Học trò cũ lên facebook vu khống thầy hiếp dâm nữ
sinh
Cập nhật lúc 20:57
Một thầy giáo một
trường ở huyện Châu Thành, Sóc Trăng bị học trò cũ lên facebook vu khống thầy
từng hiếp dâm nhiều nữ sinh, xúc phạm nặng nề thầy.
Sáng 30-11, ông Bùi Bảo Quốc, phó
trưởng công an xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Sóc Trăng cho biết cơ
quan đã nhận được đơn tường trình từ Trường THCS A. và của thầy
T.T.H (giáo viên của trường) về việc thầy này bị một học sinh vu
khống với nội dung xấu trên trang facebook.
Hiện cơ quan công an đang xem
xét mời các bên liên quan lên đối chất, từ đó có hướng xử lý.
Thừa nhận đăng nội dung xấu vu khống thầy
Theo lời trình bày của thầy H, sáng
26-11, khi mở trang facebook cá nhân, thầy phát hiện một tin nhắn có
nickname là “Nhat Khanh” gửi cho thầy cùng những người khác với những nội
dung thô tục xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của thầy cùng hai đồng nghiệp, trong
đó vu khống thầy H. hiếp dâm nhiều nữ sinh của trường. Đã có đến
128 người đã xem tin nhắn về nội dung này.
Quá bức xúc với tin nhắn vu khống
xúc phạm tới danh dự và nhân phẩm của mình, sáng cùng ngày, sau khi đến
trường để giảng dạy, thầy H. đã nhờ nhiều học trò truy tìm người đã đăng
tin nhắn này.
Thông qua hình ảnh và những nội dung
trên trang facebook cá nhân có tên “Nhat Khanh” và nhờ sự giúp đỡ của học
trò, thầy H. phát hiện được tác giả của nội dung này là T., học trò cũ lớp 7
của trường năm học 2012 - 2013 và đã nghỉ học từ lúc đó.
Ngay sau khi phát hiện ra người đăng
tin, chiều 26-11, thầy H. đã trực tiếp đến nhà em T. để hỏi rõ sự việc.
Trò chuyện với thầy H., mẹ T. đã khóc và bức xúc khi hay tin con mình xúc
phạm nặng nề đến thầy giáo như thế.
Nhưng khi bà gọi T. ra
gặp thầy để đối chất và xác minh vụ việc thì em này bỏ qua nhà
người bác ruột (cách nhà mình khoảng 50m) để tránh mặt. Do muốn gặp
T. để làm sáng tỏ vụ việc nên thầy đã nhờ mẹ T. dắt qua nhà bác
ruột để gặp em.
Khi tới nhà bác ruột của T., anh trai
của T. ra đứng trước nhà lớn tiếng hỏi thầy H. “Mày đi đâu”. Thầy
H. trả lời là muốn gặp T. để hỏi rõ sự việc tại sao lại vu khống thầy như thế.
Khi được mời ra gặp thầy H. trò
chuyện, T. đã thừa nhận chính mình là người đã đăng trên trang
facebook nội dung xấu có ý vu khống thầy. Thầy H. cho biết với hành động
sai trái này, em phải xin lỗi thầy trên trang facebook cá nhân của em và xin
lỗi trước toàn trường nơi em đang học.
Trong lúc này, mẹ T. lấy cây
đánh T. vì hành động không tốt của con mình. Thấy em trai mình bị
mẹ đánh, anh trai của T. đứng ở xa đã chỉ thẳng vào thầy H. quát
lớn “Mày đi về chưa” và có ý định xông đến gần thầy H.
Chứng kiến vụ việc, một ông hàng xóm gần
đó đã quát lớn thái độ này nên anh của T. đã bỏ đi. Sợ gặp chuyện
không hay nên thầy H. cũng từ giã ra về.
Đến tối cùng ngày, sau khi mở trang
facebook của mình, thầy H. nhận được vài lời xin lỗi ngắn từ trang cá nhân
“Nhat Khanh”, sau đó lại bị gỡ xuống.
Cú sốc lớn
Thầy T.Đ.M - phó hiệu trưởng
trường THCS A. cho biết “Những nội dung mà học sinh cũ của trường đăng trên
facebook là chuyện bịa đặt, vu khống nhằm xúc phạm thầy H. Chúng
tôi đã phân công công đoàn trường gửi đơn tường trình của thầy H. đến
công an xã An Hiệp nhờ giải quyết vụ việc”.
Thầy M. cũng cho biết là thầy H. dạy học
đến nay đã được 9 năm, trong quá trình giảng dạy thầy đạt được nhiều danh
hiệu như là giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở và cập huyện, nhiều năm đạt danh
hiệu chiến sĩ thi đua và nhận được bằng khen của UBND tỉnh Sóc Trăng. Ngoài
ra thầy còn được đồng nghiệp và học sinh của trường quý mến, đánh giá cao về
nhân phẩm, đạo đức tốt của một giáo viên.
Hay tin thầy H. bị học sinh cũ vu khống,
nhiều học sinh và đồng nghiệp đã gọi điện chia sẻ và động viên thầy H.
Được biết chỉ vài ngày nữa là thầy H. tham
gia thi giáo viên dạy giỏi tại trường. Thầy cho biết từ khi bị vu khống
đến giờ thầy không còn tâm trí để ôn luyện kiến thức vì đây là một cú sốc quá
lớn trong 9 năm giảng dạy của mình.
(Theo Tuổi trẻ) TỊNH NGỌC
|
Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015
Hoảng loạn, tháo chạy khỏi Trung Quốc
Cập nhật lúc 20:33
Sự bất ổn của thị trường tài chính và kinh
tế Trung Quốc đã khiến một dòng tiền lớn tháo chạy khỏi nước này. Trong sự
dịch chuyển đó, ASEAN, bao gồm cả Việt Nam, đang có cơ hội.
Hoảng loạn trở lại
Thị trường chứng khoán (TTCK) TQ ngày 27/11 đã chứng kiến
một phiên giảm điểm kinh hoàng. Chỉ số của sàn chứng khoán Thượng Hải
(Shanghai Composite Index) đóng cửa giảm gần 200 điểm (-5,48%) xuống còn
3.436,3 điểm. Phiên lao dốc này diễn ra chỉ đúng một ngày sau khi nước này kỷ
niệm 25 năm TTCK TQ vào ngày 26/11.
Nỗ lực vực dậy sau sụt giảm chóng mặt của TTCK hồi tháng
7-8 đã giúp các chỉ số hồi phục khá mạnh, tăng hơn 15% so với mức đáy thiết
lập hồi cuối tháng 8. Tuy nhiên, thị trường có quy mô 7 ngàn tỷ USD trước đó
đã có những đợt sóng tăng hoang dại, 150% trong vòng một năm. Đây vẫn là điều
khiến rất nhiều NĐT trong và ngoài nước lo lắng bởi tăng trưởng không đi liền
với sự ổn định và bền vững.
Hiện tại chỉ số Shanghai Composite vẫn thấp hơn hơn 33% so
với đỉnh cao 5.166 điểm ghi nhận hồi cuối tháng 12/2014. Dù vậy, dòng vốn
ngoại và ngay cả dòng vốn trong nước này vẫn đang âm thầm dịch chuyển ra bên
ngoài. Cuộc khủng hoảng chứng khoán trong năm nay đã khiến TTCK bốc hơn hơn 3
ngàn tỷ USD.
Theo ước tính của Bộ Tài chính Mỹ, trong 8 tháng đầu năm,
dòng tiền rút khỏi TQ đã lên tới hơn 500 tỷ đô-la trong bối cảnh nền kinh tế
lớn thứ 2 thế giới giảm tốc, chứng khoán giảm mạnh và NDT biến động mạnh.
Riêng trong tháng 8, lượng tiền rút ra lên tới khoảng 200 tỷ USD.
Nhiều DN bên ngoài đang phải trả giá đắt do sự phụ thuộc
vào nền kinh tế TQ và không ít trong số đó đang từ bỏ TQ và tìm đến thị
trường VN, Ấn Độ.
Theo Nikkei, kể từ cuối năm ngoái, xuất khẩu của Đài Loan,
nhất là mặt hàng thiết bị điện tử di động đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm
trước. Trong khi đó, các loại hàng hóa như sản phẩm thép, máy móc nông
nghiệp, hóa dầu, điện tử… của Hàn Quốc sang TQ cũng giảm mạnh.
Trước đó, nhiều DN châu Âu cũng đã phải cắt giảm hoạt động
ở TQ do tăng trưởng sụt giảm và lợi nhuận tại thị trường này ngày càng teo
tóp. Hồi giữa năm, chỉ khoảng 20% DN châu Âu cho biết, họ có kế hoạch đầu tư
mới, giảm rất nhiều so với tỷ lệ 1/3 năm trước.
Trong khoảng một tháng qua, tỷ phú người Hong Kong giàu
nhất châu Á Lý Gia Thành liên tục bị truyền thông TQ bị coi là kẻ “vong ơn
bội nghĩa” sau khi ông đã bán tháo tài sản tại Đại lục để rút vốn khỏi nước
này do tăng trưởng kinh tế lớn thứ 2 thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong
1/4 thập kỷ qua và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Không chỉ các DN nước ngoài rời đi, chính các DN và doanh
nhân TQ cũng đang ôm tỷ đô tháo chạy khỏi TQ. Vài năm gần đây, mỗi năm người
TQ đã chi hàng trăm tỷ cho BĐS ở Mỹ, và cũng đang điên cuồng mua BĐS ở nhiều
nước khác.
Cuối năm 2014, tập đoàn giải trí và bất động Dalian Wanda
của tỷ phú từng giàu nhất TQ Wang Jianlin đã đổ hàng tỷ USD vào khách sạn và
trung tâm thương mại ở Chicago Mỹ và London Anh. Tiền cũng được các đại gia
TQ đổ hàng trăm tỷ USD sang các nước để thâu tóm DN từ thực phẩm, công nghệ
cho tới các câu lạc bộ bóng đá.
Thị trường nước ngoài giờ đây dường như đang hấp dẫn hơn
khi mà sự ổn định trong nước đang bị mất đi, nhiều yếu tố như lao động, rảo
cản thâm nhập… đang kém hấp dẫn.
Việt Nam: Cơ hội và bến đỗ mới
Theo HSBC, châu Á được kỳ vọng là yếu tố thúc đẩy một thập
kỷ tăng trưởng thương mại toàn cầu sắp tới và khởi đầu cho xuất khẩu thế giới
tăng gấp bốn lần đạt mức 68,5 ngàn tỷ đô la Mỹ vào năm 2050.
Trong làn sóng thứ ba này, VN sẽ tăng cường vị thế và trở
thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 10 của thế giới vào năm 2050 với xuất khẩu
đạt 1.437 tỷ đô la Mỹ, bên cạnh các quốc gia như TQ, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Ấn
Độ, Mexico, Pháp, Nhật Bản và Singapore.
Ông Paul Skelton, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính DN khu
vực châu Á TBD của HSBC cho rằng, thế giới cần phải đánh giá đúng mức tầm
quan trọng của thương mại trong tăng trưởng và sự phồn thịnh của kinh tế toàn
cầu.
Mặc dù, HSBC vẫn ghi nhận, TQ giữ vị trí dẫn đầu trong
xuất khẩu của thế giới, với ảnh hưởng gia tăng tại châu Á được hỗ trợ bởi
những dự án như ‘One Belt, One Road’ và dưới ảnh hưởng của Ngân hàng Đầu tư
cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Tuy nhiên, HSBC lạo chỉ ra một xu hướng mới khi dòng vốn
đầu tư từ TQ đang dịch chuyển sang các nước trong khối ASEAN, trong đó có
Việt Nam.
Bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia của WB tại VN, chia
sẻ về xu hướng tỷ trọng FDI vào chế biến, chế tạo tăng nhanh trong 10 năm qua
và cho rằng, VN có lợi thế nhờ gần chuỗi sản xuất toàn cầu, lao động dồi dào,
chi phí thấp, quy mô thị trường lớn và hội nhập mạnh mẽ,...
Làn sóng dịch chuyển đầu tư cho thấy TQ không còn được xem
là "công xưởng" chính của thế giới. Một số tập đoàn thậm chí tính
tới phương án chuyển đại bản doanh sản xuất toàn cầu về VN. Samsung, LG,
Intel,... đổ thêm tiền, hàng loạt DN ngoại khác cũng đang rục rịch chuyển nhà
máy sang VN.
Hồi cuối tháng 9, Công ty tư vấn Bất động sản Savills VN
cũng có báo cáo khẳng dinh về một sự dịch chuyển vốn đầu tư từ TQ sang ASEAN
để tận dụng cơ hội từ các hiệp định sắp tới trong đó có AEC và TPP. Theo
Savills, trong nửa năm 2015, FDI vào dệt may đóng góp nhiều tỷ USD. TPP khiến
dòng vốn, bao gồm cả từ TQ và Đài Loan, Hồng Kong… đang đổ dồn vào VN.
Cùng với hàng loạt các hiệp định FTAs và làn sóng toàn cấu
hóa thứ 3 này, VN đang có cơ hội lớn để đón dòng vốn đang chạy khỏi các thị
trường không còn hấp dẫn. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả lợi thế lần này
lại là một câu chuyện khác, một thách thức của chính Việt Nam.
(Theo Vef.vn) M.Hà
|
Những phi
vụ 'cạy' thùng ATM tiền tỉ khắp VN của băng người nước ngoài
Cập
nhật lúc 09:45
Cơ quan CSĐT Công an
tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Nuez Correa Elmer
Eduardo (42 tuổi, quốc tịch Peru) để điều tra về hành vi “trộm cắp tài sản”.
Eduardo, thời điểm bị bắt tại Khánh Hòa - Ảnh: Nguyễn Chung
Eduardo cùng với nhóm đối tượng người Peru đã thực hiện 2
vụ “cạy” thùng ATM trên địa bàn TP.Biên Hòa và thực hiện nhiều vụ trộm tương
tự ở TP.HCM và Khánh Hòa, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Phá thùng ATM trong tích tắc
Theo hồ sơ của công an, vào ngày 16.12.2014, Eduardo được
người bạn tên Cesar (33 tuổi) gọi điện rủ đến địa bàn Đồng Nai, cạy phá các
trụ ATM để lấy trộm tiền. Theo Cesar, kế hoạch này đã được người bạn có tên
Piol (30 tuổi) lập ra từ trước đó.
Sau đó, Eduardo đã thuê xe ô tô 7 chỗ rồi cùng với Cesar,
Ricardo (39 tuổi) và Roberto (33 tuổi, tất cả đều mang quốc tịch Peru) từ
TP.HCM đi Biên Hòa. Riêng Piol mang theo bộ dụng cụ cạy phá trụ ATM và đi xe
máy một mình.
Khi cả nhóm đến gần chỗ đặt trụ ATM của Ngân hàng Quân đội
đặt tại KP2, P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) Eduardo được phân công giữ xe ô tô
(đậu cách trụ ATM vài chục mét) Ricardo, Piol và Roberto có nhiệm vụ cảnh
giới khu vực xung quanh, còn Cesar trực tiếp dùng các dụng cụ mang theo phá
trụ ATM để lấy tiền. Chỉ trong tích tắc, Cesar đã cạy phá trụ ATM, lấy toàn
bộ số tiền bên trong khoảng 800 triệu đồng, rồi gọi cho đồng bọn đến chở về
tập kết tại một căn nhà thuê ở Q.9, TP.HCM. Tại đây, cả bọn đã chia nhau số
tiền trộm được, trong đó Eduardo được chia 60 triệu đồng.
Ngày 31.12.2014, nhóm của Eduardo lại tiếp tục đến TP.Biên
Hòa lựa chọn trụ ATM của Agribank chi nhánh TP.Biên Hòa (đóng tại đường số 2,
Khu công nghiệp Biên Hòa 2) để hành động. Cũng như lần trước, Cesar đã trực
tiếp phá trụ ATM để lấy trộm hơn 900 triệu đồng. Trong “phi vụ” này, Eduardo
được chia 80 triệu đồng.
Bị bắt ở Khánh Hòa
Sau khi xảy ra 2 vụ cạy thùng ATM để trộm tiền xảy ra trên
địa bàn, Công an tỉnh Đồng Nai đã xác lập chuyên án để đấu tranh làm rõ.
Cùng với thời điểm này, tại một số tỉnh, thành khác lại
xuất hiện nhiều vụ cạy phá trụ ATM trộm tiền tương tự. Nhận thấy những vụ
trộm táo tợn này có điểm tương đồng ở Biên Hòa nên mỗi khi nắm được thông tin
tại địa phương nào đó xảy ra tình trạng cạy phá trụ ATM trộm tiền thì Công an
Đồng Nai cử trinh sát liên hệ để nắm thông tin.
Trong số các địa phương đã xảy ra nạn phá trụ ATM trộm
tiền, vào ngày 2.4, Công an tỉnh Khánh Hòa đã bắt giữ một đối tượng người
nước ngoài do có hành vi trộm tiền ở trụ ATM. Liên hệ với Công an tỉnh Khánh
Hòa, các trinh sát xác định đối tượng Eduardo là người có liên quan đến các
vụ trộm tại Đồng Nai.
Sau khi củng cố hồ sơ, mới đây Ban chuyên án Công an tỉnh
Đồng Nai đã đề nghị Công an tỉnh Khánh Hòa cho trích xuất Eduardo về địa bàn
Đồng Nai phục vụ công tác điều tra. Tại Đồng Nai, Eduardo khai nhận đã thực
hiện 4 vụ phá trụ ATM ở Đồng Nai để trộm tiền, nhưng chỉ thực hiện thành công
2 vụ. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố Eduardo về hành vi “trộm
cắp tài sản”
Cũng tại Công an tỉnh Đồng Nai, Eduardo còn khai nhận đã
cùng với đồng bọn còn thực hiện 2 vụ trộm tiền trong trụ ATM ở TP.HCM và 1 vụ
ở tỉnh Khánh Hòa, lấy được gần 3 tỉ đồng. Số tiền trộm được, bọn trộm đều đưa
sang Campuchia “nướng” vào các sòng bạc.
(Theo Thanh niên) Thành An- Gia Khánh
|
Hàng loạt trường ĐH dân lập lấy điểm chuẩn
ngành y, dược từ 13 - 15
Cập
nhật lúc 09:45
Việc Trường ĐH
Kinh doanh Công nghệ tuyển sinh ngành Y vào năm học tới đã khiến dư luận phản
ứng. Điều đáng lo ngại, trước đó đã có hàng loạt trường ĐH ngoài công lập mở
ngành đào tạo thuộc khối Y dược, mức điểm chuẩn đầu vào bằng điểm sàn.
Vào ngành Y chỉ với... 13 điểm
Hiện cả nước có hơn 20 trường ĐH đào tạo
nhân lực ngành này với các chuyên ngành bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ... 35
trường CĐ y, dược đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ... cùng 44 trường
trung cấp và 16 viện, bệnh viện đào tạo sau ĐH.
Trong khi một số trường có điểm đầu vào rất
cao như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Y dược Cần Thơ... thì ở một
số trường ngoài công lập, thí sinh chỉ cần đạt điểm sàn hoặc trên mức sàn
không đáng kể đã có thể theo học ngành y.
Năm học 2013- 2014, Trường ĐH Đại Nam tuyển
sinh Dược sĩ đại học khóa đầu tiên trên cơ sở xét tuyển NV2 với mức điểm khối
A, B từ 15 điểm trở lên. Tương tự, năm học 2015, Trường ĐH Lạc Hồng công bố
điểm chuẩn vào ngành Dược sĩ đại học với mức điểm khối A từ 14 điểm, khối B
từ 15 điểm trở lên.
Ngành dược học Trường ĐH Nam Cần Thơ trong
mùa tuyển sinh trước cũng tuyển ngành Dược học với mức điểm: khối A từ 13
điểm, hệ CĐ tuyển ở mức 10 điểm. Ở Trường ĐH Y tế cộng đồng Thăng Long năm
2015 cũng tuyển ngành Điều dưỡng, y tế công cộng với mức điểm trúng tuyển từ
15- 16 điểm.
Năm 2015, ĐH Tây Đô công bố mức điểm chuẩn
vào ngành Dược học và điều dưỡng là 15 điểm. Cũng trong năm học này, Trường
ĐH Thành Đô cho biết điểm vào ngành dược học khối A chỉ ở mức 13 điểm.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có mức điểm chuẩn
vào ngành Dược học cao hơn (18,75 điểm) nhưng đầu vào ngành Điều dưỡng của
trường chỉ ở mức 15 điểm.
Cử nhân y, dược
Mặc dù nhân lực đào tạo ngành y trong những
năm qua tăng đột biến nhưng trong một cuộc hội thảo mới đây của Bộ GD&ĐT,
đại diện Bộ Y tế cũng thừa nhận: Chất lượng đào tạo nhân lực y tế còn nhiều
bất cập. Sinh viên, học sinh ngành y ra trường chưa có khả năng làm việc độc
lập, chất lượng đầu vào và sản phẩm đào tạo giữa các trường có khoảng cách
khá xa.
Đơn vị này đã bức xúc cho rằng việc mở
ngành quá dễ dàng trong khi một số trường đa ngành, trường ngoài công lập
không đủ điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Minh
Lợi, Cục phó Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, việc đánh giá
chất lượng của sinh viên không thể nói ngay bởi các trường này chỉ mới đào
tạo các nhóm ngành liên quan đến Y dược trong mấy năm gần đây.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào điểm chuẩn có thể
thấy mức chênh lệch rất cao giữa đầu vào nhóm ngành Y dược của trường dân lập
với một số trường công lập có bề dày trong đào tạo Y dược.
Theo ông Lợi, về nguyên lý chất lượng đào
tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng có một yếu tố rất quan trọng đấy là đầu
vào. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào cả quá trình đào tạo và các tiêu chí đảm bảo
chất lượng.
Các cơ sở mới đào tạo này đang chỉ có những
chuẩn bị ban đầu, thậm chí một số nơi còn chưa đầy đủ cũng là vấn đề đáng
bàn. Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Lợi, một số trường trước đây có mời
đại diện của Bộ Y tế đến thẩm định cơ sở vật chất của trường để đào tạo nhóm
ngành y dược nhưng một số trường thì không thực hiện điều này, trong khi đó
là việc vô cùng quan trọng.
Theo PGS. TS Trần Quang Phục- Phó Hiệu
trưởng ĐY Dược Hải Phòng, ở một số nước tiên tiến, để được hành nghề bác sĩ
đa khoa, nhà trường yêu cầu các trường phải đáp ứng cơ sở vật chất hiện đại
hơn chúng ta rất nhiều.
Được biết, ở các nước tiên tiến, để hành
nghề bác sĩ, người học phải qua một chương trình y khoa được kiểm định và
công nhận bởi cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia, phải thi đỗ kỳ thi
cấp chứng chỉ hành nghề. Còn muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa, họ phải học
thêm ít nhất 2 năm tại cơ sở đào tạo chuyên khoa.
“Trong khi đó, các trường dân lập mở ngành
này nhưng chưa rõ lấy cơ sở thực hành ở đâu thì giới chuyên môn chúng tôi rất
lo lắng. Nếu chỉ dạy lý thuyết mà không có cơ sở thực hành đúng quy định, sẽ
chỉ đào tạo ra một thế hệ cử nhân Y dược, khó mà hành nghề bác sĩ”, PGS Phục
cho biết.
Về điều này, GS. TS Lê Quan Nghiệm- Nguyên
Phó Hiệu trưởng, giảng viên ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh cũng tỏ ra băn khoăn,
quan trọng trong quá trình đào tạo ở các trường này có đảm bảo được hay không?
Ông phân tích: “Với mức điểm đầu vào ngành
Y dược quá thấp như trên, các em có thể đạt được nền tảng cơ bản nhưng chắc
chắn sẽ có sự “vênh” rất lớn về chất lượng giữa thế hệ bác sĩ, dược sĩ tốt
nghiệp từ các trường đại học dân lập và các trường công lập danh tiếng chuyên
đào tạo Y bác sĩ.
Ngoài ra, trong quá trình
đào tạo, các trường ngoài công lập này có tuân thủ các quy định hay không?
Tôi chỉ sợ với triết lý kinh doanh phải có lãi của các trường ngoài công lập,
giữa lý thuyết đưa ra ban đầu và thực tiễn đào tạo của họ sẽ rất khác”.
(Theo Dân trí) Quốc Huy
|
Bác sĩ “Kinh -
Công” và trường nông lâm mở khoa… Tú Mỡ!
Cập
nhật lúc 09:11
Nếu trường đại học Kinh doanh & Công nghệ mở được ngành Y thì tại
sao các trường khác như Thương mại hay Nông lâm chẳng hạn, không mở khoa Tản
Đà, Tú Mỡ giống như Đại học Văn hóa có khoa Viết văn mang tên cụ Nguyễn Du
chẳng hạn?
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Gần đây, dư luận xôn xao xung quanh việc
Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ được Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Y tế
đồng ý cho mở ngành Y đa khoa và Dược trình độ đại học. Nhiều ý kiến bày tỏ
không đồng tình, thậm chí có nhà báo còn hài hước gọi đây là trường đào tạo
ra các bác sĩ… “Kinh - Công” (gọi tắt từ Kinh doanh Công nghệ).
Trước hết, về cá nhân, mình luôn ủng hộ sự
dũng cảm của Bộ Giáo dục & Đào tạo suốt thời gian qua. Từ việc bỏ chấm
điểm tiểu học, gộp hai kỳ thi và cả việc tích hợp môn Sử (dù việc tích hợp
này đã bị Quốc hội bác bỏ). Dù chưa thành công như mong đợi, song những nỗ
lực của Bộ trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận.
Song, với việc Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký cho
phép trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ đào tạo ngành y – dược thì
mình thấy có gì đó không ổn.
Lý do không ổn thứ nhất, hiện nay chúng ta
đang có nhiều trường đại học đào tạo lĩnh vực này như Đại học Y Hà Nội, ĐH Y
TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Huế, Cần Thơ… Đó là chưa
kể các trường thuộc lực lượng vũ trang. Nếu cung chưa đáp ứng cầu, hoàn toàn
có thể đầu tư, nâng cấp cho các cơ sở trên.
Thứ hai, đành rằng theo Nghị quyết của Đại
hội VI (1986), đến năm 2010, chúng ta phấn đấu đạt có 40% các trường đại học
ngoài quốc doanh, việc xã hội hóa giáo dục là cần thiết, thậm chí rất cần
thiết (bởi hiện mới đạt chưa đầy 20%) nhưng không vì thế mà xã hội hóa một
cách thiếu thận trọng, thiếu cân nhắc. Bài học để các trường đại học mọc lên
như nấm vẫn còn nguyên giá trị.
Thứ ba, hiện trong hệ thống giáo dục, không
nhiều trường đại học còn giữ được uy tín như các trường thuộc ngành y, đặc
biệt cánh cổng trường Đại học Y Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh là niềm mơ ước của
hàng triệu triệu học sinh các thế hệ.
Việc cho một trường đại học không có nhiều
uy tín “cạnh tranh” với các trường đại học Y danh tiếng hiện nay vừa thiếu
thực tế, vừa… bất công! Đành rằng vẫn còn nhiều điều phải bàn trong khâu đào
tạo nhưng khó có thể “bằng vai phải lứa” giữa một trường đại học tuyển sinh
đầu vào 27 – 28 điểm (9 điểm/môn vẫn… trượt) với trường tuyển sinh dự kiến
đầu vào 20 điểm như lời một lãnh đạo trường này dự kiến.
Cần nói thêm, tại các nước có nền y học
tiên tiến như Mỹ, một bác sỹ phải qua đào tạo từ 7-11 năm, ở Anh là 9-12 năm
tùy chuyên ngành.
Thứ tư, việc cho trường Đại học Kinh doanh
và Công nghệ đào tạo ngành Y sẽ là tiền lệ, trường này mở được, trường kia
cũng mở được từ đó dễ tạo lên sự hỗn loạn, biến hệ thống đại học như “chợ
thập cẩm”, các trường sẽ dần xa rời tôn chỉ mục đích mà thiếu chuyên sâu.
Đây là điều đáng lo ngại bởi nó sẽ ăn sâu
vào một nếp nghĩ, trong khi với trình độ khoa học hiện nay là trình độ của
chuyên sâu. Trong ngành Y, xu hướng bác sĩ đa khoa đang hẹp dần lại, dành cho
chuyên khoa.
Ngay trong những chuyện nhỏ nhặt của đời
sống, ví như chuyện đi ăn phở, những người sành ăn không bảo giờ vào nhà hàng
“cớm bún phở”. Thậm chí, ăn phở bò đến quán chuyên phở bò, ăn phở gà đến quán
chuyên gà. Thời “bách hóa tổng hợp” kiểu “cơm bún phở”, “miến cháo lòng” đã
và đang qua.
Vì thế, lo sợ có sự lẫn lộn ”vàng thau” nên
dư luận đã hài hước đề nghị trong bệnh viện, mỗi bác sĩ cần ghi rõ thuộc
trường nào đào tạo.
Vả lại, nếu trường đại học Kinh doanh &
Công nghệ mở được ngành Y thì tại sao các trường khác như Thương mại hay Nông
lâm chẳng hạn, không mở khoa Tản Đà, Tú Mỡ giống như Đại học Văn hóa có khoa
Viết văn mang tên cụ Nguyễn Du chẳng hạn?
(Theo Dân trí) Nguyễn Hoàng
|
Đà Nẵng: Cấm dân để doanh nghiệp độc quyền “tận
thu”
Cập
nhật lúc 08:43
Lấy lý do tình hình khai thác cát trắng
trái phép tại Khu công nghiệp Hòa Khánh diễn biến phức tạp, công khai giữa
ban ngày và lộng hành có tổ chức, Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng
lập tức chỉ đạo các địa phương ra quân nghiêm cấm toàn dân. Nhưng ngay sau
đó, duy nhất một Cty được cấp phép độc quyền khai thác với lý do… tận thu. Sự
việc có dấu hiệu bất minh, gây bức xúc trong dân.
Tài nguyên bị
“cướp cạn”
Khu vực tây
bắc quận Liên Chiểu, thuộc phường Hòa Khánh Bắc và Hòa Hiệp Nam vốn là những
trảng cát trắng có giá trị cao về nguyên liệu sản xuất thủy tinh. Tuy vậy,
sau khi vùng đất này được xây dựng khu công nghiệp (KCN), việc khai thác theo
quy mô mỏ khoáng sản không còn được cấp phép. Trái lại, hiện tượng doanh
nghiệp, người dân khai thác trộm diễn ra ào ạt, có thời điểm tranh nhau đào
xúc như cướp, tái diễn nhiều năm nay.
Từ đầu năm đến
giữa tháng 4.2015, hiện tượng khai thác cát trái phép tại đây tái diễn phức
tạp. Mà theo ý kiến của ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, việc
khai thác trái phép công khai, có tổ chức, các đối tượng lộng hành, coi
thường pháp luật, có dấu hiệu tham gia, bao che của cán bộ và cá nhân quản lý
tại địa phương. Sự việc ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, hạ tầng kỹ thuật,
mất an ninh trật tự và thất thoát tài nguyên.
Chính vì vậy,
cả Chủ tịch UBND lẫn Thường trực HĐND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo quyết liệt, giao
trách nhiệm giải quyết dứt điểm tình trạng “cướp cạn” tài nguyên này cho đích
danh chủ tịch UBND các quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang và các xã, phường liên
quan. Nhiều trạm, bốt được lập ra, công an, dân phòng bố trí trực 24/24h.
Chủ tịch UBND
quận Liên Chiểu Dương Thành Thị cho biết, việc bố ráp, túc trực để bảo vệ các
mỏ cát đến nay vẫn được duy trì. Thực trạng cướp cát đã vãn hồi. Tuy vậy,
người dân vẫn bức xúc bởi thiếu hụt nguồn cát làm vật liệu xây nhà. Nhiều
người dân đào cát ngay dưới nền nhà mình lên làm vật liệu cũng bị bắt.
Nhu cầu của
dân là thiết thực, song nhiều lần chính quyền địa phương trình Sở TNMT, UBND
thành phố xin cấp mỏ để khai thác, phục vụ cho dân, đến nay vẫn chưa được
giải quyết. Trong khi đó, UBND TP. Đà Nẵng lại cho phép duy nhất Cty TNHH
Biên Giới được độc quyền khai thác.
Bất thường sau
giấy phép tận thu
Cả HĐND, chính
quyền quyết liệt cấm dân, bố trí công an, dân phần túc trực giữ các mỏ cát,
cuối cùng lại cấp phép cho duy nhất Cty Biên Giới được độc quyền khai thác.
Thời gian khai thác kéo dài từ 2.2015- 12.2017. Với trữ lượng trên 350.000m3.
Ngay sau khi
được UBND TP. Đà Nẵng cấp phép, Cty Biên Giới đã đưa thiết bị chuyên dụng vào
khai thác cát. Hiện giá cát trên thị trường khoảng 300.000 đồng/m3, với trữ
lượng 350.000m3, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi hàng chục tỉ đồng.
Bất thường ở
giấy phép khai thác tận thu này là mỏ khoáng sản nguyên liệu, nếu được cấp
phép phải là Cục Khoáng sản (Bộ TNMT), nhưng TP. Đà Nẵng lại lách luật, cấp
phép “tận thu”? Quy định tại Điều 67 Luật Khoáng sản năm 2010 ghi rõ: “Khai
thác tận thu khoáng sản là hoạt động khai thác khoáng sản còn lại ở bãi thải
của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ”. Ở đây, mỏ vẫn còn nguyên sơ.
Mặt khác, cát
trắng tại khu vực KCN Hòa Khánh là loại cắt trắng silic (sử dụng làm thủy
tinh) không thuộc loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (quy
định tại điểm a, khoản 1, Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010) và việc cấp phép
khai thác loại tài nguyên này thuộc thẩm quyền của Bộ TNMT.
Sự bất thường,
trái luật đã rõ, song điều bức xúc nhất của nhiều doanh nghiệp, người dân địa
phương là việc cấp phép khai thác tận thu cho doanh nghiệp duy nhất nói trên
thể hiện sự bất minh, không đúng thẩm quyền và không công bằng với cộng đồng
doanh nghiệp.
(Theo LĐO) THANH HẢI
|
CÓ CHIẾC ÁO MỚI CÓ VỊ THẾ THẦY TU?
Cập nhật lúc 08:29
“Việc phong hàm không phải
lách luật để tăng cấp phó, lãnh đạo” – Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho
hay.
Trao đổi về việc phong chức danh hàm vừa được các ĐB chất
vấn nảy lửa Bộ trưởng Nội vụ tại kỳ họp QH, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh
Tuấncho biết hiện Bộ đang nghiên cứu xây dựng quy chế phong hàm.
Hiện đang có trên 300 trường hợp được phong chức danh hàm
nhưng chưa có văn bản nào quy định, trừ pháp lệnh hàm cấp ngoại giao.
Thứ trưởng Nội vụ khẳng định việc có văn bản quy phạm pháp
luật là cần thiết.
Sự cần thiết như thế nào, thưa ông? Có ý
kiến cho rằng việc phong hàm là một cách lách luật để thêm cấp phó, cấp lãnh
đạo, một hình thức ‘ưu đãi’ cho người làm lâu năm được lên lương?
Việc phong hàm không phải lách luật để tăng cấp phó, lãnh
đạo. Bên cạnh việc đánh giá trình độ năng lực của những người làm việc theo
chế độ chuyên viên, đây cũng là hình thức tôn vinh những người có năng lực,
chuyên môn cao đang rất cần cho các cơ quan làm công tác hoạch định chính
sách vĩ mô, đảm bảo chính sách ban hành đi vào thực tiễn có hiệu quả.
Cũng không nên coi việc phong hàm là một sự ưu đãi mà là
sự ghi nhận, đánh giá đối với những người có năng lực, có cống hiến.
Nói về sự cần thiết thì cần hiểu VN tồn tại 2 chế độlàm
việc công vụ. Một là chế độ thủ trưởng, hai là chế độ chuyên viên. Chế độ thủ
trưởng là người thủ trưởng chịu trách nhiệm toàn diện về các hoạt động của cơ
quan, tổ chức đó.
Còn chế độ chuyên viên thì hoạt động của anh chịu sự điều hành
của ngay cấp cao hơn. Họ là những người có chuyên môn sâu và có vai trò quan
trọng trong tham mưu, hoạch định chính sách và làm việc trực tiếp với lãnh
đạo.
Nhưng khi lãnh đạo làm việc trực tiếp với họ, nếu gọi
chuyên viên lên làm việc thì rất buồn cười.
Tất nhiên theo quy định, họ phải về báo cáo Vụ trưởng
nhưng có những việc cần giải quyết ngay liên quan đến hoạch định chính sách
vĩ mô đòi hỏi có những chuyên gia đầu ngành thì những người này có thể giúp
cho lãnh đạo giải quyết.
Khi làm việc với lãnh đạo họ cần có vị thế nên việc phong
hàm là cần thiết.
Bên cạnh đó, khi chúng ta đang quy định quản lý chặt chẽ
cấp phó thì việc phong hàm là một hình thức để ghi nhận những người có đóng
góp trong quá trình làm việc.
Hoặc những người quá tuổi không bổ nhiệm đượcnhưng lại có
trình độ chuyên môn cao, vẫn làm việc tốt thì mình phải có sự quan tâm, ghi
nhận quá trình cống hiến của họ để giữ chân họ.
Làm sai sẽ có chế tài
Làm thế nào để tránh lạm dụng chức danh này
dù thực tiễn có một bộ phận những cán bộ có năng lực cần được ghi nhận, đánh
giá theo cách ông lý giải, như kiểu tránh bị đàm tiếu cán bộ cuối nhiệm kỳ,
gần hết tuổi ‘chạy’ chức hàm để về hưu cho oai?
Trong quy chế Bộ đang xây dựng không những quy định về
tiêu chuẩn, điều kiện để phong hàm mà còn có quy định các chế tài, chế định
rất cụ thể.
Ông nào làm sai phải bị xử lý kỷ luật và quy định cả chính
sách đãi ngộ đối với người được phong hàm. Vì đấy là những người giỏi, có
trình độ năng lực.
Để tránh lạm dụng, làm sai trong phong hàm thì quy định về
tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền và trách nhiệm của những cơ quan được phong
hay bổ nhiệm hàm phải rõ ràng, chặt chẽ.
Chậm nhất đầu năm 2016 chúng tôi sẽ trình Chính phủvăn bản
này.
Vừa qua ở trung ương áp dụng việc phong hàm,
địa phương có nên sử dụng hình thức ghi nhận năng lực bằng phong hàm không?
Ở những nơi nào làm việc theo chế độ chuyên viên thì theo
tôi nên có chức danh hàm. Còn nếu làm việc đơn thuần theo chế độ thủ trưởng
thì không.
Ở sở hay ủy ban hay trung ương, cứ ở đâu trong quy định
pháp luật có chức năng nhiệm vụ theo chế độ chuyên viên thì nơi đó nên nghiên
cứu việc phong hàm.
(Theo VietNamNet) Thu Hằng
|
Nhiều chính
sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2015
Cập nhật lúc 08:25
Hàng loạt chính sách, quy
định mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ có hiệu lực từ tháng 12 tới...
Học phí đối với các chương trình giáo dục
đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 - 2016 từ
60.000 - 300.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực thành thị.
Doanh nghiệp
Nhà nước không được góp vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm; cơ chế
giám sát tài chính đặc biệt doanh nghiệp nhà nước; sửa quy định về quản lý
biên chế công chức; quy định mới về cơ chế thu học phí…. là những chính sách,
quy định mới có hiệu lực từ tháng 12/2015.
“Cấm cửa” doanh nghiệp nhà nước mảng nhạy cảm Theo Nghị định số 91/2015 ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/12/2015, doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo nghị định, doanh nghiệp Nhà nước có quyền dùng vốn của mình để đầu tư, kinh doanh ra bên ngoài, trong đó bao gồm cả đầu tư ra nước ngoài, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành của Chính phủ, trong đó có những “vùng cấm” nói trên. Trường hợp doanh nghiệp Nhà nước đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực trên mà không được Thủ tướng cho phép, phải tiến hành cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư theo quy định. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đã đầu tư, mọi biến động về tăng, giảm vốn phải được báo lại. Giám sát tài chính đặc biệt doanh nghiệp nhà nước Có hiệu lực từ 1/12/2015, Nghị định số 87/2015 ngày 6/10/2015 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước quy định doanh nghiệp Nhà nước có thể sẽ bị giám sát tài chính đặc biệt khi có dấu hiệu mất an toàn tài chính: - Đối với doanh nghiệp đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. - Đối với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh trong năm báo cáo từ 30% vốn đầu tư của chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu; có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của cơ quan đại diện chủ sở hữu (nếu có); có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5. Quy định mới về gia hạn hộ chiếu Theo Nghị định 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007 ngày 17/8/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực từ 1/12/2015, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị dưới 1 năm (tại Nghị định 65/2012 là 6 tháng) thì được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm;khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới. Hộ chiếu phổ thông có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Hộ chiếu phổ thông còn hạn thì được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới. Học phí tính theo quy định mới Theo Nghị định số 86/2015 ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 có hiệu lực từ 1/12/2015, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 - 2016 từ 60.000 - 300.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực thành thị; từ 30.000 - 120.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực nông thôn và từ 8.000 - 60.000 đồng/tháng/học sinh đối với miền núi. Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo. Siết chặt việc quản lý phí bảo trì chung cư Nghị định 99/2015 ngày 20/10/2015, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, trong đó quy định trường hợp quá thời hạn quy định mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này cho chủ đầu tư, Ban quản trị và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản. Cũng liên quan đến nhà ở, Nghị định 100/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, quy định trường hợp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Hai trường hợp nhà nước đầu tư xây lại chung cư cũ Theo Nghị định 101/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, Nhà nước thực hiện đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đối với 2 trường hợp: - Nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại mà hết thời hạn quy định, nhưng các chủ sở hữu không lựa chọn được doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để thực hiện phá dỡ, xây dựng lại thì Nhà nước thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ để trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đó bằng nguồn vốn quy định tại Khoản 3 Điều 36 của Luật Nhà ở. - Nhà nước thực hiện hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) với nhà đầu tư đảm nhận việc xây dựng lại nhà chung cư cũ trên diện tích đất cũ hoặc tại vị trí khác để phục vụ nhu cầu tái định cư cho các chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại. Quản lý chặt giá dịch vụ phi hàng không Có hiệu lực từ ngày 12/12/2015, Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay quy định việc cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không phải đảm bảo giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu dịch vụ. Cục Hàng không Việt Nam sẽ giám sát việc tổ chức cung cấp dịch vụ phi hàng không; kiểm tra yếu tố hình thành giá, trường hợp cần thiết quy định giá hoặc khung giá... Sửa đổi quy định về quản lý biên chế công chức Có hiệu lực từ ngày 15/12/2015, Nghị định số 110/2015/NĐ-CP ngày 29/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức. Trong đó, Nghị định 110/2015 điều chỉnh một số quy định về trách nhiệm quản lý biên chế công chức. Ngoài ra, một số quy định mới về cơ chế cho khu chế xuất, quản lý lãnh đạo tại doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; quản lý người đại diện tại doanh nghiệp nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ; điều kiện nâng lương sĩ quan công an trước khi nghỉ hưu; quy định rõ thẩm quyền Cảnh sát môi trường; chính sách đối với dân công hỏa tuyến…cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2015.
(Theo
VnEconomy) Ngô Trang
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)