Khuyên
dân cứ ăn cá, tắm biển là không có kỹ năng sống, kém kiến thức khoa học
Cập nhật lúc
16:42
“Nếu lấy được
mẫu xét nghiệm, chỉ trong một ngày có thể kết luận được ngay độc tố làm cá
chết. Tại sao chúng ta lại chậm đến như vậy?”, Tiến sĩ Khải nói.
Nếu muốn, một ngày là tìm ra độc chất gây
chết cá
Khi nguyên nhân cá chết
tại nhiều tỉnh Miền Trung chưa được làm rõ, thì dư luận hướng sự nghi vấn của
mình vào Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh).
Sự việc chỉ thật sự nóng
khi tại Formosa, người dân phát hiện một đường ống xả thải chôn sâu dưới
biển. Đặc biệt là việc Formosa nhập hóa chất cực độc để thực hiện súc xả
đường ống.
Vậy, có phải Formosa xả
thải làm cá chết?
Khi sự hoài nghi chưa có
lời đáp, thì nghi vấn trên được đặt ra cũng là điều dễ hiểu, bởi trước đó,
(hôm 4/4) một số ngư dân lặn biển cho biết, họ nhìn thấy một hệ thống ống ngầm
lớn nối từ dự án của Formosa ra biển.
Theo mô tả của ngư dân,
ống dài khoảng 1,5 km, đường kính hơn 1m, được chôn nông dưới đáy biển, phủ
phía trên là lớp đá hộc cùng bao tải cát. Nước trong ống phun ra rất mạnh, có
màu vàng đục, mùi hôi thối khó thở.
Trả lời báo chí, lãnh đạo
cao cấp của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho biết những ống cống
chôn dưới lòng biển là một phần của hệ thống kênh xả thải thuộc dự án
Formosa. Kênh rộng 1m, dài 1,5 km, nằm ở độ sâu cách mặt nước 17 m và cách bờ
khoảng 1,5 km.
Vấn đề đặt ra là, Formosa có mục đích gì khi đặt đường ống xả thải nằm sâu dưới biển? Nước thải Formosa có phải là nguyên nhân khiến cá chết?
Về việc này, hôm 24/4,
trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ khoa học
Nguyễn Văn Khải cho rằng, có sự mập mờ trong việc Formosa đặt đường ống xả
thải sâu dưới biển.
“Việc chôn đường ống sâu
dưới biển để xả thải, thể hiện rằng, họ (Formosa – PV) là người… có trình
độ.
Thật ra khi khi người ta thải như vậy thì
sẽ không ai biết, khó kiểm soát, quản lý nước thải.
Mặt khác, nếu chôn đường
ống thải càng sâu, khi chất độc (nếu có) nổi lên thì sẽ nhạt đi nhiều, hoặc
có thể bị nước biển hòa tan một phần nào đó. Khi đó, rất khó phát hiện sai
phạm", Tiến sĩ Khải cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải phán đoán: "Mục đích của Formosa, hay bất cứ nhà sản xuát công nghiệp nào khác là xả nước thải, chứ chưa chắc có ý định giết cá.
Nhưng khi xử lý nước thải
chưa đúng quy định (nước thải có màu vàng đục, bốc mùi) thì người có kiến
thức thấp nhất cũng sẽ biết rằng, xử lý như vậy thì cá sẽ chết.
Trường hợp nếu Formosa
ngừng xả nước thải, hoặc họ vận hành hệ thống xử lý nước thải, để che dấu
điều gì đó thì buộc chúng ta phải lấy trầm tích dưới biển, tại nơi đặt ống xả
thải để xác định độc tố (nếu có).
Theo tôi, cơ quan chức năng nên thực hiện nhanh việc được mẫu nước hoặc trầm tích tại khu vực Formosa thải ra, kiểm tra các hóa chất được Formosa nhập về để tẩy rửa đường ống, đem so sánh với nước ở vùng cá chết, và các chất tồn tại trong bụng con cá chết.
Từ đó, đưa ra kết luận
độc tố gì khiến cá chết nhiều như vậy và xác định thủ phạm có phải là Formosa
gây ra hay không?
Tiến sĩ Khải nói thêm, trong trường hợp chưa xác định được độc tố khiến cá chết, thì việc lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khuyên người dân cứ yên tâm ăn cá, tắm biển khi chưa có kết luận vụ việc là "không có kỹ năng sống và thiếu chuyên môn về khoa học”, Tiến sĩ Khải nói.
Cho đến thời điểm hiện
tại, đã nhiều ngày trôi quan, cơ quan chuyên môn vẫn chưa đưa ra kết luận chính
thức về độc tố gây chết cá.
Về việc này, Tiến sĩ Khải cho rằng, đơn vị có thẩm quyền quá chậm chạp trong việc lấy mẫu thử nghiệm, công bố thông tin.
“Tại sao từ khi nhận tin báo của người dân
về việc có đường ống nước thải của Formosa chôn dưới biển (hôm 4/4), chúng ta
không vào cuộc để xử lý ngay? Điều này cho thấy, cơ quan có thẩm quyền đã vào
cuộc và xử lý vụ việc quá chậm chạp.
Tôi cho rằng, nếu lấy được mẫu xét nghiệm, chỉ trong một ngày có thể kết luận được ngay. Để khách quan và chính xác hơn, cơ quan có thẩm quyền nên đề nghị các nhà khoa học vào cuộc làm rõ sự việc”, Tiến sĩ Khải nói. Cần xử lý mạnh tay nếu đúng là Formosa xả độc gây chết cá
Luật sư Trương Anh Tú,
Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, việc quan trọng trước
mắt là các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác minh làm rõ nguyên nhân gây
ô nhiễm, từ đó chặn đứng nguồn gây ô nhiễm và thực hiện các biện pháp xử lý
các chất độc hại trong môi trường nước, ngăn chặn quá trình lan rộng của sự ô
nhiễm.
Quá trình này đòi hỏi sự
vào cuộc quyết liệt, khẩn trương và sự phối hợp của các ngành chức năng. Càng
chậm trễ trong việc giải quyết, hậu quả để lại càng nặng nề, nguồn nước ô
nhiễm không được xử lý, số lượng cá chết tăng lên sẽ trở thành một nguồn gây
ô nhiễm khác và rất khó để xử lý.
Hiện nay, mọi nghi vấn về
nguồn gây ô nhiễm đều hướng đến khu công nghiệp Vũng Áng đặt tại thị xã Kỳ
Anh, tỉnh Hà Tĩnh, bởi hiện tượng cá chết hàng loạt khởi phát ở bờ biển sát
với khu kinh tế Vũng Áng rồi lan dần đến Thừa Thiên - Huế.
Việc kiểm tra đối với hệ thống nước thải của các nhà máy thuộc khu công nghiệp này là điều không thể tránh khỏi.
Nếu phát hiện đúng sai
phạm là do tác động của con người thì cần xử lý vi phạm theo Điều 160 Luật
bảo vệ môi trường.
Theo đó:
1. Tổ chức, cá nhân vi
phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi
trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô
nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của
Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Người đứng đầu cơ
quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà,
nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo
vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì
tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách
nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của
pháp luật.”
Hiện nay, hành vi gây ô
nhiễm môi trường đã được hình sự hóa theo quy định tại Điều 182, Bộ luật hình
sự sửa đổi bổ sung năm 2009.
Song song với việc thanh
kiểm tra và tìm phương án khắc phục ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần
đánh giá thiệt hại mà người dân ven biển phải gánh chịu, môi trường bị tác
hại nghiêm trọng về lâu dài, để buộc chủ thể gây ô nhiễm phải bồi thường
tương ứng dựa trên căn cứ:
1. Suy giảm chức năng,
tính hữu ích của môi trường.
2. Thiệt hại về tính
mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá
nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây
ra”.
Bên cạnh đó, khuyến cáo
đến các tổ chức cá nhân không vì mục đích lợi nhuận mà đưa các sản phẩm cá
chết do ô nhiễm này ra thị trường tiêu thụ và người dân cần hạn chế sử dụng
các loại cá này để chế biến thức ăn. Bởi đây là sản phẩm không đảm bảo vệ
sinh an toàn thực phẩm, có nguy cơ nhiễm độc cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sức
khỏe của người dùng.
Nếu để xảy ra, vụ việc
gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như vậy, cần phải điều tra và xử lý
nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nếu xác định đúng có sai
phạm về xả thải trong khu kinh tế Vũng Áng, phải xử lý nghiêm những đối tượng
có liên quan, không nên thiếu sự quyết tâm xử lý vì họ là nhà đầu tư nước
ngoài, sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu về gây ô nhiễm môi trường.
Chúng ta tôn trọng chào đón những nhà đầu
tư đến Việt Nam nhưng cũng sẽ xử lý theo quy định đối với những nhà đầu tư
không chấp hành pháp luật Việt Nam, không tôn trọng đất nước con người Việt
Nam.
Điều 182. Tội gây ô nhiễm môi trường 1. Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
(Theo
Giáo dục VN) QUỐC
TOẢN
|
Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét