiều như vậy. “Hiện nay kinh tế đã thay đổi, tư nhân đã trưởng thành và họ cũng có tiềm lực, do vậy trong vòng 10 năm tới Nhà nước nên thoái vốn mạnh mẽ khỏi các ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng mà Nhà nước chiếm tỉ lệ chi phối, lên đến 80-90%” - ông Hiếu nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho biết thị trường nhất là các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến thông tin về việc Habeco, Sabeco sẽ niêm yết cổ phiếu và việc SCIC thoái vốn toàn bộ ở Vinamilk...
Ông Hải cho rằng Nhà nước không nên nắm giữ vốn tại các ngành không quan trọng như bia rượu nước giải khát, sữa, khách sạn, nhà hàng...
Vì vậy, việc bán hết vốn nhà nước trên cần sớm thực hiện để giúp thay đổi quản trị, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp. Đây cũng là thông tin tốt cho thị trường. Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, SCIC và Bộ Công thương cần sớm công bố thông tin cụ thể như phương án bán, lộ trình bán... để người dân được biết, tránh việc chậm trễ trong thực hiện.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội):
Đừng bán vốn để tiêu xài
Một trong những việc cần làm để đẩy nhanh bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp là xử lý vấn đề lợi ích nhóm. Cần để cho thị trường giám sát việc bán vốn nhà nước, muốn vậy phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta lại phải bán vốn tại các doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả? Cần làm rõ bán thì tiền đó để làm gì. Nếu bán để tiêu xài thì không nên bán. Bán để chuyển hướng đầu tư thì phải phân tích đầu tư vào lĩnh vực khác có sinh lời bằng cái mình đang đầu tư không?
Như Sabeco, Vinamilk đang làm ăn hiệu quả, nếu bán đi nhưng lại lấy tiền xây trụ sở kém hiệu quả thì có nên không? Cần phân tích kỹ, chứ không phải cứ thoái vốn ào ạt. Vấn đề sử dụng vốn sau khi bán vốn là bài toán phải tính trước.

Giá trị quyền sử dụng đất tính riêng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành giám sát chặt chẽ, tìm kiếm cơ hội để bán được cổ phần với giá cao nhất. Riêng đối với bán vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco - là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, Thủ tướng yêu cầu phải niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước để đảm bảo có lợi cho vốn nhà nước. Ngay cả việc định giá cổ phần cũng phải tổ chức đấu thầu công khai, tránh trường hợp định giá không sát, làm thất thoát vốn nhà nước.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ rõ khi bán cổ phần tại 12 doanh nghiệp nhà nước trên phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong và ngoài nước, giá trị quyền sử dụng đất phải tính riêng. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý cần có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia như Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội, Vinamilk sau khi bán vốn nhà nước.
(Theo Tuổi trẻ) L.THANH - NGỌC AN - T.V.NGHI - A.HỒNG

Nhóm lợi ích có thể vô hiệu hóa và đứng trên pháp luật?

Cập nhật lúc 08:45

Tranh biện trong quá trình tố tụng cần phải được tất cả các bên tham gia tuân thủ ngay từ khi quá trình tố tụng bắt đầu.

Một số vụ án ma túy đã xử có sự khác biệt lớn giữa cáo trạng của Viện Kiểm sát và bản án tuyên tại tòa. Có những vụ kẻ cầm đầu đường dây ma túy lĩnh án nhẹ hơn “đàn em”, trong khi đàn em bị tử hình thì kẻ cầm đầu lĩnh án chung thân.
Vào tháng 1/2004 Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án Dũng “đui” cùng đồng bọn mua bán vận chuyển ma túy.
Tội phạm trong đường dây ma túy lớn này  đã trực tiếp mua bán hơn 10 kg heroin, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Viện Kiểm sát đề nghị 4 án tử hình nhưng phiên sơ thẩm chỉ tuyên 3 án, Dũng “đui” thoát án tử vì lý do thành khẩn khai báo.
Ngày 22/8/2016, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mở phiên xét xử đường dây mua bán 213 bánh heroin do Cao Trí Trung (49 tuổi, quê Bình Định) và 13 đồng phạm thực hiện.
Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố đã đề nghị 6 án tử hình và 3 án chung thân.
Sau hai ngày xét xử và nghị án tòa chỉ tuyên phạt hai bị cáo Trần Tuấn An, Lê Nguyễn Hoàng Anh án tử hình, bảy bị cáo (trong đó có Cao Trí Trung) bị tuyên chung thân và một số án tù khác.
Vì sao một số vụ án có sự khác biệt lớn giữa cáo trạng của Viện Kiểm sát với mức hình phạt tòa dành cho các bị cáo?
Vấn đề có phải chỉ do nhận định của những cá nhân tham gia vụ việc cụ thể hay còn do cách thức lâu nay của các bên tham gia tố tụng chưa bám theo quy định tranh tụng trong Hiến pháp?
Khoản 5 điều 103 Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định "Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm"
Thuật ngữ “tranh tụng” có thể hiểu là sự tổng hợp của hai yếu tố: “tranh biện”  trong “quá trình tố tụng”.
Quá trình tố tụng được bắt đầu từ khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiếp đó Viện Kiểm sát ra cáo trạng chuyển sang Tòa án xét xử.
Điều này cũng có nghĩa ngay từ khâu điều tra đã phải có tranh biện.
Một khi đã có “tranh biện” trong “quá trình tố tụng” thì có nghĩa là cơ quan điều tra phải thận trọng trước khi ra quyết định khởi tố.
Khoản 1 điều 179 Luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can” chỉ khi “có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm”.
 
Vì sao có sự khác biệt lớn giữa cáo trạng và án tuyên (Ảnh minh họa từ baophapluat.vn).
Thực tế cho thấy không ít trường hợp cơ quan điều tra “không muốn khởi tố, không được khởi tố” khi một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm?
Có thể đưa ra một vài ví dụ về ý kiến này:
Vụ việc liên quan đến ông Phí Thái Bình và cộng sự, cơ quan điều tra đã xác định tội danh của nhóm người này, chỉ do quyết định của “Liên ngành tư pháp” mà bên Kiểm sát không thể ban hành cáo trạng và đương nhiên phiên tòa không được mở. Nguyên tắc tranh tụng theo nghĩa “tranh biện khi tố tụng” chỉ thực hiện nửa vời ở khâu điều tra?
Ở đây có thể thấy quy định trong Hiến pháp đã bị “Liên ngành tư pháp” bác bỏ, nói cách khác, một “cơ cấu quyền lực” lập ra không dựa vào bất kỳ điều luật nào lại có thực quyền đứng trên cả Hiến pháp? Điều này phải chăng do nhận thức của công chức hay do bất cập về thể chế?
Ví dụ thứ hai liên quan đến tội “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” trong vụ quán “Xin Chào”, “lều vịt” ở Bình Chánh hay tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” đối với bị cáo Yee Lip Chee vụ Nguyễn Thị Bạch Tuyết ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi xét xử, tòa án đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ vai trò của Yee Lip Chee trong vụ án này.
Nhưng quyết định này đến nay vẫn chưa được thực hiện. Trường hợp này không phải là “không được khởi tố” mà là “không muốn khởi tố”.
Điều dễ nhận thấy là những cá nhân liên quan trong vụ việc nêu trên  lại chính là những người tham gia quá trình tố tụng.
Đây không phải là lỗ hổng luật pháp mà chính là sự bao che, dung túng, tạo nên một “nhóm lợi ích” không chỉ chi phối quá trình tố tụng mà còn vô hiệu hóa pháp luật, đứng trên pháp luật.
Viện Kiểm sát phải có tranh biện với bên điều tra ngay trước khi ra cáo trạng, điều này cũng đã được quy định trong luật:
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn và gửi ngay cho Cơ quan điều tra”.
Rõ ràng là bên giữ quyền công tố cần làm rõ các chứng cứ mà bên điều tra cung cấp đã đủ cấu thành tội phạm để ban hành cáo trạng hay chưa, đồng thời cũng phải xem xét các chứng cứ đó phù hợp với khung hình phạt nào?
Về điều này trong không ít trường hợp bên giữ quyền công tố hoặc quá tin vào chứng cứ điều tra hoặc vì lý do nào đó nên ban hành cáo trạng chưa hợp lý, có thể nói là vội vàng dẫn tới vi phạm pháp luật ngay từ khi phiên tòa chưa mở.
Vụ án “lều vịt” và quán cà phê “Xin Chào” là một minh chứng.
Những chứng cứ Công an huyện Bình Chánh cung cấp không đủ cấu thành tội phạm nhưng vì sao Viện Kiểm sát Bình Chánh vẫn ra cáo trạng đối với người dân?
Liệu trong trường hợp này, giữa lãnh đạo Viện Kiểm sát và Công an Bình Chánh có sự “thỏa thuận” nào đó vượt trên các quyền mà luật pháp cho phép hay đơn thuần chỉ là “nhận thức” pháp luật chưa đúng như lời ông Trưởng Công an huyện?
Trở lại vụ án Cao Trí Trung và đồng phạm, từ lời khai của kẻ bị bắt trực tiếp:
Cơ quan chức năng tiếp tục bắt khẩn cấp Cao Trí Trung, thu giữ nhiều viên thuốc lắc, mẫu ma túy trong nhà và xe hơi của người này”… “Trung và Kiều (chưa rõ danh tính) góp tiền để mua heroin và giao cho đàn em Trần Tuấn An đứng ra trực tiếp “gom hàng” đem về cho Kiều cất giữ”. [1]
Nhận định Cao Trí Trung là kẻ khởi xướng, chủ mưu không sai nhưng chứng cứ “phạm tội trực tiếp” và tang vật (nhiều viên thuốc lắc, mẫu ma túy) chưa đủ thuyết phục để tuyên án tử hình bởi chứng cứ thu thập cho thấy Cao Trí Trung phạm tội “tàng trữ ma túy” với lượng nhỏ chứ không thể hiện kẻ này là chủ mưu, cầm đầu đường dây.
Mặt khác, dựa vào lời khai của nhân chứng hoặc chính đương sự để kết án đã mang đến không ít bài học đau xót, điều này đã được chứng minh qua các vụNguyễn Thanh ChấnHuỳnh Văn Nén và mới đây là vụ ông Trần Văn Thêm (81 tuổi) mang án tử tù oan hơn 40 năm.
Đây là lỗ hổng trong luật về “quyền im lặng” mà cho đến gần đây các nhà làm luật nước ta vẫn còn tranh luận, kể cả tại diễn đàn Quốc hội.
Luật pháp một số nước quy định “Quyền im lặng”, theo đó nghi phạm có quyền giữ im lặng để tránh việc tự buộc tội bản thân do cưỡng bức. Một bản (tự) buộc tội bởi chính nghi phạm sẽ không tạo thành một “chứng cứ có thể thừa nhận trước tòa" trừ khi nghi phạm đã được thông báo cho biết "quyền im lặng".
Trong các vụ án đã dẫn, ông Chấn, ông Nén dù đã có đơn tố cáo nhưng không chứng minh được hành động “bức cung, nhục hình” trong quá trình điều tra vì  “thiếu chứng cứ”, vì thế những người thực hiện hành vi “bức cung, nhục hình” nói chung đều thoát tội.
Vì “chứng cứ” được xem là quan trọng hơn lời khai của đương sự hoặc nhân chứng nên thiếu “chứng cứ” thì không thể kết tội. Nguyên tắc này có khi bị lợi dụng nhằm gỡ tội cho cả kẻ phạm tội lẫn người làm sai khi thực hành công vụ.
Ngược lại đa số nghi phạm khai nhận hành vi phạm tội đều bị buộc tội bởi chính lời khai của mình, điều này trái với thông lệ quốc tế nhưng lại tương đối phổ biến trong quá trình tố tụng tại Việt Nam?
Vụ xét xử Cao Trí Trung và đồng bọn có thể coi là mở ra một cánh cửa cho quá trình tiệm cận với nền tư pháp các nước tiên tiến.
Theo nguyên tắc:
Cơ quan điều tra có trách nhiệm tìm chứng cứ để buộc tội còn người dân không có trách nhiệm phải chứng minh mình vô tội” và “một bản (tự) buộc tội bởi chính nghi phạm sẽ không tạo thành một “ chứng cứ có thể thừa nhận trước tòa", nên Hội đồng Xét xử vụ án Cao Trí Trung đã không tuyên án tử hình với bị cáo này.
Đây là một quyết định đúng pháp luật dù rằng có thể nhiều người chưa tán thành. 
Cao Trí Trung thoát án tử vì không đủ chứng cứ ghép y vào tội tử hình chứ không phải vì tội của y chưa đến mức bị tử hình.
Kết luận như vậy không có nghĩa là quy trách nhiệm cho bên này bên kia mà chỉ muốn nhấn mạnh, pháp luật phải được thượng tôn và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải bằng mọi cách làm tròn chức trách của mình.
Vụ án Cao Trí Trung có thể rút ra vài nhận xét:
Thứ nhất, khi đã biết (qua lời khai của kẻ bị bắt) rằng Cao Trí Trung là kẻ cầm đầu, có nên tổ chức trinh sát, theo dõi để bắt quả tang hay phải ngay lập tức bắt giam Trung khiến cho tang vật thu giữ tại chỗ chỉ là một lượng ma túy nhỏ?
Thứ hai, Viện Kiểm sát đề nghị án tử hình với Cao Trí Trung là dựa vào “chứng cứ” hay dựa vào “suy đoán có tội”?
Thứ ba, cần tránh việc kết án nhẹ nhằm bảo vệ bản thân khỏi rơi vào tình trạng người xử án lại trở thành bị cáo như trường hợp cựu thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm, hoặc bị kỷ luật như một số thành viên Hội đồng Xét xử liên quan đến vụ ông Huỳnh Văn Nén…
Không thể tránh khỏi khác biệt giữa cáo trạng và án tuyên, tuy nhiên sự khác biệt lớn giữa cáo trạng và án tuyên cho thấy nhận thức pháp luật của các cơ quan tham gia tố tụng là không đồng đều.
Một mặt nó thể hiện sự độc lập của tòa khi xét xử, mặt khác nếu hình phạt tòa tuyên có sự khác biệt quá lớn (tăng hoặc giảm) so với cáo trạng sẽ đưa đến kết luận hoặc là cáo trạng đưa ra thiếu thuyết phục hoặc (không loại trừ) có sự chạy án.
Tình trạng cứ khởi tố, cứ ra cáo trạng ép tòa phải xử đã được một số chuyên gia đề cập. Vấn đề là nếu Tòa án không thể hiện sự độc lập, không dựa trên nguyên tắc tranh tụng tại tòa mà dựa vào ý kiến chỉ đạo của “liên ngành tư pháp” hay các cơ quan khác thì không có gì đảm bảo sẽ không còn án oan, sai.
Tranh biện trong quá trình tố tụng cần phải được tất cả các bên tham gia tuân thủ ngay từ khi quá trình tố tụng bắt đầu chứ không chỉ là tranh tụng tại tòa.
Sự hiểu lầm này của người dân là bình thường nhưng sẽ là không bình thường nếu đó là cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền tham gia tố tụng.
Tài liệu tham khảo:
 [1] http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ho-so-vu-an/322816/cac-ong-trum-buon-ma-tuy-nhu-rau-lanh-an-tu.html
(Theo Giáo dục VN) Xuân Dương
Ngày 1/9, Venezuela sẽ có đảo chính
Cập nhật lúc 08:22    
Chính quyền Venezuela cáo buộc Mỹ và phe đối lập về âm mưu tổ chức một cuộc đảo chính vào thứ năm tuần này (ngày 1/9). Không khí phản đối sục sôi trong cả nước.
ngay 19 venezela se co dao chinh 
Người dân Venezuela biểu tình
Phe đối lập công bố đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình tại thủ đô Caracas vào ngày 1/9, đòi hỏi phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc bãi nhiệm đối với Tổng thống Nicolas Maduro.
"Rõ ràng phe đối lập là tác giả cuộc cuộc đảo chính được lên kế hoạch thực hiện vào ngày 01 tháng 9. Đó là âm mưu chống phá dân chủ của phe đối lập và lực lượng cánh hữu quốc tế" - kênh truyền hình Hispan TV dẫn lời tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Venezuela, Bernardo Alvarez Herrera.
Theo Thứ trưởng Herrera, chính quyền Obama đang tạo ra sự bất ổn tại Venezuela và trong khu vực như một phần của kế hoạch sặc mùi đế quốc nhằm "chống lại hòa bình và phát triển của dân tộc nhược tiểu".
Tuyên bố của Herrera là một phản ứng trước sự lên án của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby về việc chính quyền Venezuela chuyển từ chế độ quản thúc tại gia sang chế độ giam giữ trong tù đối với nhà lãnh đạo phe đối lập, Daniel Sebayosa.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Venezuela trong những năm gần đây đã trở nên rất căng thẳng, hai nước đã rút đại sứ, các chức năng ngoại giao bây giờ chỉ được thực hiện bởi Đại biện lâm thời. Hồi giữa tháng Sáu, Tổng thống Venezuela tuyên bố sẵn sàng bổ nhiệm đại sứ nước mình tại Mỹ và bình thường hóa quan hệ với Washington. Theo Tổng thống Maduro, trong một cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Delsey Rodriguez của Venezuela, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã đề nghị tổ chức một cuộc họp cấp cao giữa hai nước.
Trong tháng 12 năm 2010, cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã từ chối chấp nhận việc Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm Đại sứ Larry Palmer đến Caracas, cáo buộc rằng nhà ngoại giao này (Palmer) đã có những phát biểu thiếu tôn trọng về Venezuela. Sau đó, Mỹ vô hiệu hóa thị thực của Đại sứ Venezuela Bernardo Alvarez. Kết quả là cho đến nay, giữa hai nước chỉ còn có hoạt động của cơ quan Đại biện lâm thời để giải quyết các vấn đề liên quan đến ngoại giao giữa hai quốc gia.
Dư luận Mỹ, Venezuela và nhiều nước trên thế giới đang hồi hộp chờ đợi kết quả của sự kiện biểu tình tuần hành phản đối chính phủ do phe đối lập tổ chức dưới sự hậu thuẫn của Mỹ vào ngày 1/9 sắp tới ở Caracas. Hi vọng rằng sẽ không có đổ máu.
(Theo RIA) Thiện Tâm

HỖ TRỢ THU MUA MUỐI TẠM TRỮ TẠI KHÁNH HÒA:

Tiền ngân sách phục vụ doanh nghiệp “đi đêm”?

Cập nhật lúc 07:46

 
Số muối của hộ ông Nguyễn Văn Trúng được Cty CP muối Cam Ranh thu mua vẫn chất đống trên gò. Ảnh: N.BĂNG
Một chủ trương, chính sách mang lại phúc lợi cho nhân dân, thế nhưng chủ trương hỗ trợ mua muối tạm trữ cho diêm dân của tỉnh Khánh Hòa lại đưa đến bức xúc, hẫng hụt. Doanh nghiệp được tỉnh chỉ định thu mua muối tồn đọng theo hỗ trợ lãi suất, đã thực hiện theo kiểu “đi đêm”, trong khi đó, chính quyền lại không giữ vai trò giám sát.
Lạ kỳ xuất hiện bản danh sách khác
Dù vụ việc đã bị phát lộ, nhưng đến giờ, khi cơ quan công an vào cuộc điều tra việc thu mua muối không minh bạch của Cty CP muối Cam Ranh, thì nỗi hoài nghi của diêm dân xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa) vẫn chưa được giải tỏa. Họ vẫn không biết rõ vì sao họ không được mua muối theo danh sách đã lập gửi cho chính quyền xã.
Hộ dân có tên trong danh sách được lập nhưng không được thu mua muối, bà Nguyễn Thị Hợp (thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ) cay đắng: “Nếu nói muối tôi không đẹp nên không mua thì không đúng, vì Cty CP muối Cam Ranh có lấy mẫu muối của tôi đi kiểm tra đâu mà biết. Trong khi đó, ruộng muối của tôi kề ruộng muối của ông Nguyễn Văn Trúng (người tự lập danh sách “ma” 8 người (6.250 tấn muối) gồm họ hàng, người làm công cho mình để Cty CP muối Cam Ranh mua muối). Nếu Cty CP muối Cam Ranh tổ chức họp diêm dân chúng tôi trước khi mua muối thì đã không xảy ra chuyện này”.
Ông Trần Văn Lực - Trưởng thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ nói thẳng, việc mua muối của Cty CP muối Cam Ranh rất tùy tiện. “Tôi không hiểu vì sao sau khi sự việc bị phát lộ lại xuất hiện một bản danh sách khác, có những chi tiết khác so với bản danh sách ban đầu tôi lập (hơn 40 hộ dân, với lượng muối tồn đọng hơn 9.000 tấn) gửi lên xã. Về trang đầu tiên trong bản danh sách tôi sao lại từ UBND xã Ninh Thọ thì hoàn toàn trùng khớp. Tuy nhiên, trang thứ 2 lại bị cắt đi một số hộ dân, tổng số lượng muối tồn cũng không khớp, số thứ tự các hộ dân cũng bị khuyết một cách đáng ngờ…” - ông Lực thắc mắc.
Đề ra chủ trương rồi đứng ngoài cuộc (!)
Trả lời báo chí, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ - cho biết: “Năm 2015 khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ thu mua tạm trữ muối cho diêm dân thì Chi cục PTNT đã thông báo xuống tận thôn Xuân Mỹ để lập danh sách lượng muối tồn đọng trong các hộ dân để lập đề án thu mua. Sau đó, trưởng thôn Xuân Mỹ có gửi lên xã một bản danh sách hơn 40 hộ dân với lượng muối tồn khoảng trên 7.000 tấn. Xã đã chuyển danh sách này cho đơn vị trực tiếp thu mua muối là Cty muối Cam Ranh. Tuy nhiên, không hiểu quy trình, tiêu chuẩn thu mua của Cty này như thế nào mà sau đó chỉ thu mua cho hộ ông Trúng”.
Đề cập bản danh sách 8 người bán 6.250 tấn muối cho Cty muối Cam Ranh do ông Trúng tự lập, ông Dũng cho rằng: “Xã hoàn toàn không hề hay biết. Việc lấy mẫu muối để kiểm định, chào hàng, Cty CP muối Cam Ranh làm trực tiếp với người dân không hề thông qua xã”. Ông Dũng thừa nhận xã “đã chưa làm tròn trách nhiệm, thiếu sâu sát trong vấn đề này”.Ông Nguyễn Văn Châu - Phó GĐ Cty CP muối Cam Ranh cho biết, ngày 27.10.2015, Cty tiến hành lập bảng kê thu mua muối của ông Trúng với lý do là người đại diện theo mô hình sản xuất hộ gia đình, bao gồm ông, vợ và con, chị em vợ và cháu họ của ông (!).
Tỉnh Khánh Hòa đề ra chủ trương mua muối nhưng không hề có cơ chế giám sát việc thực hiện. Diêm dân hy vọng bao nhiêu thì sau đó thất vọng bấy nhiêu. Khi việc mua muối không minh bạch của Cty CP muối Cam Ranh xảy ra, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa “chỉ định” trách nhiệm thuộc về Cty CP muối Cam Ranh: “Cty tự hợp đồng với diêm dân mua muối. Đây là quan hệ mua bán, không có bên thứ 3”.
Ông Thiên nói với diêm dân thôn Xuân Mỹ: “Nhà nước hỗ trợ không đáng bao nhiêu hết. Hiểu chưa? Tổng số tiền Nhà nước bỏ ra năm 2015 để chi hỗ trợ lãi suất (6,6%/năm) thu mua muối là hơn 67 triệu đồng thôi”. Không lẽ, tiền ngân sách bỏ ra “phục vụ” cho việc “đi đêm” của doanh nghiệp?
(Theo Lao động) Nhiệt Băng