Bộ TN&MT: Cá chết hàng
loạt do tảo độc và độc tố hóa học từ hoạt động của con người
Cập nhật lúc 07:13
Cuộc họp báo tối 27.4 về nguyên nhân cá chết hàng loạt ở ven biển
miền Trung do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì
(giữa). Ảnh: HẢI NGUYỄN
Độc tố hóa học
thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển; hiện tượng tảo
nở hoa hay còn gọi thủy triều đỏ là hai nguyên nhân khiến cá biển chết hàng
loạt tại khu vực ven biển miền Trung - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết
như vậy tại cuộc họp báo diễn ra tối 27.4 tại Hà Nội, do Thứ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì. Trong khi đó, tình trạng nhiều
loài cá lớn tiếp tục chết, sắp chết trôi dạt vào bờ biển miền Trung được
người dân gom bán cho nhiều xe đông lạnh đến mua với giá rẻ đem đi nơi khác
khiến người dân bức xúc.
Do tác động của
các độc tố hóa học
Chiều 27.4, Bộ TNMT đã chủ trì cuộc họp kín cùng các bộ ngành
liên quan và các nhà khoa học đầu ngành để bàn về nguyên nhân khiến cá chết
hàng loạt tại ven biển miền Trung. Hàng trăm phóng viên các báo đài đến trụ
sở Bộ TNMT để đưa tin tuy nhiên không được vào tham dự.
Cuộc họp diễn ra một cách “bí mật”, bên ngoài phòng họp hàng trăm
phóng viên vẫn ngồi đợi để đưa tin. Trước “sức ép” của báo chí, cuối giờ
chiều lãnh đạo Bộ TNMT thông báo sau cuộc họp sẽ tổ chức họp báo để thông báo
kết quả cuộc họp.
Tại buổi họp báo diễn ra vào tối cùng ngày Thứ trưởng Võ Tuấn
Nhân cho biết, sau khi nghe báo cáo của Bộ TNMT, Bộ NNPTNT, Bộ KHCN, ý kiến
của các địa phương, các nhà khoa học sau khi thảo luận loại trừ nhiều nguyên
nhân khác có thể gây ra các nhà khoa học và cơ quan quản lý nguyên nhân sơ bộ
ban đầu khiến cá chết hàng loạt tại ven biển miền Trung.
Theo đó, nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng
loạt là do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người
trên đất liền và trên biển và do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với
tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế
giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.
“Cần tổ chức nghiên cứu làm rõ 2 nhóm nguyên nhân nói trên để xác
định rõ nguyên nhân cụ thể về hiện tượng cá chết hàng loạt và có giải pháp
ứng phó về lâu dài với các thảm họa tương tự”, Thứ trưởng Nhân nói.
Tại cuộc họp báo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng thông tin rằng, cho
đến thời điểm hiện tại qua kiểm tra, thu thập chứng cứ chưa có bằng chứng để
kết luận về mối liên hệ liên quan của Formosa và các nhà máy ở Vũng Áng (Hà
Tĩnh) đến việc khiến cá chết hàng loạt.
Cuộc họp báo diễn ra trong khoảng gần 10 phút. Sau khi đọc xong
kết quả cuộc họp Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cùng lãnh đạo các bộ ra khỏi hội
trường. Nhiều phóng viên báo đài tỏ ra rất hụt hẫng và bất ngờ vì không thể
hiểu tại sao cuộc họp kết thức nhanh như vậy.
Cá lớn tiếp tục
chết trắng bãi
Sáng 27.4, PV Báo Lao Động có mặt tại bãi biển xã Thanh Trạch -
Bố Trạch Quảng Bình (QB), ghi nhận, dọc bãi biển này cá chết dày đặc, trắng
bãi. Trong đó, có cá đã chết lâu và mới chết vài ngày nay. Thường những con
mới chết là loài cá to, trọng lượng khoảng 3 - 5kg. Tình trạng cá chết trắng
bãi kéo dài vài kilômét, mùi hôi thối nồng nặc, tanh tưởi đến buồn nôn nhưng
không hề thấy một bóng dáng người nào đi thu gom, chôn lấp.
Rất nhiều nhân viên ở một nhà hàng dọc ven biển thôn Đá Nhảy nơi
đây cho biết, cá chết quá nhiều, chôn không xuể. Theo nhiều ngư dân ở đây,
khoảng 3 - 4 ngày nay thấy loài cá lớn chết dạt vào rất nhiều gồm các loại
như chai, hanh, hồng, lạc, chình...
Trước tình hình này, nhiều người thi nhau ra biển bắt cá mới
chết, sắp chết dạt vào bờ đem bán cho 2 xe đông lạnh đến thu mua với mức
40.000 - 50.000đ/kg. Dù giá chỉ được một nửa so với ngày thường, nhưng do vớt
được nhiều, mỗi ngày có người kiếm được vài, ba triệu đồng.
“Khiếp quá, trước đây cá nhỏ, chứ giờ thấy toàn cá to chết, tình
trạng này thì còn cá đâu nữa mà ra khơi đánh bắt. Tài nguyên biển của chúng
ta cạn kiệt mất thôi” - ông C nói. Ngư ông Hồ Minh Đức (56 tuổi, xã Đức
Trạch, Bố Trạch) kể, sáng sớm cách đây 3 ngày, khi ra khơi thấy một dòng nước
đen ngòm, ngay chiều hôm đó, cá chết, sắp chết hàng loạt dạt vào bờ. Nghĩ cá
bị độc nếu bán người ăn sẽ nguy hiểm nên ông gác mái chèo, không ra khơi cho
đến nay.
Vào thời điểm này, tại các vùng biển bãi ngang của tỉnh Quảng Trị
như Vĩnh Thái (Vĩnh Linh), Trung Giang... ngư dân không cần ra khơi xa, đã
bắt được các loại cá hồng, cá bớp, cá phèn, cá đục. Nhiều ngư dân nhận định
rằng, có thể các loại cá này cũng bị ảnh hưởng, không còn khỏe mạnh nên nổi
lên mặt nước, vì vậy việc đánh bắt dễ dàng hơn.
Dọc bờ biển ở các huyện Gio Linh và Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị
trong ngày 26 và 27.4, một số cá chết lại dạt vào bờ. Riêng tại thôn Cang
Gián của xã Trung Giang, chỉ khoảng 1km dọc bờ biển đã phát hiện nhiều cá
chình, cá thiều... có con trên 5kg nằm phơi bụng, ruồi nhặng bu đầy, bốc mùi
hôi thối.
Chiều 27.4 trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Lào - Chủ
tịch UBND xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) cho biết lượng cá trôi dạt vào bờ
biển thuộc khu vực xã những ngày qua là rất lớn, xã đã chỉ đạo các tổ chức
đoàn thể địa phương thu gom nhưng vào buổi tối khi thủy triều lên thì cá chết
lại tiếp tục trôi dạt vào bờ. Ước tính tổng số cá chết được vớt trong những
ngày qua là hơn 3 tấn.
Thương lái chỉ
thu mua cá đục “xuất sang Trung Quốc” (?)
Trước tình hình cá tầng đáy nổi đầy trên biển, nhiều người thi
nhau ra biển Thanh Trạch (Quảng Bình) bắt cá mới chết, sắp chết dạt vào bờ
đem bán. Chiều 27.4 trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Đình Du - Phó GĐ Sở
NNPTNT Quảng Bình (QB) khẳng định có việc người dân thu gom cá chết và bán
cho các thương lái thu mua bằng xe đông lạnh.
Chiều 26.4 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình bắt một vụ thu
mua cá chết trên biển tại khu vực Cửa Gianh thuộc địa bàn huyện Quảng Trạch,
7 thuyền bơ nan đang thu gom cá đục đã chết. Trên các thuyền đang chứa một
lượng lớn cá vừa được thu gom, đây là loại cá sống tầng đáy bị chết hàng loạt
trong những ngày vừa qua để bán lại cho các thương lái. Tất cả các đối tượng
thu mua cá chết trên đều có địa chỉ tại xã Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà
Tĩnh).
Sau khi phát hiện ra sự việc, lực lượng BĐBP tỉnh Quảng Bình đã
thu giữ số cá chết trên để xử lý. Cùng ngày, UBND thị xã Ba Đồn cho biết lực
lượng chức năng địa phương vừa phát hiện vụ thu gom, vận chuyển cá chết trên
địa bàn. Trưa ngày 27.4 tại khu vực cầu Quảng Hải (xã Quảng Lộc) lực lượng
Quản lý thị trường phát hiện xe ôtô tải mang BKS 73C - 022.27 đang thu mua cá
chết, trên xe có 800kg cá đục đã chết. Theo khai nhận ban đầu của chủ xe là
bà Hoàng Thị Thanh (trú thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn) thì số cá
trên được thu mua để bán tại các chợ ở huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình).
Vài ngày trở lại đây, ngư dân ở một số vùng biển bãi ngang của
tỉnh Quảng Trị đã ra khơi đánh bắt. Ngư dân khá dễ dàng bắt được các loại cá
sống ở tầng đáy như cá hồng, bớp, đục... Tuy nhiên, việc buôn bán lại vô cùng
ế ẩm, vì người dân không dám mua về ăn, họ lo ngại rằng nước biển đang bị ô
nhiễm, cá ngất ngơ nên ngư dân mới dễ dàng đánh bắt như vậy.
Có mặt tại điểm thu mua cá ở thôn Bắc Sơn (xã Trung Giang, huyện
Gio Linh) của chị Th, chúng tôi hỏi về giá cả các loại cá thì được biết, địa
điểm này chủ yếu thu mua cá đục. Có khoảng 15 thùng xốp, bên trong mỗi thùng
chứa khoảng 30kg cá đã được ướp đá. Các tiểu thương khá dè dặt khi hỏi về
đường đi của loại cá này, chỉ tiết lộ là mua để “xuất khẩu sang Trung Quốc”
chứ không bán ở nội địa.
(Theo
Lao động) Nhóm PV
Tóm lại đến
nay vẫn chưa rõ nguyên than cá chết. Có lẽ Bộ TNMT cần nhiều thời gian. Thông
điệp với Formosa là doanh nghiệp cứ hoạt động bình thường như trước! Còn
người dân thì hãy tạm nghỉ làm ăn.
Thương
Giang
|
Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét