Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Lỗi tại dạy lịch sử

Cập nhật lúc 14:11

Bộ phim “Hậu duệ mặt trời” dù chưa công chiếu ở Việt Nam nhưng đang gây nên làn sóng bất bình của nhiều người khi có nhiều bạn trẻ trong giới showbiz Việt đang mặc bộ độ quân phục của lính Hàn Quốc và khoe trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều bạn trẻ không biết câu chuyện lính Đại Hàn từng gây nhiều vụ thảm sát ở Nam Trung Bộ vì không được học trong chính sử.

Khi tôi đưa hai bài phóng sự "Ba vụ thảm sát không thể lãng quên" viết về 3 vụ thảm sát do lính Đại Hàn gây ra cho thường dân Việt Nam ở xã Hòa Hiệp, tỉnh Phú Yên vào năm 1966, được viết từ tháng 5/2013 đăng trên Năng lượng Mới và trên PetroTimes.vn lên mạng xã hội đã nhận rất nhiều ý kiến của các bạn trẻ, nhất là các bạn sinh ra ở Phú Yên. Tuy nhiên, hầu hết các bạn đều bảo không biết câu chuyện này trong sách lịch sử.
Bạn trẻ có nickname Lanh Nguyen và cũng cùng lứa tuổi với tôi hỏi: “Sao học lịch sử mình không thấy nói vụ này”.
Bạn Lee Vi quê ở Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Phú Yên thì bảo: “Hóa ra Công viên Hàn - Việt xây từ lúc em còn nhỏ chính là sự chuộc tội tội ác mà lính Đại Hàn đã gây ra cho dân ta. Công viên chắc là được xây trên nơi mà chúng đã cướp đi mạng sống của dân thường vô tội!”
 loi tai sach lich su khong day
Nhà báo Ku Su-jeong (đầu tiên, bên trái) và các thành viên Tổ chức "Tôi và chúng ta" tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát tại Bình An, Tây Sơn, Bình Định
Còn nickname Kim Luận cũng tâm sự: “Chia sẻ bài viết của chị vì những bằng chứng đang hiện hữu tại quê nhà, Hàn Quốc đang cố gắng xóa bỏ tội ác mà lính Đại Hàn đã gây ra trong quá khứ ở quê mình và đền bù những tổn thương mất mát cho người dân nơi đây bằng cách viện trợ xây dựng bệnh viện và các trường học”.
Diễn đàn tuổi trẻ Đông Hòa - Phú Yên thì chia sẻ: “Có lẽ nhờ "hiệu ứng" của phim “Hậu duệ mặt trời” đã giúp cho tôi và mọi người hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc mình”.
Đặc biệt, bạn trẻ Huỳnh Kiến Quốc là một người con Phú Yên đang du học tại Phần Lan thì bày tỏ: Chưa xem phim nên cũng không thể đưa ra bất kì nhận xét nào. Tuy nhiên, khi xem những hình ảnh các bạn trẻ, đặc biệt là những người nổi tiếng trong giới showbiz trong bộ quân phục của Hàn thì tôi không giận mà chỉ thấy buồn. Vì thực tế thì tất cả những người này, không ai có lỗi cả, vì không biết thì làm sao gọi là có lỗi được. Người duy nhất có lỗi ở đây là chính quyền và giáo dục Việt Nam đã không cho chúng ta biết đầy đủ, rõ ràng về lịch sử và bản chất của sự việc thôi. Là con của đất Phú Yên, nhưng tôi cũng chỉ nghe sơ qua về tội ác của lính Đại Hàn qua lời kể của người lớn, chứ có thấy sách vở nào nhắc đến đâu, huống chi đến các bạn trẻ trong Nam, ngoài Bắc”.
 loi tai sach lich su khong day
Ông Nguyễn Hữu Cơ là một trong những người may mắn thoát chết trong ngày 14/5/1966 khi lính Đại Hàn tàn sát dân thường tại xóm Soi, thôn Thọ Lâm, Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên
Quả thật, chính tôi, người viết bài “Ba vụ thảm sát không thể lãng quên” cũng chỉ nghe qua lời kể của ông bà, cha mẹ và những người sống quanh mình. Nhưng câu chuyện vẫn nằm trong tiềm thức, đến năm 2008 đọc bài báo “Nhà báo Ku Su Jeong… để gió cuốn đi” của nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long đăng trên Tạp chí Hồn Việt trong tôi thực sự thôi thúc ý nghĩ phải tìm hiểu về câu chuyện lính Đại Hàn từng làm lính đánh thuê ở miền Nam Việt Nam như thế nào.
Tôi hỏi mượn cuốn luận án tiến sĩ “Mối quan hệ Việt - Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (1955-2005)” của nhà báo Ku Su Jeong bảo vệ thành công tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM vào ngày 18/9/2008 với điểm xuất sắc tuyệt đối (7/7 phiếu của các thành viên trong Hội đồng chấm) để photo và giữ làm tư liệu. Đây là luận án được chị nâng cao từ luận văn Thạc sĩ: “Hàn Quốc và sự can dự trong chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam” bảo vệ từ năm 2000…
Lý do nữa là tôi thực sự xúc động và cảm kích trước hành động như nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long viết: “Tấm lòng ấy cô đã trải ra cùng với những chuyến đi bất tận đến với những gia đình nạn nhân bị thảm sát ở miền Trung. Cô đi không biết mệt mỏi, suốt gần 10 năm qua. Bắt đầu từ năm 1999, 45 ngày đêm, cô vác ba lô đi một mình để tìm cho ra sự thực về những cuộc thảm sát mà cô đã nghiên cứu qua sách báo tài liệu. Cô đến từng thôn ấp Hòa Hiệp Nam, Đa Ngư, Núi Hiềm (Phú Yên), trải dài qua Bình An, Tây Sơn, Tây Vinh, Diên An (Bình Định) và đến Diên Niên, Hà Tây, Phước Bình, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi)…”
Nhưng phải đến tháng 2/2012, có dịp gặp nhà nghiên cứu về Nhật Bản và Hàn Quốc, GS.TS Mun Woong-lee (Đại học Khoa học xã hội, Đại học Quốc gia Seoul) tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM trong lần đầu tiên đến Việt Nam. Ông rất tự hào khi nói rằng, chính “văn hóa cơm trộn” đã tạo nên sự thần kỳ của Hàn Quốc trong thời đại mới nhưng ông cũng không quên xin lỗi dân tộc Việt Nam. Ông cũng thừa nhận một điều chua xót rằng, chính nhờ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam mà Hàn Quốc được hưởng rất nhiều lợi ích về kinh tế. Sự xin lỗi của GS.TS Mun Woong-lee chỉ là một trong hàng trăm nghìn lời xin lỗi trong phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” mà nhân dân Hàn Quốc muốn nói.
Thế là tháng 4/2013 tôi xin phép tòa soạn về quê điền dã để viết loạt bài phóng sự này. Tôi đã gặp những nhân chứng sống, họ được sống và kể lại, có nhiều câu chuyện vẫn ám ảnh tôi qua thời gian. Và tôi đoán chắc rằng rất nhiều bạn trẻ ở quê tôi không hề biết đến những câu chuyện đầy máu và nước mắt của thế hệ cha anh từng trải qua, bởi các em chưa được học trong chính sử.
Bởi thế, việc làn sóng Hàn Quốc tràn qua các nước châu Á, trong đó có Việt Nam từ đầu năm 2000 tới nay gần như xóa đi rất nhiều dấu vết lịch sử đen tối mà quân đội Đại Hàn từng gây ra cho thường dân Việt Nam trước 1975. Và khi chính sử im tiếng thì làm sao giới trẻ biết được. Cách dùng "sức mạnh mềm" văn hóa của Hàn Quốc cực kỳ thành công, mà cụ thể là qua phim ảnh và âm nhạc, góp phần để giới trẻ các nước châu Á thần tượng rất nhiều diễn viên, ca sĩ, nhóm nhạc K’pop Hàn Quốc, sử dụng hàng hóa Hàn Quốc, du học, du lịch đến Hàn Quốc... Tuy nhiên, qua bộ phim “Hậu duệ mặt trời” với cách ứng xử của nhiều bạn trẻ cũng giúp mỗi chúng ta tự nhìn lại mình, lịch sử nước mình để có cách ứng xử phù hợp.
Nói như bạn trẻ Huỳnh Kiến Quốc đang là du học sinh tại Phần Lan: “Theo tôi, đối với việc này nói riêng và đối với tất cả các mối quan hệ trong xã hội nói chung thì chúng ta hãy suy nghĩ và hành động như một người phụ nữ thông minh chứ không như một người đàn ông thiển cận. Hàn có nhiều cái hay, cái đẹp, ta thích thì ta cứ học theo thôi, không ai cấm cản cả. Nhưng đối với lịch sử thì ta cần phải biết và nhớ, để hành động đúng mực, giữ lại một chút tự tôn dân tộc”.
(Theo Năng lượng Mới) Thiên Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét