Dân rất cần nhưng quan chưa vội!
Cập nhật lúc 20:45
Ống
xả ra biển là bình thường ở các doanh nghiệp sản xuất gần sông biển. Vấn đề
là thải thứ gì? Xử lý nước thải thế nào?... Những câu hỏi ấy đến giờ vẫn chưa
được trả lời, dù khủng hoảng đã kéo dài hai tuần!
Một anh bạn làm nghề du lịch có tiếng ở
Quảng Bình chuyên đón khách quốc tế đã thông báo đến các du khách của mình
rằng: “Kể từ nay, chúng tôi tạm ngưng phục vụ hải sản cho quý khách, thay vào
đó là cá sông và thịt. Khi nào chính quyền có thông báo mọi việc thật sự an
toàn, chúng tôi sẽ phục vụ trở lại”.
Và rồi anh nhận định: “Chuyện cá biển
chết từ Hà Tĩnh vào đến Huế thật sự là một cuộc khủng hoảng”.
Vâng, một khủng hoảng thật sự, khi
người dân của bốn địa phương sống ven bờ biển dài hơn 250km từ Hà Tĩnh vào
đến Huế trong những ngày này thật sự lo lắng, hoang mang.
Các công ty du lịch không dám cho du
khách ăn hải sản; các chợ cá vắng vẻ bởi người dân chuyển sang ăn cá sông,
thịt cho an toàn; các khu du lịch ở bãi biển cũng đìu hiu vì đến biển mà
không dám ăn cá, không dám tắm thì đến làm gì...
Tình hình nghiêm trọng, ảnh hưởng đến
cuộc sống của hàng triệu người dân như vậy nhưng các cơ quan chức năng, chính
quyền phản ứng như thế nào?
Lật
lại báo chí chỉ tìm thấy bản tin đầu tiên về vụ khủng hoảng cá biển chết này
được đăng trên trang web Hà Tĩnh News với tựa đề “Hà Tĩnh:
Cá đồng loạt chết bất thường tại vùng biển Vũng Áng” vào ngày 8-4-2016, kể
lại việc hàng chục hộ dân nuôi cá bè ở Vũng Áng khóc ròng khi cá đồng loạt
ngửa bụng vào sáng 7-4.
Tiếp sau đó là hiện tượng hàng loạt cá
biển chết trôi dạt vào bờ biển, lần lượt từ Hà Tĩnh xuôi về phía nam đến Thừa
Thiên - Huế. Sự bất thường này rầm rộ xuất hiện trên trang nhất tất cả phương
tiện truyền thông liên tục đến tận hôm nay, nghĩa là đã kéo dài đến hai tuần.
Các
phóng viên Tuổi Trẻ tháp tùng các đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT
đi dọc bờ biển Hà Tĩnh, Quảng Bình ghi nhận rằng cũng chỉ quan sát, chụp ảnh!
Phát biểu về chuyện cá chết cũng chỉ dừng lại ở chỗ “cá chết vì nhiễm độc”!
Nhưng nhiễm chất độc gì thì hai tuần rồi vẫn chưa có câu trả lời.
Dư luận chĩa mũi dùi nghi vấn vào Khu
công nghiệp Vũng Áng, nơi có doanh nghiệp Formosa vì từ lời kể của ngư dân,
từ ảnh vệ tinh thấy nơi này có hệ thống ống ngầm xả thải ra biển.
Thật ra ống xả ra biển là bình thường ở
tất cả doanh nghiệp sản xuất gần sông biển ai cũng có. Vấn đề là thải thứ gì,
nước thải đã được xử lý hay chưa, hệ thống xử lý nước thải thế nào? Những câu
hỏi ấy đến giờ vẫn chưa được trả lời, dù cuộc khủng hoảng đã kéo dài hai tuần!
Về phía chính quyền địa phương, các
phóng viên ở Hà Tĩnh cho biết gõ đến cửa nào cũng gặp phải thái độ dửng dưng,
lạnh lùng, tránh né. Đến độ trang online của tờ báo thuộc Tổng liên đoàn Lao
động đã phải mỉa mai: “Hà Tĩnh: Thảm họa môi trường, lãnh đạo tỉnh chưa có
mặt tại hiện trường vì lo kiện toàn bộ máy”!
Kết
thúc bài viết này, tôi xin dẫn lời TS Đào Việt Hà - phó viện trưởng
Viện Hải dương học tại TP Nha Trang - nói với PV Tuổi Trẻ hôm
21-4 rằng bà vừa nhận điện thoại từ đại diện Viện Nghiên cứu hải
sản (thuộc Bộ NN&PTNT) đề nghị phối hợp trong vụ cá biển chết
hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung.
Tuy nhiên, theo bà Hà, đến ngày
21-4 thì hai bên chưa bàn nội dung phối hợp!
May làm sao, đến hôm qua thì Phó thủ
tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, xử lý vụ cá
chết bất thường. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo kiểm tra, nếu đúng như
dư luận phản ảnh phải xử lý nghiêm theo pháp luật.
Ôi thôi, chuyện của địa phương, từ vụ “bé như cái móng
tay” đến vụ khủng hoảng lớn như cá chết bất thường đều phải chờ đến lãnh đạo
cao nhất của Chính phủ là sao?
(Theo Tuổi trẻ)
HUY THỌ
|
Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét