Ai điều tra, truy tố oan chủ quán Xin Chào phải bị xử lý bằng luật
hình sự
Cập nhật lúc 08:48
Luật sư Nguyễn Đăng Quang nói thẳng: “Cần phải khởi tố vụ án xâm phạm
hoạt động tư pháp để khẳng định sự nghiêm minh của luật pháp".
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông
tin, vừa qua Công an huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) khởi tố vụ án,
khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Tấn tội kinh doanh trái phép.
Ngay sau khi có chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc. Ngày
23/4, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trực tiếp tới làm việc tại
địa phương và yêu cầu đình chỉ vụ án vì không có hành vi phạm tội đối với ông
Nguyễn Văn Tấn - chủ quán “café Xin Chào”.
Cũng trong thời điểm này,
dư luận một lần nữa “dậy sóng” vì chính Công an huyện Bình Chánh khởi tố bị
can, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với một người dân khác – đó là
ông Nguyễn Văn Bỉ về tội “vi phạm quy định về quản lý nhà ở”. Thực chất, ông
Bỉ chỉ làm một cái lều chăn vịt.
Trao đổi với Báo điện tử
Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Đăng Quang - Trưởng văn phòng luật sư Đăng
Quang và cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), phân tích: “Theo tôi, việc
ông Tấn kinh doanh trước khi được cấp đăng ký kinh doanh 5 ngày và ông Bỉ dựng
cái lều để chăn vịt không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội, quá lắm cũng
chỉ là hành vi hành chính. Tôi khẳng định không thể coi hành vi đó là tội
phạm.
Việc một số cá nhân trong
các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, công an huyện, viện kiểm
sát nhân dân huyện đã hình sự hóa quan hệ hành chính là phạm vào tội 'Truy
cứu trách nhiệm hình sự người không có tội' quy định rõ trong Bộ luật hình
sự".
Luật sư Nguyễn Đăng Quang
viện dẫn quy định tại điều 293 Bộ luật hình sự:
1. Người nào có thẩm
quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội,
thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một
trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Truy cứu trách nhiệm
hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội đặc biệt nghiêm
trọng;
b ) Gây hậu quả nghiêm
trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả
rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến
mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn bị
cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Đối chiếu với những hành
vi quy định trong điều luật thì những cán bộ tham gia tiến hành tố tụng của
huyện Bình Chánh đã xâm phạm vào hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra,
kiểm sát điều tra trong việc việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công
dân.
Tội phạm đã hoàn thành kể
từ khi người có thẩm quyền ký quyết định khởi tố bị can và phê chuẩn quyết
định khởi tố bị can đối với người không có tội.
Theo đó cơ quan điều tra
của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cần phải vào cuộc xem xét khởi tố vụ án,
khởi tố bị can đối với những người trong các cơ quan tiến hành tố tụng huyện
Bình Chánh có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp là truy cứu trách nhiệm hình
sự người không có tội.
Như vậy mới đảm bảo việc
mọi người đều bình đẳng và công bằng trước pháp luật để tránh được dư luận
cho rằng truy tố người dân thì dễ, truy tố quan thì khó.
Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh sẽ
phải bồi thường?
Liên quan tới vụ việc
này, dư luận xã hội cũng đặt ra câu hỏi xử lý trách nhiệm chính là cơ quan
điều tra Công an huyện Bình Chánh hay Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình
Chánh?
Luật sư Nguyễn Đăng Quang phân tích: “Về xử lý kỷ luật hay xử lý trách nhiệm hình sự thì không phân biệt trách nhiệm chính hay phụ, bởi cả hai cơ quan trên đều là cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của luật tố tụng hình sự và bộ luật hình sự quy định về trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Những người tiến hành tố
tụng của hai cơ quan này đều vi phạm nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng
hình sự”.
Khi tiến hành tố tụng,
thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên, viện trưởng, phó
viện trưởng viện kiểm sát, kiểm sát viên trong phạm vi trách nhiệm của mình
phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xác định
sự thật của vụ án, đảm bảo sự vô tư của người tiến hành tố tụng...
Luật sư Quang nhấn mạnh:
“Những người tiến hành tố tụng trong hai vụ án trên đã không tuân thủ những
quy tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự nên đã để xảy ra việc truy cứu
trách nhiệm hình sự người không có tội.
Theo đó, họ đều phải chịu
trách nhiệm về việc truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, bởi họ
là những chủ thể đặc biệt trong các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.
Họ phải biết và pháp luật
cũng buộc họ phải biết rằng truy cứu trách nhiệm hình sự một người không có
tội thì hậu quả pháp lý của người bị khởi tố bị can nghiêm trọng đến mức nào?
Chính vì vậy pháp luật
cũng cần phải công bằng: Những người tiến hành tố tụng truy tố một người
không có tội thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc truy cứu trách
nhiệm hình sự người không có tội để họ nếm trải tâm trạng của một người bị
khởi tố bị can.
Không thể khởi tố một
người không có tội rồi Nhà nước phải lấy lấy tiền thuế của dân ra để bồi
thường thay cho họ rồi họ chỉ phải chịu xử lý kỷ luật nội bộ và chuyển công
tác khác. Liệu án oan sai có tiếp tục gia tăng?!.
Trong vụ việc đáng tiếc
này, ông Nguyễn Văn Tấn có được đền bù không?
Theo luật sư Nguyễn Đăng
Quang: “Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và đã ra cáo
trạng truy tố ông Tấn ra trước Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh để xét xử về
hành vi kinh doanh trái phép. Nay viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án
thì đồng thời có trách nhiệm bồi thường về vật chất và tinh thần cho ông Tấn,
nếu có.
Tương tự đối với vụ ông Bỉ, nếu viện kiểm sát cũng ra quyết định đình chỉ vụ án vì không có việc phạm tội thì phải chịu bồi thường giống như trường hợp của ông Tấn, nếu ông Bỉ có yêu cầu”.
(Theo
Giáo dục VN) Ngọc
Quang
|
Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét